LTCGVN (25.10.2012)
Khi những người cộng sản nhận lỗi, khi đó đất nước và dân tộc đã đi qua một thảm họa và đang ở trong trạng thái kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất.
Khi những người cộng sản nhận lỗi là khi cả đất nước phải chuẩn bị gồng mình, nghiến răng đau đớn để khắc phục những sai lầm của họ gây ra.
Khi những người cộng sản nhận lỗi, cũng là khi mà đất nước, dân tộc chuẩn bị cho những cuộc phiêu lưu mới và sẵn sàng để chấp nhận những sai lầm mới của họ.
Có lẽ chưa bao giờ, người dân Việt Nam thấy những người cộng sản đưa ra lời nhận lỗi và xin lỗi nhiều đến thế. Mới đây, ông Tổng Bí thư đảng đã “nghẹn ngào” “nhận lỗi trước toàn đảng, toàn dân” trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị Trung ương, một Hội nghị được chú ý bởi những lời đồn đoán về những mâu thuẫn nội bộ của đảng đến hồi gay cấn. Sở dĩ như vậy, bởi nạn tham nhũng và bè phái, nhóm lợi ích đã đến mức báo động mà như lời ông TBT thì “đe dọa đến sự sống còn của đảng và chế độ”.
Thế rồi, sau đó mấy ngày, lại ông Thủ tướng lên trước Quốc hội, rằng thì là “tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành” đã “gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.
Sám hối?
Có vẻ như có một cuộc sám hối vĩ đại nào đó của người cộng sản trong giai đoạn hiện nay?
Báo chí Việt Nam im thin thít những ngày đảng họp nội bộ, không một tin tức, không một thông báo nào đến người dân để người dân hiểu cái tổ chức đầy tớ của dân do dân này đang bàn bạc hoặc có mưu toan gì với nhau để phục vụ nhân dân sau đó. Nhưng, chỉ chờ có những lời thông báo kia, thì lập tức đua nhau tung hứng, ca ngợi dư luận nhân dân đồng tình với Hội nghị… Một số người được quay phim đưa lên Tivi hể hả sung sướng, kể cả ông nghị được nhiều người coi là có hiểu biết và kinh nghiệm nhiều với nhà nước, chế độ này như ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng như vậy là “làm an lòng dân”.
Những lời nhận lỗi kia, được báo chí tung hê và nhiều tờ báo của đảng đã ra sức tung hứng bao nhiêu, thì các trang mạng, blog của người dân thể hiện thái độ rõ ràng của mình bấy nhiêu. Các trang mạng xã hội như facebook, trên các blog tràn ngập những hình ảnh, lời lẽ châm biếm và hài hước về hiện tượng này. Người dân khó tin một sự đổi mới, một sự chuyển mình của những người cộng sản qua những lời nhận lỗi kia. Trái lại, người dân chỉ thấy rõ hơn những rạn nứt, những mâu thuẫn vốn luôn tồn tại và không có khả năng vá lỗi ngay trong chính hệ thống chính trị hiện nay nếu không có những thay đổi cần thiết. Những tờ báo đảng, báo nhà nước có đưa lên những thông tin “trung thực, chính xác” như họ đã nói không? Hãy nhìn thì biết. Vẫn chỉ là những lời ru ngủ, tự sướng và vá víu che đậy sự thật.
Tôi đã nhận lỗi đấy, được chưa?
Thông thường, trong cuộc sống bất cứ con người và tổ chức nào sinh ra đều không tránh khỏi những sai lầm, điều đó không ai có thể phủ nhận. Song, một tổ chức nào được sinh ra, đều có những đường hướng và tiêu chí rõ ràng. Việc nhìn nhận, đánh giá sau từng chặng đường, từng quá trình là cần thiết để rút ra bài học cho cá nhân và tổ chức mình phát triển đúng đường hướng đã vạch ra.
Với đảng cộng sản, riêng đường hướng đã là một điều cần bàn bởi muôn vàn những thứ do chính nó đặt ra và buộc người dân chấp nhận. Ngay cả định hướng “Đi lên CNXH” vẫn là một ẩn số, mù mờ về nhận thức, bí bách về lý luận, hoang tưởng trong thực tế về một mô hình, một đich đến cho cả một dân tộc. Chưa có ai, kể cả TBT đảng Cộng sản biết được mặt ngang, mũi dọc cái CNXH nó ra sao, đầu dai hay đuôi ngắn… tất cả đang là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đầy lãng mạn. Nhưng, đảng cộng sản vẫn tự hào và luôn nhét vào miệng nhân dân rằng đó là con đường do đảng , bác đã chọn và nhân dân nhất trí, đồng tình?
Với cách nhận thức như vậy, cộng với sự kiêu ngạo cộng sản, luôn khẳng định mình là đỉnh cao trí tuệ nhân loại, là lương tâm thời đại, là khoa học nhất trong mọi khoa học, họ đã thần thánh hóa một tổ chức của con người. Chính sự thần thánh hóa đó đã tự họ ngăn cản sự sám hối, nhận lỗi và sửa chữa những sai lầm. Cũng chính vì vậy, sự sám hối và thừa nhận yếu kém của mình là việc vô cùng hiếm hoi đối với người cộng sản.
Biết bao vụ án oan sai, bao những tội ác của chính quan chức nhà nước, những người cộng sản đã gây ra cho nhân dân chưa được sửa chữa và chưa nhận được một lời xin lỗi chính đáng. Thậm chí gần đây đã có hẳn một luật lệ, nghị quyết về việc xin lỗi, sửa chữa, đền bù khi người dân bị oan sai do chính các cán bộ, cơ quan nhà nước gây ra. Tất nhiên, các cán bộ của đảng có thể gây oan sai, nhưng đền bù tiền bạc cho họ thì vẫn là nhân dân chịu. Thế nhưng để thực hiện điều đó là việc vô cùng khó khăn đối với người cộng sản.
Vì vậy, mỗi lần người cộng sản đứng ra nhận sai lầm, là mỗi lần dân tộc đã phải trả giá hết sức đau đớn.
Chiếc khăn mù soa châm chấm khóe mắt ông Hồ Chí Minh sau Cải cách ruộng đất không biết có bị ẩm đi không, không ai rõ. Nhưng điều chắc chắn là hàng trăm ngàn người chịu hậu quả của chính sách đó thì đã làm tan hoang nông thôn Việt Nam, phá vỡ truyền thông văn hóa làng xã ngàn đời của dân tộc đã hun đúc và xây dựng. Để rồi sau đó, lại báo chí và tuyên truyền cho rằng Đảng đã nhìn nhận sai lầm và sửa chữa thì “sức mạnh của đảng được nâng lên”.
Sức mạnh của đảng được nâng lên thì đã rõ, có điều sức mạnh dân tộc và đất nước có được nâng lên hay không lại là vấn đề khác. Bởi sau những sai lầm của Cải cách ruộng đất được xin lỗi và nhận lỗi, sức mạnh của đảng được nâng lên, thì sẽ có tiếp Cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh, sẽ là đánh tư sản mại bản. Cũng như việc ông Thủ tướng sau việc nhận lỗi về vụ Vinashin, thì liên tiếp sẽ có các vụ Vinalines, sẽ là các tập đoàn nhà nuớc nợ chồng chất và kinh tế đất nước đứng bên bờ vực. Điều đó ai cũng thấy và điều ai cũng thấy nữa là con cái ông, từ gái đến trai đề bước vào những vị trí mà cả đời con cái của giai cấp bần nông, công nhân tiên phong có mơ cũng chẳng bao giờ bén mảng tới.
Việc ông TBT, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hay ông Thủ tướng nhận lỗi… vốn đã là chuyện hiếm, do vậy việc sửa lỗi sẽ càng hiếm hoi hơn là chuyện bình thường.
Xem qua cung cách nhận lỗi trước nhân dân lần này, thì cái “nghẹn ngào’ của ông TBT chưa thể so sánh được với chiếc khăn mùi soa chấm mắt của ông Hồ Chí Minh năm nào. Cũng căn cứ nụ cười rạng rỡ bí ẩn của ông Thủ tướng ngay trước khi ra nhận lỗi, người ta có cơ sở để nghi ngờ độ thành thực của lời nhận lỗi trên đây.
Trong giáo lý Công giáo, việc sám hối, nhìn nhận lỗi là điều thường xuyên phải làm. Nhưng, việc nhận lỗi hoàn toàn không phải là lời nhận lỗi suông kiểu trịch thượng “tôi nhận lỗi đấy được chưa”? Mà ở đó, việc sửa lỗi quan trọng hơn nhiều. Để có thể nhận lỗi của mình, ngoài việc xét mình thật kỹ căn cứ các điều luật đối với con người (kiểm điểm), mỗi cá nhân phải sám hối, ăn năn thật rõ ràng, có thái độ dứt khoát với tội lỗi. Sau đó, xưng thú tội mình ra để nghe lời xá giải, khuyên bảo và cuối cùng là việc đền tội. Hoàn toàn việc nhận lỗi không phải theo cung cách “Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai“. Tiếc rằng đây là những người cộng sản vô thần.
Khi những người cộng sản nhận lỗi, khi đó đất nước và dân tộc đã đi qua một thảm họa và đang ở trong trạng thái kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất.
Khi những người cộng sản nhận lỗi là khi cả đất nước phải chuẩn bị gồng mình, nghiến răng đau đớn để khắc phục những sai lầm của họ gây ra.
Khi những người cộng sản nhận lỗi, cũng là khi mà đất nước, dân tộc chuẩn bị cho những cuộc phiêu lưu mới và sẵn sàng để chấp nhận những sai lầm mới của họ.
Hà Nội, 24/10/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét