Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

RFA: Người Việt hải ngoại kêu gọi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang

LTCGVN (31.10.2012)


Thông tin từ cơ quan chức năng Việt Nam cho biết hôm nay, 30 tháng 10, sẽ diễn ra phiên xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình về tội danh tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Source danlambao
Anh Võ Minh Trí, người được biết đến với tên gọi Việt Khang
Một số người Việt ở hải ngoại lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội phải trả tự do cho hai nhạc sĩ đó. Cơ sở cho kêu gọi đó là gì?

Nhạc yêu nước

Nhiều người Việt trong và ngoài nước đều từng có dịp được nghe hai bài hát ‘Việt Nam Tôi đâu?’ và ‘Anh là ai?’ của nhạc sĩ Việt Khang. Hai bài hát là hai câu hỏi của một một người dân trước bao cảnh đời trong một đất nước đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm mà không được tự do bày tỏ.
Đối với Trần Vũ Anh Bình thì trước khi bị bắt, anh cũng là một người dân bình thường với những sinh hoạt cộng đồng, công tác xã hội theo niềm tin tôn giáo của bản thân. Anh có một số tác phẩm được những ca sĩ như Đan Trường, Đinh Tiến Đạt… hát.
Như một lẽ tự nhiên, sau khi hai nhân vật Việt Khang và Trần Vũ  Anh Bình bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ và thông tin công khai về họ rất ít trên báo chí trong nước, nhiều người tìm hiểu về nhạc cũng như sinh hoạt bản thân của họ.
Từ Hoa Kỳ, nhạc sĩ Trúc Hồ, một đồng nghiệp của cả hai người bị bắt, đưa ra nhận xét về hai bản nhạc của Việt Khang như sau:

Bài nhạc của anh Việt Khang đã đánh động lương tâm cho tất cả những người Việt Nam ở trên toàn thế giới: nhìn lại về Việt Nam, những gì đang xảy ra tại Việt Nam.
Nhạc sĩ Trúc Hồ
“Trước hết đây là một bài nhạc hiếm, quý nói về phương diện âm nhạc cũng như lời nhạc. Đây là một bài nhạc hay tuyệt vời: nhạc và lời đều hay. Như thế hiếm vì lâu lâu mới có một bài nhạc hay như vậy. Giọng anh Việt Khang hát cũng hay. Đó là một tác phẩm ‘để đời’.”
Nhạc sĩ Trúc Hồ còn nói lên tác dụng của hai bài hát mà nhạc sĩ Việt Khang sáng tác:
“Từ đầu chúng ta được biết anh bị bắt ‘lén’, ‘âm thầm’ vì đã viết hai ca khúc đó. Lời và ‘hồn’ nhạc của hai ca khúc đó xuất phát từ con tim của một con người, một người dân sống trong đất nước của họ, nhìn được và cảm được. Nhiều người thấy nhưng không cảm được, mà anh Việt Khang cảm được. Anh viết lên sự thật: hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng, sự đàn áp dã man của công an đối với những người đi biểu tình chống Trung Cộng. Đó là một điều đau lòng ở Việt Nam: những người yêu nước, nói lên sự thật thì bị ở tù.
Bài nhạc của anh Việt Khang đã đánh động lương tâm cho tất cả những người Việt Nam ở trên toàn thế giới: nhìn lại về Việt Nam, những gì đang xảy ra tại Việt Nam.”

Quyền con người

Trước ngày dự kiến diễn ra phiên xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, một số bạn trẻ thuộc tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước Hải ngoại cũng lên tiếng về trường hợp của hai người đồng trang lứa của họ trong nước sẽ bị xét xử. Theo nhận định của những người trong tổ chức Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại thì nếu căn cứ vào những chuẩn mực nhân quyền phổ quát thì hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình không có tội như phát biểu của anh Hoài Vũ:

Nếu họ xử mạnh nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình… thì chúng ta càng mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn với ‘triệu con tim, một tiếng nói’.
Nhạc sĩ Trúc Hồ
“Đối với chúng tôi yêu nước không có tội; nhưng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì lại là có tội do đó họ bắt hầu hết những người đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền trong nước.”
Tất cả những người đó Những người trẻ gốc Việt tại hải ngoại như anh Hoài Vũ cho rằng họ không thể hiểu được những hành xử của các cơ quan chức năng Việt Nam đối với người dân của họ:
“Tuổi trẻ trong nước tiến hành những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa thì họ bị nhà cầm quyền đưa công an thậm chí cả quân đội đến đàn áp, bắt bớ, đánh đập rất rõ ràng. Một số người chỉ vì lòng yêu nước như luật sư Đài, hay những người viết bài nói ‘Hoàng Sa, Trường Sa’ của Việt Nam hay nói lên sự đàn áp của công an đối với tuổi trẻ yêu nước… bằng cách đe dọa đổi ra khỏi trường, gây khó khăn cho gia đình của họ…”
Đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam Theo nhạc sĩ Trúc Hồ thì Việt Nam là một quốc gia ký kết Công ước Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị nên cần phải tôn trong những công ước đã ký kết:
“Chúng ta chỉ yêu cầu nước Việt Nam phải thực hiện những gì đã ký vì họ là một thành viên của Liên hiệp quốc. Mà không nói về luật, về tình thì không nước nào trên thế giới lại lên án, bắt bớ người yêu nước cả.”
Tuy nhiên qua kinh nghiệm của những vụ xử án vừa rồi như đối với các blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Sự Thật & Công Lý Tạ Phong Tần. Anh Ba SG Phan Thanh Hải, những người theo dõi phiên xử đối với hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đều cho rằng tòa án sẽ tuyên án chứ không bao giờ cho rằng hai người vô tội. Nhạc sĩ Trúc Hồ có nhận định về cách hành xử như thế:
“Thật sự chẳng có phiên tòa, chẳng có xử gì hết. Đó là một ngày để tuyên án, kết tội những người yêu nước. Họ phải làm mạnh vì họ đang sợ phong trào của quần chúng, những người đang nổi dậy, những người biết thế nào là là chính nghĩa, thế nào là tà, thế nào là tình yêu, thế nào là hận thù, bóng tôi-ánh sáng. Tuổi trẻ không còn sợ nữa mà đứng lên như trường hợp em Nguyễn Phương Uyên.
Không có gì ngạc nhiên khi nhà cầm quyền cộng sản mang anh Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, cũng như nhiều người khác ra tuyên án, bắt giam tù.
Chúng ta hãnh diện vì có những anh như anh Việt Khang, chị Tạ Phong Tần, Phương Uyên… và nhiều người nữa đang đấu tranh cho công bằng, công lý.
Nếu họ xử mạnh nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình… thì chúng ta càng mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn với ‘triệu con tim, một tiếng nói’.”
Theo nhạc sĩ Trúc Hồ cũng như một số bạn trẻ gốc Việt tại hải ngoại thì họ tiếp tục công tác lên tiếng với thế giới về tình hình thực tế tại Việt Nam trong hành xử của nhà cầm quyền đối với người yêu nước. Mục tiêu cuối cùng là để sự thật được sáng tỏ và người dân trong nước được hưởng những quyền con người căn bản như tất cả mọi người khác trên toàn thế giới.
Xin được nhắc lại nhạc sĩ Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình tên thật là Hoàng Nhật Thông sinh năm 1975. Cả hai bị bắt hồi cuối năm ngoái.
 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét