Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Thánh Giê-ra-đô và người nghèo



Sài Gòn - Bài 1: Is 58, 6-11 ĐcTv 111, 1-2; 3-4;  5-6; 7-8; 9 Bài 2: Pl 2, 5-8 Tin MừngMt 5, 1-12a
Hôm nay ngày thứ hai trong tam nhật mừng kính thánh Giê-ra-đô, ta suy gẫm đề tài: Thánh Giê-ra-đô và người nghèo.
Ánh sáng Lời Chúa và tiểu sử của thánh Giê-ra-đô gợi cho ta thấy trước khi phục vụ người nghèo thánh nhân đã sống nghèo như gương nghèo khó của Đức Giê-su.

I. ĐỨC GIÊ-SU GƯƠNG NGHÈO KHÓ
Khi nói đến người nghèo ta nhận ra ngay một người nghèo hơn hết mọi người nghèo chính là người mang tên Giê-su:
Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2, 6-8)

Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó và gần gũi với thân phận con người trong đó có một người mang tên Giê-ra-đô. Ngày nọ, Giê-ra-đô thấy Chúa Giê-su từ nhà tạm đi ra và nói với Giê-ra-đô: “Giê-ra-đô là một tên điên!”. Không chịu thua, Giê-ra-đô trả lời: “Lạy Chúa! Chúa còn điên hơn con nhiều”.
Câu trả lời táo bạo nhưng chất chứa sự thân tình. Thân tình như hai người bạn nói chuyện với nhau. Quả thật, suốt đời, thánh Giê-ra-đô đã hằng chiêm ngắm Chúa Giê-su và chọn Chúa làm khuôn mẫu cho đời mình. Có thể nói như thánh Phao-lô: Giê-ra-đô sống nhưng phải là Giê-ra-đô sống mà là Chúa sống trong Giê-ra-đô.

Từ thuở ấu thơ, trẻ Giê-ra-đô đã có biểu hiện thuộc trọn về Chúa thể hiện qua những lần cầu nguyện thật sốt sắng trước bàn thờ Chúa, những trò chơi đạo đức như rước thánh giá Chúa, những lúc cắt nghĩa chuyện đạo đức cho các bạn cùng trang lứa… Có những lần Chúa Giê-su Hài Đồng đã rời tay Đức Mẹ đích thân xuống vui đùa với Giê-ra-đô. Trước khi chia tay, Chúa Hài Đồng còn trao cho trẻ Giê-ra-đô bách trắng thơm ngon; mẹ gặng hỏi mãi Giê-ra-đô mới  thổ lộ đó là bánh do Bé Thánh cho.
Thời niên thiếu, Giê-ra-đô chỉ có một ước ao sống được đời tu trì để được thuộc trọn về Chúa Giê-su mãi mãi nhưng mộng không thành. Với Giê-ra-đô đi tu có nghĩa là đi làm thánh! Đi tìm sự thánh thiện chỉ có nơi Thiên Chúa, thể hiện qua ước ao nên một với  Chúa Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá…..Vì thế, khi vào dòng Chúa Cứu Thế, thầy Giê-ra-đô dốc lòng:
 “Tôi sẽ cố gắng giữ cho chu đáo hết mọi điều luật dạy trung thành và tiến tới trong điều lành. Tôi sẽ cố gắng yêu chuộng sự thinh lặng, sự kiên trì và nhất là lòng kết hợp với Thiên Chúa”.
Quả thật, suốt đời tu trì, Giê-ra-đô luôn luôn ước ao được mang nơi mình hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Cuộc đời thầy sáng ngời một đức tin mạnh mẽ tuyệt vời, sống động cùng với lòng mến yêu Thiên Chúa mãnh liệt: hết lòng, hết sức lực, hết trí khôn. Lòng mến đó đã được thể hiện qua lối sống khiêm nhường cụ thể diễn ra hằng ngày trong đời thầy Giê-ra-đô như bức họa lại của Tám Mối Phúc

II. GIÊ-RA-ĐÔ SỐNG NGHÈO
Trẻ Giê-ra-đô sinh ngày 23-04-1726  từ một gia đình nghèo nàn ngụ ở phố núi Mu-rô miền Nam nước Ý. Bản thân Giê-ra-đô là một người nghèo đã từng phải sống kiếp làm thuê ở đợ để nuôi sống gia đình. Đọc hạnh thánh Giê-ra-đô ta tưởng chừng như đi vào thế giới huyền bí của các thánh tu rừng hay làm phép lạ thời Giáo Hội sơ khai.
1. Tâm hồn Giê-ra-đô thật nghèo khó: Giê-ra-đô đã hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa thưa với Người: “Điều dốc lòng số một của con là hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Vì thế con sẽ luôn nêu ra trước mắt ba chữ: điếc, mù và câm”.
Chính khi hiến toàn thân cho Thiên Chúa, Giê-ra-đô sẽ nhận được quyền năng vô biên của Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Cha Tannoia kể:
Ma quỉ căm ghét Giê-ra-đô. Nhiều đêm, ma quỉ hành hạ thầy Giê-ra-đô. Chúng lôi thầy ra hiên nhà, lôi kéo thầy khắp  nhà, xô thầy vào lửa, bóp cổ thầy  nghẹt thở,  hù dọa đủ thứ ghê rợn…Trên đường đi mục vụ thầy cũng đã từng gặp quỉ dữ hiện hình quấy phá… Những lúc ấy, Giê-ra-đô không cậy dựa vào sức mình mà chỉ cậy dựa vào quyền năng củ Thiên Chúa và Đức Mẹ. Một lời nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhân danh Chúa Giê-su và Đức Mẹ cũng đủ làm cho quỉ dữ phải bỏ chạt tán loạn.
2. Giê-ra-đô thật hiền lành khiêm tốn: Giê-ra-đô luôn gìn giữ sự yên lặng, giữ đức nhịn nhục và kết hợp với Thiên Chúa. Khi bị người đời hành hung đánh đập, Giê-ra-đô sẵn sàng chấp nhận sự hành hạ do người khác gây cho mình và luôn miệng cám ơn, cầu nguyện, xin ơn tha thứ cho họ.
3. Giê-ra-đô luôn sầu khổ sám hối: Trong cuộc sống hằng ngày, Giê-ra-đô luôn chịu đựng những đau khổ những thiệt thòi, đồng thời luôn hãm mình nghiêm nhặt như: đánh mình chảy máu, đeo xiềng sắt có mấu nhọn quấn vào lưng vào đùi vào tay, ăn những thức ăn đầy vị đắng… Khi bị vu oan, Giê-ra-đô không oán thán, không biện hộ…Trái lại thầy luôn khiêm tốn nhìn nhận  thân phận tội lỗi và xin ơn hoán cải.
4. Giê-ra-đô luôn khát khao sự công chính thánh thiện với tâm nguyện:
Lạy Chúa ! Trong hết mọi cơn cám dỗ, mọi sự đau khổ con sẽ luôn luôn nói: xin vâng theo thánh ý Chúa. Con không quen với những tiếng tôi muốn hay tôi không muốn. Vì con chỉ mong đẹp lòng Chúa chứ không hề lo cho đẹp ý riêng mình.”
Giê-ra-đô tâm niệm người hạnh phúc là người chỉ muốn biết điều Chúa muốn. Bởi thế, Giê-ra-đô luôn tìm thánh ý Chúa qua sự vâng phục bề trên mà không cần đắn đo cân nhắc.
Chuyện kể rằng, vì nhận thấy việc làm của Giê-ra-đô thường kèm theo phép lạ, e ngại Giê-ra-đô sinh lòng kiêu ngạo, cha bề trên ra lệnh truyền cấm Giê-ra-đô giúp đỡ người khác. Giê-ra-đô liền vâng lời. Khổ nỗi, một hôm trên đường đi, trông thấy một anh thợ xây rớt từ trên cao xuống, thầy muốn giúp anh ta nhưng không dám vì sợ vi phạm lệnh truyền của cha bề trên. Tình huống nguy cấp, thầy bèn hô to xin anh thợ xây dừng lại trên không trung để thầy về nhà xin cha bề trên cho phép cứu giúp anh. Được phép của cha bề trên, thầy đã ra hiện trường tiếp tục giúp anh thợ xây thoát chết.
5. Giê-ra-đô thăng tiến trên đường nhân đức với tâm hồn trong sạch: Ngày 02-07-1752, thầy Giê-ra-đô được chấp nhận cho tuyên lời khấn dòng. Ngoài ba lời khấn khiết tịnh khó nghèo và vâng phục, thầy còn khấn thêm: “luôn luôn tiến tới trong đường nhân đức”. Thầy đã thể hiện lời khấn này đến bậc anh hùng đến độ cha Alfani phải nhận định: “Giê-ra-đô được nắn đúc không phải bằng bùn đất nhưng bằng Thần Khí trinh trong và vô tội của Thiên Chúa”.
Thiên Chúa đã ban cho thánh Giê-ra-đô ơn hiểu biết mầu nhiệm. Ơn ấy thể hiện rõ nét nơi đời sống khó nghèo của thánh nhân đồng thời tỏa hương thơm nhân đức qua việc  thánh nhân phục vụ người nghèo.
Cha JB. Nguyễn Minh Phương chia sẻ Lời Chúa

III. GIÊ-RA-ĐÔ PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO
Đức Giê-su nghèo khó đã chiếm trọn và điều khiển cuộc đời của Giê-ra-đô. Càng gần với Thiên Chúa, Giê-ra-đô càng nhiệt thành yêu mến người nghèo khó hình ảnh của Chúa.
1. Giê-ra- đô xót thương mọi người: Những ai có dịp tiếp xúc với Giê-ra-đô đều nhận được sự trợ giúp của thầy. Họ là người hành khất bên vệ đường, những bệnh nhân nan y vô phương cứu chữa, người nghèo đói đến gõ cửa tu viện xin chút cơm bánh, người nông dân vất vả trên ruộng đồng, người thủy thủ lênh đênh trên biển cả, người thợ xây lao nhọc trên công trình, những tay giang hồ đầu trộm đuôi cướp, kẻ khô khan nguội lạnh lâu ngày không xưng tội … Ai ai cũng nhận được lòng thương xót của thầy Giê-ra-đô.  Nơi đâu thầy Giê-ra-đô ghi dấu thánh giá, nơi ấy quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện. Ngoài những kẻ nghèo khó quê mùa ít học, nhiều tu viện, giáo phận, giáo xứ… cũng muốn nghe giáo lý do thầy trình bày… Tiếng lành đồn xa, đức giám mục, những trí thức, những nhà giàu sang quí phái cũng muốn gặp gỡ thầy để tiếp xúc hay nhận lời chỉ dạy thánh thiện… Ngay cả những linh hồn nơi luyện ngục cũng nhận được sự trợ giúp do lời cầu nguyện của Giê-ra-đô… Và ngày nay, rất nhiều bà mẹ mang thai và thai nhi được gìn giữ an bình được mẹ tròn con vuông, rất nhiều bệnh nhân được ơn chữa lành … nhờ lời chuyển cầu của thánh Giê-ra-đô.
2. Giê-ra-đô luôn mang nơi mình tâm hồn hòa bình: Thuở ấu thơ khi gặp các bạn đồng trang lứa tỏ dấu ngổ ngáo, trẻ Giê-ra-đô đã sốt sắng dùng những lời đơn sơ khuyên nhủ bạn bè. Thời niên thiếu, khi đi làm thuê ở đợ, Giê-ra-đô luôn gặp sự ngược đãi ở phía những người chủ nhưng anh vẫn một mực nói tốt cho chủ nhân. Ở tuổi thanh niên, khi bị những kẻ quá khích hành hung, Giê-ra-đô chấp nhận với ý hướng đón nhận sự đau khổ sỉ nhục để đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình.  Khi là tu sĩ, đời sống cộng đoàn có lúc khiến thầy đau lòng nhưng thầy vẫn một mực trông cậy vào lòng Chúa thương xót, chấp nhận thiệt thòi phần mình để giữ gìn hòa khí cho cộng đoàn. Lúc bị vu khống, thầy vẫn cứ bình tâm đón nhận không một lời bào chữa. Gặp những người cứng lòng, thầy kiên nhẫn thuyết phục. Thầy những khát khao cho nhiều người có tội ăn năn trở lại:
“Lạy Chúa!Ước gì con làm được cho nhiều người có tội ăn năn trở lại: nhiều bằng số hạt cát dưới biển, bằng số lá cây trên rùng núi, bằng số cỏ hoang đồng nội, bằng số bụi trần trong không khí, bằng số ngôi sao trên bầu trời và bằng ánh nắng mặt trời.”
3. Giê-ra-đô đã chịu bách hại vì danh Thiên Chúa. Khi gặp những dịp chịu đau khổ vì danh Chúa, Giê-ra-đô luôn tỏ ra vui mừng. Lòng nhân hậu của thầy đã hoán cải nhiều tâm hồn.
Thời niên thiếu, năm 16 tuổi, lúc đi làm thuê, Giê-ra-đô thường bị ông chủ mắng nhiếc đánh đập. Những lúc ấy, anh đã gắng chịu đựng và cảm hóa ông chủ bằng sự nhẫn nhục. Khi bị đánh đau quá anh chỉ thốt ra lời: “Vì tình mến Chúa tôi tha lỗi cho ông”.
Khi sống đời tu, thầy Giê-ra-đô đã có lần bị đánh tàn bạo vì mang danh tu sĩ.
Ngày nọ, trên đường về tu viện, do thói quen mải mê cầu nguyện, thầy Giê-ra-đô lạc vào khu rừng cấm của đức ông Bô-vi-nô từ lúc nào không hay biết. Bỗng chốc, người giữ vườn do ghét thầy tu nên đã dùng báng súng đánh thầy Giê-ra-đô đến trọng thương. Dẫu vậy, thầy Giê-ra-đô vẫn ôn tồn nói với anh ta”Vâng anh cứ đánh đi. Anh có lý mà đánh tôi”. Lời nói dịu hiền của thầy Giê-ra-đô đã đổi lòng tên hung dữ.
Thánh Giê-ra-đô đã ưu ái người nghèo bằng tất cả tấm lòng bác ái yêu thương, tế nhị và cụ thể như lòng Chúa mong ước:
“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia áo cho  người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhụclàm thoả lòng người bị hạ nhục,” (Is 58, 6-7)
Chúa đã ưng nhận lòng thành của thánh Giê-ra-đô và hoạt động mạnh mẽ qua Giê-ra-đô:
“Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời,  ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây !” (I-sai-a 58, 8-9)
Quyền năng Thiên Chúa luôn thể hiện mãnh liệt trong cuộc đời thánh Giê-ra-đô, thúc bách ngài yêu thương và phục vụ người nghèo theo nhiều cách thế. Người nghèo vật chất được thánh nhân giúp có của ăn áo mặc, chữa lành bệnh tật, phương tiện di chuyển làm ăn  sinh sống… Người nghèo tinh thần, thánh nhân thăm viếng an ủi vượt qua mọi nỗi thất vọng… Người nghèo thiêng liêng, thánh nhân trợ giúp tinh thần, soi sáng đức tin, thúc dục hoán cải… Đời sống tu trì trong cộng đoàn được nâng đỡ an vui và huynh đệ…
*
*     *

Hôm nay ta suy gẫm đề tái: Thánh Giê-ra-đô và người nghèo, trước hết ta thấy Đức Giê-su người nghèo hơn hết mọi người nghèo đã cuốn hút thánh Giê-ra-đô. Luật pháp của Chúa với Tám Mối Phúc đã thể hiện tuyệt vời nơi cuộc đời thánh nhân.
Sự tuyệt vời đó thật rõ nét qua đời sống khó nghèo của thánh Giê-ra-đô và tiếp nối sống động qua việc thánh nhân phục vụ cách thánh thiện bác ái yêu thương từng con người mà thánh nhân gặp gỡ trong cuộc sống.
Xưa thánh Giê-ra-đô đã luôn gần gũi và sẵn sàng ra tay kịp thời trợ giúp những con người cơ khổ. Nay xin ngài thương cứu giúp chúng ta là những kẻ còn đang lênh đênh trên hành trình trần gian với biết bao thử thách đau thương.
Lạy thánh Giê-ra-đô! Xin cầu cho chúng con. Amen
Lm Jb Nguyễn Minh Phương, CSsR

0 nhận xét:

Đăng nhận xét