LTCGVN (11.10.2012)
Lời kinh Mai
Khôi luôn gắn bó với đời sống Đức Tin và lòng đạo đức bình dân của tín hữu Việt
Nam .
Vâng, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng đến đất nước này, việc đọc kinh kính mừng
thịnh hành đến nỗi mọi người đọc khắp mọi nơi. Đã vậy, các sự gẫm còn được suy
gẫm theo cách văn vần để ngắm theo cung kinh vãn long trọng. Gẫm Năm Sự Vui,
thứ năm thì gẫm: “Đức Bà tìm đặng Đức
Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin giữ nghĩa cùng Chúa luôn” trong bản
kinh phép ngắm Rosa , là một chứng tích:
Lễ rồi, con lạc, Mẹ tìm con,
Lòng Mẹ, ba ngày rất héo
hon.
Đoạn trở vào đền, tìm lại
thấy,
Con về, thảo kính đến khi
khôn.
Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay,
Xin vì sự nhiệm mầu này,
xuống ơn
Cho con lòng thật ăn năn,
Soi gương phúc đức, siêng
năng, vâng lời
( Văn côi thánh nguyệt
tán tụng thi ca, 73-80 )
Người Việt Nam
vốn giàu tình cảm với mẹ mình thế nào thì nay, Kinh Kính Mừng đã trở nên lời
kinh trước tiên là đầy tình cảm dành cho Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng sinh,
và sau đó là lời kinh của Đức Tin khi học hiểu cùng Mẹ sống trọn Tin Mừng Chúa
Giêsu, Con Mẹ. Đọc Kinh Kính Mừng để ca tụng Mẹ, để noi gương mẹ, để xin ơn Mẹ
sống Tin Mừng của Chúa và xin ơn an bình trong những lúc cùng khốn.
- Kinh kính mừng trong cơn bách đạo
của các chứng nhân xin Mẹ được ơn can đảm làm chứng cho Đức Tin Công Giáo.
- Kinh kính mừng trong lúc khốn khổ
ở La Vang, ở nơi này nơi kia xin Mẹ ơn bình an giữ đạo Chúa cho nên.
- Kinh kính mừng trong thời chiến
tranh loạn lac, giữa bom đạn, giữa lúc tản cư, giữa đường chạy giặc, xin cho
thoát khỏi nạn quỷ dữ vô thần.
- Kinh kính mừng của những ngày đất
nước phải sống trong một hoàn cảnh mới.
Vâng, làm sao quên được cảnh đời cơ
cực ở Việt Nam
đã suốt bao nhiêu năm trời. Và cũng làm sao mà quên được những chuỗi kinh kính
mừng trong phút giờ tưởng như là tuyệt vọng. Người người đọc Kinh Mai Khôi. Nhà
nhà lẫn chuỗi Mai Khôi. Trên nương rẫy, dưới đồng sâu, nơi hợp tác xã, trong
trại cải tạo, dưới ánh trăng khuya bên ngọn đèn dầu khu kinh tế mới, cụ ông cụ
bà thấp cao không đều giọng đọc với trẻ con, thế mà tiếng kinh kính mừng âm
thầm râm ran như lời kêu van thống thiết Mẹ Ơi Đoái Thương chúng con giữa cảnh
đời u ám điêu tàn !
Và nhờ Kinh Kính Mừng, lòng người
được bình an.
Tôi còn nhớ, phía sau Nhà Thờ gỗ
loang lổ những vết đạn, rách nát do những mảnh bom, cụ già Tôma với năm bảy
người bên ngọn đèn dầu, lần chuỗi Mai Khôi:
- Tháng này lần chuỗi xin Đức Mẹ cho
có cha trông coi Giáo Xứ.
- Sao không vào Nhà Thờ mà đọc kinh
?
- Xứ mình không có cha, không dám
làm gì trong Nhà Thờ cả. Ủy Ban Xã bên cạnh. Hôm bữa họ xách súng qua đây hỏi
rồi.
- Vậy, mình đọc ở đây họ thấy có bắt
không ?
- Không đâu ! Đức Mẹ nào để cho ai
bắt mình. Nhưng bắt thì mình xin. Đọc kinh mà, tội gì. Cứ đọc đi. Ban đầu thì
sau Nhà Thờ, rồi ít bữa nữa đọc hè Nhà Thờ, cho người ta thấy quen mắt rồi mình
vào trong Nhà Thờ luôn…
Và nhờ Kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã cầu
thay nguyện giúp. Chúa đã nhậm lời. Từ những buổi kinh ít người ngoài, rồi
trong Nhà Thờ rách nát, đến đông hơn, rồi Phụng Vụ Lời Chúa, rồi “mượn” được cha
về làm Lễ, và cuối cùng là có Cha Xứ, xây Nhà Thờ mới, Giáo Xứ phát triển… Cụ
Tôma đã qua đời được gần 20 năm, nhưng kỷ niệm Mai Khôi ấy không phai nhòa
trong ký ức của Giáo Xứ.
Tôi còn nhớ, một nửa buổi nọ, mang
ra ruộng cho cha vài củ khoai. Đứng trên bờ nhìn xuống, tôi đếm cha tôi cày
được 10 đường cày rồi. Thế là tôi biết cha đã lần hai chuỗi. Bên kia, mẹ tôi
chất đầy hai giỏ mạ. Thì ra mẹ cũng hai chuỗi Mai Khôi rồi, không ít hơn.
Vâng, những ngày gian khổ ấy, cha mẹ
chúng ta lần chuỗi Mai Khôi không bằng xâu chuỗi ngọc sáng trưng, không bằng
xâu chuỗi gỗ xinh xắn, nhưng bằng mười ngón tay bùn lầy, đen đủi, rám nắng.
Chuỗi Mai Khôi và 5 sự gẫm được tính bằng lọn mạ, đường bừa, đường cày, tính
bằng vồng khoai, thúng bắp, bó rau thật sốt sắng, thật tin tưởng, thật khẩn
thiết, thành tâm.
Cũng nhờ Kinh Kính Mừng, đời sống
các gia đình thật êm đềm hạnh phúc.
Không ai dám tiếc nuối một thuở thời
lầm lũi trong nghèo khổ đau thương, trong nước mắt dập vùi. Bởi vì, ai cũng có
quyền ước mơ một cảnh đời an nhàn thư thái, sung túc, thịnh vượng. Nhưng khi đã
hưng thịnh, giàu sang, phú quý hay ít là có của ăn của để rồi, thì tôi bỗng
dưng tiếc nuối lòng đạo đức của ông bà cha mẹ chúng ta trong những ngày gian
khổ ấy. Lòng đạo đức của ông bà, của tiền nhân nay còn đâu ?!? Đáng lý ra, tấm
gương sáng của những người đi trước chúng ta, hẳn phải lưu truyền lại cho hậu
thế, và hậu sinh phải là những người tiếp bước lòng đạo đức ấy.
Là hậu duệ của các Thánh Tử Đạo Việt
Nam, là con là cháu trong gia đình Công Giáo hôm nay, nhân Tháng Mai Khôi này,
hẳn phải lập lại đời sống đạo đức, đời sống Đức Tin, đời sống Tin Mừng mà cha
ông ta đã nêu gương sáng lạn. Có như thế, thiết nghĩ mới gọi được là có lòng
hiếu kính với ông bà, có lòng tri ân Thiên Chúa tri ân Mẹ Maria đã giúp ông bà
cha mẹ chúng ta vượt qua bao gian nan thử thách của cuộc đời, để chúng ta có
được ngày hôm nay.
Vâng, Lễ Mẹ
Maria Mai Khôi, nhắc đến sức mạnh của Kinh Mai Khôi, của Chuỗi Mai Khôi chiến
thắng bè rối Albigeois chống phá Giáo Hội và cụ thể hơn, nhắc nhớ cho mỗi tín
hữu Việt Nam rằng ông bà cha mẹ của chúng ta đã nhờ kinh Mai Khôi mà vượt qua
mọi gian nan, mà chiến thắng thế lực của quỷ thần:
- để có một Hội Thánh Việt Nam
thu hoạch mùa lúa dồi dào
- để còn các gia đình kính thờ Thiên
Chúa
- để còn Đức
Tin và hạnh phúc nhờ Đức Tin mang lại trong các gia đình Công Giáo, trong mỗi
tín hữu.
Chuỗi Mai Khôi nay đâu ? Kinh Mai Khôi
nay đâu ? Lớp người trẻ, thế hệ con cháu có còn yêu mến, siêng năng và sốt sắng
đọc Kinh Kính Mừng hay lần chuỗi Mai Khôi ?
Thiết tưởng, bổn phận khẩn cấp của
chúng ta hôm nay, đặc biệt người trẻ, là tái lập việc đọc Kinh Mai Khôi chung,
riêng ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã giúp
cha ông chúng con vượt qua gian nan và chiến thắng quỷ thần nhờ sức mạnh của Kinh
Mai Khôi. Xin cho chúng con lòng yêu mến, sốt sắng cùng sống Đức Tin qua lời Kinh
Mai Khôi trong suốt đời mình. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG
Theo EPHATA số 530
0 nhận xét:
Đăng nhận xét