LTCGVN (05.08.2013)
Câu hỏi chót trong chuyến bay của Đức Phanxicô từ Rio trở lại Rôma là về Đức Ông Ricca, đại diện ngài tại Viện Các Công Trình Tôn Giáo, và nhân đó về nhóm vận động đồng tính. Câu trả lời của ngài về đồng tính nguyên văn như sau: “Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà tự cho mình quyền phán xét người ấy?”
Winfield cho rằng khi dùng từ “gay” rồi hỏi: thì sao? Đức Phanxicô đã dựng đứng Vatican và rũ sạch cái hơi hám bài đồng tính ra khỏi nền văn hóa của nó. Trước đó, ngài đã làm say mê hàng triệu tín hữu và các phương tiện truyền thông chính dòng. Điều này bảo đảm thành công cho việc ngài đã được bầu lên để thực hiện: không những cải tổ nền hành chánh rối loạn của Vatican mà còn cả chính Giáo Hội nữa.
Sử gia Giáo Hội Alberto Melloni cho rằng "ngài đang phục hồi tính khả tín cho Giáo Hội Công Giáo”. Ấy thế nhưng, niềm phấn khởi này xem ra không được mọi người chia sẻ.
Việc ngài vừa ngăn cấm các linh mục thuộc một dòng tu không được cử hành Thánh Lễ La Tinh theo kiểu xưa mà không có phép xem ra đi ngược lại khuynh hướng “phục hồi” của Đức Bênêđíctô XVI, người từng cho phép việc cử hành này. Vatican đã chính thức bác bỏ lối giải thích này. Nhưng xem ra, phe duy truyền thống tỏ ra không mấy hài lòng.
Cũng theo Winfield, trong một cuộc phỏng vấn gần đây của tờ the National Catholic Reporter, TGM Philadelphia là Đức Cha Charles Chaput cho hay những người Công Giáo cánh hữu “nói chung không thực sự vui vẻ” với Đức Phanxicô.
Nói cho ngay, ngài không thay đổi chi đối với giáo huấn của Giáo Hội. Ngài không nói điều gì hay làm điều gì ngược lại tín lý; mọi điều ngài nói và làm đều cổ vũ các quan niệm Kitô Giáo về yêu thương kẻ có tội chứ không yêu thương tội lỗi và phải có một Giáo Hội biết cảm thương, biết chào đón và nhân từ.
Tuy nhiên, giọng điệu và ưu tiên tự chúng có sức thay đổi, nhất là khi chịu xem sét các vấn đề vốn không được nhấn mạnh bao nhiêu, như học lý Giáo Hội về phá thai, về hôn nhân đồng tính và nhiều vấn đề khác từng được Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II nêu ra.
Nhật báo Vatican, tức tờ L'Osservatore Romano, sử dụng chữ “gay” lần đầu tiên trong lịch sử 150 năm của nó vào hôm Thứ Tư vừa qua, trong một bài báo tỏ ra ngạc nhiên trước sự thay đổi do Đức Phanxicô đem lại.
"Chỉ trong một vài chữ, nết mới mẻ đã được nói lên rành mạch mà lại không đe dọa gì tới truyền thống của Giáo Hội... Bạn có thể thay đổi mọi sự mà không thay đổi qui luật căn bản, những qui luật mà truyền thống Công Giáo vốn dựa vào”.
Tôi là ai mà dám phê phán họ
Về câu nói “tôi là ai mà dám phê phán họ?” tức người đồng tính thiện tâm đi tìm Thiên Chúa, giới đồng tính nhận định rằng Đức Phanxicô không hẳn cấp tiến như bề ngoài cho thấy. Đó là nhận định của nhà thần học David Berger, được tờ Spiegel Online ghi nhận.
Nên biết rằng tờ Spiegel Online đã ghi nhận rất nhiều phản ứng tích cực của người đồng tính đối với câu nói trên của Đức Phanxicô. Boris Dittrich, giám đốc biện hộ của chương trình đồng tính thuộc Human Rights Watch, chẳng hạn, phát biểu rằng: “Đức GH Phanxicô dùng một giọng điệu khác và nhân hậu hơn vị tiền nhiệm người Đức của ngài khi nói tới những người đồng tính. Tôi coi quan điểm của ngài... như lời kêu gọi hàng giáo sĩ Công Giáo Rôma tại nhiều quốc gia lên tiếng và phản đối khi người đồng tính nam nữ bị bắt hay bị kỳ thị bởi nhà cầm quyền tại đất nước họ... Từ nay trở đi, hàng giáo sĩ Công Giáo Rôma không thể nhìn theo hướng khác được, mà phải ủng hộ nhóm dễ bị tổn thương này để họ hội nhập vào xã hội họ đang sống”.
Christian Weisner, phát ngôn viên chi bộ Đức của Phong Trào Cải Tổ Công Giáo Quốc Tế, cho rằng “Đây là cuộc đảo chính lớn đối với các linh mục đồng tính, những người xưa nay vốn buộc phải dấu diếm khuynh hướng đồng tính của mình. Đây là lời tuyên bố mạnh mẽ và là dấu hiệu quan trọng cho thấy Đức Phanxicô không sợ thực tại”.
Nick Squires của tờ Telegraph, London, cho rằng dù không thay đổi chính sách của Giáo Hội Công Giáo coi khuynh hướng đồng tính không có tội, nhưng hành vi đồng tính thì có tội, nhưng Đức Phanxicô cho thấy ngài nhìn nhận một số linh mục đồng tính, và điều này chấp nhận được miễn là họ giữ lời khấn độc thân. Quan điểm của ngài quả có thương cảm hơn, bao gồm hơn.
Ngài cũng mặc nhiên làm dịu giáo huấn trước đây của Giáo Hội Công Giáo cho rằng đồng tính luyến ái dẫn tới các thảm họa như nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, một giáo huấn vốn bị các nhóm tranh đấu quyền lợi đồng tính lên án là lầm lẫn sâu xa và có tính kỳ thị người đồng tính.
Nichi Vendola, một trong ít chính trị gia Ý công khai đồng tính, thì cho rằng “Trong ít lời, Đức GH Phanxicô đã thực hiện được điều kỳ diệu, là tách biệt vấn đề đồng tính với vấn đề ấu dâm”.
Chiến Dịch Nhân Quyền, nhóm tranh đấu quyền lợi lớn nhất của đồng tính Hoa Kỳ, trong một tuyên bố, cho rằng nhận định của Đức Giáo Hoàng “biểu tượng cho một thay đổi có ý nghĩa trong cung giọng”, ít nhất cũng khác với cung giọng của vị tiền nhiệm, là người, năm 2005, quyết định rằng những người có khuynh hướng đồng tính không nên làm linh mục.
Thay đổi cung giọng, chứ không thực chất?
Nhưng chỉ có thế, Đức Phanxicô không hề bác bỏ nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo coi hành vi đồng tính là một tội. Tờ báo trung tả Đức Süddeutsche Zeitung viết rằng “trong cuộc họp báo, Đức Giáo Hoàng rất khôn khéo trong việc né tránh vấn đề thực sự gai góc, là liệu người đồng tính có ngang hàng với người khác trước mặt Chúa hay không, khi họ ở độc thân”.
Đây cũng là nhận định của Berger. Trước đây, Berger vốn là một thần học gia, giáo sư tại Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rôma và là chủ bút nguyệt san Công Giáo Theologisches. Nhưng năm 2010, sau khi công khai hóa mình là người đồng tính, ông rời chức vụ, và cho xuất bản cuốn tự truyện "Der heilige Schein: Als schwuler Theologe in der katholischen Kirche" (Một Gian Dối Thánh: thần học gia đồng tính trong Giáo Hội Công Giáo). Ông hiện là chủ bút tạp chí đồng tính MÄNNER.
Berger bảo: có gì vỡ bờ đâu, người đồng tính nghĩ gì khi có ai đó bảo họ: tôi không muốn kỳ thị gì anh chị, nhưng anh chị đừng sống cái khuynh hướng ấy! Theo giáo huấn, hành vi đồng tính vẫn là một tội. “Chính vì thế, tôi càng cảm thấy bị đẩy ra bên lề nhiều hơn”. Đã đành ngài có nhấn mạnh đến việc đừng kỳ thị người đồng tính, nhưng khi nói rằng người đồng tính không nên quảng bá khuynh hướng của họ, thì nào có khác chi tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng ủng hộ các đạo luật cấm "tuyên truyền đồng tính”.
Theo Eun Kyung Kim của TODAY ngày 30 tháng 7, đây cũng là nhận định của Đức HY Dolan của New York: nhận định của Đức Phanxicô về người đồng tính cho thấy một thay đổi trong cung giọng trong Giáo Hội Công Giáo, chứ không phản ảnh bất cứ thay đổi nào về chính sách.
Giáo huấn của Giáo Hội xưa nay vẫn là phải đối xử với mọi người cách xứng đáng, dù ta không thừa nhận lối sống của họ. Đức HY Dolan nói rằng: “Điều Đức Giáo Hoàng nói là đừng quên còn có một yếu tố khác nữa trong giáo huấn của Thiên Chúa, tức ta phải đối xử với mọi người một cách có phẩm giá và kính trọng, đừng phán đoán tâm hồn họ, phải yêu thương và kính trọng họ”.
Đức HY Dolan cho hay nhận định của Đức Giáo Hoàng không làm ngài ngạc nhiên, nhưng là phản ứng của mọi người. “Điều này không thể giải thích như một thay đổi đối với giáo lý Giáo Hội hay đức tin và luân lý Giáo Hội. Nó chỉ thay đổi trong cung gọng mà thôi”. Việc không nên phê phán tâm hồn con người vốn là giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng ta có quyền phê phán hành động của người ta. Phải tôn trọng người đồng tính, nhưng hành vi đồng tính thì phải bị kết án. Điều này chưa bao giờ thay đổi.
Vũ Văn An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét