LTCGVN (31.08.2013)
...Khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gia số lượng hàng xuất cảng đến các quốc gia TPP với dân số gần 800 triệu (11 % dân số thế giới) và tổng sản phẩm nội địa là khoảng 28 ngàn tỉ Mỹ kim (40% GDP của thế giới)... Gia nhập TPP sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 46 tỉ Mỹ kimNhững nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam... Với tình trạng hiện nay, Trung Quốc không thể gia nhập TPP và trong tương lai gần có thể nhìn thấy. Điều này giúp Việt Nam một phần nào thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế lẫn chánh trị...
*
Nắm bắt các cơ hội kinh tế tại Á Châu trong thời gian tới, và tương lai lâu dài là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang Châu Á của chính phủ Tổng Thống Obama. Việt Nam có lẽ là quốc gia kém phát triển nhất, có thể nói là nghèo nhất, được chọn làm một trong 12 nước có khả năng trở thành đối tác trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái bình dương - TPP. Một cựu chuyên viên kinh tế và tham vấn của Ngân hàng Thế giới bàn về những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của phóng viên Ban Việt Ngữ VOA Hoài Hương và ông Nguyễn Quốc Khải (NQK), cựu chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Ông từng thỉnh giảng tại School of Advanced International Studies thuộc Johns Hopkins University.
VOA: Xin ông cho biết, trước hết, vào TPP sẽ mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam? Hỏi khác đi, nếu không vào TPP, Việt Nam sẽ thiệt thòi như thế nào, sẽ mất đi những cơ hội gì hay quyền lợi nào?
Ông NQK: “Như chúng ta đã biết mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những hàng rào cản hàng hóa và dịch vụ. Do đó, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gia số lượng hàng xuất cảng đến các quốc gia TPP với dân số gần 800 triệu (11 % dân số thế giới) và tổng sản phẩm nội địa là khoảng 28 ngàn tỉ Mỹ kim (40% GDP của thế giới). Nhiều đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam đều đang tham gia vào cuộc đàm phán đa phương TPP. Đó là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore, và Mã Lai.
Việt Nam là nước nghèo nhất trong 12 quốc gia TPP hiện nay. Các nước giàu sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy là Việt Nam không buôn bán nhiều với các nước ASEAN bằng những nước ngoài ASEAN.
Ngoài ra, những nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Với tình trạng kinh tế trì trệ như hiện nay, Việt Nam cần vốn đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết. Nếu có một chính sách đầu tư nước ngoài khéo léo, Việt Nam có thể học hỏi và phát triển những ngành công nghiệp cao từ những nước TPP.
Việt Nam sẽ là một nước được hưởng nhiều nhất khi gia nhập TPP. Sự gia tăng thương mại với Hoa Kỳ, một thị trường lớn nhất trong số các nước TPP, sẽ là một yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng và luôn luôn là yếu tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế Việt Nam. Thứ ba là thuế nhập cảng của các nước TPP sẽ giảm đáng kể. Do đó Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu quần áo, giầy dép, và hải sản. Việt Nam sẽ không phài cạnh tranh với Trung Quốc trong TPP.
Việc gia nhập TPP sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 46 tỉ Mỹ kim tức khoảng 13.6% theo kết quả một cuộc nghiên cứu của Peter A. Petri, Michael G. Plummer, và Fan Zhai vào cuối năm 2012.”
VOA: Thưa đó là những lợi ích của việc gia nhập TPP, nhưng có một số điều kiện Việt Nam cần phải thỏa mãn trước khi được chính thức thâu nhận vào TPP, xin ông cho biết một số điều kiện cụ thể, quan trọng mà Việt Nam phải thỏa đáng?
Ông NQK: “TPP nêu ra một số vấn đề nồng cốt mà Việt Nam sẽ phải thỏa mãn như là tài sản trí tuệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, và công ty nhỏ và trung bình. Quyền lao động, bao gồm quyền thành lập nghiệp đoàn dộc lập, quyền tụ họp, quyền đình công, chỉ là một phần của vấn đề rộng lớn hơn là nhân quyền. Hoa Kỳ đã mạnh mẽ đặt vấn đề này với Việt Nam qua một số thành viên Quốc Hội và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trong cuộc họp với Chủ Tịch Trương Tấn Sang vừa qua tại Nhà Trắng, Tổng Thống Obama đã hai lần nhắc nhở đến vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam.
Vấn đề khó khăn lớn thứ hai mà Việt Nam phải vượt qua là việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để loại bỏ sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa nhà nước và tư nhân. Khu vực quốc doanh chiếm khoảng gần 40% tổng sản lượng nội địa mà lại luôn luôn làm ăn lỗ lã, ngăn cản sự phát triển kinh tế, nhưng lại ưu tiên về vốn đầu tư của nhà nước, quỹ phát triển quốc tế ODA, và vay nợ ngân hàng. Trên 50% nợ xấu của các ngân hàng là do các doanh nghiệp nhà nước. Hơn 10 năm nay, nhà nước bàn thảo việc cải tổ khu vực quốc doanh, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể đáng kể nào.
VOA: Thưa so với lúc Việt Nam vận động xin gia nhập WTO, thì tiến trình thương thuyết để vào TPP nó khác ở chỗ nào, và có những điểm gì mà Hà nội cần chú ý đến nếu muốn mọi sự được suôn sẻ?
Ông NQK: “Vâng, giữa TPP và WTO có một vài khác biệt. WTO có những điều kiện gia nhập rõ ràng. Trong khi đó, TPP dựa vào đàm phán và không có vấn đề nào phải loại trừ. TPP có tính cách toàn diện hơn WTO. Nó bao trùm nhiều vấn đề WTO không đề cập đến hoặc chưa đào sâu như doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, và quyền lao động.
Một khó khăn nghiêm trọng Việt Nam đang gặp phải trong cuộc đàm phán hiện nay liên quan đến luật lệ xuất xứ hàng hóa và ngành dệt may, một trong những công nghiệp quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Hoa Kỳ đòi hỏi rằng quần áo chỉ được coi là chế tạo ở Việt Nam nếu vải làm bằng tơ sợi cũng được chế tạo tại Việt Nam hay mua của Hoa Kỳ.
VOA: Có cơ chế nào để kiểm soát là Việt Nam không mua vải sợi của Trung Quốc?
Ông NQK: “Mua hàng hóa là phải có xuất xứ. Phải có chứng minh rất là khó khăn. Vì khó khăn cho nên những nước ở Châu Mỹ La Tinh đành phải trả thuế cao, để nước Mỹ có thể bảo vệ ngành dệt vải của họ."
VOA: Trong những thách thức vừa kể, theo ông thách thức nào là quan trọng nhất, khó khăn nhất, và vì sao lại khó khăn như vậy trong tình hình Việt Nam bây giờ?
Ông NQK: “Thách thức về lao động, nhân quyền, và doanh nghiệp nhà nước là quan trọng và khó khăn nhất đối với Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải tiến cụ thể về chính trị. Từ 2008 đến nay, Hoa Kỳ vẫn từ chối không chấp thuận cho Việt Nam hưởng Quy Chế Ưu Đãi Phổ Quát (Generalized System of Preference - GSP) để có thể nhập cảng vào Hoa Kỳ cả ngàn món hàng miễn thuế. Lý do là Việt Nam chưa thỏa mãn điều kiện về quyền lao động.
Quan trọng hơn, nội bộ chia rẽ của Đảng CSVN hiện nay sẽ làm cho những việc cải tiến cần thiết càng khó khăn thêm. Theo nhận định của GS Carl Thayer và một số quan sát viên quốc tế, một số các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn cải thiện mối bang giao với Hoa Kỳ. Một số khác chống lại. Nhóm thứ hai xem ra mạnh hơn. Trong năm 2013, chỉ trong vòng mấy tháng đầu tiên thôi mà Việt Nam đã bắt bớ 40 người, nhiều hơn so với cả năm 2012. Trong khi Việt Nam muốn gia nhập TPP và muốn mua võ khí của Hoa Kỳ, mà lại đi làm những chuyện bắt bớ vi phạm nhân quyền như vậy thì vấn đề trở nên rất là khó khăn.”
VOA: Trở lại với vấn đề kinh tế, nói tới kinh tế, nói tới Châu Á, mà không nói tới Trung Quốc là cả một sự thiếu sót lớn, xét Trung Quốc là một cường quốc đang lên, và là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất không chừng! Thế mà Trung Quốc lại không được mời để thương thuyết gia nhập TPP. Rõ ràng “thiếu sót” ấy là có chủ ý. Ông nhận định như thế nào về yếu tố Trung Quốc liên quan tới thương thuyết TPP? Có phải Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á muốn cô lập hóa, bao vây hay kiềm hãm Trung Quốc, như Bắc Kinh vẫn tố cáo?
Ông NQK: “Theo sự hiểu biết của tôi. Có hai dữ kiện khá rõ ràng. Một là Trung Quốc từng tuyên bố chống lại TPP, sau đó lại than phiền rằng Trung Quốc không được mời, và mới đây lại tuyên bố qua phát ngôn viên của Bộ Thương Mại rằng Trung Quốc sẽ nghiên cứu lợi và hại của TPP. Hai là Hành Pháp Hoa Kỳ chưa bao giờ tuyên bố chống lại Trung Quốc gia nhập TPP. Trái lại, Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ đặc trách Thương Mại quốc Tế nói rằng TPP không phải là một câu lạc bộ khép kín mà là một diễn đàn mở rộng. Hoa Kỳ hy vọng nhiều nước sẽ tham gia.
Việc gia nhập TPP của Trung Quốc nếu có sẽ gặp trở ngại là bởi những điều kiện như nhân quyền, lao động, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch thị trường tương tự như trường hợp Việt Nam tuy nhiên ở mức độ to lớn hơn nhiều. Những trở ngại này tự tạo bởi chính Trung Quốc và Việt Nam, không phải do Hoa Kỳ hay TPP.
VOA: Ông muốn nói gì thêm về các quan hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ, hiệp định TPP, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc?
Ông NQK: “Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền một cách cụ thể để được vào TPP và được Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận đối với những vũ khí sát thương mà Việt Nam nhiều lần lên tiếng muốn mua của Hoa Kỳ.
Với tình trạng hiện nay, Trung Quốc không thể gia nhập TPP và trong tương lai gần có thể nhìn thấy. Điều này giúp Việt Nam một phần nào thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế lẫn chánh trị, hai lãnh vực khó có thể tách rời. Nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam đặt quyền lợi của 90 triệu người dân lên trên hết, việc cải tổ đòi hỏi bởi TPP là việc phải làm.”
VOA: Tóm lại, TPP là một thách thức hay là một cơ hội đối với Việt Nam?
Ông NQK: “Tôi nghĩ TPP là một cơ hội rất là tốt đẹp đối với Việt Nam. Việt Nam là một nước nghèo nhất trong nhóm TPP, nhưng sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong nhóm. Thành ra Việt Nam không nên bỏ qua cái cơ hội tốt đẹp như thế này."
0 nhận xét:
Đăng nhận xét