LTCGVN (24.08.2013)
Trong Tân ước, Thánh Batôlômêô chỉ
được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả xác định ngài với
Nathanael (còn viết là Nathaniel), một đàn ông người Cana ở Galilê đã được
Philipphê nói cho biết về Chúa Giêsu.
Giáo hội mừng kính Thánh Batôlômêô
vào ngày 24-8 hàng năm. Ngày này là ngày các hội chợ truyền thống, như Hội chợ
Batôlômêô ở Smithfield (London, Anh quốc) xuất hiện từ thời Trung Cổ, có diễn hài
kịch của Ben Jonson.
Thánh Batôlômêô được liệt kê thuộc
Nhóm Mười Hai trong các Phúc Âm nhất lãm (Mt 10:1-4; Mc 3:13-19; Lc 6:12-16),
và ngài là một trong ba nhân chứng khi Chúa Giêsu lên trời (Cv 1:4, 12-13). Trong
Ga 1:45-51, ông Nathanael được giới thiệu là bạn của ông Philipphê. Ông được mô
tả là người nghi ngờ về Đấng Mêsia đến từ Nadarét khi nói: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?”, nhưng sau khi ông
Philipphê nói: “Cứ đến mà xem!”, ông
đã đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khen ông: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga
1:47). Khi Nathanael hỏi tại sao Chúa Giêsu biết ông, Chúa Giêsu nói: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở
dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48). Điều mặc khải lạ lùng là
Nathanael tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính
Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” (Ga 1:49). Chúa Giêsu
nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy
anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế
nữa” (Ga 1:50).
Quả thật, Nathanael đã thấy những
điều lớn lao hơn. Ngài là một trong các tông đồ được Chúa Giêsu hiện ra trên bờ
biển Tibêria sau khi Ngài phục sinh (x. Ga 21:1-14). Lúc đó, họ đã đánh cá suốt
đêm mà vô ích. Đến sáng, họ thấy một người đứng trên bờ nhưng không ai biết đó
là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bảo họ thả lưới, họ làm theo và đánh được
rất nhiều cá. Rồi Gioan nói với Phêrô: “Chúa
đó” (Ga 21:7).
Truyền thống cho biết rằng Thánh
Batôlômêô đi truyền giáo ở Ấn Độ, và đã để lại đây cuốn Phúc Âm theo Thánh
Matthêu. Các truyền thống khác nói ngài đi truyền giáo ở Ethiopia, Mesopotamia,
Parthia và Lycaonia. Ngài tử đạo tại Albanopolis, thuộc Armenia. Truyền thống
nói ngài bị chém đầu, nhưng phổ biến hơn là truyền thống nói ngài bị lột da rồi
bị đóng đinh ngược. Truyền thống còn cho biết rằng ngài đã hoán cải Polymius, vua
của Armenia. Chính người anh em của Polymius là Astyages đã ra lệnh xử tử Thánh
Batôlômêô.
Một tu viện nổi tiếng tại Armenia
là Tu viện Thánh Batôlômêô có từ thế kỷ 13, được xây dựng ngay tại nơi Thánh
Batôlômêô chịu tử đạo là tỉnh Vaspurakan, thuộc Armenia (nay thuộc Đông Nam Thổ
Nhĩ Kỳ).
Nghiên cứu của LM A.C Perumalil (Dòng
Tên) và Moraes cho thấy rằng miền Bombay thuộc duyên hải Konkan, có thể đây là
thành phố cổ Kalyan, là vùng hoạt động truyền giáo của Thánh Batôlômêô. Tác giả
Theodorus Lector (thế kỷ 6), xác nhận rằng khoảng năm 507, Hoàng đế Anastasius
đã giao hài cốt Thánh Batôlômêô cho thành phố Dura-Europos sau khi được tái
phát hiện.
Năm 803, hài cốt ngài được đặt tại
Giáo đường Thánh Batôlômêô tại Lipari, một đảo nhỏ thuộc duyên hải Sicily, do
Constantinople kiểm soát. Năm 803, hài cốt ngài lại được chuyển tới Beneventum;
rồi năm 980, Hoàng đế Otto II của Tòa Thánh đã chuyển hài cốt ngài tới Rôma, lưu
giữ tại Giáo đường San Bartolomeo all’Isola. Một phần sọ của Thánh Batôlômêô
được chuyển tới Giáo đường Frankfurt, còn một cánh tay của ngài được tôn kính
tại Giáo đường Canterbury ngày nay.
Có nhiều phép lạ của Thánh Batôlômêô
đã xảy ra trước và sau khi ngài chết, hai phép lạ nổi tiếng xảy ra cho dân thành
phố nhỏ tại đảo Lipari.
Theo truyền thống, dân đảo Lipari rước
tượng ngài bằng vàng và bằng bạc từ Giáo đường Thánh Batôlômêô đi khắp thành
phố. Một lần nọ, khi đưa tượng ngài từ trên đồi xuống thành phố, bỗng dưng
tượng ngài trở nên nặng trĩu, không thể đưa đi nơi khác, người ta cố đưa tượng đi
nhưng tượng càng nặng hơn, thế là người ta phải đặt tượng ngài tại đó. Hồi thế
chiến II, chế độ Phát-xít (Đức/Ý) tìm cách quản lý các hoạt động. Lệnh truyền
phải đưa tượng Thánh Batôlômêô đi chỗ khác, tượng lại trở nên nặng hơn. Người
ta đành “bó tay”!
Lạy Thánh Batôlômêô, xin cầu thay nguyện giúp. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét