Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Lương y như tiền máu


Bao giờ nền Y Học Việt Nam có thể đào tạo nên một bác sĩ nghiên cứu có thể lấy được Giải Nobel Y Khoa ? Hay là một nửa Giải Nobel Y Khoa ? Các bệnh viện và các Đại Học Y Khoa Việt Nam có thể phát minh gì được không ? Câu trả lời là: kể như bó tay ! Đơn giản vì Y Đức không có ! Nghĩa là mọi chuyện chỉ chụp giựt, và khi xét nghiệm thì chỉ làm copy ( trong nước gọi là nhân bản ) thì rồi chỉ ra các bài toán ma, bài toán… dỏm thôi !
Báo Lao Động lại kể thêm một chuyện qua bài viết “Tiết lộ động trời: Xét nghiệm nước tiểu cũng bị “nhân bản”... trong đó cho thấy nền y khoa ngay ở Hà Nội, thủ đô đỉnh cao xã hội chủ nghĩa...
Sau khi sự việc “nhân bản” các xét nghiệm của Bệnh Viện Đa Khoa Hoài Đức ( Hà Nội ) bị phát hiện gây chấn động dư luận, một giáo sư nghỉ hưu từng giữ chức vụ trưởng khoa Xét Nghiệm của một Bệnh Viện đầu ngành Trung Ương đã tiết lộ những điều “mắt thấy, tai nghe” chuyện xét nghiệm ở bệnh viện. Vị giáo sư ( xin không nêu tên ) khi nghỉ hưu được mời làm thêm tại một bệnh viện tư nhân Hà Nội. Sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, ông đã vội xin nghỉ vì chứng kiến những việc trắng trợn “ăn bớt” xét nghiệm của người bệnh. Ông kể: "Có một công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên. Sau khi kết quả khám sức khỏe được gửi về công ty, lãnh đạo công ty đó đã ‘nổi giận’ vì có 7 nhân viên nữ trong một phòng cùng có thai đúng thời điểm công ty đang có nhiều đơn hàng. Ông giám đốc này đã truy hỏi 7 cô nhân viên thì có 6 cô “ngã ngồi” khi nghe tin mình có thai, chỉ có 1 cô thừa nhận mình đang mang bầu.

Thấy có điều bất thường, công ty này đã yêu cầu bệnh viện làm rõ. Khi bị bại lộ, bệnh viện vội vã làm lại xét nghiệm cho 7 cô nhân viên thì kết quả chỉ có 1 cô đang mang thai tháng thứ hai. Chuyện vỡ lở mới hay, mấy nhân viên ở khoa Xét Nghiệm đó có ý đồ kiếm chác nên đã dùng kết quả xét nghiệm nước tiểu của 1 cô rồi ‘nhân bản’ cho cả 7 cô. Không may nước tiểu của người được xét nghiệm lại chính của cô đang có bầu. 6 cô nhân viên ‘bỗng dưng’ mang bầu đã được minh oan và ông sếp đó tuyên bố cạch mặt bệnh viện đó”.
Những khuất tất trong việc làm xét nghiệm tại các bệnh viện mà thường là các bệnh viện ở các huyện ngoại thành, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư... rất khó phát hiện, chỉ những người “trong chăn” mới tỏ tường. Vị giáo sư này cho biết: Việc khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để đi lao động xuất khẩu… thường bị “ăn bớt” rất tinh vi. Do cạnh tranh giữa với nhau nên các bệnh viện đưa ra giá tiền cho mỗi gói khám khác nhau. Những người đại diện của các đơn vị đi tìm bệnh viện để tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên luôn chọn bệnh viện nào có giá rẻ nhất hoặc có tỉ lệ hoa hồng cao nhất. Để được chọn, không ít bệnh viện đã hạ giá xuống mức thấp.
Chấp nhận mức giá thấp đó nhưng vẫn phải có lãi lớn nên bệnh viện tìm mọi cách để giảm chi phí như mua lại máy xét nghiệm đã qua sử dụng, mua các loại hóa chất, vật tư xét nghiệm rẻ tiền, mỗi que thử chẻ làm đôi để dùng cho 2 người và thậm chí “nhân bản” xét nghiệm. “Chứng kiến những việc làm đó, tôi đã vài lần lên tiếng góp ý, nhưng họ nói rằng "đây là lệnh của lãnh đạo, chúng em chỉ biết thực hiện." Có người lại nói, khám sức khỏe định kỳ đâu có gì nghiêm trọng… Vì đồng lương mà không ai dám tố cáo. Với lương tâm của người thầy thuốc, tôi đã từ chối làm việc tại đây…”
Những chuyện mà vị giáo sư này kể, vì lý do tế nhị nên không có bằng chứng cụ thể, không rõ tên bệnh viện nào, nhưng điều này chắc chắn là đang tồn tại. Phóng viên xin dẫn chứng về việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên của một cơ quan tại một phòng khám tư ở Hà Nội ( xin không nêu tên ). Một số người bỗng nhiên được “khoác” thêm nhiều bệnh.
Chị N.T.H. sau khi nhận được kết quả xét nghiệm đã tá hỏa khi thấy bác sĩ kết luận bị viêm gan B. Lo lắng bệnh tật, chị đã đến xét nghiệm lại tại Bệnh Viện Bạch Mai thì kết quả ngược lại: Không mắc viêm gan B. Chỉ bởi kết quả “giời ơi” đó mà chị H. đã mất ăn, mất ngủ cả tuần. Sau khi nhận được thông báo không có bệnh, chị mới thở phào nhẹ nhõm và loan tin cho tất cả mọi người tẩy chay phòng khám tư đó.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét