LTCGVN (29.08.2013)
Thánh Gioan là con Thánh Dacaria và
Thánh Êlidabét, chị họ Đức Maria. Ngài được gọi là Tẩy giả vì ngài đã làm Phép
Rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan, và cũng là để phân biệt với Thánh sử Gioan
Tông Đồ. Ngài là vị ngôn sứ “giao thời” giữa Cựu ước và Tân ước, là ngôn sứ vĩ
đại nhất và chịu số phận hẩm hiu như nhiều vị ngôn sứ thời Cựu ước: Bị chống
đối và bị giết chết. “Tiếng kêu trong sa mạc” đã không ngại ngùng kết án kẻ tội
lỗi, can đảm nói sự thật, dù mình phải thiệt thân.
Ngài là nhà cải cách tôn giáo vĩ
đại được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị lòng dân cho Đấng Thiên Sai. Sức mạnh
duy nhất mà ngài tuyên xưng là Thần Khí của Giavê: “Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối.
Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các
anh trong Thánh Thần và Lửa” (Mt 3:11).
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng
nhiều người đi theo thánh Gioan để hy vọng, có thể là được tham dự quyền thiên
sai nào đó. Ngài không bao giờ cho phép mình tiếp nhận những người này vì vinh
danh mình. Ngài biết mình được gọi để chuẩn bị. Thời giờ đã điểm, ngài dẫn các
môn đệ tới gặp Chúa Giêsu: “Hôm sau, ông
Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi
ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông
nói, liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1:35-37). Chính thánh Gioan Tẩy giả đã chỉ
cách đến với Đức Kitô. Cuộc đời và cái chết của ngài là việc hiến dâng cho
Thiên Chúa và mọi người. Đời sống giản dị của ngài là cách sống tách khỏi mọi
thứ vật chất. Tâm hồn ngài tập trung vào Thiên Chúa và lắng nghe Chúa Thánh
Thần nói trong tâm hồn mình. Tin vào hồng ân Thiên Chúa, ngài can đảm kết tội,
kêu gọi sám hối và nói về ơn cứu độ.
Nhiều người Công giáo có thể ngạc
nhiên vì truyền thống Công giáo nói rằng Thánh Gioan Tẩy Giả là người thứ ba
không mắc Tội Nguyên Tổ – người thứ nhất là Chúa Giêsu, người thứ nhì là Đức
Maria. Tuy nhiên, có sự khác biệt về việc không mắc Tội Nguyên Tổ giữa Thánh Gioan
Tẩy Giả với Chúa Giêsu và Đức Maria: Khác với Chúa Giêsu và Đức Maria, Thánh
Gioan Tẩy Giả thụ thai với Tội Nguyên Tổ, nhưng sinh ra lại không mắc Tội
Nguyên Tổ. Sao lại như vậy?
Thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả là
Thánh Dacaria, cũng như thân phụ của Đức Maria là Thánh Gioakim, cũng mắc Tội
Nguyên Tổ. Nhưng Thiên Chúa không giữ Thánh Gioan Tẩy Giả khỏi tì vết Tội
Nguyên Tổ khi thụ thai. Vì thế Thánh Gioan Tẩy Giả, cũng như con cháu ông Adam,
đều mắc Tội Nguyên Tổ. Nhưng một sự lạ đã xảy ra. Đức Maria được Sứ thần
Gabriel thông báo khi được truyền tin rằng người chị họ Êlidabét cũng đã mang
thai Thánh Gioan Tẩy Giả trong lúc tuổi già (Lc 1:36-37), Đức Maria liền lên
đường đi giúp đỡ người chị họ (Lc 1:39-40).
Hai chị em vừa gặp nhau thì “đứa
con trong bụng nhảy lên” (Lc 1:41), Thánh Êlidabét được đầy Thánh Thần, liền
lên tiếng chúc mừng: “Em được chúc phúc
hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc
1:42).
Thánh Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng”
diễn tả sự nhận biết Thiên Chúa và là một dạng Bí tích Rửa tội. Bách khoa Công
giáo nói ở mục Thánh Gioan Tẩy Giả: “Ứng
nghiệm lời sứ thần nói rằng con trẻ sẽ ĐẦY THÁNH THẦN khi còn trong lòng mẹ. Lúc
này sự hiện hữu của bất cứ tội lỗi nào cũng đối lập với sự hiện hữu của Chúa
Thánh Thần trong linh hồn, lúc này Thánh Gioan Tẩy Giả được tẩy sạch vết Tội
Nguyên Tổ. Như vậy Thánh Gioan Tẩy Giả, khác với Đức Kitô và Đức Maria, cũng
thụ thai với Tội Nguyên Tổ, nhưng 3 tháng trước khi sinh, Thánh Gioan Tẩy Giả
được tẩy sạch vết Tội Nguyên Tổ, nghĩa là Thánh Gioan Tẩy Giả sinh ra không mắc
Tội Nguyên Tổ”.
Thánh Gioan Tẩy Giả có tính cách “độc đáo” không thể lẫn
lộn với bất kỳ ai khác. Nhìn Chàng Gioan rất “bụi đời”, vô cùng giản dị, đến
nỗi xem chừng te tua và tơi tả: “Mặc áo
lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn”
(Mt 3:4). Thế đấy, im im vậy chứ thấy điều gì trái tai gai mắt là “phang”
thẳng thừng, “phang” tới bến, dù “đối tượng” là ai. Thánh Gioan Tẩy Giả bị ghét và bị giết chết chỉ vì bảo vệ công bình xã
hội, bảo vệ luân thường đạo lý.
Thánh sử Matthêu cho biết ngắn gọn nhưng đầy đủ diễn biến
câu chuyện: Vua Hêrôđê đã bắt trói ông
Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan
có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy”. Vua muốn giết ông Gioan,
nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của
vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách,
làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho.
Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu
ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm”. Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề,
lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục
chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô
ta đem đến cho mẹ” (Mt 14:3-11).
Lạy Thánh Gioan Tẩy
Giả, xin nguyện giúp cầu thay, xin giúp chúng con can đảm bảo vệ Chân lý và Công
lý trong mọi hoàn cảnh. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, 29-8-2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét