LTCGVN (20.10.2012)
1. Phái đoàn các nghị phụ viếng thăm Syria
Sáng thứ Tư 17 tháng 10, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trình bày một quyết định bất ngờ của Đức Thánh Cha là gởi một phái đoàn của Tòa Thánh đến Syria nơi đang diễn ra cuộc nội chiến khốc liệt. Sự hiện diện của phái đoàn Tòa Thánh tại miền đất khói lửa này là cố gắng của Tòa Thánh hầu mưu tìm hòa bình hay chí ít cũng là để thể hiện tình liên đới với người dân tại quốc gia này. Quyết định này được công bố đồng thời tại Vatican và tại thủ đô Damascus bởi cả hai phe trong cuộc chiến.
Giải thích quyết định này của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Bertone nói rằng các nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa không thể là các khán giả bàng quang của thảm kịch đang diễn ra ở Syria.
Phái đoàn của Tòa Thánh gồm hầu hết là các nghị phụ hiện đang ở Rome. Danh sách các nghị phụ sẽ bay sang Damascus gồm Đức Hồng Y Laurent Mosengwo Pasinya, là Tổng Giám Mục Kinshasa, Conggo, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, Đức Hồng Y Timothy Dolan là Tổng Giám Mục New York, Đức Giám Mục Fabio Suescun Mutis, Tổng Giám Mục giáo phận quân đội Colombia và Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục giáo phận Phát Diệm.
Phái đoàn cũng gồm có Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti và Đức Ông Alberto Ortega, thư ký của Bộ Ngoại Giao.
Cuộc nội chiến tại Syria đã bắt nguồn từ những cuộc biểu tình chống đảng Ba’ath là đảng cầm quyền hơn nửa thế kỷ qua. Ngày 15 tháng Ba năm 2011 tại Daraa, biểu tình đã nổ ra nhằm lật đổ chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Thành phố này bị bao vây trong một cố gắng của Bashar al-Assad nhằm dập tắt cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã lan tràn nhanh chóng sang các thành phố khác. Để bảo vệ ngai vàng của mình, ông Bashar al-Assad đã ra lệnh cho quân đội bắn thẳng vào những người biểu tình. Những cuộc phản kháng hòa bình ban đầu đã nhanh chóng phát triển thành cuộc nội chiến. Tháng 11 năm 2011, Syria đồng ý với Liên Đoàn Ả rập chấm dứt bạo lực nhắm vào dân chúng. Tuy nhiên, những cuộc tàn sát vẫn tiếp diễn vì thế Liên Đoàn Ả rập đã khai trừ Syria và kêu gọi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết truất phế Bashar al-Assad. Nga và Trung quốc phủ quyết nghị quyết này vì họ là bạn hàng chính của Syria. Hai nước này và các nước khác trong khu vực, theo những nghị trình chính trị lắt léo của mình đã tuồn một số lượng lớn vũ khí vào lãnh thổ Syria để người Syria tàn sát lẫn nhau. Cả hai bên trong cuộc nội chiến hiện nay tại Syria đều bị cáo buộc đã phạm vào những tội ác dã man chống nhân loại như tàn sát tập thể phụ nữ và trẻ em vô tội, bắt cóc, và tra tấn. Theo những ước tính ban đầu của Liên Hiệp Quốc, cho đến nay đã có từ 23,000 đến 38,000 người bị giết, 1.5 triệu người phải tản cư.
2. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần
Sáng thứ Tư 17 tháng 10, lúc 10h30 sáng, Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp kiến chung với khoảng 20,000 tín hữu hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong dịp này Đức Thánh Cha đã bắt đầu một loạt bài giáo lý mới để đi kèm với Năm Đức Tin mà ngài vừa khai mạc hôm 11 tháng 10 và sẽ kéo dài đến 24 tháng 11 năm 2013.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, buổi triều yết chung hôm nay giới thiệu một loạt bài giáo lý mới nhằm đi kèm với việc cử hành Năm Đức Tin của Giáo Hội, nhân kỷ niệm 50 khai mạc Công Đồng Vatican II. Năm Đức Tin mời gọi chúng ta canh tân lòng nhiệt thành đối với hồng ân đức tin trong Đức Giêsu Kitô Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Loạt bài này cũng cho chúng ta thấy ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu trên dương thế này của chúng ta.
Đức tin biến đổi cuộc sống của chúng ta, cho phép chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta, và cho chúng ta được sống tự do theo ý chí của mình, và hợp tác với nhau trong việc xây dựng một xã hội thật sự nhân bản và huynh đệ.
Các bài giáo lý của chúng ta, do đó, sẽ tập chú vào những chân lý trọng tâm của đức tin như được thể hiện trong Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ. Cầu xin cho Năm Đức Tin có thể dẫn dắt tất cả các tín hữu đến với một kiến thức đầy đủ hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô và sự tham gia sâu hơn trong cuộc sống của Nhiệm Thể Người, là Giáo Hội!
3. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14 tháng 10
Một trong những nét tiêu biểu của con người ngày nay là sự bận rộn. “Busy” được nhiều người đánh giá là “thành công”. Đặc biệt là “busy” trong việc kiếm tiền, trong việc sấp mình thờ lạy “thần tài” đến mức không còn thời giờ để lo lắng cho phần rỗi linh hồn của mình, không còn thời gian để thờ phượng Chúa là Đấng lẽ ra chúng ta phải “yêu mến hết lòng và hết trí khôn”. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật 14 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cảnh cáo các tín hữu phải sẵn sàng từ bỏ lòng quyến luyến của cải thế gian.
Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay có đề tài chính là sự giàu có. Chúa Giêsu dạy rằng đối với một người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa. Nhưng không phải là không có thể.
Thật vậy, Thiên Chúa có thể chinh phục con tim của một người có nhiều của cải và thúc đẩy họ sống liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu, với những người nghèo, nghĩa là bước vào luận lý của trao ban”.
Như thường xảy ra trong các Sách Phúc Âm, tất cả đều khởi hành từ một cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người kia “có nhiều của cải”. Ông là người ngay từ thời còn trẻ vẫn trung thành tuân giữ mọi giới răn Chúa, nhưng chưa tìm được hạnh phúc đích thực; và vì thế, ông ta hỏi Chúa Giêsu xem cần phải làm gì nữa “để được sự sống đời đời”
Chúa Giêsu đón nhận ước muốn sâu xa nơi người ấy - và thánh sử Maccô nhận xét - Ngài nhìn người ấy với cái nhìn trìu mến: cái nhìn của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu cũng hiểu đâu là điểm yếu của người ấy: đó chính là sự quyến luyến với gia sản giàu có của ông; và vì thế, Ngài đề nghị ông phân phát hết tài sản cho người nghèo, nhờ đó, kho tàng của ông, và con tim của ông, không còn ở trên mặt đất nữa, nhưng ở trên trời. Nhưng người ấy, thay vì đón nhận lời mời gọi của Chúa, thì lại buồn rầu bỏ đi, vì không rời bỏ nổi những của cải giàu sang của mình, những của mà không bao giờ chúng có thể mang lại cho ông ta hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu”.
Và bấy giờ Chúa Giêsu nêu lên một giáo huấn cho các môn đệ - và cho cả chúng ta ngày nay: Thật là khó khăn dường nào đối với những người có nhiều của cải, vào được Nước Thiên Chúa!. Khi nghe những lời này, các môn đệ ngỡ ngàng; và họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu nói thêm: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào Nước Chúa”. Nhưng khi thấy họ kinh ngạc, Chúa nói: “Điều ấy không thể đối với con người, nhưng không phải không thể đối với Thiên Chúa! Vì tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa”. Thánh Clemente thành Alessandria bình luận như sau: “Dụ ngôn ấy dạy những người giàu có đừng lơ là đối với phần rỗi của họ vì như thế họ đã bị kết án, và cũng không được vất của cải xuống biển, và đừng lên án sự giàu sang như là cạm bẫy hay là sự thù nghịch đối với cuộc sống, nhưng họ phải học cách sử dụng sự giàu sang để tìm kiếm được sự sống”.
“Lịch sử Giáo Hội đầy những tấm gương của những người giàu có, đã dùng tài sản của mình theo tinh thần Phúc Âm, và họ cũng đạt tới sự thánh thiện. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến thánh Phanxicô, thánh nữ Elisabeth xứ Hungari, hoặc thánh Carlo Borromeo. Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Tòa Đấng Khôn ngoan, giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, để được cuộc sống sung mãn.
4. Đức Thượng Phụ Barthôlômêô đánh giá cao khía cạnh đại kết của Công Đồng Chung Vatican II
Trong thánh lễ trọng thể Khai Mạc Năm Đức Tin, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô Đệ Nhất, là Thượng Phụ Đại Kết Tòa Constantinople của Chính Thống Giáo, đã công nhận vai trò quan trọng của Công Đồng Chung Vatican II trong tiến trình dẫn đến sự hiệp nhất Kitô giáo.
Ngài nói:
"Chúng tôi đánh giá cao những cố gắng giải phóng dần dần những hạn chế của triết học kinh viện cứng nhắc để hướng tới sự cởi mở trong cuộc gặp gỡ đại kết, là điều đã dẫn đến việc hủy bỏ vạ tuyệt thông năm 1054, và việc trao đổi những lời chúc mừng cho nhau, cũng như việc trao trả các thánh tích, bắt đầu những cuộc đối thoại quan trọng, và đến thăm các Tòa Thánh của đôi bên."
Đức Thượng phụ Đại kết, người đại diện cho 300 triệu tín hữu Chính Thống Giáo, đã nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục nỗ lực để hướng tới sự hiệp nhất sâu xa hơn như con đường đã được vạch ra bởi Công Đồng Chung Vatican II. Ngài tin rằng Năm Đức Tin và dịp kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II là một cơ hội tốt để đôi bên gần gũi nhau hơn.
Ngài nhấn mạnh rằng:
"Cánh cửa đã được mở bởi Công Đồng Chung Vatican II cần phải tiếp tục được mở rộng cho nhận thức, cho việc hội nhập vào các hoạt động mục vụ, và việc giải thích Công Đồng Chung Vatican II sâu xa hơn về mặt Giáo Hội ".
Đức Thượng phụ Đại kết cám ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố Năm Đức Tin, và cho rằng sáng kiến này rất kịp thời.
Ngài nói:
"Thật là phù hợp để đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II với việc Khai Mạc Năm Đức Tin vì chính đức tin đưa ra một dấu chỉ cụ thể cho cuộc hành trình chúng ta đã đi bên nhau trên con đường hòa giải và hiệp nhất hữu hình."
5. Tổng Giám Mục Anh Giáo ca ngợi Công Đồng Chung Vatican II
Đích thân Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã mời Giáo Chủ Anh Giáo, là Tổng Giám Mục Rowan Williams, đến nói chuyện tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm Hóa.
Cử chỉ này của Đức Giáo Hoàng đã được Giáo Hội Anh Giáo đánh giá cao. Phát biểu hôm 11 tháng 10, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm Hóa, Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams của thành Canterbury nói:
“Kính thưa Đức Thánh Cha, kính thưa các nghị phụ, thưa anh chị em trong Chúa Kitô, thưa các bạn
Tôi rất hân hạnh được Đức Thánh Cha mời lên tiếng trong Thượng Hội Đồng này: như Thánh Vịnh Gia từng viết ‘Anh em xum họp một nhà bao là tốt đẹp bao là vui tươi’. Cuộc tụ họp các giám mục trong Thượng Hội Đồng vì lợi ích của dân thánh Chúa Kitô là một trong những định chế nâng đỡ sự lành mạnh của Giáo Hội Người. Và ngày hôm nay, chúng ta không thể quên cuộc tụ họp vĩ đại “anh em một nhà” là Công Đồng Vatican II, một công đồng đã làm rất nhiều cho sự lành mạnh của Giáo Hội và giúp Giáo Hội phục hồi thật nhiều năng lực để công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách hữu hiệu trong thời đại ta. Đối với rất nhiều người thuộc thế hệ của tôi, kể cả ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo Rôma, Công Đồng ấy là một dấu chỉ của hứa hẹn lớn lao, một dấu chỉ cho thấy Giáo Hội đủ mạnh để tự đặt cho mình những câu hỏi hắc búa xem liệu nền văn hóa và cơ cấu của mình có thích đáng đối với trách vụ chia sẻ Tin Mừng với tâm thức phức tạp, đôi khi nổi loạn, luôn luôn bất an của thế giới hiện đại hay không.”
6. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nghị phụ của Công Đồng Chung Vatican II
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có buổi tiếp kiến vào sáng 12 tháng 10, dành cho 15 nghị phụ Công Đồng chung Vatican 2 và 104 vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục về Rôma tham dự thánh lễ kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II và khai mạc Năm Đức Tin.
Đức Hồng Y Francis Arinze, 80 tuổi, người Nigeria, nguyên là Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, cũng là một trong những nghị phụ trẻ nhất của Công Đồng, đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha đã nhắc đến một danh từ do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 đề ra và liên tục được nhắc đến trong phạm vi người Công Giáo, đó là từ “aggiornamento”, canh tân, cập nhật.
Ngài nói:
"Tôi xác tín rằng trực giác mà Chân Phước Gioan 23 tóm gọn trong từ ấy là điều đã và vẫn còn đúng. Kitô giáo không thể bị coi như cái gì thuộc về quá khứ, và không thể sống với cái nhìn luôn hướng về đàng sau, vì Chúa Giêsu Kitô vẫn là một “hôm qua, hôm nay và mãi mãi”. Kitô giáo được ghi đậm bởi sự hiện diện của Thiên Chúa vĩnh cửu, Chúa đã đi vào thời gian và hiện diện trong mọi thời đại để mọi thời đại được nảy sinh từ quyền năng sáng tạo của Chúa”.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta không bao giờ được coi Kitô giáo như một cây đã tăng trưởng hoàn toàn từ hạt cải Tin Mừng, sinh hoa trái, rồi một ngày kia già cỗi và tàn lụi sức sống. Kitô giáo là một cây, có thể nói là mãi mãi ở trong “bình minh”, luôn luôn trẻ trung. Tính chất thời sự, sự canh tân, cập nhật ấy không có nghĩa là gián đoạn với truyền thống, nhưng diễn tả sức sinh động liên tục của truyền thống; nó không có nghĩa là thu hẹp đức tin, hạ đức tin xuống cho hợp với thời trang của thời đại, tùy theo điều làm cho chúng ta và dư luận quần chúng hài lòng; nhưng nói ngược lại thì mới đúng: nghĩa là như các Nghị phụ Công Đồng đã làm, chúng ta cũng phải mang ”tính chất thời sự, tính chất ngày hôm nay của thời đại chúng ta vào trong 'ngày hôm nay' của Thiên Chúa”.
Trước buổi tiếp kiến trên đây vào lúc 12 giờ, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Thượng Phụ Barthôlômêô Đệ I, Giáo Chủ Chính Thống Contantinople, và đoàn tùy tùng.
Sau đó vào lúc 1 giờ 15 trưa, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với 500 vị tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục bao gồm các vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, các nghị phụ thượng Hội Đồng Giám Mục 13 đang họp tại Roma, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô Đệ I và Đức Giáo Chủ Anh giáo Rowan Williams.
7. Tòa Thánh công bố tựa đề của cuốn sách mới nhất do Đức Giáo Hoàng biên soạn.
Cuốn sách mới nhất do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 biên soạn có tựa đề là "Tuổi thơ của Chúa Giêsu". Đây là tập thứ Ba trong loạt sách “Chúa Giêsu thành Nazareth” do Đức Thánh Cha biên soạn.
Cuốn sách kết hợp các dữ liệu lịch sử về sự ra đời và thời thơ ấu của Chúa Giêsu, cùng với những suy tư thần học của Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha đã ký tên tác giả cuốn sách là “Joseph Ratzinger” thay vì là “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16” như nhiều người dự đoán. Chủ ý của Đức Thánh Cha có lẽ là để tránh việc ngộ nhận rằng cuốn sách này là một phần của Huấn Quyền Hội Thánh.
Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 10, phòng báo chí Tòa Thánh đã giới thiệu bìa sách, và một số các trang trong cuốn sách.
Cuốn sách sẽ được chính thức trưng bày tại Hội chợ sách quốc tế tại Frankfurt, bên Đức. Tuy nhiên, phải đợi đến trước lễ Giáng Sinh vài ngày thì cuốn sách mới được bán ra tại các hiệu sách.
8. Đức Thánh Cha bày tỏ lạc quan về tương lai Giáo Hội
Trong một cuốn phim tài liệu về các tôn giáo ở châu Âu, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ sự lạc quan về tương lai của Giáo Hội bất chấp cuộc khủng hoảng đức tin đang diễn ra tại lục địa này. Đức Giáo Hoàng nói rằng có ba lý do để lạc quan.
Lý do đầu tiên là bởi vì việc tìm kiếm Thiên Chúa đơn giản là một phần của bản tính con người và khao khát đó không thể biến mất được.
Thứ hai, ngài nói rằng chân lý đích thật đến từ Thiên Chúa không già cỗi hoặc trở nên không còn liên hệ gì với con người đương đại. Vì thế, Tin Mừng và đức tin vào Chúa Kitô sẽ luôn luôn tồn tại. Ngược lại, các tà thuyết và những ý thức hệ bắt nguồn từ con người có thể mạnh mẽ lúc đầu, nhưng theo thời gian, chúng tan rã. Lý thuyết cộng sản và Quốc Xã là những ví dụ điển hình.
Lý do thứ ba là thanh thiếu niên. Đức Giáo Hoàng nói rằng những người trẻ đang nhận ra những lời hứa trống rỗng của các ý thức hệ và chủ nghĩa tiêu thụ. Vì thế, họ đang tìm kiếm Thiên Chúa.
Cuốn phim tài liệu này có tên gọi là “Tiếng Chuông Châu Âu” được sản xuất bởi Trung Tâm Truyền Hình Vatican. Trong cuốn phim, ta có thể thấy hình ảnh các nghị phụ trong các cuộc họp về Tân Phúc Âm Hóa. Một số nhà lãnh đạo tinh thần của châu Âu cũng được phỏng vấn trong đó có Đức Thượng Phụ Barthôlômêô Đệ Nhất I, giáo chủ Anh giáo Rowan Williams, Thượng Phụ Kirill của Giáo Hội Chính Thống Nga và Chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Lutheran của Đức, là Wolfgang Huber.
9. Niên Giám Giáo Hội Công Giáo
Mỗi năm Giáo Hội Công Giáo đều xuất bản một cuốn niên giám thống kê về tình hình của người Công Giáo trên thế giới. Trong năm 2010, số người Công Giáo tăng 15 triệu nâng tổng số người Công Giáo lên hơn 1.9 tỷ người. Sự gia tăng này xảy ra trên mọi châu lục, nhưng đặc biệt là ở châu Phi, nơi số có số tín hữu gia tăng đông nhất với hơn 6 triệu tân tòng.
Giáo Hội hiện có 5,104 giám mục, tăng 39 vị so với năm 2009. Số các linh mục cũng gia tăng. Trong năm 2010, đã có 1,643 tân linh mục nâng số linh mục trên toàn thế giới lên 412,236 vị. Tuy nhiên, châu Âu giảm mất 905 linh mục so với năm trước.
Trong năm qua, số nữ tu và các thầy đã giảm 436 vị. Việc sút giảm chủ yếu tại Mỹ Châu, trong khi tại các châu lục khác có sự gia tăng. Hiện nay, toàn Giáo Hội có 54,665 nam nữ tu sĩ. Số lượng các giáo lý viên tăng đến hơn 3 triệu, là một con số đáng khích lệ cho Năm Đức Tin.
Trong lĩnh vực xã hội, Giáo Hội Công Giáo điều hành hơn 5,300 bệnh viện, 18,000 trạm y tế, 17,000 nhà điều dưỡng, 547 trung tâm bệnh phong và 15,300 trung tâm tư vấn hôn nhân.
Trong lĩnh vực giáo dục, số lượng các trường mẫu giáo của Giáo Hội tăng hơn 2,000 từ 68,119 tăng lên 70,544. Số trường tiểu học giảm 124 từ 92,847 xuống còn 92,723 với hơn 30 triệu học sinh. Tuy nhiên, giáo dục trung học tăng lên với sự hiện diện của hơn 1,000 trường trung học mới, nghĩa là tăng từ 42,495 đến 43,591 với 17 triệu học sinh.
10. Đức Hồng Y Timothy Dolan đề nghị Bí Tích Hòa Giải là Bí Tích của Tân Phúc Âm Hóa
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ thứ 13 đang nhóm họp tại Vatican từ hôm mùng 8 và sẽ kết thúc ngày 28 tháng 10. Các nghị phụ đang trao đổi về những khía cạnh khác nhau của Tân Phúc Âm Hoá.
Trong ngày thứ hai của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, đưa ra đề nghị theo đó Bí Tích Hòa Giải là Bí Tích của Năm Đức Tin.
Đức Hồng Y Dolan nhận định rằng việc tái khám phá ý thức về tội lỗi của cá nhân và nhu cầu đón nhận ơn tha thứ từ Lòng Thương Xót Chúa là chìa khóa cho Tân Phúc Âm Hóa.
Một giám mục khác đưa ra đề nghị là Đức Thánh Cha thánh hiến thế giới cho Chúa Thánh Thần. Nếu Đức Giáo Hoàng chấp nhận, buổi lễ có thể diễn ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần, năm 2013. Một lựa chọn khác là trong buổi lễ bế mạc Năm Đức Tin, ngày 24 tháng 11 2013 trùng với ngày lễ Chúa Kitô Vua.
Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục Phát Diệm, là một trong hai Đại biểu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhắc lại lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 theo đó “Tương lai công cuộc truyền giảng Tin Mừng phần lớn tùy thuộc Giáo Hội tại gia”, Đức Cha Nguyễn Năng nói rằng:
“Tại Việt Nam, gia đình Công Giáo giữ một vai trò quan trọng trong việc thông truyền và nuôi dưỡng đức tin. Cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên dạy kinh và giáo lý cho con cái, nhất là trong thời kỳ bị bách hại. Nhiều gia đình, nhờ đọc kinh chung ban tối, trong đó họ suy niệm Tin Mừng, dần dần được ‘Phúc âm hóa’.
Nhiều người ngoài Kitô giáo, do tình liên đới, khi tham dự các lễ cưới và lễ an táng theo nghi thức Công Giáo, họ được nghe nói lền đầu tiên về ý nghĩa và các đặc tính của hôn nhân Công Giáo, ý nghĩa cuộc sống, sự sống lại và niềm hy vọng mai hậu. Thực tế là có nhiều người trở lại để học giáo lý sau khi đã được tham dự các lễ nghi phụng vụ như thế”.
11. Rao Giảng Tin Mừng cho người nghèo
Trong số các bài phát biểu đến từ các nước đang phát triển, người ta đặc biệt chú ý đến nhận định của một vị Tổng Giám Mục người Phi Luật Tân là Đức Cha Socrates Villegas của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan, nói với Thượng Hội Đồng Giám Mục hôm 9 tháng 10 rằng chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho người nghèo nếu người truyền giảng Tin Mừng chia sẻ sự nghèo khó của họ.
Ngài nói:
“Tin Mừng có thể được giảng cho những bao tử trống rỗng, nhưng chỉ khi nào bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình”.
Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas cũng là một trong nhiều nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của đức khiêm tốn và tình liên đới với người nghèo, giữa lúc Giáo Hội Công Giáo đang nỗ lực củng cố đức tin của các tín hữu và khích lệ những người Công Giáo xa lìa Giáo Hội hãy trở về.
Bài tham luận của Đức Cha Villegas đã được các nghị phụ vỗ tay tán thưởng. Ngài nói: “Việc tái truyền giảng Tin Mừng kêu gọi chúng ta phải có một sự khiêm tốn mới mẻ. Tin Mừng không thể thu hút trong sự kiêu hãnh. Theo Chúa Kitô có nghĩa là noi gương Chúa với một “cảm thức sâu xa về lòng kính trọng đối với nhân loại. Việc rao giảng Tin Mừng đã bị thương tổn và tiếp tục bị cản trở vì sự kiêu hãnh của những sứ giả Tin Mừng”.
Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas năm nay 52 tuổi, được thụ phong linh mục năm 1985 tại tổng giáo phận Manila. Năm 2001, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá tổng giáo phận thủ đô Manila. Tháng 9 năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Lingayen-Dagupan nơi có dân số là 1 triệu 400 ngàn người trong đó 83 phần trăm là người Công Giáo.
12. Một Giáo Hội khiêm tốn
Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Luis Antonio Tagle, người thay thế Đức Hồng Y Gaudencio Rosales coi sóc tổng giáo phận Manila nhấn mạnh đến việc Giáo Hội cần thiết phải đứng về phía người nghèo, phải khiêm tốn theo gương Chúa Giêsu là Đấng đã hạ mình xuống thế làm người, để chịu đau khổ và chịu chết cho nhân loại.
Ngài nói:
Giáo Hội phải chân thành lo lắng quan tâm đối với mọi người, nhưng đặc biệt là “những người bị thế gian lơ là và coi rẻ”.
Đức Tổng Giám Mục Luis Antonio Tagle năm nay 55 tuổi. Ngài được thụ phong tại giáo phận Imus năm 1982 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám Mục tại giáo phận này năm 2001. Tháng 10 năm ngoái Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục thủ đô Manila.
13. Rao giảng về Chúa và Tin Mừng cứu độ của Ngài chứ đừng rao giảng về cái tôi và những tư tưởng chủ quan của mình
Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, nói trước Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới rằng một trong những chướng ngại lớn nhất mà các linh mục và các nhà thần học thường gặp phải trong việc trở thành một nhà rao giảng Tin Mừng đích thực là thái độ kiêu ngạo, cùng với “đồng minh” của thói xấu này là tính ích kỷ.
Ngài nói:
Sự ham hố và miệt mài cố gắng để trở nên cao trọng, thành người đặc sắc và quan trọng khiến cho nhiều giáo sĩ trở thành những “người chăm sóc bản thân mình thay vì lo lắng quan tâm cho đoàn chiên”, như thánh Augustino đã từng phê phán.
Đức Hồng Y Zenon nói:
“Mỗi phần tử của Giáo Hội phải nghiêm túc xét mình dưới chân Thánh Giá, phải học để trở nên khiêm tốn và yêu thương thực sự”.
Đức Hồng Y cũng không quên kêu gọi các nghị phụ nghiêm túc cứu xét tình trạng của nền giáo dục Công Giáo. Ngày nay có nhiều trường trung tiểu học và đại học Công Giáo hơn bao giờ hết, nhưng sự tăng trưởng này dường như bị một cuộc khủng hoảng về đức tin đi kèm.
Một chìa khóa để giải quyết vấn đề này, theo Đức Hồng Y, là phải làm sao để các linh mục và các thần học gia hiểu rằng những năm học hành và những thành tựu vẻ vang về nghiên cứu của họ chẳng thu hút được ai đi theo Chúa Kitô nếu những người rao giảng Tin Mừng không thực sự biết Chúa và không chịu dạy điều mà Giáo Hội tuyên dạy”.
Đức Hồng Y Zenon năm nay 73 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục năm 1963. Ngài được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiêm Giám Mục Acropolis năm 1983. Từ năm 1999, ngài đã giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo cho đến nay. Năm 2001, ngài được nâng lên hàng Hồng Y.
14. Nhiệt huyết tông đồ
Đức Cha José Rauda Gutierrez, Giám Mục giáo phận San Vicente của nước El Salvador, nói với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới rằng đôi khi chính các Giám Mục và linh mục lại là các chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng.
Ngài nói:
“Sự đánh mất nhiệt huyết mục vụ, sự giảm sút các hoạt động truyền giáo, các buổi cử hành phụng vụ buồn tẻ thiếu cảm nghiệm sâu xa về mặt thiêng liêng, và sự thiếu vui mừng và hy vọng của các giáo sĩ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới chính đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.
Theo Đức Cha Rauda, việc tái truyền giảng Tin Mừng phải giống như phương dược mang lại vui tươi và sức sống thay vì sự sợ hãi.
Đức Cha Rauda năm nay 50 tuổi. Ngài thuộc dòng anh em hèn mọn, được thụ phong linh mục năm 1989 và được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Giám Mục Santa Ana năm 2008. Từ tháng 12 năm 2009, ngài coi sóc giáo phận San Vincente.
15. Ban phép lành cho thai nhi trong bụng mẹ
Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, Kentucky ở Hoa Kỳ là một trong những nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Trong phát biểu của ngài, Đức Cha Joseph Kurtz đã cổ vũ cho việc ban phép lành cho thai nhi còn trong bụng mẹ.
Đức Cha Joseph Kurtz giải thích về điều này như sau:
“Tôi muốn đề cập đến việc ban phép lành cho thai nhi, người mẹ đang mang thai, người cha và những người thân trong gia đình.”
Sáng kiến này đã được đề xuất bởi các Giám Mục Hoa Kỳ và Tòa Thánh đã phê duyệt Công Thức Ban Phép Lành vào cuối tháng Mười Hai năm ngoái.
Đức Cha Joseph Kurtz cho biết sáng kiến này đã rất thành công trong các giáo xứ địa phương tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh việc làm nổi bật phẩm giá đời sống con người, sáng kiến này tạo cho Giáo Hội một cơ hội tuyệt vời trong các nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa.
Đức Cha Joseph Kurtz nói:
"Việc ban phép lành này là một cơ hội tuyệt vời, trước hết, để chia vui với một bà mẹ là người đang hân hoan nhưng đôi khi cũng đang lo lắng quan tâm về những gì là tốt nhất cho con mình. Đó là một thời gian để chia sẻ với người cha. Và tất nhiên đó là một cơ hội lớn như là một bước đầu tiên trong việc tiếp cận với gia đình, để mời họ bắt đầu chuẩn bị cho Bí Tích Rửa Tội của đứa trẻ chưa sinh ra ".
Đây là thượng hội đồng đầu tiên Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz tham dự. Ngài nói rằng một trong những chìa khóa để Tân Phúc Âm Hóa là Giáo Hội phải mạnh dạn và hân hoan tiến ra ngoài để gặp gỡ mọi người.
Đức Tổng Giám Mục của Louisville nói thêm
"Một trong những điều quan yếu đã được Thượng Hội Đồng này nêu bật là sự cần thiết phải thể hiện niềm vui, niềm vui đã gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống riêng của chúng ta, trong cộng đoàn của chúng ta. Đó là bước khởi đầu cho việc rao giảng Tin Mừng ".
Đây là một bằng chứng nữa để khẳng định rằng một ví dụ cụ thể có giá trị nhiều hơn so với các từ ngữ và các bài phát biểu.
16. Đêm thắp nến kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II
40 ngàn tín hữu đã tham dự cuộc rước nến tối ngày 11 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2.
Giống như Đức Gioan 23, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài vào cuối buổi rước nến để chào thăm các tín hữu. Ngài cám ơn Hội Công Giáo tiến hành Italia đã tổ chức cuộc rước nến này:
Đức Thánh Cha nói:
“Cách đây 50 năm, vào ngày này, tôi cũng có mặt tại Quảng trường thánh Phêrô, hướng nhìn lên cửa sổ đây, nơi vị Giáo Hoàng từ nhân, Đức Chân phước Gioan 23, nói với chúng tôi bằng những lời không thể quên được, những lời đầy thơ phú, nhân từ, những lời phát xuất từ con tim của Người.
“Tôi có thể nói, hồi đó chúng tôi hạnh phúc, đầy phấn khởi. Đại Công Đồng đã được khai mạc, và chúng tôi chắc chắn là một mùa xuân mới sẽ đến với Giáo Hội, một lễ Hiện Xuống mới, với một sự hiện diện mạnh mẽ mới mẻ của ân thánh với sức mạnh giải thoát của Tin Mừng.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Hôm nay chúng ta cũng hạnh phúc, chúng ta mang niềm vui trong tâm hồn, nhưng tôi có thể nói đây là một niềm vui 'điều độ' hơn, một niềm vui khiêm tốn hơn. Trong 50 năm qua, chúng ta đã học và cảm nghiệm thấy tội nguyên tổ vẫn hiện hữu và luôn tái thể hiện qua các tội cá nhân, chúng cũng có thể trở thành những cơ cấu tội lỗi. Chúng ta đã thấy trong ruộng của Chúa luôn có những cỏ dại. Chúng ta đã thấy rằng trong lưới của thánh Phêrô cũng có những con cá độc. Chúng ta đã thấy sự dòn mỏng của con người cũng hiện diện trong Giáo Hội, con thuyền của Giáo Hội đang đi ngược gió, với những phong ba bão táp đang đe dọa con thuyền, và đôi khi chúng ta đã nghĩ: ‘Chúa ngủ và đã quên mất chúng ta rồi chăng?”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Đó là một phần những kinh nghiệm trong 50 năm qua, nhưng chúng ta cũng được một kinh nghiệm mới về sự hiện diện của Chúa, về lòng từ nhân và sức mạnh của Chúa. Ngọn lửa của Chúa Thánh Linh, của Chúa Kitô, không phải là ngọn lửa thiêu hủy, tàn phá; đó là một ngọn lửa âm thầm, là một ngọn lửa bé nhỏ của lòng từ nhân và sự thật, biến đổi, trao ban ánh sáng và sức nóng. Chúng ta đã thấy Chúa không quên chúng ta. Ngày nay, Chúa cũng theo cách thức khiêm tốn của ngài, hiện diện và sưởi ấm các tâm hồn, chứng tỏ sự sống, sáng tạo những đoàn sủng nhân từ và bác ái soi sáng thế giới và bảo đảm lòng từ nhân của Thiên Chúa cho chúng ta”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói rằng “Tôi xin lập lại những lời không thể quên được của Đức Giáo Hoàng Gioan 23: anh chị em hãy về nhà, trao một nụ hôn cho các trẻ em và nói đó là nụ hôn do Đức Giáo Hoàng trao tặng”
17. Chính thức công nhận phép lạ thứ 68 tại Lộ Đức
Một vụ khỏi bệnh của một nữ tu tại Lộ Đức đã được giáo quyền chính thức công nhận là phép lạ.
Người được phép lạ là nữ tu Luigina Traverso, năm nay 78 tuổi, thuộc dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA). Năm 30 tuổi, chị bị tê liệt hoàn toàn sau những cuộc giải phẫu cột sống. Năm 1965, chị Luigina được Mẹ Bề Trên Tổng Quyền cho phép tham dự cuộc hành hương ở Lộ Đức. Cộng đoàn của chị ở Tortona, thuộc miền Piemonte, tây bắc Italia, nồng nhiệt hiệp ý cầu nguyện cho chị.
Trong những ngày từ 20 đến 26 tháng 7 năm 1965, Chị Luigina tham dự tất cả các buổi cử hành phụng vụ ở Lộ Đức, dù chị phải nằm trên cáng, vì chị không thể đi và đứng được.
Ủy ban y khoa quốc tế về Lộ Đức cho biết:
Ngày 23 tháng 7 năm 1965, trong lúc chầu Mình Thánh Chúa và Mặt Nhật Mình Thánh được rước qua gần chị Luigina, chị cảm thấy một cảm giác mạnh mẽ với sức nóng và một niềm khoan khoái thúc đẩy chị đứng dậy. Chị tự đi lại ở Lộ Đức mà không cần dùng cáng nữa. Sau đó chị Luigina tiếp tục hoạt động trợ tá, dạy học và rồi làm quản lý tỉnh dòng trong nhiều năm trời. Hiện nay chị cư ngụ trong cộng đoàn thánh Giuse ở làng San Salvatore Monferrato, tỉnh Alessandria bắc Italia, giữ nhiệm vụ cố vấn và quản lý của tu viện.
Ngày 19 tháng 11 năm 2011, Ủy ban y khoa quốc tế về Lộ Đức sau nhiều năm điều tra đã xác nhận cuộc khỏi bệnh của chị Luigina Traverso là không thể giải thích được theo trình độ kiến thức y khoa hiện nay. Đức Cha Jacques Perrier bấy giờ là Giám Mục giáo phận Tarbes-Lộ Đức, đã thông báo hồ sơ này cho Đức Cha Alceste Catella, Giám Mục giáo phận Casale Monferrato , nơi nữ tu Luigina cư ngụ.
Ngày 11 tháng 10 năm 2012, đúng vào dịp khai mạc Năm Đức Tin, Đức Cha Catella chính thức công nhận cuộc khỏi bệnh của chị Luigina là phép lạ. Đây là phép lạ thứ 68 được công nhận trong số hàng ngàn cuộc khỏi bệnh lạ lùng tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức.
18. Cộng đoàn Taizé kêu gọi các bạn trẻ châu Âu về Rôma để gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng
Rôma là thành phố đã được lựa chọn để tổ chức cuộc họp thanh niên châu Âu được tổ chức bởi Cộng đoàn Đại Kết Taizé từ 28 Tháng Mười Hai đến Mùng 2 Tháng Giêng. Sự kiện này sẽ mang hàng ngàn người trẻ từ các tôn giáo khác nhau đến với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.
Cộng Đoàn Taizé là một cộng đồng tôn giáo đại kết. Các thành viên của Cộng Đoàn bao gồm người Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành. Cộng Đoàn đã được thành lập bởi Thầy Roger vào năm 1940, tại thị trấn Taizé, bên Pháp, khi thế giới hồi đó đang bị xâu xé bởi chiến tranh.
Cha David của Cộng Đoàn Taizé cho biết:
"Cộng đoàn chúng tôi được hình thành trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi người sáng lập của cộng đoàn, là Thầy Roger, đến Taizé với ý tưởng quy tụ một nhóm nhỏ những thanh niên đến từ các quốc gia khác nhau, các nền văn hóa khác nhau, từ các Giáo Hội khác nhau như là một dấu hiệu của hiệp thông, của hòa bình ".
Hiện nay, Cộng Đoàn Taizé có 1.000 nam nữ tu sĩ. Hầu hết họ sống tại Taizé, nhưng một số không nhỏ cũng sống trong các khu ổ chuột ở Brazil, Senegal, Kenya, Bangladesh và Hàn Quốc.
Sau Paris, Barcelona, Praha, Budapest, năm nay cuộc họp được dời đến đến Rôma, kinh thành vĩnh cửu với những nét rất đặc biệt.
Cha David nói:
"Đức tin Kitô từ các thánh Tông Đồ đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nơi đây, nơi biết bao người đã dâng hiến mạng sống cho Chúa Kitô, cho đức tin, Giáo Hội đã sống động trong suốt 2.000 năm qua. Vì thế, đây sẽ là một bước quan trọng trong cuộc hành hương của chúng tôi".
Bên cạnh các tu sĩ là những thiện nguyện viên trẻ đến từ các quốc gia khác nhau, những người đã đến Rôma để chuẩn bị tất cả mọi thứ và cầu nguyện tại Đền Thờ Thánh Gioan Laterano cho các bạn trẻ tham dự biến cố này.
Esther Calzada, một thiện nguyện viên của cộng đoàn Taizé cho biết:
"Đối với tôi biến cố này thật là đặc biệt vì tôi nghĩ rằng nhiều người trẻ tuổi sẽ cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng và các người trẻ này không chỉ giới hạn trong số người Công Giáo. Chúng ta tất cả đều là Kitô hữu. "
Đây là lần gặp gỡ thứ 35 của Đại hội Thanh niên châu Âu, được ghi dấu bởi Năm Đức Tin và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro nơi mà tất nhiên Cộng Đoàn Taizé sẽ tham gia.
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét