Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Sự thật giải thoát anh em




SỰ THẬT GIẢI THOÁT ANH EM (Ga 8,32)

«Giáo hội không thể và không phải gánh lấy cuộc chiến chính trị để đem lại một xã hội công bằng nhất. Giáo hội không thể và không phải thay thế Chính quyền. Tuy nhiên, Giáo hội đồng thời không thể và không phải ở bên lề trong cuộc đấu tranh cho công bằng. Giáo hội cần đóng vai trò của mình qua việc biện luận thuần lý và phải thức tỉnh năng lực thiêng liêng mà nếu thiếu, công bằng vốn luôn đòi hỏi sự hy sinh, sẽ không duy trì và tăng trưởng. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, chứ không phải do Giáo hội. Nhưng cổ võ cho công bằng qua những nỗ lực nhằm đem lại sự cởi mở của tâm trí và ước muốn theo những đòi hỏi của Công Ích, là điều quan hệ đến Giáo hội cách sâu xa.» như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết trong Thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, được ban hành ngày 25.12.2005.

Ngày 22.01.2002, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã viết và trao cho các Đức Giám mục Việt-Nam đến Rôma để thực hành cuộc ‘Ad limina’ : « Giáo hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo hội không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào ». Bởi thế « cộng đồng chánh trị và Giáo hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình ». Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu « cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau ». Vì "sự hợp tác lành mạnh nầy", Giáo hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. » 

Để thực hiện ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam luôn đào tạo những thế hệ ‘Kitô hữu tốt cũng là công dân tốt’, thấm nhuần Giáo huấn xã hội Giáo hội Công giáo. Trong hiện tại, người Công giáo cần đọc thêm và biết rõ bản ‘Nhận định về một số Tình hình tại Việt Nam Hiện nay’ do Ủy ban Công Lý và Hòa Bình Hội đồng Giám mục phổ biến ngày 15.05.2012, kỷ niệm 121 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ban hành bởi Đức Thánh Cha Léon XIII, dù tình hình kinh tế, chánh trị và đàn áp dân lành ngày càng trở nên trầm trọng hơn, từ đó đến nay. 

I. KITÔ HỮU TỐT CŨNG LÀ CÔNG DÂN TỐT.

A.- Là người Việt-Nam, từ khi mở mắt chào đời, chúng ta đã tiếp nhận máu huyết của cha mẹ, ông bà; thừa hưởng gia sản văn hóa, giá trị đạo đức của Tổ tiên Việt Nam. Chúng ta có một Tổ quốc Việt Nam với non sông gấm vóc, lịch sử vẻ vang với bao tiền nhân hào hùng. Chúng ta yêu Quê hương với Đồng bào Việt Nam. Do đó, làm sao chúng ta không khỏi rung động tận con tim khi nghe Thái Thanh hát bài ‘Tình Ca’ của Phạm Duy (Sài Gòn 1953). Lại càng thắm thía hơn khi chúng ta lang thang nơi hải ngoại.

Mỗi người Việt Nam phải xác tín mình là cái vốn đầu tư của Đất Nước, nếu không thành công trong tư cách đạo đức, tri thức… thì chúng ta đừng làm thiệt hại cho Đất Nước. 

Vì là người Việt, tôi cần học hỏi để biết về lịch sử Dân Tộc tôi. Tôi phải hiểu được, nói được tiếng và chữ viết Việt Nam. Tôi có trách nhiệm truyền đạt tiếng nói, chữ viết Việt Nam cho con em, bạn bè và đồng bào tôi.

Là người Việt Nam, tôi có bổn phận dấn thân phục vụ đồng bào, trung thành bảo vệ và xây dựng Quê Hương tôi bằng tim óc, xương máu tôi. Tôi còn phải là niềm hãnh diện và hy vọng cho đồng bào, dân tộc Việt Nam mình.

B. Là người Công giáo khi chúng ta hoàn toàn tự do ngỏ ý muốn nhận bí tích Rửa Tội để gia nhập Giáo hội Công giáo : chấp nhận Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha chung của mọi người nhờ ơn Cứu chuộc bởi Chúa Giêsu Kitô. Được ghi tên vào sổ chưa hẳn là người Công giáo đúng mức vì Kitô hữu chân thật phải sống noi gương Chúa Giêsu, theo Phúc Âm Người.

Thiên Chúa mời chúng ta sống Nên Thánh bằng vác Thánh Giá theo chân Đức Kitô, tức hoàn thành bổn phận của mình trong hoàn cảnh đang sống : 
- Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới nầy mỗi ngày mà con không biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ nầy, thập niên nầy, môi trường nầy. Đặt con, chứ không phải cục đá! Khác nhau lắm! Đừng làm ‘Công giáo bù nhìn’ (Đường Hy Vọng, số 621, do Đức Hồng y P.X. Nguyễn văn Thuận viết).
- Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta (ĐHV. 622).

Tình yêu Quê Hương của người Công giáo Việt Nam được Đức Hồng y Nguyễn văn Thuận ca ngợi và viết thành nhạc phẩm ‘Con có một Tổ Quốc’ :

Tiếng chuông não nùng, Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông ngân trầm, Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thót, Việt Nam hy vọng.
Con có một tổ quốc: Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời,
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang,
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết,
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của dân tộc.
Một nước Việt Nam,
Một dân tộc Việt Nam,
Một tâm hồn Việt Nam,
Một văn hoá Việt Nam,
Một truyền thống Việt Nam,
Là người Công giáo Việt Nam
Con phải yêu tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong dòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.

II. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết : « Giáo huấn xã hội Hội Thánh biện luận trên nền tảng của lý trí và luật tự nhiên, tức trên nền tảng của những điều tương hợp với bản tính nhân loại. Hội Thánh nhận biết mình không có trách nhiệm làm cho giáo huấn này chiếm ưu thế trong lãnh vực chính trị : Hội Thánh muốn giúp đào tạo về lương tâm trong lãnh vực chính trị và làm gia tăng sự hiểu biết rõ hơn những đòi hỏi đích thực của sự công bằng cũng như sự sẵn sàng để hành động thích hợp, dù có thể phải xung đột với những nhóm lợi ích riêng tư. Xây dựng một trật tự công bằng cho xã hội và nhà nước, nơi đó mỗi người lãnh nhận điều thuộc về họ, là một bổn phận cốt yếu mà mỗi thế hệ phải luôn quan tâm. Vì là một nhiệm vụ chính trị, nó không thể là trách nhiệm trực tiếp của Hội Thánh. Tuy nhiên, bởi vì đây cũng là một trách nhiệm quan trọng nhất của nhân loại, Hội Thánh có bổn phận phải đóng góp phần riêng, bằng việc thanh tẩy lý trí và việc huấn luyện đạo đức, để chu toàn những đòi hỏi khả thi của công bằng trong lãnh vực chính trị (Thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, số 28).

A.- Sự hình thành ‘Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo’.

Đáp ứng nguyện vọng của các Đức Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo hội’. 

Khi đó, một Mục tử Việt Nam, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình và, từ ngày 24.06.1998, được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng này. Đầu năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đề nghị Đức cha Chủ tịch Hội đồng viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’, còn có tên ‘Agenda Social’. Trong bản Sưu Tập nầy, Đức cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà nước, Kinh tế, Lao động và Tiền lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng đồng Quốc tế và Chương Kết. Ðức cha đã ký Lời Tựa ban hành văn kiện này ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, tại Vatican City. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành ‘Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo’. 

Sau đó, Đức cha được vinh thăng Đức Hồng y ngày 21.0.2001 và tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tình trạng sức khỏe Người không cho phép như Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, đã viết trong ‘Lời Giới Thiệu’: « Vị tiền nhiệm của tôi, Đức cố Hồng y đáng tiếc và khả kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này. Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho Ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và, hôm nay, được trao cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, Ngài đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt-Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự công lao quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của Ngài, và Ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này. »

Văn kiện này được ký ban hành ngày 02.04.2004, tại Rôma, bởi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, Chủ tịch, và Đức cha Giampaolo Crepaldi, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình.

Ngày 26.06.2009, khi các Đức Giám mục Việt Nam đến viếng thăm Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình, nhân dịp ‘Ad limina’, Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, Chủ tịch Hội đồng, rất vui khi được biết cuốn ‘Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội’ đã được dịch sang tiếng Việt, vì đây là tài liệu căn bản để các tín hữu quy chiếu vào và góp phần xây dựng xã hội như Giáo hội mong ước. 

B.- Những ghi nhận đáng đặc biệt lưu ý.

Thiên Chúa toàn năng, Đấng Tạo Hoá, với Lý trí siêu việt, đã hoàn tất tiến trình tác thành trời đất và, cuối cùng, tạo dựng nên nhân loại. Người có Tự do toàn quyền trao ban sự hiện hữu và sự sống cho con người chúng ta. Chính vì vậy, người nam và người nữ đã được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo khác (x. số 26 Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo). Vì giống Thiên Chúa, con người cũng có :

1/- Lý trí và sự Tự do. 

Thiên Chúa nhân từ ban cho con người chúng ta Lý trí và Tự do để cùng nhau xây dựng và sống trong Hòa bình, Hạnh phúc. Do đó, khi viết ‘Sưu tập những bản văn của huấn quyền về học thuyết xã hội Công giáo’, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã chọn trích đoạn số 2 Sứ điệp ngày thế giới hoà bình năm 1999: « Phẩm giá của ngôi vị con người là một giá trị siêu việt, luôn được công nhận như thế bởi những kẻ quyết tâm tìm kiếm Chân lý. Tất cả lịch sử nhân loại trên thực tế phải được giải thích dưới ánh sáng của Sự thật này. Tất cả mọi người, được dựng nên giống hình ảnh và giống Chúa (x St 26-28) và như thế là hướng triệt để về Đấng Sáng Tạo mình, ở trong liên quan thường xuyên với những ai cùng chung một bản tính. Việc khuyến khích điều thiện của cá nhân như vậy chung phần vào việc phục vụ công ích, nơi những quyền lợi và những bổn phận tương ứng và tăng cường cho nhau. (Sưu tập những bản văn của huấn quyền về học thuyết xã hội Công giáo số 46) ».

Chúng ta hành động với Lý trí và Tự do Thiên Chúa ban và chịu trách nhiệm về kết quả trước Người và tha nhân.

2/- Quyền quản trị vũ trụ được chia sẻ từ Thiên Chúa.
3/- Quyền được mời gọi vào chia sẻ tình yêu Thiên Chúa.
4/- Quyền được mời gọi sống hiệp thông với tha nhân như hình ảnh Thiên Chúa ‘Ba Ngôi’.

Theo nghĩa triết học tự nhiên, Phẩm Giá con người được nhìn nhận vượt lên trên các loài động vật và thực vật, bởi vì có lý trí, lương tâm, tự do. Con người là một ‘nhân vị’ (personne humaine), tức một chủ thể (sujet) có suy nghĩ và tự do; nên không thể bị đối xử như là đồ vật (objet). Mặt khác, vì là nhân vị, con người cần thiết tìm sự triển nở trong cuộc gặp gỡ các nhân vị khác, chứ không khép kín trong cái ‘tôi’ của mình.

(Còn tiếp)


Hà Minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét