SỰ THẬT GIẢI THOÁT ANH EM (Ga 8,32) 2
‘Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội’ được ký ban hành ngày 02.04.2004 và đã được dịch sang tiếng Việt cùng phát hành bởi Ủy ban Bác ái Xã hội Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2007. Chúng ta có thể tìm thấy văn kiện này tại mạng lưới Vatican: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_vi.html
Vấn đề còn lại là nhiệm vụ của từng Kitô hữu dùng lý trí để thấu hiểu và tự do để hành động hay không hành động.
III. NHIỆM VỤ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI.
Ngày 25.01.1983, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ký Tông hiến ‘Sacrae Disciplinae Leges’ để ban hành Giáo Luật hiện hành. Theo đó, điều 747 quy định:
(1) Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo hội kho tàng đức tin, để, nhờ Chúa Thánh Thần giúp đỡ, Giáo hội gìn giữ chân lý mạc khải thật thánh thiện, nghiên cứu thật sâu xa, công bố và trình bày thật trung thành. Do đó, sự rao giảng Phúc Âm cho mọi người, kể cả qua việc xử dụng những phương thế truyền thông xã hội thích ứng, là bổn phận và quyền lợi bẩm sinh của Giáo Hội, không lệ thuộc vào bất cứ quyền bính nào của nhân loại.
Tiếp đến, các điều từ 756 đến 761 đề cập đến ‘Tác Vụ Lời Chúa’ :
- nhiệm vụ loan báo Tin Mừng được ủy thác các riêng cho Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn. Tại Giáo phận, Đức Giám mục thi hành nhiệm vụ ấy với các Linh mục, cộng tác viên của Giám mục, nhất là các Cha Sở, và các Phó tế ;
- do việc tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, tu sĩ các Hội Dòng tận hiến làm chứng nhân cho Tin Mừng bằng cách thế riêng biệt và được Đức Giám mục mời gọi ;
- do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, giáo dân làm chứng nhân loan báo Tin Mừng bằng lời nói và đời sống Kitô hữu gương mẫu, có thể được mời gọi cộng tác với Đức Giám mục và Linh mục trong việc thi hành tác vụ Lời Chúa.
Trong tác vụ Lời Chúa, phải trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô cách trung thành và nguyên vẹn, dựa vào Thánh Kinh, Giáo Huấn và đời sống của Giáo hội. Cần phải dùng những phương thế sẵn có mà phổ biến đạo lý Kitô giáo, như sự rao giảng và huấn giáo, kế đó là các buổi trình bày giáo lý nơi học đường, các buổi thuyết trình và hội họp dưới mọi hình thức. Cần phải phổ biến đạo lý bằng những tuyên ngôn công khai do quyền bính hợp pháp thực hiện mỗi khi có một biến cố xẩy đến, bằng sách báo và bằng các phương tiện truyền thông xã hội khác.
IV. THỰC THI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO.
A. Vài sự kiện lịch sử tiêu biểu.
1. Tại nước Pháp, quốc gia có phúc được gọi là ‘trưởng nữ Giáo hội’ :
Tháng 05.1981, ông François Mitterrand đắc cử Tổng thống, chánh phủ liên hiệp đảng xã hội và cộng sản Pháp do ông Pierre Mauroy làm Thủ tướng. Ngày 04.08.1982, dự luật được thông qua tại Hội đồng Tổng trưởng với chủ đích thiết lập những ‘trường công ích’ liên kết các trường công, trường tư và chính quyền địa phương. Các Hiệp hội Giáo dục Công giáo nghi ngờ các đề nghị được đưa ra nhằm công chức hóa các giáo chức tư thục làm giảm sự tự lập của họ. Khi được đệ nạp tại Quốc hội, các cuộc thảo luận được tiến thành cho thấy dự luật liên quan đến Giáo dục Tư lập (đa số các tư thục là trường công giáo) với nhiều bất công và không hợp lý. Các Giám mục Pháp lên tiếng trên đài phát thanh và truyền hình đề nghị những cuộc họp với chánh phủ (đề xứng đối thoại) để đi đến thỏa thuận có lợi cho quốc gia. Ngoài ra, các cuộc thăm dò dân ý thực hiện bởi các viện thống kê khác nhau đều có những kết quả gần như nhau. Thí dụ, kết quả thăm dò dân ý thực hiện bởi viện Sofres tháng 04/1984 cho biết 66% các gia đình nghĩ là sự tự do lựa chọn trường học cho các con bị đe dọa nếu dự án luật được thông qua. Nhưng, sau đó, các dân biểu phe đa số không thuận tu chỉnh khiến thỏa thuận không được thi hành nghiêm chỉnh.
Cuộc biểu tình lớn (từ 1,2 đến 1,7 triệu người tham dự, tùy nguồn tin) tại Paris ngày 24.06.1984. Trong cuộc triều yết ngày 30.06.1984, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với Thủ tướng Mauroy sự bất thuận của người Công giáo về sự mất tự do của hệ thống giáo dục tư. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình trên đài TF1 nhân ngày Quốc khánh 14.07.1984, Tổng thống Mitterrand ngợi khen ông Alain Savary và cho rằng dự luật của ông ‘tốt’, nhưng loan báo ông sẽ yêu cầu rút lại. Hai ông Mauroy và Savary chỉ biết quyết định đó qua đài truyền hình. Ngày 17.07.1984, Tổng trưởng Giáo dục Savary phải từ chức và, chỉ vài giờ sau, Thủ tướng từ chức, chánh phủ tan rã.
2. Tại Phi luật tân, quốc gia có số bách phân tín hữu Công giáo (80%) so với dân số ở Á châu.
Hội đồng Giám mục tại đây, đầu năm 2001, Tổng thống Estrada phạm những tội hình sự lại dùng người thân tín để làm sai lạc kết quả luận tội tại Thượng nghị viện. Trước tình trạng gian trá đó, dân chúng, với sự hỗ trợ của linh mục, tu sĩ Công giáo, biểu tình truất phế Tổng thống. Để tránh đổ máu, các Giám mục kêu gọi ông Estrada hãy biết nhìn nhận lẽ phải và người dân phải bình tĩnh. Kết quả, ông Estrada phải từ chức.
B. Công dân Đất Việt không được diễm phúc đó.
Từ ngày 30.04.1975, Đất Việt được hoàn toàn thống nhất, công dân khắp nước được nghe lời dụ ngọt ‘Đồng bào đừng lo, để cho Đảng và nhà nước lo’ (có những ‘đồng chí’ tuyên truyền không đúng tiếng Việt thành ‘Đồng bào đừng no, để cho Đảng và nhà nước no’). Dù biết đó là ‘bánh vẽ’, đồng bào phải cam nhận… Đảng và nhà nước ‘no’ gầy dựng cái đám ‘linh mục quốc doanh’ để phá Giáo hội Công giáo. Kết quả, sự ‘sự hợp tác lành mạnh’ phải có giữa ‘cộng đồng chánh trị và Giáo hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’ vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người (ở đây là đồng bào Việt Nam) mà hai Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI nhiều lần đề nghị với các Đức Giám mục Việt Nam không bao giờ được thi hành. Do đó, người nghèo sẽ càng nghèo hơn trong những ngày tháng tới do gánh nặng lạm phát (từ 01.01.2007 đến 30.09.2012, giá cả đã tăng 100%, trong khi các nước chung quanh chỉ tăng 35%) và nợ xấu (nợ vay bị mất). Sự thất bại của Đảng Cộng sản tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua mà blogger Lê Diễn Đức ‘quan sát’ trong thời gian qua nhận thấy:
« Giới quyền lực chóp bu: Đấu đá nhau tranh giành quyền lực, nhưng tay nào cũng có con tin để áp lực lên đối thủ chính trị, vì tay nào cũng có bàn tay ít nhiều nhúng chàm, không bản thân thì người thân trong gia đình, họ hàng. Phương án cuối cùng sẽ là thoả hiệp cứu đảng…
Tầng lớp đại gia, doanh nhân giàu có: Nếu chế độ là thùng phân thì chúng là bầy giòi, sống cộng sinh trên chế độ… Chế độ hiện nay là lý tưởng với giới giàu có này, chúng kiếm tiền bất chính quá dễ dãi, vì có thể mua được tất cả bằng tiền, hoặc bằng rất nhiều tiền, bao gồm cả lương tâm và công lý.
Giới trung lưu, động lực của xã hội: Trong giới này hầu hết là dân có học thức, nhưng đa phần cơ hội, giỏi luồn lách, chấp nhận "sống chung với lũ"…
Giới lao động nghèo: Tính chịu đựng gian khổ và cam phận nô lệ trở thành bản chất… Ví dụ, vỡ đập thuỷ điện, màn trời chiếu đất đấy, nhưng có vị lãnh đạo nào tặng một thùng mì ăn liền rẻ tiền thì rưng rưng nước mắt cám ơn đảng và nhà nước. Kêu trời, phản đối bất công, nhưng chống chế độ thì không.
Người Việt ở nước ngoài: Lực lượng này chỉ mang tính hỗ trợ, không bao giờ có tính quyết định đối với những thay đổi chính trị trong nước. »
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/vn-party-meet-topple-pm-tq-10082012101009.html
C. Sự phân nhiệm tuyệt diệu.
Sự kiện đã xảy ra tại Pháp nói trên cho chúng ta thấy các Giám mục Giáo hội Công giáo tại đây đã lên tiếng bày tỏ lập trường của Giáo hội theo các nhìn ‘công ích và công bình xã hội’ và, sau đó, chính người giáo dân, ý thức trách nhiệm công dân qua tín lý xã hội Công giáo, hành động chánh trị bằng ‘bỏ phiếu bằng chân’ đến thành công.
1. Huấn quyền Giáo lý dành cho Giáo sĩ.
Huấn quyền này được Giáo Luật qui định từ điều 756 đến 761 đề cập đến ‘Tác Vụ Lời Chúa’ như chúng ta đã nhắc đến ở phần III trên đây.
Tại Việt Nam, một mặt, tin tức bị bưng bít, sai lạc và bóp méo sự thật mà nạn nhân thường là các giáo sĩ, điển hình là Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, các Linh mục Giáo xứ Thái Hà, Nguyễn Văn Lý… bởi chính hệ thống truyền tin nhà nước được tài trợ bởi tiền đóng thuế của người dân. Mặt khác, nhiều đồng bào, trong đó có các giáo dân, là những cha mẹ gia đình, suốt ngày bận rộn vì miếng ăn, việc học cho các con, không còn giờ để suy nghĩ đến những nhân quyền căn bản mà con người phải có. Vấn đề đặt ra là : chúng ta, giáo sĩ hay giáo dân, có bổn phận phải nói cho họ biết sự thật của các tin tức sai lạc đó hay các tự do bẩm sinh, có thể gọi chung là ‘chuyện đời’không ?
Xin mời chúng ta cùng đọc Đức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận viết trong ‘Năm chiếc bánh và hai con cá’ :
« Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: ‘Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con’. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói... Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Ao, v.v... Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời... »
Mọi người chúng ta cần biết Sự Thật hầu, nhờ Lý Trí để suy luận, quyết định và Tự Do hành động.
Nhân dịp Ad Limina 2009, sáng ngày 01.07.2009, Phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam đến viếng thăm Bộ Giáo dục Tòa Thánh và được Đức Tổng Giám mục Tổng Thư Ký Jean-Louis Brugès cùng với các vụ trưởng đón tiếp. Trong phần thảo luận, các Đức cha đã trả lời nhiều câu hỏi của các vị lãnh đạo của Bộ.
Hỏi: Ở Việt Nam có các phó tế vĩnh viễn không?
Đáp: Chưa.
Hỏi: Các Đức cha đã làm thế nào để có được nhiều ơn gọi như vậy?
Đáp: Xã hội Việt Nam có những thuận lợi: (1) gia đình; (2) giáo xứ; (3) các linh mục nói riêng và người tu hành nói chung được dân chúng quí mến; (4) cũng có thể vì trong một xã hội nghèo, đời sống linh mục cao hơn; về điểm này cần đến nhận định và và thời gian để thanh luyện.
2. ‘Tính cách trần thế’ của người giáo dân.
Người giáo dân trước tiên có bổn phận thắng lướt tội lỗi của mình để bước vào sự tự do con Chúa trong nước ân sủng của Ngài. Tiếp đến, ngoài việc đưa các anh em mình vào nước Chúa, họ có bổn phận ‘thánh hóa các thực tại trần thế’ để đưa các thực tại này được ‘giải thoát’ nghĩa là được sử dụng làm vinh danh Thiên Chúa. Hiến Chế ‘Aùnh Sáng Muôn Dân’ nói rõ : « Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, cũng như giá trị, và cùng đích là ca tụng Thiên Chúa, đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong Công lý, Bác ái và Hồ bình. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó… »
Dù cũng là tín hữu như các Linh mục Tu sĩ nhưng vì không phải là Linh mục Tu sĩ, nên người tín hữu giáo dân có một đặc tính mà hai hạng người trên không có. Đó là ‘tính cách trần thế’. Công Đồng Vatican II quả quyết : « Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân » (Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).
Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn : « Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian » (Mt 5 : 16)
Tính cách trần thế này đặt nền tảng trên hai Chân lý thần học : mầu nhiệm sáng tạo và mầu nhiệm nhập thể cùng nhập thế của Thiên Chúa :
- Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền chế ngự tạo vật (Sáng thế 1 : 26-31)
- Khi muốn cứu chuộc con người, Chúa đã muốn sinh ra làm người để sống hoàn toàn thân phận con người trong lịch sử của nó.
Vì thế, Công Đồng Vatican II quả quyết : « Tính cách trần thế của người tín hữu giáo dân không chỉ được định nghĩa theo quan niệm xã hội, mà theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế phải hiểu theo ánh sáng của tác động tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thọ tạo khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, để họ tự thánh hóa mình trong đờụi sống hôn nhân hay độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong các hoạt động xã hội. » (đề nghị 4 của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1978 về Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân).
Trong Tông Huấn về giáo dân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm : « Sống và hành động giữa thế giới đối với các tín hữu giáo dân, không chỉ là một thực tại nhân sinh xã hội, mà còn là một thực tại chuyên biệt thần học giữa trần thế. Thiên Chúa muốn biểu lộ ý định của Ngài và thông ban cho họ Ơn gọi đặc biệt là ‘tìm nước Thiên Chúa bằng cách quản lý những thực tại trần thế mà họ phải sắp xếp theo ý Thiên Chúa… » (Tông huấn người Tín hữu Giáo dân, số 15).
Đến đây, chúng ta thấy mọi tín hữu Đức Kitô đều phải sống nên thánh theo Ơn Gọi Chúa đã chỉ định : Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân. Tất cả Kitô hữu sống đạo hợp thành Nhiệm Thể Đức Kitô hay Giáo hội.
(Còn tiếp)
Hà Minh Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét