LTCGVN (08.10.2012)
Tuy là người gốc Bắc nhưng lại sinh
trong Nam nên tôi không sống qua thời nạn đói hoành hành năm 1945 thế nào, nhưng
nghe chuyện các cụ kể lại thì thật kinh hoàng, nhất là khi xem lại những thước
phim tư liệu trong một bộ phim có tựa đề “Sao tháng Tám” thì thật khó có thể
tưởng tượng ra được cảnh khốn nạn cho thân phận con người chết vì đói. Hình ảnh
một cô bé ngồi bên bà cụ kêu la thảm thiết: “Các bác ơi, cứu bà cháu với !” như
xoáy vào tận ruột gan. hàng triệu người chết la liệt khắp các nẻo đường xó chợ,
chết không kịp chôn, cả hai triệu người !
Năm 1975, thống nhất đất nước. Cả
nước tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Tiến lên hay tiến xuống chẳng biết, chỉ ba năm
sau, năm 1978 thì tôi đã đủ trí khôn để thấy cả nước suýt chết đói, củ mì cũng
phải chia đôi ! Thôi thì tự an ủi lẫn nhau vì vừa thoát cảnh chiến tranh, “đất
nước còn nhiều khó khăn phải khắc phục”, nhưng thú thực là hú hồn hú vía, may
mà chưa xảy ra nạn đói chết hàng loạt…
Thế rồi mười mấy năm sau đời
tưởng như mơ khi đất nước “Đổi Mới”, thời mở cửa, tiền nước ngoài ào ạt đổ vào,
nhà cao tầng cứ xây vùn vụt, vũ trường, khách sạn mọc lên như nấm sau cơn mưa, quán
ăn, quán nhậu đâu đâu cũng có, từ làng quê cho đến thành thị ! Bia cứ đổ tràn
đến nỗi thống kê được rằng người Việt Nam nhậu là số 1 thế giới… Cứ ngỡ
thôi thế là hết chết đói, đói làm sao được, nhậu đến thế kia mà !?!
Một hôm, có người bà con từ Bắc vào
thăm, trong bữa cơm gia đình, không hiểu não bộ được lập trình thế nào, chẳng
biết hiện thực xã hội ra sao, nhưng vị khách nọ cứ bô bô kể công cụ này cụ nọ, nếu
không có cụ thì ngày nay làm sao mà sung sướng thế này, hết cảnh chết đói như
thời phát xít Nhật 1945… Mẹ tôi nghe thế thì tủm tỉm hỏi rằng: “Bác lấy gì đảm
bảo rằng, ngày nay người ta không còn chết đói ?” Vị khách có vẻ sửng cồ đáp
trả: “Này, bây giờ có bói cũng không ra một người chết đói ở Việt Nam
đâu nhé !” Thôi thì công nhận thế thật, nào có ai chết đói như thời 1945 nữa.
Nhưng thế này, mẹ tôi nói tiếp: “Theo bác nghĩ trẻ con suy dinh dưỡng vì lý do
gì ?” Bác nọ trả lời ngay không cần suy nghĩ, chiều như ta đây có vẻ hiểu biết
lắm lắm, “Thì suy dinh dưỡng là do thiếu ăn, ăn không đủ chất chứ còn gì nữa !”
À há ! Thế thì trẻ chết do suy dinh dưỡng thực chất là chết vì cái gì. Vâng.
Khỏi cần bác ta trả lời cũng biết tỏng thực chất là do đói.
Tôi ngồi nghe câu chuyện của hai vị
tiền bối mà chua chát cười. Chết vì đói. Theo số liệu của viện dinh dưỡng quốc
gia. Việt Nam có trên 31% trẻ bị suy dinh dưỡng, hàng năm có khoảng 7.000 trẻ
em chết vì các vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng. Thực chất là do đói hay do
những cái tên nghe cho có vẻ “khoa học” gì gì thì đó cứ là đói, chết vì đói đứ
đừ chứ còn gì nữa.
Nhưng đâu chỉ vậy, Thiên đường mộng
tưởng mà cả chúng ta đang sống hiện nay đang làm cho con người đói nhiều thứ
khác chứ chẳng riêng gì đói ăn. Cái đói thường làm cho người ta nghĩ đến đói ăn,
đói uống. Vậy chứ còn đói mặc, đói tự do, đói công bằng, đói lương tâm, đói
công lý, đói tình người, đói thông tin, đói kiến thức, đói tinh thần và cả hàng
trăm ngàn thứ đói khác thì sao.
Có ai thông kê cho chúng ta, có bao
nhiêu người chết vì đói mặc, trong khi tôi đã từng chứng kiến cảnh những em bé
H’mông trần truồng trong cái lạnh gần 0 độ C.
Có ai thống kê cho chúng ta có bao
nhiêu người chết vì đói công lý, chết trong tù, chết oan khuất… Chỉ cần vào Google
gõ từ khóa chết oan hay chết trong đồn công an, chết do bạo lực… là có thể đọc
được số liệu nhiều vô kể.
Có ai thống kê cho chúng ta có bao
nhiêu người đã chết do đói y đức, đói lương tâm, cứ đọc vài tờ báo là thấy số
bệnh nhân chết do nghèo, chết do vô cảm là có những cảm nghiệm thực ngay ấy mà
! Thực phẩm tăng giá leo thang quen rồi. Gas lên giá, nghe riết cũng quen luôn,
điện, nước leo thang, buộc phải sống quen với nó. Giờ đến xăng… thì ép phải
quen cho được !
Tất cả leo thang và cái đói cũng leo
thang, đói quá, đói kinh niên, đói toàn diện nên dần dần không còn cảm thấy đói,
bao tử rỗng tuếch buộc phải teo lại cho phù hợp với thực tế hiện tại. Thảo nào
mà nhiều người còn cảm thấy không có ai chết đói ở thiên đường này.
Thôi thì hiểu theo nghĩa rộng của từ
đói thì nói vài năm, viết cả đời cũng chẳng hết chuyện. Xin gói gọn lại đây
những con số ( nhắc lại ) những thai nhi bị giết chết do đói tình thương hàng
năm là đã quá đủ cho ta thấy cái đói đã giết chết bao nhiêu mạng người trong xã
hội hôm nay.
Trong số trên 3 triệu thai nhi bị
giết hại, người ta đã thống kê cho thấy gần 40% là lý do kinh tế, quá nghèo
không nuôi nổi, thôi thì phá thai giết chết ngay trong lòng mẹ còn hơn đẻ nó ra
thì trước sau gì cũng chết đói. 60% còn lại thì đủ loại lý do… nhưng gom chung
lại cũng chỉ có một lý do là đói tình thương. Ấy, cuối cùng thì duy chỉ một cái
đói tình thương mà hàng năm có trên 3 triệu sinh linh bị giết đi oan uổng !
Cái khốn khổ của chúng ta suy cho
cùng vẫn không phải là cái đói, cho dù đói về bất cứ điều gì đi nữa. Vì hễ đói
ăn, khi có thì phải ăn, hễ đói mặc, khi có thì phải mặc, đói tình thương, khi
có thì nhận lãnh, khi có thì sẻ chia, đói công lý, khi có thì thực hiện thế
đấy. Sống chung với đói nhưng hành vi của chúng ta hiện nay lại giống như người
không đói, Đó chính là điểm yếu chết người làm cho xã hội loạn cào cào cả lên.
Thay vì yêu thương, chia sẻ, thay vì cùng nắm tay nhau lại để vượt qua, để tìm
ra cách cứu đói thì chúng ta, chúng ta đặt bản năng lên trên hết để tranh đua
cùng xã hội, mặc cho tất cả các giá trị làm nên giá trị con người bị chà đạp
dưới tận cùng của bức tranh sống theo kiều bầy đàn. Để rồi cứ thế ngâm lên như
thi sĩ họ Hàn đã từng ngâm lên:
“Trời hỡi làm sao cho khỏi đói,
Gió trăng có sẵn làm sao ăn”.
Gió trăng có sẵn làm sao ăn”.
Để rồi hôm nay mở trang sách Thánh.
Ta bất chợt nhận ra chân lý: “Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ không
phải chết, nhưng được sống đời đời. Vì bánh Ta ban chính là Thịt Ta để cho thế
gian được sống” ( Ga 6, 51 – 52 ).
Lạy Chúa. Chúng con đang
đói, cái đói toàn diện từ tinh thần lẫn vật chất. Chúng con đã nhận ra được, để
cứu đói, chúng con chỉ có một con đường duy nhất là nhận ra tình thương của
Thiên Chúa thông qua Bí Tích Thánh Thể. Amen.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Theo EPHATA số 529
0 nhận xét:
Đăng nhận xét