LTCGVN (13.10.2012)
Trên Facebook của bạn Jeanmarie Dang có hình ảnh Mẹ Fatima đội nón lá Việt nam với những hàng chữ “Mẹ đội nón lá về thăm miền Trung, vùng đất lao lung, quanh năm bão lụt”. Hình ảnh đặc biệt này đến lúc bài này được viết, đã có 480 người bấm “thích”, 49 bình luận và 16 lượt chia sẻ.
Hình ảnh Mẹ yêu thương và những con số gợi lên cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ. Hình ảnh Mẹ Fatima với trái tim yêu thương nhắc cho chúng ta nhớ Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917 với lời tiên báo Thế Chiến thứ nhất sắp chấm dứt, nước Nga sẽ theo cộng sản vô thần, nhưng sau này nước Nga sẽ trở lại. Và Trái Tim Mẹ sẽ thắng.
Tất cả những lời Mẹ tiên báo đã được thực hiện. Tuy nhiên, những lời Mẹ kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối, hãy cải thiện đời sống và hãy siêng năng lần hạt Mân Côi” thì dường như vẫn chưa được con người thời đại thi hành, trong số những người chưa thi hành ấy có chúng ta.
Trong vài thế kỷ gần đây, Mẹ thỉnh thoảng vẫn hiện đến giữa trần gian này để an ủi con cái Mẹ vốn gặp quá nhiều những cơn bão lụt, bão lụt của thiên nhiên, bão lụt của những tư tưởng chống đối Đấng Tạo Thành trời đất, bão lụt của lối sống duy vật và bão lụt của những tranh chấp gây hấn của những thế lực trong bóng tối cuộc đời.
Mẹ đến với con người thời đại một cách rõ ràng trong thời đại hôm nay, nhưng thực tế Mẹ đã ở bên Con Mẹ và đã đồng công để cứu thế giới này từ hai ngàn năm trước. Và xét sâu xa hơn, Mẹ đã hiện diện giữa loài người ngay trong lời hứa Cứu độ ở Vườn Địa Đàng ngày Sáng tạo.
Trái Tim nồng cháy yêu thương của Mẹ chắc chắn đồng cảm với con cái Mẹ hơn bất cứ ai khác. Và Mẹ cũng đủ uy quyền để xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, ban bình an cho thế giới, cách riêng cho những vùng đang gặp thiên tai.
Vậy người ta sẽ hỏi: hai ngàn năm qua, biết bao cuộc chinh chiến, biết bao cơn thiên tai, biết bao những làn sóng vô luân… cứ liên tục xảy ra. Thiên Chúa quyền năng và đầy yêu thương, Mẹ Maria là Mẹ nhân lành và có uy quyền, tại sao thế giới không được bình an, con người không thoát khỏi các tai ương?
Câu trả lời đã nằm sẵn trong Giáo Lý, cách riêng trong Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo: “Khi lần tới tận gốc các chia rẽ của cá nhân và xã hội, đang xúc phạm tới giá trị và phẩm chất của con người ở những mức độ khác nhau, chúng ta luôn thấy có một vết thương nằm trong nơi sâu xa nhất của con người. Trong ánh sáng đức tin, chúng ta gọi đó là tội”. Và Hội Thánh nhắc nhở: “Suy nghĩ về mầu nhiệm của tội, chúng ta không thể không lưu ý tới mối quan hệ bi đát giữa nguyên nhân và hậu quả ấy”. (HTXHCG, số 116)
Điều diễn tả rõ ràng Tình Yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria dành cho chúng ta là ở chỗ dù con người phạm tội và tự mình chuốc lấy những bất hoà với nhau và với thiên nhiên như thế, chúng ta vẫn được Thiên Chúa và Mẹ yêu thương che chở.
Về phần mình, chúng ta tin rằng nhờ sự can thiệp của Mẹ, những tai ương sẽ qua đi, đồng thời đem lại cho chúng ta những lợi ích ở những khía cạnh khác. Điều quan trọng nhất là sự gắn bó và niềm tin mà con người đặt vào Thiên Chúa và tâm tình trìu mến đối với Mẹ được nhìn thấy rõ ràng hơn.
Thật cảm động khi chúng ta đọc những lời bình cho hình ảnh của Jeanmaria Dang, cũng là lới cầu nguyện đơn sơ: “Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa,cất khỏi chén đắng mà anh chị em miền Trung chúng con sắp phải uống”, “Mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện”, “Xin cho chúng con được bình an trong vòng tay yêu thương che chở của Mẹ”, “Xin góp chung với mọi người mắc xích nhỏ trong chuỗi hạt”.
Và mọi người nhắc nhở nhau: “Ở đâu có Chúa và Mẹ thì ở đó được bình an”, “Tháng Mân Côi chúng ta phải siêng năng lần hạt hơn nhé các bạn”, “Xin cảm ơn tất cả mọi người đã hiệp ý cầu nguyện, xin tiếp tục cầu nguyện, đặc biệt cho đông bào ở Quãng Ngãi, Phú Yên Bình Định”.
Điều đó có ý nghĩa gì nếu không phải là ý thức rằng trong mọi nghịch cảnh mà con người gánh chịu, thì Thiên Chúa và Mẹ của Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ và chúc lành cho từng đứa con trong nhân loại và chiếu vào họ luồng ánh sáng bình an quí giá hơn mọi món quà tặng trên đời này.
Đức Maria Mẹ chúng ta đã hiện diện trong lịch sử loài người để loan báo về sự cái hoá, ơn Cứu độ và sự bình an. Đến lượt chúng ta, chúng ta phải làm gì?
Tin Mừng của Chúa Giêsu được loan báo cho con người thời đại để làm phương tiện giải thoát con người. Vì quá bận rộn, con người không đủ giờ để đọc lại toàn bộ Tin Mừng cách trọn vẹn thì đã có bản tóm lược cho chúng ta. Giáo Lý Công Giáo số 2761 viết “Lời kinh Chúa dạy thực sự là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”. Đó là kinh Lạy Cha.
Ngày truyền tin cho Đức Maria, sứ thần Gabriel đã chào kính Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Trong đêm Giáng Sinh, thiên thần Chúa hiện ra nơi hang Bêlem hát vang lời ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”.
Tất cà những biến cố đặc biệt ấy trong Tin Mừng và những suy ngắm về các biến cố khác của Tin Mừng đã có đầy đủ trong tràng chuỗi Mân Côi. Vậy để trả lời câu hỏi “Chúng con cần phải làm gì?”, chắc chắn Mẹ sẽ nhắc lại mệnh lệnh của Mẹ ở Fatima: “Hãy ăn năn sám hối, hãy cải thiện đời sống và hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”.
Những mùa bão lụt rồi sẽ qua đi. Những cơn sóng của các trào lưu chống đối Thiên Chúa rồi sẽ câm lặng cúi đầu. Và chúng ta nhớ lại Giáo Lý (2854): “Hội Thánh không những xin được gìn giữ khỏi mọi sự dữ đang hoành hành nơi nhân loại, mà còn van xin Cha ban ơn bình an và ơn bền vững đang khi trông đợi ngày Ðức Ki-tô quang lâm. Khi cầu nguyện như thế, Hội Thánh khiêm tốn và tin tưởng tiền dự vào ngày mọi người và mọi loài được quy tụ trong Ðức Ki-tô Ðấng nắm quyền trên “Tử Thần và Âm Phủ”, “Chủ Tể của mọi sự, Ðấng hiện có, đã có và đang đến” (Kh 1,4.8.18).
Vào Facebook, thường khi chúng ta gặp những tâm tình và lòng tin tưởng như trạng thái trên đây, thay vì những điều vô bổ khác. Và chúng ta thấy ấm lòng.
Xin cám ơn Mẹ Maria, Mẹ yêu dấu của chúng con. Lạy Nữ Vương ban sự bình an, xin Mẹ ban bình an cho chúng con.
Gioan Lê Quang Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét