Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Giải Nobel về Y học. Một tin vui cuả Giáo Hội Công Giáo.



Ủy ban giải thưởng Nobel vừa công bố tại viện Karolinska ở Stockholm là giải thưởng Y học năm 2012 sẽ được phát cho 2 nhà bác học, một người Anh và một người Nhật.

Công lao cuả hai nhà bác học này là đã 'phát hiện ra rằng các tế bào trưởng thành có thể được 'tái lập trình' để trở thành tế bào gốc đa năng".

Ủy ban cho biết thêm rằng việc phát hiện đã "cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về các tế bào và các sinh vật phát triển như thế nào."

"Những khám phá này cũng cung cấp nhiều công cụ mới cho các nhà khoa học trên khắp thế giới và dẫn đến nhiều tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y học," ủy ban tuyên bố.

Cả hai nhà bác học đã nghiên cứu việc thay đổi tế bào trưởng thành thành tế bào gốc, nhờ đó các tế bào này có tiềm năng để cấy thành những tế bào nội tạng và được dùng trong việc điều trị nhiều loạt bệnh tật.

Khởi đầu vào năm 1962, Sir John B. Gurdon, giáo sư Đại học Cambridge Anh quốc, đã khám phá ra rằng người ta có thể đảo ngược sự chuyên môn của các tế bào. Ông lấy một hạt nhân từ một tế bào ở ruột của một con ếch và cấy hạt nhân đó vào một trứng ếch (đã bị lấy hạt nhân ra).

Tế bào trứng (đã bị thay thế hạt nhân) đó vẫn có thể phát triển thành một con nòng nọc.

Công việc của ông đã trở thành cơ sở sau này cho các việc nghiên cứu 'sao chép sinh vật' (cloning) (tạo sinh vô tính).

Từ trước, người ta tin rằng các tế bào chỉ có thể phát triển theo một hướng, và nhân cuả một tế bào đã trưởng thành không bao giờ có thể 'cải lão hoàn đồng' để trở về trạng thái đa năng nguyên thủy. Một tế bào được gọi là đa năng vì nó có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể.

Xây dựng trên công việc của Gordon, Shinya Yamanaka, giáo sư Đại học Kyoto nước Nhật, đã xuất bản một nghiên cứu trong năm 2006 chứng minh rằng các tế bào trưởng thành vẫn có thể trở thành các tế bào gốc chưa trưởng thành. Ông đã cấy 'gen' vào những tế bào của chuột, và những 'gen' đó đã 'tái lập trình' các tế bào đó làm cho chúng trở thành tế bào gốc.

Những tế bào được 'tái lập trình' này có khả năng 'đa năng.'

Bời vì kỹ thuật cuả Yamanaka là có thể dùng bất kỳ một tế bào nào để 'cải biến' thành một tế bào gốc, việc dùng 'tế bào gốc phôi thai' không còn cần thiết nữa. Chúng ta biết rằng để lấy được những 'tế bào gốc phôi thai', người ta đã phải phá hủy một cái trứng 'phôi thai', tức là hủy đi một sinh mạng.

Bước đột phá cuả Yamanaka đã mở ra cánh cửa cho nhiều nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh tật. Thí dụ nhiều người hy vọng sẽ có thể sửa chữa mô tim sau một cơn đau tim hoặc đảo ngược các căn bệnh Alzheimer và Parkinson.

Việc trao giải thưởng Nobel cho hai nhà bác học trên đã được các giới Công Giáo khắp nơi ca tụng. 

Giới lãnh đạo Công giáo ở châu Âu hoan nghênh quyết định như là một thắng lợi cho đạo đức.

Ủy ban Hội đồng Giám mục của Cộng đồng châu Âu, COMECE, tuyên bố rằng việc trao giải Nobel cho John B. Gurdon và Shinya Yamanaka là một "cột mốc quan trọng" trong việc nhận ra tiềm năng vượt trội của việc nghiên cứu trên tế bào gốc người lớn thì hơn là những thử nghiệm có tính phá hủy trên các tế bào gốc phôi thai.

Trung tâm đạo đức sinh học Anscombe, một viện nghiên cứu phục vụ Giáo hội Công giáo ở Vương quốc Anh và Ireland, cũng mô tả giải thưởng như là một "thành tựu có ý nghĩa đạo đức tuyệt vời."

"Kỹ thuật này cung cấp một hy vọng là người ta có thể đạt được tiến bộ trong việc nghiên cứu tế bào gốc mà không cần dựa vào việc phá hủy phi đạo đức của phôi thai con người", theo lời ông David Jones, giám đốc của trung tâm Anscombe tại Oxford, Anh.

"Những nỗ lực trong quá khứ để sao chép bào thai con người và những thí nghiệm kỳ lạ để tạo ra một bào thai giữa người và vật đã không đem lại một kết quả nào," ông nói.

"Ngược lại, sự biến đổi từ một tế bào trưởng thành thành một tế bào gốc đã đạt được nhiều tiến bộ lớn," ông tiếp tục. "Đây là khoa học trong đỉnh cao tột cùng: vừa xinh đẹp và vừa đạo đức".

Lưu ý rằng "gần đây GeronCorp, một công ty nghiên cứu hàng đầu của thế giới trên bào thai, đã công bố đóng cửa chương trình tế bào gốc phôi thai của họ." Hội đồng Giám mục COMECE khuyến khích các tổ chức Liên minh châu Âu hãy chuyển kinh phí từ "những nghiên cứu tế bào gốc phôi thai không hạp với đạo đức, ít hứa hẹn về khoa học và kinh tế " sang các nghiên cứu 'không dùng tế bào gốc phôi thai' có tiềm năng lớn hơn.

"Hôm nay giải Nobel đã thưởng công cho những nỗ lực phát hiện ra các phương pháp thay thế tốt hơn", bàn tuyên bố nói thêm.

Trần Mạnh Trác
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét