Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Cồn Dầu với tôi



Cái làng Cồn Dầu nhỏ bé ngày xưa, đầy ắp kỷ niệm, rất thân thương mà cũng rất đáng ghét đối với tôi thuở ấu thơ, nay nổi tiếng ra toàn thế giới, tôi cũng nên ăn theo một chút chứ nhỉ.
Qua cửa ngõ Hội An, người Quảng Nam tiếp xúc rất sớm với Tây Phương trong đó sớm nhất có lẽ là các cha đạo. Thế nhưng người Quảng Nam rất bảo thủ nên đạo Thiên Chúa rất khó thâm nhập vào vùng đất nầy. Cả tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng rộng lớn chỉ có ba làng đạo. Đó là Hòa Sơn, Trà Kiệu và Cồn Dầu. Dường như làng Cồn Dầu là từ làng Trung Lương của tôi tách ra vì ở cả hai làng, họ Huỳnh Ngọc đều chiếm đa số và bà con thân thuộc với nhau. Hơn nữa ranh giới giữa hai làng chỉ là lũy tre hàng rào của các nhà dân. Chui hàng rào từ nhà nầy qua nhà hàng xóm là đã đi từ làng nầy qua làng nọ.
Thế mà hai làng đã cách xa nhau đến vạn dặm. Trai gái hai làng hiếm khi lấy nhau, hiếm khi đi lại quen biết nhau. Cái ý thức hệ tuy vô hình mà chia cách người ta đến ghê gướm vậy.

Hồi đó tôi học hết lớp Tư (tức là lớp Hai bây giờ) thì trường làng không còn chữ để dạy tôi. Chị tôi lúc ấy đã được ba tôi xin lên trường công lập của xã học đến lớp Nhì (lớp Bốn) rồi. Ba tôi lại đi tù, mẹ tôi lo đi làm quần quật để nuôi đàn con năm đứa, chị tôi gồng hết can đảm dắt tôi lên trường xã để xin tôi vào học lớp ba. Dắt tôi tới cổng trường, chị tôi sợ quá không dám đưa tôi vào xin thầy, bỏ tôi đứng lấp ló một mình ngoài cổng như thằng ăn trộm. Tôi khóc cho đến trưa chờ chị tôi tan học dẫn tôi về.
Hôm sau mẹ tôi nhờ một người chú bà con dẫn tôi lên xin học, nhưng người chú ấy cũng quá sợ hãi trước sự trang nghiêm của ngôi trường tiểu học nên không dám đưa tôi vào. Loay hoay thế nào đó chú gởi tôi cho một người quen và người ấy dẫn tôi đến lớp hương trường của làng Lỗ Giáng học chung với những đứa chưa được vào trường công lập.
Lớp học dự bị ấy được tổ chức tại nhà văn hóa của xã. Học được một tuần đến sáng thứ hai tuần tiếp theo lên trường thì đã thấy, thay vì trường học là  một đống tro tàn còn nghi ngút khói. Tối hôm trước, Việt Cộng về đốt mất trường. Nói cho công bằng là họ đốt nhà văn hóa xã mà lớp học của tôi mượn đặt ở đó.
Lớp học được chuyển vào một nhà dân giàu có ở cách xa trung tâm xã. Thầy giáo của tôi là một anh trai làng học khoảng chừng lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ) chưa có bằng cấp gì. Vào giờ học, hoặc thầy hoặc trưởng lớp lên chép cái gì đó lên bảng, chúng tôi chép lại rồi ngồi làm còn thầy thì bỏ đi đâu mất tiêu. Sau nầy chúng tôi biết là thầy qua nhà bên cạnh tán gái. Học như vậy chúng tôi sung sướng lắm. Đến hết năm học, ba tôi cũng vừa ra tù, ông kiểm tra lại trình độ học vấn của tôi, hoảng kinh vì thấy tôi không những không có chút tiến bộ nào mà còn giảm xuống đến mấy bậc.
Không còn tin vào trường xã, ba tôi bấm bụng dẫn tôi lên Cồn Dầu xin vào trường đạo. Ông cũng như bao dân làng rất chống lại làng đạo nầy nhưng ngầm biết rằng nền giáo dục của họ là tốt đẹp.
Quyết định của ba tôi là sáng suốt, chỉ học ở đây có một năm duy nhất mà tôi tiến bộ hẳn. Chữ viết như mèo quào của tôi được cải thiện, sách vở được giữ gìn sạch sẽ và quan trọng hơn, bỗng dưng tôi ngộ ra là biết làm toán đố là môn học trước đây tôi hoàn toàn mù mịt. Sự học của tôi bắt đầu thăng tiến từ cái trường đạo Cồn Dầu nhỏ bé nầy. Tôi biết ơn ngôi trường ấy và biết ơn thầy Huỳnh Ngọc Thọ đã dạy tôi hồi đó.
Trường đạo Cồn Dầu chỉ có hai phòng học, mỗi phòng học chung hai lớp. Lớp Năm và lớp Tư chung một phòng do thầy Ba Lai dạy, lớp Ba và lớp Nhì chung một phòng do thầy Thọ dạy.
Ba tôi nói, xét theo thứ bậc họ hàng, tôi gọi thầy Thọ bằng anh. Tôi và thầy bà con nhau gần lắm nhưng vì nhánh thầy tách ra theo đạo nên trở thành xa cách. Thầy Thọ dạy cho tôi bao điều hay lẽ đẹp để trở thành một học sinh nề nếp. Tuy nhiên thầy cũng là anh trai làng học dang dở cấp hai, không có bằng cấp sư phạm gì nên có những cái thầy làm cũng phản giáo dục lắm. Phạt học sinh bằng roi vọt riết cũng chán, thầy nghĩ ra cách mới.
Cùng lớp ba với tôi có thằng cu T. bị bệnh thối tai (bệnh nầy hồi đó lắm người bị nhưng không thấy ai chữa trị gì, cứ để như vậy năm này qua tháng nọ). Mỗi sáng kêu học sinh lên dò bài, đứa nào không thuộc, thầy cho đứng xếp hàng một dãy bên bảng đen. Sau đó thầy gọi cu T. lên đứng giữa lớp. Những học sinh không thuộc bài lần lượt đi ngang qua ngửi vào tai cu T. một cái rồi mới về chỗ ngồi.
Tôi bị ngửi có một lần mà tởn đến già, và ấn tượng đến mức đến bây giờ sau 54,55 năm tôi vẫn còn nhớ y nguyên tên và khuôn mặt thằng bạn bất hạnh của mình. Có lẽ nhờ vậy mà tôi học hành tiến bộ chăng? Trong khi đó thằng bạn bên cạnh tôi liên tục bị phạt ngửi tai thối mà vẫn không có biểu hiện khó chịu gì. Tôi tò mò hỏi nó: Sao mầy chịu được? Hắn cười bí hiểm nói nhỏ vào tai tôi: Thay vì hít vào, tao khịt ra nên không nghe thối.
Tôi ngộ ra, đứa nào cũng làm vậy chứ không riêng gì thằng ấy, chỉ có tôi ngây thơ và thật thà rán hít vào cho thành tiếng để thầy nghe là mình đã hít. Cuộc đời tôi về sau luôn luôn bị thiệt thòi vì sự thật thà ngu ngơ nầy.
Vì hai lớp học chung một phòng nên chỉ có một lớp trưởng đó anh Huỳnh Ngọc Đi. Anh ấy học hơn tôi một lớp nhưng tuổi đời có khi hơn đến nửa thập kỷ. Anh cao to như hộ pháp, lại rất hung dữ nên tôi sợ anh không thua gì sợ thầy Thọ.
Một lần tôi lấy cắp cuốn lịch sử lớp Nhất của chị tôi mang lên trường khoe các bạn. Thời đó đi học hiếm ai có sách giáo khoa, riêng chị tôi mỗi năm học đều được ba tôi mua cho vài cuốn vì nghĩ rằng còn để lại cho tôi học tiếp. Cuốn lịch sử nầy tôi cũng đọc thuộc đến nằm lòng từ hồi mới mua về. Hồi đó tôi căm ghét các cha đạo mũi lõ không khác gì bọn giặc Pháp. Cuốn lịch sử lớp Nhất ấy có in hình Henry Riviere, Francis Garnier, đô đốc Courbet, Giám mục Bá Đa Lộc, Linh mục Alexandre De Rhode…tôi lấy bút gạch nát vào mặt mấy “thằng giặc” ấy ngay khi sách còn mới (vì chuyện nầy mà chị tôi khóc một trận).
Khi tôi mang sách lên trường khoe, mấy thằng bạn cùng lớp xem xong bất mãn lắm. Chúng mang đi méc với anh Huỳnh Ngọc Đi lớp trưởng. Anh ấy xem qua, xách lỗ tai tôi lên rồi lật từng trang sách. Cứ mỗi thằng Tây bị gạch mặt, anh ấy cú vào đầu tôi một cái đau điếng hồn. Anh ấy cú tôi đến năm, sáu  cái gì đó mới xong hình phạt về tội dám gạch vào mặt các đức cha. Tôi khóc dầm dề như mưa và mếu máo cãi lại: Tui gạch mặt mấy thằng giặc Tây xâm lược mà.
Anh ấy là người đàng hoàng. Thấy tôi khóc quá, anh giở sách ra xem lại và phát hiện ra tôi bị cú oan đến 4 cái. Anh ấy nói: Chỉ phạt mầy cái tội gạch vào mặt các đức cha mà thôi, còn gạch vào mặt mấy thằng Tây xâm lược thì không sao. Anh cho phép tôi cú lại đầu anh bốn cái. Tôi nào dám, nhưng nhờ vậy mà tôi hết khóc.
Sau nầy khi tôi lên học cấp hai, thỉnh thoảng về quê ở lại chơi vài ngày với mẹ, bất ngờ một lần tôi gặp lại anh ấy. Bấy giờ anh đã vào lính địa phương quân, chỉ huy một tiểu đội, oai phong đi hành quân ngang qua nhà tôi, thấy tôi lê lết dưới đất bắn bi với mấy đứa nhỏ, anh vui vẻ ký nhẹ vào đầu tôi ý nói học cùng thời với anh sao bây giờ vẫn còn chơi với con nít.
Tôi không vui chút nào, trừng mắt nhìn anh đầy căm thù. Lúc đó tôi đã “giác ngộ cách mạng”,  phân rõ địch ta. Tôi với anh đã khác nhau chiến tuyến. Đúng là hồi đó tôi còn quá trẻ con.
Chiến tranh càng khốc liệt, làng tôi và làng Cồn Dầu càng ngăn cách với nhau.
Nhưng sau 75, dân làng hai bên lại nhanh chóng hòa hiếu với nhau, tôi tin vậy. Nhất là bây giờ, họ cùng cảnh ngộ khi cả hai làng đều bị cày sạch để phân lô.

Nhà thờ Cồn Dầu trên 100 năm tuổi và ngôi trường nhỏ của tôi bên cạnh- Ngôi trường nầy đã được xây dựng lại.
 HUỲNH NGỌC CHÊNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét