LTCGVN (22.10.2012)
“Yêu nhau đi! Đời có nghĩa chi,”
“Yêu nhau đi! ta lo chi cho đời thêm phai úa mau.”
(Nhạc: Besame Mucho - Lời Việt: Trường Kỳ)
(GLHTCG #1866)
“Đời có nghĩa chi”? Có lẽ là lời tâm tình của những người có kinh nghiệm từng trải giống như bà chị nọ ở truyện kể bên dưới, kể ra đây chỉ để dẫn nhập cho sự thể rất đáng kể, như sau:
“Bà chị nọ, vừa đặt chân vào nhà đã thấy có cái gì đó cũng đáng nghi, chị bèn nhẹ nhàng đi vào phòng ngủ, thấy dưới mền ló ra 4 bàn chân, có lẽ nghe thấy chị về nên bất động. Chẳng nói chẳng rằng, chị nhà bèn chụp lấy khúc gỗ đập lia lịa vào tấm mềm ấy một hồi, cho hả giận.
Đập xong, ra phòng ngoài thấy ông chồng ngồi chễm chệ trên sa-lông đọc báo rất tỉnh bơ. Thấy vợ về, ông chồng ngước mắt nói chồm qua tờ báo, rất nhẹ nhàng:
Hú hồn, chị vợ chẳng biết làm gì, chỉ muốn khóc, rất hối hận.”
Có ân hận hay hối lỗi, cũng đã muộn. Đó là sự đời. Nhưng với nhà Đạo, dù muộn màng, người người có lỡ vi phạm tội tày trời vẫn cần hối lỗi. Hối và hận, cho cả những lỗi nặng nhẹ mà lâu nay nhà Đạo mình vẫn gọi là “tội”.
Tội và lỗi, dù có nặng hay rất nhẹ vẫn được đấng bậc nhà Đạo mình định nghĩa khá tỉ mỉ, lại chêm thêm đôi chút lịch sử và chú giải, rất như sau:
“Thật đúng như chị nói, cách đây chừng 5 năm, Hội thánh mình có đưa ra danh sách gồm 7 mối tội đầu rất mời được gọi là “tội trọng”. Nhưng trước hết, phải minh định rằng đây không là tuyên bố chính thức của toà thánh.
Danh sách này, là do Gm Gianfranco Girotti, Chủ tịch Toà Xá Giải đã cho biết trong buổi phỏng vấn do phóng viên tờ Osservatore Romano hôm 9/3/2008. Toà Xá Giải thuộc Hội Đồng Giáo hoàng ở Rôma, là toà có trọng trách cứu xét các vụ/việc liên quan đến ân xá và tha thứ mọi tội khiên dành quyền tối thượng giải quyết cho Đức Thánh Cha. Chủ tịch Hội đồng này là đấng bậc thứ nhì của Toà này…
Danh sách 7 mối tội đầu trước đây được Đức Grêgôriô Cả liệt kê năm 590. Các tội này gồm có: kiêu ngạo, hà tiện, dâm ô, hờn giận, mê ăn uống, ghen tuông và lười biếng (x. GLHTCG #đoạn 1866).
Buổi phỏng vấn hôm ấy, Gm Gianfranco Girotti còn cho rằng: ngày nay nhiều người không hiểu rõ giáo huấn và truyền thống Hội thánh liên quan đến ơn xá tội, nhưng dù sao đi nữa, động thái sám hối nay mang tầm kích đặc biệt lan rộng ra ngoài xã hội, bởi tương quan giữa con người nay, ngày một yếu nhưng lại mang tính phức tạp vì tình trạng toàn-cầu-hoá đang phổ biến.”
Về các tội tầm kích xã hội, Gm Girotti lại cũng nói: “Ngày nay, nhiều địa hạt trong đó ta hành xử theo cách lỗi phạm nhưng theo quyền cá nhân và xã hội. Điều này đặc biệt thấy rõ ở địa hạt đạo đức sinh thái qua đó ta không thể chối bỏ rằng xã hội nay có vi phạm quyền căn bản của bản chất con người. Điều này xảy đến bằng phương cách thực dụng và thay mầm giống khiến ta khó mà tiên liệu được kết quả hoặc kềm chế/kiểm soát.
Ở đây, còn có địa hạt bao gồm tầm kích xã hội, là tệ nạn chích/hút ma tuý gây làm giảm sút khả năng của trí tuệ và óc thông minh của con người. Chính vì thế, nên nhiều bạn trẻ đã phải rời phạm vi/khuôn khổ Hội thánh. Và, một địa hạt khác nữa, là: sự mất quân bình về xã hội và kinh tế, theo nghĩa người đã giàu càng giàu thêm và người nghèo lại vẫn cứ nghèo. Hiện tượng này nuôi dưỡng tình trạng bất công trong xã hội và vấn đề môi trường đang trở thành bận tâm của nhiều người trong xã hội.”
Nếu hỏi rằng, có bao nhiêu tội trọng mà Gm Girotti nêu ra, thì câu trả lời là: ít nhất có đến 5 tội mới. Nhưng giới truyền thông Công giáo cũng thấy có thêm 2 tội khác nữa để quân-bình-hoá số 7 mối tội đầu người xưa hiểu. Hai tội mới do truyền thông tìm thấy, là: vi phạm về đạo đức sinh thái, như: ngừa thai và các thử nghiệm thiếu đạo đức như: nghiên cứu về mầm giống, ma tuý và ô nhiễm mỗi trường, cộng thêm nữa là góp phần tạo khoảng cách giàu/nghèo.
Vấn đề cuối cùng đặt ra, là: từ những nhận định của Gm Girotti, cũng nên đề cao cảnh giác về các tội được coi là nặng khiến ta càng phải tìm cách xa lánh, nhưng nói thế không có nghĩa đó là những tội rất mới theo nghĩa không phải là lần đầu tiên Hội thánh của ta đề cập đến.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 19/8/2012 tr. 10)
Trích dẫn lời lẽ của đấng bậc chủ quản mãi tận Rôma, tựa hồ công việc của thầy thuốc chuyên tìm hiểu xem con bệnh còn có các mầm bệnh nào khác nữa không. Trích dẫn các nhận xét rất bi quan của đấng bậc này khác, còn mang tính cách của sử gia trong Đạo chăm lo sưu tầm nguồn gốc của lỗi phạm để rồi tìm con đường sống, vẫn vui tươi. Trích và dẫn, còn phải kể đến công trình của đấng bậc khác, như sau:
“Vào thế kỷ đầu đời của thánh hội, đã thấy có sự chuyển đổi ý niệm về lỗi tội. Chuyển đổi này, là do có thay đổi về văn hoá vào lúc cộng đồng người Do thái sau thời của Chúa đã di dời về với văn hoá La-Hy.
Văn hoá người Do Thái vẫn quan niệm rằng các thần ngoài Đạo đều là ngẫu thần, ở cấp bậc thấp hơn Thiên Chúa của Do thái. Đối với người Do thái, tôn thờ ngẫu tượng là tội, và tội khá nặng. Đó là lý do khiến họ nghĩ rằng việc thờ quấy và dâm bôn đều là tội lớn giống như nhau. Dâm bôn hay còn gọi là ăn nằm với gái điếm ở giáo phái không theo đạo của người Do thái, đều là động thái tế tự ngẫu thần. Chính vì thế, mà họ đã bác bỏ lối phụng thờ hoàng đế. Bởi, hoàng đế cũng từng cho mình là thần thánh. Do đó, tôn thờ hoàng đế tương đương với việc thờ ngẫu thần.
Tín hữu Đạo Chúa xuất tự Do thái vẫn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng Hoá Công. Thành thử, tôn giáo và thần học của Đạo Chúa hồi thế kỷ thứ hai chú trọng nhiều về công cuộc tạo dựng. Thế nên, tội và lỗi là hành xử chống lại tạo dựng và phản chống Tạo Hoá.
Văn hoá của người Hy Lạp vào thời đó, nói chung đều đã suy tưởng về Thiên Chúa Tối Cao. Nên, tội và lỗi đã mang nghĩa sự tách rời tâm thần và đạo lý khỏi Thiên Chúa Tối Cao. Và từ đó, theo tín hữu Đạo Chúa thì Thiên-Chúa-là-Cha-của-Đức-Giêsu-Kitô tức là Tạo Hoá, rất thiêng liêng. Thế nhưng, văn hoá nói chung lại cứ nghĩ việc tách rời này là do từ việc tù tội. Tức, sự việc rất tồi tệ. Những ai ở lại trong tình trạng tồi tệ ấy, là đang mắc tội cùng lỗi phạm. Việc sa rời Thiên Chúa Tối Cao đến từ việc nằm lại trong sự việc tồi tệ và cả trong thể xác.
Vào lúc ấy, lại thấy có nhiều học thuyết chủ trương con người bị đặt vào tình trạng tồi tệ như trên do bởi ác thần nổi loạn hoặc do “thiên thần gẫy cánh hoặc sa đà”tạo ra. Ơn cứu độ là ơn tách rời khỏi tình trạng của thế gian, thể xác hiểu theo nghĩa quỷ ma/ba thù để được vào với thế giới khiết tịnh rất tinh thần.Và, như thế, tội và lỗi không được cứu vớt khỏi tình trạng ấy. Nói cách khác, tội và lỗi là sự thể đã xâm nhập vào với quỷ ma, thế gian và xác thịt rồi. Xâm nhập, là vừa xâm vừa nhập ngang qua tình dục, tức xa rời khỏi Chúa.
Vào thế kỷ thứ hai, đã thấy có chuyện như thế xảy đến và còn được tô điểm thêm bằng những sắc mầu rút từ truyền thống Do thái-Hy Lạp và Kitô giáo cũng như văn hoá có từ các tôn giáo này. Triết học Hy Lạp đặt Thượng Đế Tối Cao ra ngoài vũ trụ/vạn vật. Người Do thái lại nhấn mạnh lên tính tuyệt đối và khác biệt nơi Đức Chúa của họ, nhất thứ là sau ngày Đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ. Tất cả mọi người trong họ đồng ý là họ không thấy Thiên Chúa ở quanh đây.
Tín hữu Đức Kitô –mặc dù thuyết lý của họ tốt đẹp nhất- đã thực hành chiếu theo văn hoá nằm trên tất cả. Và, họ tự định vị chính mình vào với Thiên Chúa Tối Cao của người Hy Lạp và Do thái, Đấng đứng ngoài và ở bên trên vũ trụ/vạn vật. Và, họ cũng rút tỉa kinh nghiệm về các vấn đề khó khăn nơi văn hoá liên quan đến ma quỷ, thế gian và xác thịt. Họ tin tưởng rằng Thiên Chúa ở ngoài và ở trên ba kẻ thù ấy. Và, đây là nguồn gốc ý thức về tính không tương xứng của tất cả con người chúng ta ở đây, bây giờ. Bởi, con người quá dính bén vào ba thứ ma quỷ, thế gian và xác thịt. Bởi, con người luôn ước vọng có nhiều hơn bên trong mình khiến cho mình ở ngoài mọi sắp xếp của quỷ ma? Điều này làm thay đổi mọi tâm lý và linh đạo cũng như thần học suốt bao thế kỷ trôi qua.
Cũng nên nhớ, là: chỉ một số rất ít những người đủ giàu mới có được cuộc sống thư giãn về đạo lý; do đó mới suy nghĩ được như thế. Trong khi đó, giới nông dân thuyền chài ở Galilê lại cứ phải đi một chặng đường rất dài mới đạt được tư tưởng và quan niệm này.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, theo giáo án giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Sydney I Beg Your Pardon: A Study of What Forgiveness Means hôm 26/5/2012 tr. 12-14)
Nghe các đấng bậc giảng giải quan niệm vễ lỗi và tội có từ thời đầu Giáo hội, hẳn bạn cũng như tôi ta cũng thêm được nhiều kiến thức. Nhưng, chưa chắc đã thuần phục để rồi đưa các nhận định ấy vào với cuộc sống chính chuyên của riêng mình. Đồng hành với đấng bậc, là nghệ sĩ ngoài đời, lại nghĩ khác. Nghĩ và sống theo lập trường cố hữa và tư riêng, nên mới có ca từ đầy hấp dẫn như:
“Ta yêu nhau, cớ sao em âu sầu,
Phút giây này có bao giờ đến với đời tôi hai lần đâu!
Nơi đây, đêm nay ta cùng vui
ta say sưa trong niềm hoan ca hoà ngàn câu ân ái.
Yêu nhau đi em trong triền miên
vui bao la trong hồn nhiên say trong đắm đuối ngất ngây.”
(Besame Mucho – bđd)
Nói cho cùng, tội và lỗi thời nay có lẽ là và vẫn luôn là: thiếu đi tình yêu về những điều tốt đẹp. Đẹp nơi con người, đẹp cả ở không gian vạn vật, người gọi là thế gian. Tội và lỗi thời hôm nay, còn là vi phạm những điều lệ liên quan đến sự sống của người khác, cần được yêu. Người khác và người mình, ai cũng cần được yêu và cần yêu đương như vẫn đương yêu tự bao giờ.
Thật ra thì, đặt vấn đề về tội cũng chỉ là đặt vấn đề về “tin và yêu”. Có tin là phải có yêu. Có yêu, tức đã tin. Mà khi đã tin và yêu rồi, thì mọi sự đều được giải quyết. Đúng, như điều được Chúa quả quyết với người nữ phụ vào nhà ông Simôn rồi đổ dầu vào chân Ngài. Và kết cục câu chuyện, Chúa nói câu chắc nịch với người bị mang tiếng phạm lỗi, như sau:
“Đức Giêsu quay lại nói với nữ phụ:
Niềm tin của con đã cứu chữa con.”
(Mt 9: 22)
Hoặc với con gái ông Yairô bị băng huyết:
“Người phụ nữ sỡ run lên,
vì biết điều đã xảy ra cho mình,
đến sấp mình trước mặt Ngài và nói cho Ngài biết cả sự thật.
Còn Ngài thì nói với bà:
Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con;
hãy đi bằng yên và lành hẳng tật nguyền.
(Mc 5: 33-35)
Nói về lỗi và tội người mắc phạm, người đời thường nói theo truyện kể, rất dễ nể. Để rồi, sẽ có được sự bình yên mình tìm kiếm. Bình yên ấy, vẫn hay thấy ở những câu truyện như:
“Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì tội ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau:
-Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế.
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:
-Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mới có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này.
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa:
-Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này.
Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. Nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. Không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên:
-Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ....
Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.Hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư xử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh.
Thế đó là truyện kể. Truyện dân gian hơi na ná câu truyện Tin Mừng khi nhóm Biệt Phái yêu cầu Chúa xử vụ người nữ phụ phạm tội gian dâm. Thế đó là tình hình của người mắc lỗi phạm. Và, những chuyện như truy cứu những lỗi và tội của con người. Nói cho cùng, nếu cứ truy cứu những lỗi và tội, hẳn là ai cũng từng sơ xuất mắc lỗi. Có điều là, mình nên tự xử theo luật lệ của xã hội hay giáo hội. Đó, chính là vấn đề.
Nếu là nghệ sĩ, điều nên làm có lẽ là: hãy cứ hát lên lời ca vang rất khích lệ sau đây:
“Yêu nhau đi.
Mình không nên tiếc chi.
Trao nhau đi
muôn mối hôn bao đắm mê trong đắm say này
Ta yêu nhau
Có trăng sao trên trời
chiếu muôn ngàn ánh sáng soi tình chúng ta
bừng muôn sắc hồn…”
(Besame Mucho – bđd)
Hát thế rồi, có lẽ cũng nên nhớ lại lời Chúa từng dặn sau khi biết người người cần Chúa cứu chữa, đó là: “Hãy đi đi.Niềm tin của con đã cứu con!” Quả có thế. Niềm tin vào tình yêu của Chúa và con người vẫn cứu chữa hết mọi người một khi thật lòng sám hối và đổi thay. Dù, có là người có tội đến ghê rợn, như nữ phụ ngoại tình, ở Do thái.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn nhủ lòng mình
Lời của Chúa
vẫn minh định rất như thế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét