Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Maria trong trái tim tôi



Tuổi ấu thơ của tôi trải dài trong một Xứ Đạo toàn tòng người Bắc di cư. Bổn mạng Giáo Xứ: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Giáo Dân Họ Đạo chăm chỉ tham dự Thánh Lễ, nghi thức Giáo Hội, đặc biệt những dịp lễ Đức Mẹ: hàng hàng lớp lớp đoàn người thật dài xếp hàng trang nghiêm rước Đức Mẹ, tay nến, tay tràng hạt, cổ mang áo Đức Bà, miệng hát Thánh Ca tung hô Mẹ, mặt ánh lên hạnh phúc thánh thiện, niềm vui cõi Thiên Đường... Tôi cũng vui lây thứ hạnh phúc nép trong tà áo Mẹ hiền.
Rồi một ngày kia, có đôi nam nữ còn rất trẻ trôi giạt đến mua nhà ghép rễ sống bám trong Giáo Xứ. Hàng ngày họ như đôi chim non thường ngồi trước hiên nhà, trên băng ghế dài hóng mát dưới tàng cây vú sữa già trĩu quả. Một chiều kia, anh chồng tay quàng vai, tay nâng mái tóc dài óng mượt, nhìn sâu trong mắt vợ, anh sung sướng thốt lên:
- Em đẹp y như Đức Mẹ.
Một đứa trẻ ngồi đan mây tre gần đấy nghe được chạy nước rút về báo cho những đứa khác. Tin đồn “phạm thánh” loang nhanh như vết dầu loang, chỉ độ một vài ngày sau cả Giáo Xứ như lên cơn sốt:
- Chúng nó phạm thượng, dám khen vợ đẹp như Đức Mẹ !
Đám trẻ trong khu xóm tôi như được thúc đẩy âm thầm của người lớn, hăng hái ra tay “cứu đạo”, chờ những khi cúp điện tối trời chúng tương gạch cát lên mái nhà, vào ô cửa, đổ rác trước sân, trát phân hàng rào… Vợ chồng anh rình nhận mặt thủ phạm, đến tận nhà nhờ cha mẹ dạy bảo con cái, cũng chính những khuôn mặt rất đạo đức khi rước kiệu, triền miên hạnh phúc trong Giáo Đường ấy nay lại trở mặt lạnh lùng:

- Không có lửa sao có khói, chắc anh chị phải làm sao đó, chúng nó mới hung hăng như vậy.
Chỉ sau một thời gian ngắn không chịu nổi cảnh đám người cuồng tín, hai vợ chồng trẻ ấy phải bán nhà dọn đi chỗ khác. Tôi rất buồn khi căn nhà đã để trống một thời gian rồi sang tay cho người khác. Chúng ta ca tụng vẻ đẹp của Đức Mẹ bằng những cư xử không đẹp tý nào. Ngày đó tôi cũng là một trong đám trẻ ấy đã vung tay ném những hòn đá, đã trát phân… vì cứ tưởng làm như vậy là bênh vực cho Đức Mẹ.
Hôm nay tôi ngồi viết lại những dòng tội lỗi này để mong may ra hai anh chị ấy đọc được: xin hãy tha thứ cho tôi. Một bàn tay dấu hiệu của sự tha thứ mà tôi rất cần để tâm hồn được thanh thản bình an.
Quan niệm của người tín hữu chúng ta về sắc đẹp Đức Mẹ thường thấp thoáng có màu trần tục. Tôi kể chuyện này: một Giáo Xứ gần chỗ tôi phá bỏ Nhà Thờ cũ để xây lại mới, luôn tiện thay lại tất cả ảnh tượng cũ ( chuyển về Bắc vì họ đang cần ). Để cho hợp với văn hóa dân tộc, tượng Đức Mẹ mới là một cô gái Việt Nam mặc áo dài có mái tóc thề. Chỉ được vài tuần sau ngày khánh thành, cha xứ nhận được nhiều phản ảnh tiêu cực:
- Cha ơi ! Bức tượng Đức Mẹ có vấn đề. Chúng con chỉ nhìn thấy đây là hình ảnh một cô gái chân dài chứ không phải là Đức Mẹ. Có thể đây là sản phẩm thần tượng của riêng người đúc tượng.
Nhìn kỹ lại cha thấy cũng không sai, lập tức cho người sửa mũi, bào bớt ngực cô gái, thêm đường viền vàng nhũ quanh tà áo dài, gắn triều thiên 12 ngôi sao bạc trên đầu… lúc bấy giờ tượng Đức Maria mới tạm được Giáo Dân chấp nhận, vì tâm thức vẫn mãi không quên hình ảnh Mẹ Lộ Đức gót son hoa hồng, thôn nữ tà áo trắng thắt lưng xanh.
Thế nào là một sắc đẹp hoàn hảo ? Vẻ đẹp tâm hồn, thanh khiết không vưng bụi trần, thủy chung, lòng nhân ái, tình mẫu tử… Vẻ đẹp bên ngoài: đôi mắt buồn thăm thẳm nước hồ thu, đường cong, chân dài, tạo khát khao khi nhìn… Mỗi người thích một kiểu: dịu dàng, đằm thắm thướt tha, gợi cảm, tóc mây dài, cơ bắp khỏe mạnh... Trước đây trong chiến tranh Nhà Nước ta chuộng hình ảnh cô gái vót chông, cầm súng dí vào lưng giặc lái Mỹ…
Có lần muốn nghiên cứu người ta gom tất cả những chỉ số theo đúng tiêu chuẩn đẹp của nhiều người, nhiều dân tộc, đưa vào máy điện toán để tổng hợp phác họa ra một chân dung chung cho tất cả: hình ảnh được in ra là sản phẩm rất giống… ngợm, không phải là người.
Một lần đến thăm trại dành cho bệnh phong, tôi đã thấy tượng Đức Mẹ cụt tay chân, lở lói máu me, không biết ai cho hoặc bệnh nhân tự làm lấy. Hình ảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh khiến tôi chợt nghĩ trong ánh mắt của Thượng Đế và Mẹ Maria không có nhiễm sắc thể giống phàm nhân, nghĩa là không phân biệt được màu sắc, đẹp xấu, sang hèn, bệnh tật... Tất cả mọi người không trừ ai đều mang một phẩm giá Thiên tính như nhau, không hơn không kém.
Đức Mẹ vốn là một người rất khiêm tốn. Trải dài trong đời sống của Mẹ và những lần hiện ra chỉ là mong muốn sự giao hòa giữa con người và Thượng Đế. Tất cả những lời chúng ta tung hô ca tụng Mẹ: là sao, là ánh trăng, sóng lộc triều nguyên, bình sành quý giá, cuốn sách tuyệt vời, lâu đài Đavít, Vô Nhiễm, Đồng Trinh, vị thần đẳng kỳ, thượng nha bão táp, vô điếm giả mẫu… sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đời sống chúng ta không gắn liền với lòng sám hối quay trở về.
Khi học Giáo Lý với anh em Jehovah’s Witnesses, tôi được nghe họ dạy: tất cả những sự hiện ra của Đức Maria hoặc các phép lạ chỉ là sản phẩm của ma quỷ ngõ hầu lôi kéo loài người đổi chiều, không còn thờ phượng Jehovah nữa. Tôi không muốn cãi lại vì Đức Tin là một Ân Sủng Thiên Chúa ban nhưng-không cho mỗi người, không phải cứ cãi thắng là mang lại Đức Tin cho người khác, nhưng tôi biết Giáo Lý của người Công Giáo không Tôn Thờ Đức Maria như Thiên Chúa, chỉ Tôn Kính Mẹ hơn tất cả các phàm nhân khác vì Mẹ rất gần với Đức Giêsu Con của Mẹ. Nếu bảo là sản phẩm của ma quỷ thì tôi rất lấy làm lạ vì bên cạnh việc Tôn Kính Đức Maria bao giờ cũng có hình ảnh Tòa Giải Tội.
Tôi nghĩ Đức Maria cũng không buồn gì vì Mẹ không màng tiếng khen tặng. Bài Thánh Ca “Trên Con Đường Về Quê” là bài tôi rất yêu thích nhưng gần đây Giáo Hội yêu cầu không nên sử dụng vì có lời hát “Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết trông vào ai…” có thể dễ gây sai lạc tín lý, còn có Chúa nữa chứ đâu phải là không biết trông cậy nơi ai. Mẹ không buồn vì thường khi anh em Tin Lành lại có đời sống tốt lành hơn chúng ta.
Cùng thời gian xảy ra vụ “chồng khen vợ” như đã kể trên, kế bên cạnh nhà tôi là gia đình ông Tư, Chánh Trương Họ Đạo. Chị Thu là con duy nhất trong gia đình, hơn tôi 11 tuổi. Mãi cho tới hôm nay, trong ký ức tôi vẫn giữ kỹ hình ảnh chị Thu là một người con gái đẹp tuyệt vời. Chị rất thương tôi, chăm sóc như đứa em ruột. Ngày nào đi học về tôi cũng chạy sang nhà chị, không nhìn thấy chị trong ngày hầu như giấc ngủ tôi không an lành. Tôi nghĩ chị thương tôi cũng chỉ vì tôi và chị là hai thái cực trái chiều thu hút lẫn nhau: chị đẹp – tôi xấu. Xấu hàng hiếm độc quyền. Thời thơ ấu tôi có bộ răng nạo dừa, chị vẫn gọi “răng mái hiên”, ở trường các bạn gọi “môi chưa đến cổng trường, răng đã vào đến lớp”. Chị thường vuốt tóc tôi âu yếm:
- Tội nghiệp cưng của chị, sau này lớn lên ế vợ chắc phải biết !?!
Dần dần những ngày tháng phẳng lặng an bình của chị Thu không còn nữa, qua bên nhà chị tôi như có giác quan thứ sáu ngửi được mùi bất hạnh của tình huống đầy ẩn số: phẳng lặng khác thường không còn ai nói chuyện với ai, tiếng cầu kinh mỗi tối thường đứt quãng:
- Kính mừng Maria đầy ơn phúc… Con đĩ kia… Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ… Bà sẽ giết mày…
Một đêm khuya qua vết vách nứt, tôi nghe tiếng ông Tư rít qua kẽ răng tru tréo:
- Con đổ đốn ngu vạ vật kia, mày đã phá nát gia đình của ông !
Hôm sau chạy qua nhà chị, tôi ngơ ngác hỏi:
- Chị ơi có chuyện gì vậy ?
Mắt đỏ au vì khóc thâu đêm, mặt héo tàn như món trang sức đã rỉ sét, chị nắm lấy tay tôi đặt trên bụng mình:
- Chị sắp có em bé.
Tôi nép xuống nghe tiếng tim em bé đập. Chị gượng cười:
- Em bé còn nhỏ lắm, cưng không nghe tiếng em đâu.
Tôi không thắc mắc nhiều chuyện vì chẳng biết vì sao chị lại có em bé. Khoảng một tuần sau nghe có tiếng roi vọt, tiếng chị Thu ú ớ, tiếng bát vỡ, tôi ngu dốt chạy qua. Ông bà Tư mặt đỏ gay từ nhà dưới đi lên, trong cơn giận dữ mắt mờ đi họ không thấy tôi đang nép cửa. Chị Thu vẫy tôi lại gần, nhặt hai trái táo tầu còn lại trong bát thuốc đã vương vãi đổ gần hết đưa cho tôi. Tôi tham ăn bỏ ngay vào miệng đang khi chị mếu máo:
- Ba mẹ chị bắt phải giết đi em bé trong bụng để giữ thể diện gia đình.
Ngay đêm hôm ấy dầm tháng 7, trời mưa tầm tã không ngớt. Sáng hôm sau tôi mới biết chị Thu đã bỏ nhà ra đi ngay trong đêm.
Bạn đọc thân mến, có lần trong đêm mưa, tôi nằm trong lòng bà ngoại nghe kể chuyện cổ tích, tôi bỗng dưng nói với bà:
- Bà ơi thích quá, con muốn được nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn mãi mãi.
Bà tôi nhăn mặt:
- Khỉ này ! Sao con không nghĩ đến những người đang rất khốn khổ vì lạnh rét, anh lính hành quân trận địa, chị phu quét rác đêm mưa.
Lời của bà làm tôi chợt nhớ đến chị Thu cũng ra đi trong một đêm mưa bão. Đời chị sẽ như những cọng lau bên bờ sông, trong bão tố nhánh lau cong rạp sát đất nhưng rồi sẽ lại gượng đứng lên và đi trong gian khổ để một mình nuôi con lớn khôn.
Không hiểu sao mỗi khi nhìn lên cầu nguyện với Đức Mẹ tôi lại nhớ đến chị Thu, người chị mà từ đó về sau tôi không bao giờ gặp lại. Tôi cũng lên đường đi học xa, khi tôi trở về nhìn di ảnh ông Tư, ông đã đang nằm trong lòng huyệt mộ, chức Chánh Trương đã không còn, nhưng hệ lụy nghiệp chướng ông tạo để một người, một dòng họ đau khổ sẽ mãi di căn từ đời nọ đến đời kia đến vô tận.
Tôi chưa bao giờ được diễm phúc nhìn trực diện Mẹ Maria, nhưng tôi chắc khuôn Mẹ nhất định phải giống chị Thu vì chị đã dám vì Sự Sống của con mình mà hy sinh tất cả.
Bạn mến, kết thúc bài này tôi xin hầu kể lại một câu chuyện:
Ngày 17 tháng 7 năm 1858 tại Lộ Đức ( Lourdes ) nước Pháp, Đức Mẹ đã hiện ra lần chót với chị thôn nữ Bernadette de Soubiroux, Mẹ không nói gì, chỉ mỉm cười nhân ái khoan dung.
Sau đó một thời gian, chị Bernadette lâm bệnh nặng. Một bác sĩ là người vô thần đến khám bệnh đã tò mò và thắc mắc nên trò chuyện hỏi han chị:
- Tôi nghe nói Đức Mẹ đã hiện ra với cô. Vậy có một lời nào, có một cử chỉ nào đã khiến cô quên hết tát cả trần gian mà chỉ mong ước được sớm về Trời như thế ?
Chị Bernadette đã nhỏ nhẹ trả lời bác sĩ:
- Có chứ ạ, Mẹ đã nhìn cháu, im lặng và mỉm cười. Cháu không biết phải tả lại cho bác như thế nào bây giờ nhỉ ? Mẹ chỉ nhìn cháu mà mỉm cười như thế này...
Thế là chị Bernadette, mặc dù đang hết sức yếu ớt, đã gượng đứng dậy, chắp tay và bắt chước Đức Mẹ mỉm cười… Chị Bernadete đã mỉm cười, nhưng ông bác sĩ thì bật khóc mà thú nhận:
- Tôi không thể nào ngờ nơi một cô thiếu nữ mộc mạc quê mùa, và ốm yếu xanh xao, đã lập lại chỉ một nụ cười của Mẹ Maria, mà lại có sức mạnh thuyết phục mọi ngừơi đến thế !
Kết quả là vị bàc sĩ vô thần đã tin ( Theo tạp chí Echo de Lourdes ).
Một câu chuyện rất đơn giản: chỉ một nụ cười. Không lý luận Thần Học. Không văn chương khó hiểu, rào trước đón sau…
Tôi thích câu chuyện này lắm. Đôi khi gặp rắc rối trong đời, quay qua quay lại không lối thoát, tôi nghĩ đến câu chuyện này, nhớ lại khuôn mặt Mẹ Fatima Thánh Du thủa nào ( tuợng này khi đẽo tạc từ gỗ cây sồi, có xin ý kiến chị Lucia, chị bảo là giống hơn những tượng khác ) tôi nhắm mắt, bắt chuớc mỉm cuời như Mẹ và thấy tâm hồn mình thanh thản lạ. Đôi khi người ngoài bắt gặp, gặng hỏi:
- Sao anh lại cuời vu vơ như mát ?
Tôi không trả lời. Chuyện riêng chỉ có tôi với Mẹ.
Nếu có ai hỏi tôi về Đức Tin Công Giáo. Tôi sẽ trả lời:
- Dù tất cả mọi người trên thế gian bỏ đạo, tôi vẫn luôn yêu Giáo Hội Công Giáo. Tôi không cần Thiên Đàng, tôi chỉ mong có ngày sẽ được tận mắt nhìn thấy khuôn mặt Đức Giêsu và nụ cười Mẹ Maria.
NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG,
Lễ Đức Mẹ Lên Trời 2012
Ghi chú: Tên các nhân vật đã được thay đổi. Thành thật xin lỗi nếu như có sự trùng hợp.
Theo EPHATA số 523 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét