Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Bài giảng giáo lý của Đức Thánh Cha Benedict XVI: ''Sự thật là sự thật, không thể nào có sự nhượng bộ''


Bài giảng giáo lý của Đức Thánh Cha Benedict XVI

ROME, thứ tư 29, tháng 8, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI tuyên bố: "Sự thật là sự thật, không thể nào có sự nhượng bộ" khi ngài mời gọi các tín hữu chú ý đến việc "tử đạo vì trung thành với Phúc Âm hàng ngày." Đức Thánh Cha đã tiếp tục các bài giáo lý về việc cầu nguyện, vào ngày 29 tháng 8, 2012, tại Castelgandolfo, để tưởng nhớ đến cuộc tử đạo của Thánh Gioan Baotixita, đấng mà Giáo Hội "hết sức tôn kính từ xưa."

Không thể nào có sự nhượng bộ

Đối với Đức Thánh Cha, việc tưởng nhớ đến cuộc tử đạo của Thánh Gioan Baotixita nhắc các "kitô hữu thời nay" rằng "chúng ta không thể nào hạ mình xuống để chấp nhận một sự nhượng bộ đối với tình yêu Chúa Kitô, với Lời Người , và với sự thật."

Ngài nhấn mạnh: "Sự thật là sự thật, không thể nào có sự nhượng bộ".

Ngài nói: Chính vì thế đời sống Kitô đòi hỏi phải "tử đạo" vì trung thành hàng ngày với Phúc Âm, nghĩa là can đảm để cho Chúa Kitô lớn lên trong chúng ta khiến cho Người có thể hướng dẫn các tư tưởng và hành động của chúng ta."

Thánh Gioan Baotixita là một tấm gương cho chúng ta: bằng "tình yêu sự thật", ngài đã không hạ mình xuống để nhượng bộ, và đã không sợ hãi khi nói lên những lời mạnh mẽ đối với những kẻ đang xa lánh con đường của Thiên Chúa."

Đức Thánh Cha tiếp: Thánh Gioan Baotixita đã làm nhân chứng "bằng máu của mình" cho sự trung thành với Thiên Chúa, không nhượng bộ, không thụt lùi, và hoàn thành sứ mạng đến cùng. Ngài đã không câm nín trước sự thật và vì vậy bị chết vì Chúa Kitô là Đấng Sự Thật."

Đức Thánh Cha Benedict XVI mô tả thánh Gioan Baotixita như một "sức mạnh đam mê", một "sức mạnh chống lại những cường bạo," có thể giúp các tín hữu "luôn luôn gìn giữ vai trò tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống họ."

Đức Thánh Cha hỏi: "Nhưng một đời sống như vậy, một nội tâm mạnh mẽ như vậy, cương trực như vậy, trong sáng như vậy, và hoàn toàn tận hiến cho Chúa như vậy, và để chuẩn bị cho con đường đến với Chúa Giêsu, đến từ đâu?"

Cầu nguyện, là sức mạnh để làm nhân chứng

Đối với Đức Thánh Cha Benedict XVI, sức mạnh của vị thánh đến từ "mối tương quan của ngài đối với Thiên Chúa, việc cầu nguyện của ngài, là đường lối hướng dẫn ngài trong suốt cuộc đời." Thực vậy, nhân chứng của tín hữu về sự thật chỉ có thể thực hiện "nếu mối tương quan của người đó với Thiên Chúa rất mạnh mẽ."

Đức Thánh Cha khẳng định: Về phương diện này, "thời gian cầu nguyện không phải là thời gian phung phí", và "không chiếm hết thời gian dành cho các sinh hoạt cúa chúng ta, cũng như cả cho các hoạt động tông đồ của chúng ta."

Ngược lại, những ai có "một đời sống cầu nguyện trung kiên, thường trực và tin tưởng," sẽ nhận được từ Thiên Chúa "khả năng và sức mạnh để có một đời sống hạnh phúc, và an bình, để vượt thắng các khó khăn và giúp cho có thể làm chứng tá một cách can đảm."

Đức Thánh Cha nhận xét: "Trong suốt cuộc đời của đấng tiền hô của Chúa Giêsu đã được nuôi dưỡng bởi mối tương quan với Thiên Chúa, ngay từ trước khi sinh ra, ngài là "ơn sủng thiêng liêng được cha mẹ ngài là hai thánh Zacharia và Elizabeth cầu xin bao nhiêu năm." 

Đức Thánh Cha tiếp: Ngoài ra, việc tuyên bố về việc sanh ra này đã được thể hiện "ngay trong vị trí của việc cầu nguyện, trong Đền Thánh Giêrusalem," và việc đấng tiến tri này sanh ra đã được "đánh dấu bởi việc cầu nguyện: là lời ca hân hoan, lời ca ngợi và tạ ơn Zacharia dâng lên Thiên Chúa," được hát mỗi buổi sáng trong kinh sáng, là kinh Benedictus ."

Cuối cùng, thánh Gioan Baotixita đã trau dồi mối tương quan với Thiên Chúa "trong vùng sa mạc", là "nơi chốn của sự cám dỗ, nhưng cũng là nơi con người cảm nhận sự nghèo nàn của mình vì mất hết những trợ giúp và an ninh về vật chất, và con người hiểu biết rằng chỉ còn đích điểm duy nhất và vững mạnh nhất để quy chiếu là chính Thiên Chúa."

Bùi Hữu Thư

0 nhận xét:

Đăng nhận xét