CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI BỐN THƯỜNG NIÊN
XUẤT HÀNH 32,7-11.13-14 ; TI MÔ THÊ 1, 12-17 ; LU CA 15,1-32
Một Thiên Chúa Tim Kiếm Con Người Và Tha Thứ
Quả hiển nhiên với trí óc con người, thì không dễ gì tạo nên một hình ảnh thật đúng, thật chính xác về Thiên Chúa. Vì Chúa Trời thật vĩ đại, Ngài vượt lên trên chúng ta cùng vượt lên trên tất cả mọi thụ tạo do Ngài dựng nên. Thiên Chúa thì vô cùng, trong lúc đó thì tư tưởng cùng những hình ảnh của con người nghĩ về Chúa Trời chỉ có giới hạn. Vả mữa, cũng chẳng có gì làm cho chúng ta ngạc nhiên khi con người đã tạo ra, và vẫn còn tạo ra các hình ảnh cùng các quan niệm khác nhau về Thiên Chúa. Kể cả lúc con người đọc Thánh Kinh, nhưng những người tín hữu không dễ dàng gì trong một lúc có thể đạt đến được một khái niệm đúng về Thiên Chúa… Tuy nhiên hình ảnh về Thiên Chúa cùng khuôn mặt của Ngài chỉ là những suy tư, suy luận của con người nặn ra. Phải chờ cho đến lúc Chúa Giê-su đến trái đất chúng ta sống, chính Ngài là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa thật để nói lên một hình ảnh, một khuôn mặt chính xác của Thiên Chúa, một khuôn mặt đích thực là Ngài, hầu làm sáng tỏ cho con người có thể hiểu biết về Thiên Chúa và cái nhìn đúng về Ngài.
Từ quan điểm này, thì các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay thật bổ ích cho chúng ta. Các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm người ta cảm thấy rằng các « giọng điệu » khác biệt giữa thời Cựu Ước và Tân Ước. Mặc dầu cùng một Thiên Chúa đó tác động, song người ta cảm được có sự khác nhau : là một Thiên Chúa giận giữ và Thiên Chúa nhân từ.
Chúng ta thấy qua bài đọc Sách Xuất Hành, thì người ta cảm được khuôn mặt của một Thiên Chúa bùng nổ sự giận giữ của mình đối với dân Do Thái lì lợm, không coi Ðấng cúu thoát họ thoát cảnh nô lệ khổ cực ra gì: « Ta thấy dân này là một dân cứng đầu, cứng cổ. Bây giờ hãy cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng » (Xuất Hành 32, 9-10). May thay cho dân Do Thái, phải nhờ lời van nài cầu xin thống thiết của ông Mô-sê để Thiên Chúa nguôi giận giữ cùng các lời đe dọa phạt dân Người, và thế vào đó là một lòng thương xót đổ xuống cho : « Thiên Chúa đã thương, Ngài đã nguôi cơn giận giữ, không thực hiện án phạt giáng xuống trên dân Người » (Xuất Hành 32,10).
Song khi chúng ta đọc một giọng văn khác của Thánh Phao-lô và Tin Mừng, thì ở đây chúng ta thấy rõ hình ảnh khuôn mặt của một Thiên Chúa muốn thực thi lòng thương xót mình cho chúng sinh, và Ngài hằng luôn đặt lòng thương xót đi trước mọi sự việc. Khi chúng ta đọc bài Thánh Thư của thánh Phao-lô hôm nay, thì thánh nhân tỏ lộ cho ta thấy được bản tính Thiên Chúa trong con người của Chúa Giê-su Ki-tô.Thánh Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su Ki-tô « đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi » (1Timôthê 1,15). Chính Chúa Cha là Người cử Chúa Giê-su đến. Từ đó, chúng ta có ở đây là hình ảnh của một Thiên Chúa khởi xướng con đường hướng về những người tội lỗi. Thiên Chúa đi kiếm họ. Chúa Trời không hài lòng chờ đợi họ đến với Ngài hoặc để họ đón tiếp Ngài đã. Chúng ta thấy một cách cụ thể, và rất là cá nhân, Thiên Chúa bước những bước tiên khởi hướng về con người trần gian.
Bằng chứng cụ thể, là chúng ta vừa mới nghe qua thông điệp của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy gì ? Ðấng chủ chăn bỏ 99 con chiên lại ngoài đồng hoang để chỉ đi kiếm một con chiên lạc đàn. Ðẹp thay tuyệt trần thay ! Tất cả sự quan tâm cùng lưu ý, tất cả tinh yêu của Ðấng chủ chăn dành cho con chiên lạc đàn này, bởi Ngài muốn không một con chiên nào bị mất đi. Ở đây chúng ta thấy được sự tỏ lộ của con tim Thiên Chúa, là Ngài mong muốn cứu độ hết thảy mọi người và mỗi một người. Vì không có một tội nhân nào mà không được giá máu cứu chuộc của Chúa Ki-tô lau sạch tội. Và không một tội nhân nào lại không được Chúa Ki-tô giải thóat họ ra khỏi sự dữ, cùng dẫn đưa họ về lại chuồng chiên.
Quả có ba thái độ có thể làm cho đời chúng ta thảm hại. Thái độ đầu tiên, là tạo nên trong tư tưởng và tội lỗi của chúng ta, hay là tội lỗi của một ai mà chúng ta biết, và chúng ta yêu thích thứ tội lỗi đó, và tội đó quá trầm trọng để không thể tha thứ được. Tội này có nghĩa là sự phủ nhận Thiên Chúa, chống báng Ngài và không cần biết đến Ngài. Còn thái độ thứ hai, là cái ý nghĩ chúng ta không cần đến Thiên Chúa, bất kể Ngài lá ai. Và một thái độ nữa, là chúng ta không biết mình, như lời thánh Gio-an nói : « nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình » (1Gioan 1,8).
Thực một hình ảnh khác của Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta trong Tin Mừng : đó là khi Chúa Giê-su đưa ra câu hỏi về niềm vui, để chứng minh về người đàn bà tìm lại được đồng bạc bị mất, cùng niềm hân hoan của người chăn chiên đưa dẫn con chiên lạc về lại chuồng chiên sau khi bị thất lạc. Và câu kết luận, chính Chúa Giê-su lấy từ các niềm vui đó, rồi Ngài nói tiếp : « trong Nước Trời sẽ vui mừng ví có một người tội lỗi hóan cải hơn là 99 người công chính không cần đến sự ăn năn sám hối » (Luca 15,7).
Ðẹp thay, đó chính là khuôn mặt nhân ái, từ bi, độ lượng của Chúa Trời : bởi trong Thiên Chúa không có tính đê tiện, so đo chi li từng tí, không có sự báo oán trả thù, không có sự óan hận trừng phạt. Trong Chúa Trời, duy chỉ có vòng tay yêu thương mở rộng, ở đó là sự trìu mến và âu yếm tràn trề, rồi sự sửa soạn cho một bữa tiện thịnh soạn, linh đình để đón tiếp tội nhân lạc mất trở về nhà, chúng bay ơi « mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, mang dép da vào chân cậu, và đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt khỏan đãi để chúng ta mở tiệc ăn mừng … Và họ bắt đầu ăn mừng »(Luca 15,22-24). Quả thật sự ăn năn sám hối của chúng ta, sự trở về của chúng ta với Thiên Chúa, làm cho Chúa Trời vui sướng hân hoan như một phản xạ tự nhiên của Ngài, mà chúng ta thấy rõ trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, nói đến việc trở về cùng Cha của người con hoang đường. Người Cha thấy anh từ xa, thì Ngài đã vội vã chạy lại, rồi ôm cổ anh mà hôn lấy hôn để, để tỏ dấu tình thương.
Chúng ta cũng cần lưu ý đến niềm vui của Thiên Chúa tỏa lan, không chỉ có tính cách cá nhân tội nhân trở lại cùng Ngài. Song Chúa Trời mời gọi tất cả mọi người cùng chia sẻ niềm vui đó với Ngài : bà con làng xóm ơi : « xin chung vui với tôi, bởi tôi đã tìm được đồng tiền đã mất » (Luca 15,9).
Từ những hình ảnh của khuôn mặt Thiên Chúa Tình Yêu và Tha Thứ : để kết luận cho những giòng suy niệm này, chúng ta có thể tóm lược lại những ý chính sau : chúng ta phải có một lòng tin vững chắc vào Thiên Chúa tình yêu - đặc biệt chúng ta tin rằng sự tha thứ của Chúa Trời thì vô bờ bến nhu Chúa Giê-su dạy thánh Phê-rô, con không những tha thứ cho anh chị em bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy. Có nghĩa ta phải bắt chước tâm tình giống Chúa Trời, giống Chúa Giê-su, hằng tha thứ luôn luôn luôn và tha thứ cho chúng ta mãi mãi.
Do đó, chúng ta có bổn phận phải cầu nguyện cho hết thảy mọi con người, không trừ một ai, hằng luôn được nhận lãnh lòng tha thứ của Thiên Chúa. Cũng thế, chúng ta được Chúa Trời mời gọi hãy vui lên khi Ngài tha thứ cho một người trọng tội nào đó, mà sự tha thứ của Chúa Trời quá vĩ đại, quá quảng đại. Ðơn cử khi Giáo Hội tha thứ cho những tội nhân phạm tội trầm trọng, mà dưới đôi mắt chúng ta hầu như là sự tai tiếng, không thể tha cho họ tội đó dễ như vậy được.
Cuối cùng chúng ta nghĩ đến những lời khuyên dạy của Chúa Giê-su là : « các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời ». Ðây là một lời Chúa mời gọi chúng ta thể hiện hết cái khả năng tha thứ của mình. Và chúng ta nên biết rằng, quả chúng ta không bao giờ hiểu thấu được sự cao vời của lòng Thiên Chúa yêu thương cùng tha tứ tội lỗi cho tội nhân. Bởi Ngài là Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu (1Gioan 4,8). Chúa Trời có lý để yêu thương chúng sinh, Ngài có lý để tha thứ các tội lỗi của con người và của chúng ta. Tuyệt đẹp thay, đó chính là khuôn mặt thực của Thiên Chúa, mà Chúa Giê-su đã thể hiện và mạc khải cho chúng ta cùng nhân loại biết. Amen !
Lm. Phêrô Lê Quang Dũng,
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét