Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

SN CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI HAI THƯỜNG NIÊN: "Lời Khuyên Khiêm Hạ"



CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI HAI THƯỜNG NIÊN

HUẤN CA 3,17-18. 28-29 ; DO THÁI 12,18-19.22-24 ; LU-CA 14,1.7-14

Lời Khuyên Khiêm Hạ



Chúa Giê-su luôn biết lợi dụng mọi tình thế và cơ hội, để Ngài thực hiện đời sống cho công việc giáo huấn của mình. Như hôm nay, câu chuyện xảy ra, đó là ngày Sa-bát Chúa đi dự tiệc mà Tin Mừng tả lại. Chúa Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu dự tiệc khoản đãi. Tại nơi đó, Chúa ngồi ở giữa bàn tiệc, đảo mắt quan sát những khách được mời dự tiệc. Chung quanh bàn tiệc Chúa Giê-su bao nhiêu người đều nhìn thấy Ngài. Họ là những người có địa vị trong xã hội. 

Trước hết, Chúa Giê-su đảo mắt lưu ý đến hàng ghế dành cho khách danh dự, và theo dõi tình hình họ ra sao. Ai ai cũng nhốn nháo, tranh nhau ngồi ghế thượng khách : nào cho tôi ngồi ghế trên cao trước hết cho hợp chức vị của tôi, còn những người khác ngồi sau tôi, ờ hàng ghế dưới. Tôi phải ưu tiên được phục vụ trước, còn những người ngồi kia, đưa đồ ăn thức uống cho họ sau. Họ to tiếng tranh nhau chỗ ngồi cùng phần ăn được tiếp trước. Chúa Giê-su thấy nực cười, từ đó Ngài lên tiếng cùng đưa ra một dụ ngôn khuyên dạy, cùng mời gọi họ tỏ ra lòng khiêm hạ.

Quả với bản tính tự tôn của con người, nên sự khiêm hạ này không là dễ, như với kẻ đạo đức giả, những người tự xưng mình là vương chúa, là cao sang, quý tộc và thượng lưu trong xã hội, thì càng khó cúi mình khiêm hạ hơn. Tuy nhiên Chúa Giê-su dạy rằng đây là cách thế làm đẹp lòng Thiên Chúa, làm Chúa Trời ưng ý hon cả. Bởi sự khiêm hạ này, mang dấu sự kính trọng người khác, và được xem như hướng về hết mọi con người.

Sự khiêm hạ Chúa Giê-su khuyên bảo đây, thì chính Ngài đã thực thi điều mình nói đó. Chúng ta lưu ý đến một vài lời đã được Chúa nói đến, để tóm lại cái luân lý của bài dụ ngôn này. Chúa Giê-su nói « ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống » (Luca 14,11). Câu nói này làm ta liên tưởng đến những lời của thánh Phao-lô trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê « Chúa Ki-tô chính là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bắng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, thiên Chúa đã tôn vinh Người và tặng ban cho một danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu » (Philíphê 2,6-9). Cũng thế, từ câu nói của thánh Phao-lô đây, chúng ta lại liên tưởng đến những lời Chúa Giê-su tuyên phán trong buổi chiều bữa Tiệc Ly : « anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thấy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em » (Gioan 13, 13-15). 

Qua những Lời Chúa phán trên, thể hiện cho chúng ta thấy được sự khiêm hạ chân thật, sự khiêm hạ lớn lao của lòng người. Vì sự khiêm hạ đó không có gì của một sự tính toán, để được xem mình là người quan trọng, được ngồi vào ghế hạng nhất dành cho những nhân vật quan trọng. Ðúng hơn sự khiêm hạ này là một cử chỉ phục vụ hướng về tha nhân, hướng về anh chị em mình, mà chỉ Thiên Chúa mới thấu rõ sự việc đó mà thưởng công. Như lời khuyên của sách Huấn Ca rằng : « càng làm lớn, con càng phải tự hạ mình, như thế, con sẽ được đẹp lòng Chúa Trời, vì quyền năng Thiên Chúa thì lớn lao, Ngài được tôn vinh nơi các người khiêm hạ » (Huấn Ca 3, 18-20). Thực thế Chúa Giê-su không chỉ hành động một vài cử chỉ khiêm hạ bởi ở nơi nhà ông thủ lãnh của nhóm Pha-ri-siêu này, hay một nơi nào khác như trong Bữa Tiệc Ly với các môn đệ mình, nhưng là cả một tấm lòng cùng thái độ khiêm hạ suốt cả sự hiện hữu của Chúa ở trần thế này. Do đó, chúng ta phải khấn xin ơn Chúa ban cho ta có được lòng khiêm hạ, bởi bản tính tự nhiên cùng phản ứng thói quen, chúng ta thường tìm kiếm cho mình phần ăn ngon, ăn trước và ngồi trên cao, hơn là ngồi ở hàng dưới ăn muộn. 

Chúng ta thấy sau khi Chúa Giê-su lưu ý đến cái khuynh hướng không đẹp của những người Pha-ri-siêu, là thường thích tìm kiếm chỗ ngồi và vị trí hạng nhất : thực vậy, Chúa nhận thấy mọi người ngối vào bàn tiệc, thi tất cả cùng một giai cấp xã hội. Ai cùng địa vị cùng giai cấp thì ngồi chung với nhau. Và người Pha-ri-siêu thường là như thế. Người giàu với người giàu, người nghèo với người nghèo, người quyền thế với người quyền thế, kẻ dân giả thợ thuyền với người chân lấm phèn tay lấm bùn nhớt. Tữ chổ quan sát và thấy hiện thực như thế, Chúa Giê-su đã phản ứng tức thì : bởi Ngài không đến dành ưu tiên cho những người giàu sang, người quyền thế cùng vương giả. Có lẽ rằng, những hạng người nói này khi Chúa Giê-su muốn, Ngài có thể đến với họ, và họ có thể trở thành bạn hữu của Ngài. Thế nhưng những người Chúa Giê-su muốn đi tìm kiếm hơn cả, đó chính là những người bần cùng nghèo khổ, những người bệnh tật hoành hành, những người bị xã hội khinh dễ và quên lãng… Cũng như Chúa đến thế gian này tìm kiếm những con chiên lầm lạc, những người tội lỗi, như lời Chúa phán « không phải những người mạnh khỏe cần thầy thuốc, nhưng là những người bệnh tật. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là để kêu gọi những tội nhân, để họ biết sám hối ăn năn » (Luca 5, 31-32).

Chúng ta đọc trong các sách Tin Mừng, thường thấy Chúa Giê-su là vị Cứu Thế xuất hiện rất phi thường, tuy nhiên Ngài luôn từ chối đứng về phe cánh này hoặc phe cánh nọ, hay là ủng hộ lập trường của nhóm này hoặc nhóm khác. Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Chúa Giê-su có đường lối của Ngài, Ngài không ngã nghiêng theo xu thế của thế gian. Chúa Giê-su muốn một thế giới mở rộng, đại đồng, huynh đệ và tỉ muội, và các tuơng quan cùng liên đới giữa các người thấp hèn và người quý phái,giữa người giàu sang và kẻ bần cùng, người thông thái và kẻ mù chữ, người công chính và kẻ tội lỗi : tất cả những con người này Chúa Giê-su đều tỏ ra cung cách sống phục của Ngài đối với họ. Vi Chúa luôn cho họ mẫu gương nơi bản thân mình, cùng mời gọi họ hãy học hỏi và noi theo Ngài. Như lời Chúa giáo huấn đây : « khi ông đãi khách ăn trưa hay ăn chiều, thì đừng mời bạn bè, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc, ví ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại » ( Luca 14,12-14). 

Ðẹp thay những giòng chữ cùng những lời nói này của Chúa Giê-su phải được chúng ta hiểu cho đúng ý. Quả chắc rằng những lời nói này Chúa không hàm ý nói rằng chúng ta không được phép mời, hay tiếp nhận ngồi chung bàn với cha mẹ và bằng hữu của mình. Chúng ta thấy Chúa Giê-su đã dùng bữa tại nhà thánh Mát-ta và Ma-ri-a. Chúa cũng thường chia sẽ những bữa ăn đạm bác với các nhóm 12 tông đồ. Tuy nhiên những lời Chúa Giê-su nói đây, là chúng ta không chỉ mời cha mẹ hay bằng hữu của mình thôi. Cần đi xa hơn, Ngài mời gọi chúng ta biết chia sẻ phần ăn thức uống với những người nghèo khổ, tiếp nhận họ vào nhà mình, nhất là họ không có gì để đáp lễ lại cho ta. Theo lời Chúa Giê-su dạy, thì chúng ta phải biết mở rộng tâm hồn mình cho mọi người, cùng quan tâm và lưu ý đến những anh chị em bần cùng. Do thế, qua bài Tin Mừng chúng ta khám phá được chiều độ sứ mạng của Chúa Ki-tô. Chúa đến để ban bánh cơm, nước uống cho người đói khát. Chúa Giê-su ban tặng tình yêu mình cho người không được yêu thương. Chúa làm giàu có cho những người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. 

Như thế Chúa Giê-su đã để lại cho nhân loại, cho chúng ta mẫu gương yêu thương, khiêm hạ. Do đó chúng ta cần thể hiện và hành động như Chúa. Tự bản thân mình chúng ta phải biết chia cơm sẻ áo, đi từ gia đình đến xóm đạo của ta cũng phải biết chia sẻ vật chất cùng yêu thương bắt chước như Chúa Giê-su. Qủa khi mái nhà ta trở nên cô lập, thì trái tim ta cũng thế, và rồi xứ đạo của chúng ta cũng vậy. Ðẹp thay chúng ta biết mở rộng cỏi lòng, biết khiêm hạ cùng chia sẻ, cho đi như Chúa Giê-su, Chúa chúng ta.

Phẩm chất cùng giá trị cao của của đời sống Ki-tô hữu chúng ta, không chỉ là đo lường trong chiều độ quan tâm, lưu ý và tình yêu mà chúng ta mang lại cho người ta yêu thương, nhưng lý hơn, đúng hơn là chúng ta quan tâm, lo lắng đến những người không cùng gia đình với ta, không cùng họ hàng thân tộc của ta, hoặc không cùng một dân tộc cùng văn hóa, hoặc nữa không cùng một địa vị hay giai cấp xã hội vv... Quả khi chúng ta chỉ biết mời vào nhà cùng dự tiệc, là những người ta chọn, ta yêu thích, hay họ đã mời chúng ta, nên ta phải đáp lễ lại, thì phải chăng chúng ta thật là Ki-tô hữu, là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su ? Hoặc nữa nếu như chúng ta chỉ làm nghĩa cử bác ái với người ta yêu mến, còn ông kia, bà nọ, chị đó, anh này, thấy mặt họ là phát ghét, xung giận rồi, ta không thèm ngồi chung bàn với họ, không tỏ cử chỉ thân thiện dù chỉ là cái bắt tay, thì phải chăng chúng ta là con Chúa Trời, là môn đệ Chúa Ki-tô ? Những câu hỏi này, Chúa Giê-su trả lời một cách minh bạch rằng : « nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ đã làm ơn cho mình, thì còn gì là ân nghĩa. Ngay cả người tội lỗi cũng làm được như thế… Trái lại anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả » (Luca 6,32-35).

Thưa anh chị em, vậy chúng ta là ai, là con Thiên Chúa hay là con thế gian, là môn đệ Chúa Giê-su hay là môn đệ người đời ? Mỗi một người chúng ta đã có câu trả lời cho chính mình do những việc làm của chúng ta trong đời, và mỗi một người chung ta đều tự biết mình là ai trước tôn nhan Chúa Trời ? Amen !

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét