Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Những câu chuyện tại trung tâm hành hương Măng Đen

LTCGVN (20.09.2013)  – Kon Tum – Hàng chục ngàn người từ khắp các buôn làng, các nơi trong và ngoài tỉnh Kon Tum đã về Măng Đen (thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum)  để tham dự ngày hành hương kính Đức Mẹ Măng Đen do Giáo phận Kon Tum tổ chức vào ngày 17.9 vừa qua.
Bênh cạnh những thông tin về ngày hành hương, một số tâm tình của những người con của Mẹ Maria về bên Mẹ trong dịp này, chúng tôi muốn kể lại một vài câu chuyện tai chúng tôi đã nghe và mắt chúng tôi đã nhìn thấy.
Đức Mẹ cụt tay
Bức tượng Đức Mẹ tại Măng Đen có thân hình giống tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng phần đầu tượng khi phục chết giống khuôn mặt của một người phụ nữ vùng Tây Nguyên. Chất liệu tượng bằng xi măng, cao 1 mét với hai bàn tay cụt.
Có người từ Sài Gòn lên hành hương kính Mẹ thốt lên: “Sao Đức Mẹ lại cụt tay? Sao không gắt tay vào cho Đức Mẹ, mà sao mặt Đức Mẹ xấu, có vẻ khắc khổ vậy?”
Khi hỏi một số người đến đây hành hương về cảm nhận của họ đối với bức tượng Đức Mẹ Măng Đen, thì không ai cảm thấy “Đức Mẹ Măng Đen xấu là rào cản họ đến với Mẹ”, nhưng chính hình ảnh cụt tay của Mẹ lại đưa họ tới những tâm tình thật sâu sắc.
Khi được hỏi, một anh đang dắt đưa con nhỏ đi theo nói: “Cụt tay thì có vấn đề gì đâu. Mẹ vẫn là Mẹ của mình mà.”
Một người thanh niên đưa ra lời nhận đình: “Đức Mẹ thiếu đôi tay, để mỗi người chúng ta trở thành đôi tay của Mẹ mà đến với anh chị em của mình.”
Trong dịp hành hương này có hơn 300 anh chị em bệnh phong đã đến với Mẹ. Cha tổng đại diện giáo phận Kon Tum Phêrô Nguyễn Vân Đông nói rằng: “Anh chị em bệnh phong khi tới đây thấy Đức Mẹ cụt tay giống họ, nên họ đã nhận Đức Mẹ Măng Đen là Đức Mẹ của họ.”
Tượng Đức Mẹ Măng Đen, chụp ngày 17.9.2013
Tượng Đức Mẹ Măng Đen, chụp ngày 17.9.2013
Các nhân chứng
Vào lúc 18 giờ, ngày 16.9, tại lễ đài có chương trình “Cầu nguyện bên Mẹ Maria” do các tu sĩ DCCT đang truyền giáo tại Tây Nguyên phụ trách. Trong chương trình, cha Giuse Trần Sĩ Tín đã mời gọi những ai được ơn của Mẹ Maria hãy tiến lên lễ đài làm chứng cho Mẹ, vì “loan báo Tin Mừng là nói về Chúa những gì Chúa đã làm cho mình và do đó, khi kể lại ơn của Mẹ Maria chính là cách thức loan báo Tin Mừng”
Sau lời mời gọi của cha Giuse Sĩ Tín đã có hơn 10 người lên làm chứng về những ơn bản thân, những người thân yêu trong gia đình của họ đã nhận được từ nơi Mẹ Maria (còn nhiều người muốn lên làm chứng nhưng thời gian buổi canh thức đã quá dài.)
Lời chứng để lại ấn tượng với chúng tôi nhất là của một chị thuộc sắc tộc Jarai, chừng 35 đến 40 tuổi gì đó.
Vừa lên lễ đài, cầm Micrô chị đã nghẹn lời khóc không thành tiếng (cha Sĩ Tín đã phải động viên chị). Nói một hồi dài trong nước mắt bằng Tiếng Jarai, chị như qụy xuống hướng về bức ảnh Mẹ Maria trên lễ đài, hướng vào cha Sĩ Tín vái lạy. Chúng tôi chỉ hiểu được câu chuyện của chị sau khi cha Sĩ Tín dịch ra tiếng Kinh. Ngài nói: “Trước đây chị bị bệnh thần kinh.  Chị cầu xin Chúa, Chúa cho khỏi, rồi chị lấy chồng được bốn đứa con. Đến khi mang thai đứa thứ năm thì chị đau bụng, nhưng không hiểu đau cái gì. Khi bác sĩ khám cho chị, bác sĩ bảo phải hút đứa trẻ ra. Bây giờ chị buồn và xin Đức Mẹ tha thứ, xin tất cả anh chị em cầu nguyện cho chị để Chúa tha thứ cho chị ấy vì chị đã nghe lời bác sĩ mà hút bỏ đứa con thứ năm của mình”.
Có mặt tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen, Anh Hưng thuộc Giáo phận Kon Tum,(cách Măng Đen khoảng 60 km) nói với chúng tôi: “nhiều người được ơn Đức Mẹ về phần xác, nhưng theo tôi, ơn phần hồn mới là quan trọng”
cha tin
Người phụ nữ dân tộc Jarai khóc nức nở, khi lên lễ đài kể lại câu chuyện của mình
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh
Chắc chắn Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giáo mục Giáo phận Kon Tum không muốn chúng tôi nói về ngài (khi chúng tôi cầm máy quay lại hình ảnh Đức cha đang nhặt rác giữa đường, ngài đã quy lại mắng chúng tôi), nhưng quả thật hình ảnh, những lời nói và việc làm của vị Giám mục này đã để lại ấn tượng đặc biệt cho chúng tôi.
Sau chương trình diễn nguyện tối 16.9 cũng như trong ngày 17.9, Đức cha Micae nhiều lần nhắc nhở (nói qua Micrô) những người tới hành hương tại linh địa Măng Đen phải giữ gìn vệ sinh môi trường: “Anh chị em đã tới đây và cầu nguyện rất nhiều, điều đó là tốt lắm. Tuy nhiên, anh chị em phải giữ gìn về sinh chung. Không được xả rác, cũng như khi thấy rác dưới chân thì hãy nhặt bỏ vào nơi quy định. Đó chính là cách anh chị em làm chứng về Chúa, là việc loan báo Tin Mừng”. “Để tránh tình trạng kẹt xe, lộn xộn, xin anh chị em hãy đi vào phía tay phải của mình. Hãy đi sát vào  phía tay phải.”
Không chỉ nói, chúng tôi còn chứng kiến chính Đức cha Micae đã cúi xuống nhặt từng cọng rác trên đường đi để bỏ vào thùng rác. Trước và sau thánh lễ, ngài ra lối đi để hướng dẫn bà con đi bộ: “Bà con đi sát vào phía tay phải để nhường đường cho xe đi, tránh bị ùn tắc.”
Trong khi một số xe của ban tổ chức dán logo “Về với Mẹ Măng Đen” để có thể tiến vào sát khu vực linh địa Măng Đen, thì sáng ngày 17.9, Đức giám mục Micae đã cho xe của mình dừng tại khu vực để xe ô tô như những đoàn hành hương bình thường (cách linh địa Măng Đen hơn 3 km) để đi bộ như bao người con của Mẹ từ các buôn làng về với Mẹ. Một người khi thấy vị Giám mục này đi bộ xa như vậy đã chạy theo hỏi: Tại sao Đức cha lại muốn đi bộ tiến vào trung tâm hành hương? Vị Giám mục này trở lời: “Tôi muốn đi bộ vì hành hương là đi mà. Đi bộ để có thể nói chuyện với mọi người, để có thể đọc kinh cầu nguyện với Đức Mẹ.”
Có nhiều tấm bạt lớn được dựng lên, nhưng riêng khu vực dâng thánh lễ lại không có. Vì vậy, khi các linh mục và lúc Đức cha cử hành thánh lễ trên lễ đài, các ngài đểu để đầu trần dưới trời mưa. Có lẽ không phải ban tổ chức không để ý, nhưng thiết nghĩ, với một tấm lòng yêu thương đoàn chiên, Đức cha Micae muốn dành những phần tốt nhất cho con cái mình trong ngày về bên Mẹ.
Một anh lái xe đưa đoàn chúng tôi đi nói về vị chủ chăn của mình: “Ngài đơn giản và thương bà con người thượng lắm!”
Sau thánh lễ, vị Chủ chăn của Giáo phận Kon Tum nói chuyện và hướng dẫn bà con đi đường.
Sau thánh lễ, vị Chủ chăn của Giáo phận Kon Tum nói chuyện và hướng dẫn bà con đi đường.
Bà con người dân tộc thiểu số
Đến với Đức Mẹ Măng đen vào dịp hành hương này, chúng tôi không khỏi thấy xấu hổ khi chứng kiến lòng tin, ý thức cộng đồng nơi anh chị em người dân tộc thiểu số.
Chứng kiến từng đoàn, từng gia đình anh chị em người dân tộc thiểu số đi bộ, tay sách đồ, lưng bồng con tiến về bên Mẹ Maria Măng Đen làm chúng tôi nhớ tới cảnh gia đình của Mẹ Maria xưa đi hành hương từ Nagiarét lên Giêrusalam. Nhưng quan sát thấy những anh chị em này trật tự, đi gọn sát đường, không vứt rác ra ngoài nơi quy định, chúng tôi lại khâm phục những anh chị em này biết bao. (bằng chứng là, mặc dù đường xá, nhiều khu vực tại trung tâm Măng Đen bị lầy nhưng không có cảnh sả rác như một số nơi hành hương khác.”
Khi đã tới trung tâm hành hương Măng Đen, những anh chị em dân tộc thiểu số bất chấp thời tiết mưa, chỗ đứng, chỗ ngồi chật chội, vẫn sốt sắng, nhiệt thành cầu nguyện với Đức Mẹ qua việc tham dự lần chuỗi Mân Côi, thánh lễ cũng như các lễ nghi khác. Những khuôn mặt hiện lên vẻ khắc khổ do cuộc sống vất sốt sắng, chăm chú cầu nguyện với Mẹ.
Có lẽ khi chứng kiến những hình ảnh đó, chị Luyện ở Phú Quang, Gia Lai (cách Măng Đen hơn 100 km) đã nói với chúng tôi: “Mặc dù đi xa vất vả, nhưng khi tới đây, thấy nhiều người, tôi mới thấy Đức Mẹ thương mình. Thấy ơn đức tin mạnh mẽ nơi nhiều anh chị em”
Sốt sắng lần chuỗi Mân Côi dâng lên Mẹ trong ngày hành hương
Sốt sắng lần chuỗi Mân Côi dâng lên Mẹ trong ngày hành hương
Tên gọi, thùng tiền và quán ăn
Những ai về trung tâm hành hương Măng Đen trong dịp này sẽ không thấy xuất hiện cụm từ “hành hương” hay “trung tâm hành hương”, thay vào đó là những cụm từ “Về với Mẹ Măng Đen” hay “Đến với Mẹ Măng Đen”. Đưa thắc mắc này ra hỏi nhiều người, thì được biết: chính quyền huyện Kon Plông không cho dùng cụm từ “hành hương” hay “trung tâm hành hương” vì họ không công nhận khu vực tượng Đức Mẹ Măng Đen là “trung tâm hành hương” và cũng không công nhận những người tới khu vực này là đang “đi hành hương”.
Tại trung tâm hành hương Măng Đen, nhiều người tắc mắc, trung tâm nào cũng đặt thùng tiền dâng cúng, tại sao tại trung tâm hành hương này không có thùng tiền nào? Tìm hiều câu chuyện này, nghe đâu chính quyền tỉnh Kon Tum không cho đặt thùng tiền vì  khu vực Đức Mẹ Măng Đen “không phải là cơ sở tôn giáo” và “đề nghị Tòa giám mục Kon Tum viết đơn xin dâng cúng để tỉnh cho phép”.
Liên quan đến tiền, chúng tôi tìm hiểu thêm thì được biết, hành chục cửa hàng bán đồ ăn thức uống và các dịch vụ khác xung quanh trung tâm hành hương Măng Đen  đều do Công ty Du lịch Sài gòn Măng Đen và chính quyền huyện Kon Plông cho thuê với giá từ 6 trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng một gian hàng.
Các bãi xe gắn máy cũng như ô tô cũng do chính quyền huyện Kon Plông  và Công ty Du lịch Sài gòn Măng Đen kết hợp quản lý và thu tiền. Giá xe gắn máy 5.000 đồng, xe ô tô từ 4 chỗ tới 16 chỗ 20.000 đồng và trên 16 chỗ 30.000 đồng.
Có thể kể thêm nhiều câu chuyện khác trong ngày hành hương tại trung tâm hành hương Măng Đen, nhưng chúng tôi muốn dừng lại đây bằng tâm tình của những lời trong bài hát “Mẹ Núi Rừng” (Tập bài hát dành cho thánh lễ lúc 6 giờ sáng ,17.9 của anh chị em sắc tội thiểu số): “Mẹ là hoa núi rừng, Mẹ Maria. Con ngợi ca kính mừng, ôi Mẹ của con. Con người dân tộc, đơn độc khổ đau, xin ẩn náu nơi Mẹ, ôi Mẹ của con, ôi Mẹ Măng Đen, ôi Mẹ vinh quang, ôi Mẹ muôn ơn, ôi Mẹ yêu thương.”
Nhóm PV.VRNs tại Kon Tum

0 nhận xét:

Đăng nhận xét