Giáo phận Vinh vui mừng đón một tân Giám mục phụ tá với niềm hân hoan thêm một chủ chăn. Niềm vui chưa trọn thì sau đó là những thông tin nhói lòng về tội ác đẫm máu của nhà cầm quyền CS tại Nghệ An đối với tín hữu Công giáo tại Mỹ Yên đã vang dậy khắp mọi nơi.
Câu chuyện Mỹ Yên đã được các hãng thông tin Quốc tế và trong nước đề cập, song có lẽ nhiều nhất, nhanh chóng nhất, chân thực nhất lại là hệ thống Internet, một công cụ đã biết mỗi người dân thành một nhà báo tự do. Những thông tin được cập nhật qua mạng này đã phản ánh sự thật những gì nhà cầm quyền Nghệ An đang biểu diễn trước con dân mình thể hiện sự bạo tàn và bất lương, hèn hạ cũng như một tình trạng mục ruỗng đến tận căn nguyên của một nhà nước Cộng sản. Những thông tin đó càng chứng minh rõ hơn sự hài hước thay cái gọi là “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Thực tế đã chứng minh sự thảm hại của cụm từ “nhà nước pháp quyền”, “sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Bất minh từ bản chất, độc tài từ tư tưởng
Ở bất cứ đất nước nào, sự quang minh, chính đại là điều bắt buộc phải có của một thể chế cầm quyền, nếu muốn tồn tại sự tín nhiệm, khuất phục hoặc sự tôn trọng của người dân. Ở đó, không chỉ là sự minh bạch trong việc cầm quyền, mà cả trong mọi cách thực thi quyền bính.
Ở đó, người dân được tự chọn cho mình bản Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng thật sự của nhân dân. Bản Hiến pháp là cơ sở để xây dựng một xã hội theo ý nguyện của người dân. Hoàn toàn không có bất cứ một nhóm, một đảng phái nào tự cho mình được quyền ngồi lên đầu, lên cổ công dân cả nước để tự xưng là đạo đức, là văn minh và áp đặt cho họ một cái ách buộc phải mang, như Điều 4 cái gọi là Hiến pháp Việt Nam hiện nay.
Ở đó, những cuộc bầu cử, những cuộc vận động tranh cử… luôn luôn có người dân và lực lượng truyền thông độc lập giám sát nghiêm túc trong mọi khâu. Để từ đó, bầu ra một bộ máy cầm quyền thật sự phù hợp ý chí của người dân. Và cũng ở đó, với bộ máy được bầu cử minh bạch đều thực thi nhiệm vụ của mình được công dân giao phó một cách minh bạch.
Ở đó, hoàn toàn khác Việt Nam chúng ta.
Ở đây, chúng ta có một đảng theo Chủ nghĩa Mác – Lênin (một thứ chủ nghĩa đã có vị trí trong sọt rác lịch sử) làm kim chỉ nam cho hành động, ngang nhiên tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ nhân loại, là lương tâm thời đại. Mục đích là để nhảy lên cổ toàn thế 90 triệu người dân để làm “đầy tớ”. Và nói theo cách nói dân gian thì “không cho tao làm đầy tớ, tao đánh bỏ mẹ chúng mày”.
Ở đây, chúng ta có một “Quốc hội của toàn dân” về ngôn ngữ, nhưng ở đó hơn 85% là đảng viên CS. Số lượng người không phải đảng viên CS luôn được khống chế ở một tỷ lệ rất thấp. Để đề nghị “Quốc hội” một việc gì đó đưa ra bàn bạc, ít nhất phải có tỷ lệ đại biểu lớn hơn tỷ lệ ngoài đảng Cộng sản kia. Vì thế, chỉ cần đảng yêu cầu, thì Quốc hội luôn là công cụ để thực hiện. Tất cả những ý kiến còn lại ngoài ý đảng, dù hợp lòng dân thì vẫn vứt vào sọt rác thậm chí là người nêu ý kiến được mời vào tù.
Cũng vì thế, cái gọi là Quốc hội luôn luôn là của Đảng, nhưng lại mang danh của Nhân dân – Một sự lập lờ, lấp liếm đánh lận con đen bất chính.
Chính từ sự thiếu minh bạch đó, cái gọi là Quốc hội của dân sẽ đẻ ra bộ máy điều hành đất nước này một cách bất minh. Hẳn nhiên, bộ máy này điều hành đất nước theo đúng bản chất ban đầu: Không minh bạch, thiếu rành mạch và không công khai. Tất cả đều được coi là “hợp pháp” miễn phù hợp mục đích là bảo vệ Đảng CS giữ vị trí cai trị đất nước, dân tộc. Thực chất là bảo vệ nhóm lợi ích mang tên Đảng Cộng sản.
Ở đây, để bảo vệ nhóm lợi ích và thể chế độc tài, không cách nào khác là phải duy trì hệ thống công an trị.
Bắt nguồn từ việc bảo vệ thể chế độc tài, mọi tư tưởng khác biệt với tư tưởng vô thần của cái gọi là CN Mác – Lenin đều nằm trong chiến lược tiêu diệt về lâu dài, hạn chế trước mắt. Tôn giáo nói chung, đặc biêt là công giáo nói riêng đều nằm trong đối tượng phải xóa bỏ, tiêu diệt của Chủ nghĩa Mác – Lenin duy vật.
Cũng bắt nguồn từ thể chế độc tài, việc thực thi luật pháp nghiêm minh là điều không thể tồn tại. Bởi ở đó, không có tam quyền phân lập. Tất cả chỉ phụ thuộc ý muốn của đảng CS cầm quyền.
Mỹ Yên, phơi bày bản chất
Bắt nguồn từ hệ thống công an trị, nhân viên công lực ngày càng lộng hành, bất chấp luật pháp. Còn luật pháp chỉ nhằm trói chặt người dân.
Vì thế, câu chuyện Mỹ Yên đã thể hiện đầy đủ mọi nét, mọi yếu tố để nói lên tính chất của một chế độ độc tài vô thần, một nhà nước đã được nhân dân ưu ái phong tặng danh hiệu “Hèn với giặc, ác với dân”. Điển hình là một nhà nước bất chấp lương tâm làm người, bất chấp luật pháp do chính mình đặt ra.
Thử xem lại vài chi tiết:
Nếu có một nhà nước pháp quyền, nhân viên công lực thực thi nhiệm vụ, hẳn nhiên sẽ biết rằng không thể đóng vai côn đồ, không thể làm trái quy định của pháp luật là đầy đủ sắc phục khi làm việc với nhân dân. Vì thế sẽ không bao giờ dám chặn xe, gây sự với giáo dân khi họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình.
Ở đây, chỉ vì thói cậy quyền, cậy súng, hoặc cậy mình là Công an nên có thể làm những việc khuất tất mà không bị trừng trị. Các nhân viên công an đã không cần sắc phục, không ngại số ít ngang nhiên chặn xe, hạch sách gây sự với giáo dân. Hẳn nhiên khi bị người không mang sắc phục, không xuất trình giấy tờ, đêm hôm chặn xe thì người dân phải có phản ứng tự vệ. Và cuối cùng, khi sự việc xảy ra xô xát, mời lòi mặt ra mấy bộ đồ công an.
Thực tế, trong đất nước này, chuyện công an đi chấn lột, đi cướp của giờ đã không còn là chuyện lạ. Nếu có một nhà nước pháp quyền, sau khi bị người dân tấn công vì vi phạm luật pháp, chặn xe người dân đêm hôm. Thì đương nhiên cơ quan pháp luật phải trừng trị thẳng tay những cán bộ hư hỏng vi phạm pháp luật đó dù họ là ai. Đồng thời tổ chức xin lỗi người dân đã bị xâm hại.
Thế nhưng, nếu vậy thì đâu còn là nhà nước độc tài và chế độ công an trị. Từ thái độ nhờ cậy, xin xỏ để thoát ra khỏi cảnh trớ trêu, họ đã quay ngược lại biến thủ phạm thành nạn nhân.
Nếu có một nhà nước pháp quyền, sẽ không có cảnh công dân bị bắt âm thầm, khủng bố ngoài đường, ngoài chợ như xã hội đen.
Nếu có một nhà nước pháp quyền, hẳn nhiên câu nói “miệng quan, trôn trẻ” sẽ không đúng trong trường hợp này.
Nếu có một nhà nước pháp quyền, lời hứa của quan chức, hẳn nhiên là lời hứa của cơ quan công quyền, những kẻ cầm quyền, cầm con dấu đã hứa, sẽ phải thực hiện trước “ông chủ”. Thế nhưng, họ đã giăng bẫy để phản bội lại nhân dân, bội ước với chính lời hứa của mình, biến con dấu in hình Quốc huy thành một trò chơi bẩn thỉu và hèn hạ.
Và tội ác đã được thực hiện bằng công an, bằng súng, đạn, chó nghiệp vụ, bằng quả nổ, bằng hơi cay.
Bẩn thỉu hơn, những thông tin trên mạng đã vạch rõ rằng: Tội ác còn được thực hiện bằng những âm mưu khiêu khích, đưa côn đồ đến gây loạn để kiếm cớ tấn công, đổ tội nhằm đàn áp người dân lành vô tội.
Và máu người dân lành vô tội đã đổ, những người dân một nắng, hai sương cần cù chịu khó, làm ra từng hạt gạo, từng đồng xu nhỏ đến nộp nuôi chính hệ thống đang lừa đảo, trấn áp mình.
Thế rồi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cơn lên đồng kích động dọa nạt giáo dân, đe dọa một cộng đồng tôn giáo bằng súng, đạn, nhà tù và sự dối trá đê hèn đã lên cơn hòng che đậy sự thật đáng xấu hổ của chính mình.
Điều không ai còn lạ, là những vở diễn cũ lại được đưa ra áp dụng. Tiếc cho họ rằng, vở diễn kia đã quá cũ rích và người dân không còn lạ những ngón đòn bẩn thỉu đó.
Điều không ai còn lạ, là sự đổi trắng, thay đen, chuyển bạn thành thù nhanh chóng như trở bàn tay của những người Cộng sản. Tiếc thay cho họ, thời này không còn là những năm 50 của thế kỷ trước, khi mà người dân công giáo dù đã có cuộc bỏ phiếu bằng chân vĩ đại xảy ra, thì một bộ phận còn lại ở miền Bắc vẫn phải chấp nhận làm công dân hạng hai, không dám mở mồm, không dám lên tiếng.
Điều không ai còn lạ, là dù muôn ngàn lời lẽ đẹp đẽ, mỹ miều đã thốt ra mọi nơi, mọi lúc rằng đoàn kết, rằng tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tôn trọng quyền làm người thì chính sách lũng đoạn, kỳ thị và tiêu diệt tôn giáo vẫn tồn tại bất di bất dịch.
Vẫn là chính sách cũ, thủ đoạn cũ nhưng được thực hiện bằng những tội ác mới.
Hà Nội, 14/9/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét