Như VRNs đã đưa tin, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha khẳng định, Kha bị ép cung và bị ép nhận tội khủng bố theo Điều 230a Bộ Luật hình sự (BLHS). Viện kiểm sát Tỉnh Long An đã từ chối giải quyết đơn khiếu nại của bà Liên với lý do: “Bà không liên quan đến vụ việc”. Phóng viên VRNs đã hỏi chuyện một luật sư đang làm việc tại Sài Gòn để biết rõ về những quy định pháp luật trong trường hợp này.
Kính mời quý vị tham khảo.
PV: Thưa luật sư, khi biết tin con mình bị bức cung, bà Liên có quyền khiếu nại hay tố giác an ninh điều tra đã bức cung không?
Luật sư: Với quyền công dân, bà Liên có quyền tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền về hành vi bức cung Đinh Nguyên Kha của công an.
Theo đó, Điều 101 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) quy định: “Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản”.
Hành vi “bức cung” của công an là tội phạm, được quy định rõ tại Điều 299 BLHS.
Điều 299 BLHS quy định: “Khoản 1: Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Khoản 2: Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Khoản 3: Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Khoản 4: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Về phía Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hoặc không khởi tố trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác của bà Liên. Cho rằng có nhiều tình tiết phức tạp, thì có thể kéo dài hơn, nhưng không được quá hai tháng. Sau khi có kết quả phải thông báo cho gia đình bà Liên biết, theo đúng quy định tại Điều 103 BLTTHS.
PV: Thưa luật sư, tội bức cung được quy định như thế nào trong BLHS và thường những người bị giam bị bức cung như thế nào?
Luật sư: Tội bức cung (Điều 299 BLHS) được qui định trong nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tức những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án… gây thiệt hại quyền và lợi ích công dân.
Hầu hết các bị cáo ra Tòa đều tố cáo bị bức cung, nhục hình. Hình thức ngày càng đa dạng, khôn khéo… thậm chí là buộc được bị can viết “lời tự khai”, để sau này không thể cho rằng bị ép cung. Thường là sử dụng “chiêu” bị can A, bị can B đã khai nhận rồi, nếu không nhận tội thì không được tình tiết giảm nhẹ! Hoặc đe dọa sẽ bắt giam – nếu đang được tại ngoại, hoặc hứa cho tại ngoại – nếu đang bị tạm giam. “Chiêu” quen thuộc khác là kêu người nhà “khắc phục hậu quả” để bị can được nhẹ tội, khoan hồng… Gia đình không biết rõ vụ việc, hoang mang và nghe theo. Sau này ra Tòa lại là bằng chứng “có tội mới khắc phục chứ!” Cho rằng cái khó nhất là chứng cứ chứng minh hành vi bức cung của công an, dẫn đến tin báo tố giác nhiều, nhưng căn cứ khởi tố, điều tra thì ít nên Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng (Hiệu trưởng ĐH Kiểm sát, Hà Nội) đã đề xuất lắp camera ghi hình quá trình điều tra. Nhưng nếu dùng “chiêu” như kể trên, thì việc ghi hình cũng không khả thi.
Thực tế, theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin thuộc VKSND TC, trong 10 năm qua (từ năm 2003 đến nay) mặc dù có tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hành vi bức cung, dùng nhục hình, nhưng cơ quan điều tra, viện kiểm sát chỉ khởi tố một số vụ về tội dùng nhục hình, chứ chưa khởi tố vụ án nào về tội bức cung. Cũng trong 5 năm, từ năm 2006 – 2010, căn cứ các tin báo, tố giác về tội phạm, cơ quan điều tra đã thụ lý 63 vụ việc có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình để xem xét, giải quyết. Trong đó, đã khởi tố điều tra 21 vụ với 37 bị can về tội dùng nhục hình (riêng 6 tháng đầu năm 2013, khởi tố 4 vụ với 10 bị can).
PV: Trong trường hợp công an điều tra cứ ép nhận tội thì người bị giam phải làm gì?
Luật sư: Một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội” (Điều 10- BLTTHS). Nguyên tắc này được hiểu là nghi can được quyền giữ im lặng… đã bị xóa bỏ bởi tội danh “từ chối khai báo” (Điều 308 BLHS). Theo đó “người nào từ chối khai báo… hoặc trốn tránh việc khai báo,… mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm…”
PV: Xin cám ơn luật sư.
Cần nhắc lại, vào ngày 30.08, trong chuyến thăm nuôi định kỳ, Kha thông báo cho ông Chuộn, ba của Kha biết “ba à, con ở trong này bị ép ký giấy nhận tội khủng bố rồi ba à”. Mấy ngày sau, vào ngày 05.09, gia đình bà Liên đã gửi đơn kêu cứu đến VKS tỉnh Long An. Tuy nhiên, vào ngày 09.09, gia đình bà Liên nhận thư phúc đáp của VKS, nói từ chối giải quyết khiếu nại của gia đình bà về việc Đinh Nguyên Kha bị ép cung.
Vào hồi tháng 10.2012, Đinh Nguyên Kha bị bắt giam và bị kết tội theo Điều 88 BLHS “tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN”.
Trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 16.05.2013, Đinh Nguyên Kha bị tuyên án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế. Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 16.08.2013, Đinh Nguyên Kha được giảm án xuống còn 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Huyền Trang, VRNs ghi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét