Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Mừng 25 Năm Tuyên Phong Các Thánh Tử Đạo Việt-Nam- Bài 3: Các Thánh Tử Đạo đích thực là tử đạo Kytô hữu



" MỪNG 25 NĂM TUYÊN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT-NAM 1988-2013,

ĐỌC LẠI « LỊCH SỬ Công Giáo VIỆT NAM BỊ CẤM VÀ BÁCH HẠI »

LTS : Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp bày tỏ lòng mộ mến Các Thánh Tử Đạo Việt Nam một cách đặc biệt bằng cách cùng nhau tổ chức Đại Hội Lộ Đức từ 01 đến 05 tháng 08 năm 2013 để « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam - Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »

Để góp phần chia sẻ long mộ mến này, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài sau đây của Gs Trần Văn Cảnh.

"Mừng 25 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam 1988-2013,

đọc lại "Lịch sử Công Giáo Việt Nam bị cấm và bách hại "

a. Lịch sử những lý do và sắc chỉ cấm đạo_160713

b. Chính sách cấm đạo của vua Minh Mệnh_260713

c. Các Thánh Tử Đạo đích thực là tử đạo kytô hữu_270713

d. Gương đốt sáng văn hóa Việt Nam của các Thánh Tử Đạo Việt Nam

e. Gương thăng hoa văn hóa Việt Nam của các Thánh Tử Đạo Việt Nam

f. Cộng sản quản lý Công Giáo Việt Nam thế nào? Công Giáo Việt Nam chinh phục Cộng Sản ra sao?

Bài 3 : CÁC THÁNH TỬ ĐẠO ĐÍCH THỰC LÀ TỬ ĐẠO KYTÔ HỮU

Tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo ở Việt Nam, ngày 19.06.1988 tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dựa vào Phúc Âm Thánh Matthêu chương X và Thư 1 của thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Cô-Rin-Tô để phân tích những nét chính yếu trong những cuộc xưng đạo của các thánh tử đạo ở Việt Nam [1]. Những nét chính yếu này xác định tính chất xác thực tử đạo vì Chúa Kytô. Những nét chính yếu này đã rõ ràng được nhìn thấy trong cuộc xưng đạo và tử đạo của tất cả 117 thánh tử đạo Việt Nam, dẫu rằng mỗi cuộc tử đạo đều có hoàn cảnh cá biệt. Chúng tôi xin dựa vào những sự kiện thực tế của ba vị : Thánh Linh Mục Năm, Thánh Trùm Đích và Thánh Lý Mỹ [2], để đúc kết những nét chính yếu trong việc tử đạo mà ba vị cũng như tất cả 117 vị tử đạo khác đã lãnh nhận tại Việt Nam. 

1. Các Ngài đã bị theo dõi, bị tố cáo và bị bắt, nộp cho quan, vì là Công Giáo. Cả ba thánh đều là những người lương thiện. Cha Năm hiền hòa vui vẻ, tính khiêm nhường, đạo đức, cứ giờ cứ mực mà ra đọc kinh, lại có lòng thương người nghèo khó, khi ăn cơm ngài thường để dành cho kẻ khó một ít. Ông Trùm Ðích là người hiền lành thật thà từ nhỏ, chẳng hề cãi mắng buồn giận ai bao giờ. Ông cũng chẳng chơi bời, cờ bạc rượu chè mà chỉ chuyên chú làm ăn. Ông rất căn cơ mực thước, nên nhà không bao giờ thiếu thốn. Trong gia đình có con ăn đầy tớ, và ông đối xử rất công bằng. Ông Lý Mỹ thương kẻ khó và bố thí cho họ. Có năm mất mùa, thiên hạ đói khổ, ông truyền nấu cháo cho kẻ khó ăn, vì ông sợ cho gạo, họ sẽ ăn xong và đau bụng mà chết. Tuy còn trẻ, nhưng tư cách và uy tín của ông đáng kính phục. Ông là người sắc sảo giỏi giang, ông ăn ở chính trực và ăn nói lý sự mà bặt thiệp. Có lần trong làng khuyết một chân cai tổng, lý trưởng trong làng đến nhà ông xin ông ra làm việc chung, nhưng ông không chịu.

Nhưng cả ba vị đều là Công Giáo, tin vào Thiên Chúa. Và vì vậy, vua quan Việt Nam ghét bỏ các vị và muốn giết hại các vị. Lệnh vua Minh Mệnh đòi phải xử tử các đạo trưởng, xử tử những người chấp chứa các đạo trưởng, xử tử những quan quyền không tố cáo các đạo trưởng trong địa hạt của mình. Và sự gì phải đến, đã đến. Họ đã cho mật thám giả làm gia nhân, để lấy tin tức. Khi biết rõ tính thế, họ đã đưa lính tráng đến nhà vây bắt. 

Khi bị nhận diện, cha Năm đã chẳng chối, mà còn xác nhận : "Phải tôi là cụ đạo đấy". Do vậy lính tráng đã bắt cha Năm và bắt cả ông trùm Đích giải nộp cho quan. Bấy giờ quan gọi ông Lý Mỹ tới trước mặt và nói:"Tờ giấy này mày tính làm sao ? Mày đã ký nhận trong làng không có đạo trưởng, mà nếu khám bắt được đạo trưởng hay là đồ đạo, thì mày xin nộp đầu"? Ông Lý Mỹ thưa vững tiếng rằng: "Bẩm quan lớn, tôi xin chịu tội". Quan lại hỏi ông: "Làm sao mày dám khinh mạn phép vua như vậy"? Ông Mỹ đáp lại: "Bẩm lạy quan lớn, nếu quan lớn thương thì chúng tôi nhờ hồng phúc của quan lớn, bằng quan lớn bắt tội thì chúng tôi cam chịu".

Quả đúng như lời Chúa Kytô đã tiên báo về số phận của những người theo ngài. « Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10:21-22).

2. Các Ngài đã bị bị đánh đập giữa hội đường, bị điệu ra trước tòa quan quyền vì tin vào Chúa Kytô. Bấy giờ quan tức giận truyền nọc ông Lý Mỹ ra đánh 40 roi đòn. Trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Lý Mỹ nhiều lần bị Quan Tổng đốc nổi giận truyền đánh đòn, tính tổng cộng ông Lý Mỹ đã phải chịu đến 500 roi, kể cả ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ. Ông đau lắm song can đảm không kêu than một tiếng nào. Quan đánh xong mới truyền đóng gông giải cả ba người lên tỉnh. Ðến trưa về tới đồn Lục Bộ, quan lại hỏi ông có bỏ đạo không thì cho về, nhưng ông nhất định không chịu bỏ đạo. Ở Lục Bộ, một người huynh thứ trong làng Kẻ Vĩnh đến bàn với ông về việc hối lộ để chuộc ông ra, nhưng ông Lý Mỹ không chịu lại nói rằng: "Xin cám ơn dân có lòng, dân có lòng thì trả ơn dân, nhưng đừng chạy chuộc tội, xin để tiền ấy mà giúp vợ con tôi và làm bữa mừng khi đem xác tôi về".

Khi đến tỉnh Nam Ðịnh, ông Lý Mỹ cũng bị giam một trại với Cha Năm, và ông trùm Ðích. Về phần Cha Năm các quan biết ngài là đạo trưởng, nên sau mấy lần khuyên nhủ mà vẫn thấy ngài vững lòng nhất định không bỏ đạo, nên cũng chẳng giục ép ngài nữa. Còn ông trùm Ðích đã già nua nên quan cũng không muốn làm khó ông nữa. Chỉ có ông Lý Mỹ bị hành hạ khổ sở hơn hết vì các quan thấy ông còn trẻ trung lại có tài mới ra mật lệnh đánh đập để cho ông sợ mà đành chịu bỏ đạo. Vì thế ông bị hành hạ rất khổ sở trước khi ông bị xử trảm. Ông chẳng những chịu đòn phần mình mà còn vì thương cha vợ là ông trùm Ðích, ông xin chịu đòn thế cho ông trùm. Tính ra ông phải bị đánh đến hơn 500 roi đòn, hai mông rách nát cả thịt ra chẳng còn nơi đâu lành. Cổ chân cổ tay sưng đầy lên vì nọc thẳng quá, và còn bị đeo gông cùm nặng nề. Tuy bị đòn đau như thế mà ông vẫn can đảm không kêu ca. Ðến nỗi có quan phải thốt lên: "Thằng này chết đoạn sẽ làm thành hoàng đất của nó. Thằng này chẳng phải là người vừa đâu".

Lới Chúa tiên báo cho các tông đồ và cho các môn đệ các ngài trong mọi thời đại, lời tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không có úp mở đã xẩy ra cho ba thánh : « Họ sẽ lôi chúng con ra tòa công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại” (Mt 10:17-18). 

3. Các Ngài khi bị tra khảo, có lúc (ông trùm Đích) đã lo sợ, muốn sờn lòng, khi nghĩ đến những hình khổ sẽ phải chịu. Quả thật, cứ lý tự nhiên, nghĩ đến những hình phát dã man mà nhà cầm quyền thời đó đã mang ra xử các vị tử đạo, ai mà không bị tinh thần khủng bố ? Bá đao, xử tử với lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng. Lăng trì, xử tử bằng chặt chân chặt tay trước khi chém đầu. Thiêu sinh, xử tử bằng thiêu sống. Trảm, xử tử bằng chém đầu. Giảo, xử tử bằng tròng dây vào cổ và kéo hai đầu dây cho đến chết. Rũ tù, xử tử bằng tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Hình phạt nào cũng kinh khủng, cũng đáng khiếp sợ. Và chịu chết khổ hình như vậy để làm chứng cho Chúa Kitô tử nạn, sự kiện đó há chẳng phải là khôn ngoan, là mãnh lực vượt mức loài người đó ư ? Thần Linh chính là Thần Linh chân lý. Ngài có đã là mãnh lực trong thân xác yếu hèn của con người ? Ông Lý Mỹ mỗi lần thấy quan toan đánh ông trùm Ðích thì lại xin quan: "Lạy quan lớn, cha tôi già nua tuổi tác cùng yếu đuối, xin quan lớn tha cho cha tôi, tôi xin chịu đòn thay cho cha tôi". Quan thấy ông có lòng hiếu thảo, thì ưng tha cho ông trùm Ðích và đánh ông Lý Mỹ. Có lần ông Mỹ chịu đòn thay cho ông trùm Ðích về, thì nói với ông trùm Ðích rằng: "Lạ thay bởi ơn Ðức Chúa Trời thương, khi quan đánh, thì con không thấy đau là mấy". Ông Trùm Đích có đã nhờ Thần Linh Chúa là mãnh lực mà có thể thành chứng nhân chăng ?

4. Nhưng rút cục tất cả các Ngài đều đã can đảm trả lời xưng đức tin một cách công khai và rõ rệt, để làm chứng rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Nhưng Thánh Thần Chúa đã đến khuyên bảo và khích lệ ông Trùm Đích qua miệng của cha Năm và của các con cái ông, như ông Lý Mỹ, ông Lý Thi. Ông trùm Đích trở thành mạnh dạn, can đảm. 

Khi Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh dùng mọi phương thế, từ thuyết phục đến tra tấn, để bắt ông trùm Đích bỏ đạo : "Ông đã cao niên, các con đã trưởng thành, các cháu chắt đông đảo, có nhà cửa phong lưu, ông hãy quá khóa để vui hưởng tuổi già với đàn con cháu có hơn không?". Ông trùm Đích trả lời với giọng vững vàng : "Thưa quan, con cháu chi cũng mặc, tôi đã lo liệu cho chúng. Tôi có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa, quan tha hoặc kết tội thì tùy, chứ đừng ép tôi bỏ đạo".

Quan truyền khiêng ông qua Thánh Giá nhưng ông co hai chân lên, tức giận quan truyền đánh đòn ông. vì phải mang gông xiềng, bị tra tấn lại thấy mình già nua yếu đuối, có lúc ông tưởng không chịu nổi gian truân thử thách đến cùng, nhưng may mắn ông vẫn kiên trung tới ngày tử đạo, nhờ ơn Chúa giúp, nhờ sự khuyên nhủ của cha Năm, nhờ lời khích lệ của các bạn tù, nhất là nhờ tấm lòng hy sinh cao cả của con rể chí hiếu, Micae Lý Mỹ. Ông Lý mỹ sau khi lãnh phần mình xong, ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ, ông trùm Đích được mang gông nhẹ hơn.

Thấy không thể khuyên dụ ông trùm Đích bỏ đạo, quan làm sới tâu về kinh. Đây là nội dung sớ tâu luận tội: « Tên Đích tin theo và thực hành tà đạo, dù đã bị cấm. Đã không nộp đạo trưởng Mai Năm cho quan, lại còn chứa chấp, không nghe lời khuyên cáo dạy bảo, nhất là không chịu quá khóa, thật là người cố chấp, bất tuân luật nước ». Chúng thần đã nhiều lần truyền buộc y quá khóa trước công đường, nhưng y trả lời : « Tôi giữ đạo từ nhỏ, tôi sẵn sáng thà chết chẳng thà bỏ đạo’. Vậy xin luận xử trảm quyết làm gương cho kẻ khác ».

Riêng ông Lý Mỹ, khi đến tỉnh Nam Ðịnh, cũng bị giam một trại với Cha Năm, và ông trùm Ðích. Ngoài ra các quan còn làm hết cách để dụ dỗ ông. Có khi dụ dỗ cùng lúc với Cha Năm và ông trùm Ðích, có khi thì dụ dỗ riêng một mình ông. Có lần quan bảo ông: "Mày là thằng giỏi giang lại trẻ tuổi, lý sự và coi sóc dân làng giỏi, ai cũng được nhờ, sao mày dại mà chẳng chịu quá khóa đi"? Ông Mỹ thưa lại: "Sao tôi lại dại? Khi chưa có tôi thì đã có dân, thế thì ai coi sóc dân lúc bấy giờ? Nhưng mà linh hồn tôi thì tôi phải coi giữ, cho nên tôi chẳng bỏ linh hồn tôi mà nghe lời quan đâu". Quan lại bảo: "Sao mày chẳng thương vợ con? Con cái còn bé mọn yếu đuối, sao mày nỡ quên tình cha mà không thương con thế vậy? Dù chúng tao chỉ nghĩ tới hay trông thấy chúng nó thì cũng xót còn mày mê man làm sao mà chẳng quá khóa đi"? Ông Lý Mỹ thưa lại quan: "Tôi tính sao hả? Tôi có mê đâu! Vợ con là của Ðức Chúa Trời phó cho tôi, tôi coi sóc dạy dỗ khi có thể làm được. Mà bây giờ Ðức Chúa Trời định cho tôi ở trong tay quan lớn, thì tôi cũng phải vâng ý Người, cũng như vợ con tôi phải vâng ý tôi. Sao ông lại bảo lăng nhăng xàng xiên rằng tôi phải bỏ đạo, bỏ Ðức Chúa Trời là phải lẽ sao?"

Có một lần quan truyền cho lính kéo ông qua ảnh thánh giá. Quân lính lôi ông qua và reo lên: "Anh này quá khóa rồi". Lúc đó ông Lý Mỹ kêu lên: "Bẩm lạy quan lớn, ông lớn kéo voi qua thập tự thì cũng được, nhưng mà chúng tôi nhất định không chịu bước qua Chúa chúng tôi thờ đâu"! Thấy ông trả lời khôn ngoan, các quan lại càng bực tức làm như chẳng lẽ mình lại thua một thằng tù. Các quan càng ra lệnh hành hạ ông hơn nữa. Có lần đến trước quan án, mà quan cứ giục ông phải bỏ đạo, nên ông nói chọc quan lớn: "Giả như giặc giã đến đây mà truyền cho chúng tôi đập đầu quan lớn để chúng tôi được sống, thì chúng tôi dám làm, nhưng Chúa chúng tôi thờ thì chúng tôi chẳng dám làm đâu". Quan nghe vậy tức giận quá, liền cầm cái quạt ném vào mặt ông trúng vào con mắt ông, ông đau đớn quá ngã xuống sân. 

Có lần khác quan thương tình khuyên bảo ông: "Mày còn trai tráng, và giỏi giang. Mày đã làm lý trưởng, nếu biết điều mày cũng có thể trở nên giàu sang, và được phong lưu sống lâu. Mày hãy quá khóa đi, thì được về nhà ở với vợ con. Nhiều kẻ khác đã quá khóa rồi, sao mày chẳng bắt chước chúng nó quá khóa, khi về nhà thì mày muốn giữ đạo thế nào cũng được". 

Ông Lý Mỹ thưa lại quan: "Bẩm lạy quan, tôi đã xem sách đạo và hiểu lẽ đạo, tôi đã biết đạo Ðức Chúa Trời là đạo thật cho nên tôi không thể bỏ được. Giả như có ai bảo quan lớn đập đầu Ðức Hoàng Ðế đã ban quyền cao chức trọng cho quan, ắt là quan lớn chẳng dám làm. Vậy tôi dám đạp ảnh Ðức Chúa Trời là Chúa tôi thờ làm sao được? Tôi chẳng tiếc sự sống hèn sống tạm ở đời này, vì thế nào tôi cũng phải chết. Nếu chẳng chết trước thì cũng chết sau. Còn về của cải chức quyền thì xin quan lớn biết rằng chẳng có chức quyền và của cải nào sánh bằng phúc trọng tôi sẽ được chết vì đạo. Tôi vốn thương vợ con tôi lắm, nhưng tôi sẵn lòng lìa bỏ họ vì tôi biết rằng Ðức Chúa Trời sẽ coi sóc chúng nó, và ngày sau sẽ cho tôi được gặp họ trên Thiên Ðàng. Quan lớn dạy rằng có nhiều người bỏ đạo. Vậy những thằng lính vì sợ giặc bỏ chạy cũng bỏ thầy mình thì có ra gì? Tại sao quan lớn lại dạy tôi bắt chước chúng nó?"

Các quan thấy khuyên nhủ ông bỏ đạo cũng vô ích, nên làm án tâu vua rằng: "Chúng tôi đã xét việc tên Mỹ là lý trưởng xã Vĩnh Trị, tên ấy xưng mình sinh bởi cha mẹ có đạo ở xã Vĩnh Trị. Năm nay 34 tuổi, và làm lý trưởng từ năm Ðức Hoàng Ðế thập lục niên. Tên ấy xưng mình có đạo, cam lòng chịu tội, chẳng dám phàn nàn. Chẳng những nó không bắt nộp đạo trưởng Mai Ngũ, lại còn giấu ông ta ở xã mình. Dù chúng tôi đã khuyên bảo cùng bắt ép quá khóa nhiều lần, nó cũng không chịu, nó cứ một mực chấp mê bất khẳng quá khóa, đó là bất tuân quốc pháp. Cho nên chúng tôi luận cho nó phải xử trảm quyết để làm gương cho kẻ khác sợ". Vua chuẩn y án này.

Còn Cha Năm thì khi đến Nam Ðịnh phải giam vào ngục thất ngay. Hôm sau các quan điệu ngài ra tra khảo bắt bỏ đạo. Cha Năm khẳng khái trả lời quan: "Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng Chúa tôi làm sao được? Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng và thà chết chẳng thà bỏ đạo, thì tôi phải giữ lời tôi khuyên dạy kẻ khác. Nếu chính kẻ làm đạo trưởng chẳng chịu chết vì đạo, thì còn ai chịu chết vì đạo nữa?"

- "Nếu ông cứ nói giọng này thì ông phải chết chẳng có lẽ nào sống được. Ta thấy ông là người lương thiện hẳn hoi nên ta muốn cho ông được sống. Ta khuyên ông nên vâng lời Ðức Hoàng Ðế mà bỏ đạo".

- "Bẩm lạy quan lớn, tôi đã bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết, vì dù quan lớn có tha chẳng giết tôi, chẳng bao lâu tôi cũng chết vì bệnh. Nhưng nếu quan lớn giết tôi vì đạo tôi lại được nhiều ơn ích hơn là tôi chết vì bệnh. Vì nếu tôi chết vì đạo, tôi sẽ được chết vì Chúa tôi, đấng đã chịu chết cho tôi và tôi chóng được phần phúc Người đã hứa ban cho những kẻ giữ lòng trung cùng Người cho đến sau hết".

Các quan thấy Cha Năm ăn nói cả quyết cứng cát và chỉ ao ước được chết vì đạo, thì biết rằng chẳng có thể nào dụ dỗ ngài bỏ đạo được, và dù có tra tấn ngài mặc lòng thì cũng vô ích mà thôi, cho nên chẳng những các quan chẳng tra khảo mà cũng chẳng đánh đập ngài. Hơn nữa các quan thấy ngài đã có tuổi, ăn nói lễ phép nên cũng thương không bắt ngài mang gông cùm ban ngày mà chỉ bắt mang ban đêm thôi. Các quan cũng làm ngơ để cho cha đi lại trong tù dễ dàng. Ở đây lại được dịp cho cha truyền giáo. Ðối với những người ngoại giáo thì cha yên ủi giảng dạy cho họ. Ðối với những người có đạo thì cha nâng đỡ và khuyên bảo họ mạnh dạn xưng đức tin. Trường hợp ông trùm Ðích, tuổi đã cao, và rất sợ hãi không biết có chịu nổi các thử thách và đòn đánh đến giây phút cuối cùng không, Cha Năm luôn khuyên bảo ông can đảm chịu đựng vì Chúa: "Khi được ơn Chúa giúp sức thì chẳng có hình khổ dữ tợn và đau đớn nào mà người ta chẳng chịu nổi. Như trường hợp Thánh Laurenso bị nướng trên giường sắt, ba trẻ đi trong lò lửa". Nhờ cha mà ông trùm Ðích can đảm chịu chết vì Chúa cùng một lượt với cha và con rể của ông.

Giam cha được mấy ngày, quan lại đòi cha ra hầu tòa lần nữa, lần này các quan lại khuyên cha bỏ đạo, ngài từ chối không chịu bỏ đạo. Các quan lại hỏi ai đã truyền chức linh mục cho cha? Và các đạo trưởng Tây ở đâu? Cha Năm trả lời quan rằng ngài được Ðức Cha Giacôbê Leager truyền chức, Ðức Cha Giacôbê đã qua đời ở làng Kẻ Vĩnh bẩy tám năm trước đây. Còn về các đạo trưởng tây đang ở đâu, thì ngài không biết, vì từ khi triều đình cấm đạo, thì ai nấy tìm đàng mà trốn tránh, mỗi người một nơi không ai có thể biết được.

Sau nhiều ngày trong tù, các quan thấy Cha Năm không thay dạ đổi lòng, và biết không thể nào khuyên cha bỏ đạo, thì làm án xin xử tử cha. Án của cha như sau: "Tên Mai Ngũ là đạo trưởng đã theo tây dương đạo trưởng Giacôbê (Ðức Cha Leager) từ thuở nhỏ đến lớn, đã tin đạo Gia Tô cùng in đạo ấy vào lòng đến nỗi không còn hiểu được sự phải trái. Lại bởi tên ấy cứ một mực chấp mê cứng cổ bất khẳng quá khóa, bất tuân quốc pháp, thì chúng tôi đã luận cho nó phải trảm quyết cùng bêu đầu ba ngày để cho ai nấy phải sợ và đừng bắt chước nó nữa".

Cha Năm biết các quan làm sớ về triều rồi thì chắc chẳng bao lâu nữa mình sẽ phải xử, cho nên dọn mình chết rất kỹ càng. Cha xưng tội rất nhiều lần. Trong hơn một tháng, Cha Năm, ông Trùm Antôn Ðích và ông Lý Mỹ bị giam chung, cả ba đọc kinh tối sớm với nhau lớn tiếng mà chẳng ai nói chẳng ai cấm. Cũng vào thời ấy có hai ba cha thuộc địa phận Ðông cũng bị giam, các cha xưng tội với nhau.

Rõ rệt Thầy chí thánh không bỏ rơi các tông đồ và những người tin theo các tông đồ trong những cơn bách hại: “Khi bị nộp vào tay họ, chúng con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy chúng con những điều phải nói. Vì thực ra không phải chúng con nói, nhưng là Thần Linh của Chúa Cha nói trong các con” (Mat 10:19-20). Các Quan nghe ba thánh nhất định không chối đạo và sẵn sàng chịu chết để tuyên xưng đức tin thì cho là dại dột. Các ông có biết đâu các ngài đã có mãnh lực, khôn ngoan từ Thiên Chúa. Nhờ vậy các ngài mới có thể tuyên xưng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên thập giá để cứu chuộc trần gian quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận loài người. “Là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh hơn cả sức lực phàm nhân” (I Cor 1:25). 

5. Quyết định của vua quan tuyên bố xử trảm các Ngài cũng nói rõ rằng các Ngài phải chết vì đã tin theo đạo Gia Tô. Khi đến pháp trường, Cha Năm quỳ xuống cái chiếu mà ông Lý Thi con ông trùm Ðích đã trải sẵn. Ba đấng cầu nguyện một lúc. Sau đó quan giám sát dịch loa, truyền mọi người yên lặng. Quan truyền lịch: "Các người hãy đến để xử những tên theo ông Giêsu. Nếu ai còn dám theo tôn giáo này, thì hãy biết rằng lệnh vua sẽ xử trảm như những tên can phạm này". Sau đó một tên lính cầm thẻ đề tên Cha Năm mà rao cho mọi người nghe: "Tên Mai Ngũ này là đạo trưởng, quê Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đã theo đạo Gia Tô từ thuở còn bé. Lại bất khẳng bỏ đạo thì đức Hoàng Ðế truyền cho nó phải trảm quyết và bêu đầu ba ngày cho người ta xem thấy mà sợ cùng đừng bắt chước nó". 

Sau khi đọc bản án từng người, quan truyền lệnh xử tử tù nhân. Ông Lý Mỹ xin quan xử Cha Năm và ông trùm Ðích trước. Quan ưng thuận lời xin của ông. Quan truyền xử Cha Năm trước rồi ông trùm Ðích sau. Lý hình chém một nhát thì đứt đầu ông.

Sau khi xử hai đấng, tên lý hình đòi ông Lý Mỹ năm quan tiền thì sẽ xử một nhát mát mẻ. Nhưng ông bảo rằng: "Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, chẳng có tiền cho chú mình đâu, muốn băm vằm thế nào thì mặc". Lý hình bực tức, chém một nhát trượt không đúng, chỉ đứt một miếng thịt nơi cằm, ông Lý Mỹ ngã xuống. Mãi đến nhát thứ năm mới đứt đầu.

Các ngài đang thực hiện lời thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô tử nạn thập giá: Đức Kitô - trong mầu nhiệm Phục Sinh - đã minh chứng ngài là mãnh lực của Thiên Chúa, là khôn ngoan của Thiên Chúa” (I Cor 1: 23-24).

6. Các Ngài không chống đối, phản kháng, nhưng đã chấp nhận án chết vì đạo một cách vui vẻ. Ngày 12.08.1838, trên đường đi ra pháp trường Bảy Mẫu, ba thánh ca hát vui vẻ lắm. Dân chúng kéo đi xem rất đông. Hai ông quan giám sát cưỡi hai voi và hơn hai trăm quân lính kéo ra lối cửa Bắc đi trước, Cha Năm, ông trùm Ðích, ông Lý Mỹ mang gông mang xiềng đi sau. Lại có ba tên lính mang thẻ đã đề tên ba đấng đi trước các ngài. Rồi đến Cha Năm đi trước, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ theo sau. Thỉnh thoảng Cha Năm bảo người ta: "Này đạo trưởng đây, đến mà xem". Gặp những người quen, ngài chào từ giã vui vẻ: "Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước, nhưng sau này chúng ta sẽ gặp nhau".

Khi đi chịu chết ông Lý Mỹ vui mừng, nhanh chân nhẹ bước đi trước, vừa đi vừa chào hỏi mọi người. Miệng ông hát kinh tạ ơn Ðức Chúa Trời, tay ông gõ nhịp cùng rung xiềng xích tỏ ra rất vui vẻ. Kẻ ngoại đạo thấy ông mặt mũi vui tươi hớn hở thì khen ông là người anh hùng can trường. Trên đường đi ông gặp ông cả Thâu là anh em họ, con chú bác. Ông Thâu nói với ông Mỹ: "Anh Lý hãy vững vàng nhé". Ông Mỹ thưa lại: "Anh hãy yên trí tôi chẳng có sợ đâu".

KẾT LUẬN 

Cuộc tử đạo của 3 thánh : Thánh Linh Mục Năm, Thánh Trùm Đích và Thánh Lý Mỹ, dẫu ở những hoàn cảnh cá biệt riêng tư, đều có những nét chính yếu chung trong việc tử đạo mà ba vị cũng như tất cả 117 vị tử đạo khác đã lãnh nhận tại Việt Nam. 

Tất cả các ngài đã bị theo dõi, bị tố cáo và bị bắt, bị nộp cho quan, vì là Công Giáo. Các ngài đã bị đánh đập giữa hội đường, bị điệu ra trước tòa quan quyền vì tin vào Chúa Kytô. Bi tra khảo, có lúc một vài vị lo sợ, muốn sờn lòng, khi nghĩ đến những hình khổ sẽ phải chịu. Nhưng rút cục, các đấng đều đã can đảm trả lời xưng đức tin một cách công khai và rõ rệt, để làm chứng rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Quyết định của vua quan tuyên bố xử các thánh cũng nói rõ rằng các ngài phải chết vì đã tin theo đạo Gia Tô. Các ngài không chống đối, phản kháng, nhưng đã chấp nhận án chết vì đạo một cách vui vẻ.

Trở về Lộ Đức, « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam 1988-2013 - Sống Đức Tin theo gương tiền nhân », ôn lại lịch sử tử đạo của các thánh tiền nhân tử đạo Việt Nam, người tín hữu nào mà chẳng biết trân trọng hơn gia sản đức tin mà các bậc tiền nhân đã để lại. Biết đâu, nhờ đó, người tín hữu sẽ được các thánh tiền nhân phù trợ, được can đảm và sáng kiến hơn, hầu giữ vững và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh » [3]. Ngắm nhìn tấm gương kiên trung và oai hùng của các thánh Tử Đạo Việt Nam, lòng người tín hữu hôm nay không khỏi bồi hồi cảm kích, mà thì thầm : « Thật là một cuộc xưng đạo và tử đạo bi hùng và vinh quang » ! 

Đức Gioan Phaolô II đã nhận ra và đã chia sẻ : « Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh:“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt. Nhưng khi trở về, lòng thênh thanh phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa” (Ca Vịnh 125, 126: 5-6). Lời duyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị Tử Đạo trong Giáo Hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng, để rồi trở thành vô số bông hoa đức Tin: “Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa” (Gioan 12:24). Rồi lặp lại lời thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định : « Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu tử nạn thập giá » (I Cor 1:23).

Paris, ngày 27 tháng 07 năm 2013

Trần Văn Cảnh 

Phụ chú :

(1). Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLÔ II : Bài giảng trong ngày tuyên phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19.6.1988, in 

http://www.xuanha.net/TruyencacthanhTDVN-lephongthanh/5phongthanh-baigiangDTC.htm

(2). Vũ Thành : Dòng máu anh hùng, tập 2 ; Franklin : Phong trào Thanh Sinh Công tại Hoa Kỳ ; 1987 ; tr. 171-203.

(3). Phêrô Nguyễn Văn Nhơn : Thư mục vụ Năm Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 11 tháng 10 năm 2012 ; Nguồn : http://www.hdgmvietnam.org/thu-muc-vu-nam-duc-tin-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam/4314.116.3.aspx

0 nhận xét:

Đăng nhận xét