LTCGVN (03.08.2013)
BA BINH SĨ ĐINH ĐẠT, PHAN VIẾT HUY, BÙI ĐỨC THỂ
CAN ĐẢM TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG
Bài thuyết trình trong khuôn khổ Đại hội Hành hương của các Cộng đoàn Công Giáo
Việt Nam tại Pháp do Tuyên úy đoàn tổ chức tại Lộ Đức từ 02/08/2013 đến 04/08/2013.
Cách nay mấy tháng, cha Hà Quang Minh, Trưởng ban Hội thảo, giao cho chúng tôi là một giáo dân bình thường thuyết trình về tấm gương trung kiên của người tín hữu tuyên xưng đức tin đến giọt máu cuối cùng. Vâng lời ngài, chúng tôi hân hạnh giới thiệu chứng nhân đức tin của ba binh sĩ Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể. Họ là các tín hữu bình thường. Trong năm tước vị thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ và hạ sĩ, không thấy có binh sĩ. Trong hàng tứ dân sĩ, nông, công, thương cũng không thấy bóng dáng người lính thú : ‘‘Ngang lưng thì thắt đai vàng, Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.’’ (ca dao Việt Nam). Đề tài này cho phép chúng tôi đề cập ba khía cạnh sau đây :
§ Ý nghĩa cộng đoàn : Nói đến người tín hữu là nói đến cộng đoàn. Thay vì giới thiệu một chứng nhân duy nhất, chúng tôi trình bầy tấm gương sống đạo của ba binh sĩ, chết cùng năm 1839. Thứ tự trước sau căn cứ vào mẫu tự : Đạt, Huy và Thể. Ba vị thánh mang họ Đinh, họ Phan và họ Bùi, tượng trưng cho trăm họ nước ta.
Về lứa tuổi, thánh Đinh Đạt chịu chết năm 36 tuổi, thánh Phan Viết Huy, 44 tuổi, thánh Bùi Đức Thể, 47 tuổi. Các ngài đều ở tuổi trung niên. Trong số các tham dự viên hành hương Lộ Đức đến từ các cộng đoàn Công Giáo trên khắp nước Pháp, có nhiều bạn trẻ. Việc tử đạo của thánh Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thế là thông điệp tin, cậy, mến trong năm đức tin, cũng là năm Đại hội Giới trẻ Thế giới (JMJ) tại Rio (Brazil) từ 23 đến 28/07/2013.
Các ngài đều theo đuổi binh nghiệp. Tình huynh đệ vốn là lẽ sống của người Kitô hữu : ‘‘Tất cả đều là anh em với nhau’’ (Mt 23,8). Ngoài ra còn là tình huynh đệ chi binh giữa ba vị thánh binh sĩ.
§ Ý nghĩa thần học : Ba thánh tử đạo ‘‘hy sinh mạng sống mình vì trung thành làm chứng cho Đức Kitô.’’ (Cv 7,55-60). Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), các ông Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể vào kinh đô Huế. Đợi đến lúc nhà vua vi hành trong thành nội, hai ông sấp mình, đệ đơn xin nhà vua cho được chết vì đạo. Sự việc này nhắc lại Tin mừng người lữ hành (évangile des pèlerins) theo thánh Luca (Lc 24,13-35) : hai môn đệ trên đường về làng cũ Emmau, được đồng hành với Chúa Giêsu Phục sinh.
§ Ý nghĩa văn hóa dân tộc : Từ Bắc xuôi Nam : thánh Đinh Đạt chịu chết ở làng Phú Nhai thuộc tỉnh Nam Định. Hai thánh Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể tử đạo ở cửa Thuận, qua phá Tam Giang. Cả ba đều là các binh sĩ yêu nước thương nòi, tôn trọng truyến thống văn hóa dân tộc. Việc ba ngài cùng nhau chịu chết là tam nhân đồng hành tuẫn giáo vị đạo (三人同行殉敎爲道). Đại hội Hành hương Lộ Đức năm nay quy tụ các cộng đoàn Việt Nam trên khắp nước Pháp, giúp ta học hỏi tấm gương nghĩa liệt của các thánh tử đạo nước Nam : trung quân ái quốc, tuyên xưng đức tin đến giọt máu cuối cùng.
Bài thuyết trình của chúng tôi chủ yếu gồm ba phần : I - Ý nghĩa cộng đoàn. II - Ý nghĩa thần học. III - Ý nghĩa văn hóa dân tộc ; qua chứng từ ba thánh Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể.
I - Ý nghĩa cộng đoàn :
Thánh Phan Viết Huy |
117 vị tử đạo là 117 năm thắm máu đào làm chứng cho đức tin, kể từ hai vị tử đạo tiên khởi là linh mục François Gil de Federich và linh mục Matthêu Đậu, cả hai bị xử trảm vào năm 1745. Vị tử đạo cuối cùng là thánh Phêrô Đa, xuất thân là thợ mộc, bị thiêu sống ngày 17/06/1862, hai ngày trước lễ phong thánh 19/06/1988. Từ 1745 đến 1862 là đúng 117 năm.
117 vị tử đạo nước Nam có tên thánh bổn mạng trong kinh cầu các thánh (litania sanctorum) : thánh Phêrô tử đạo (18 vị), thánh Đa Minh (16 vị), thánh Giuse (8 vị), thánh Phaolô tử đạo (8 vị), thánh Gioan (7 vị), Phanxicô (7 vị), thánh Anrê tử đạo (6 vị), thánh Tôma (5 vị), thánh Vincentê (5 vị), thánh Augustinô (3 vị), Matthêu tử đạo (3 vị), thánh Antôn (2 vị), thánh Emmanuel (2 vị), thánh Lôrensô tử đạo (2 vị), thánh Luca tử đạo (2 vị), thánh Martinô tử đạo (2 vị), thánh Micae (2 vị), thánh Bernađô (1 vị), thánh Clementê tử đạo (1 vị), thánh Giacôbê tử đạo (1 vị), thánh Giêrônimô (1 vị), thánh Henricô (1 vị), thánh Nicôla (1 vị), thánh Philipphê tử đạo (1 vị), thánh Simon tử đạo (1 vị), thánh Stêphanô (Etienne tử đạo) (1 vị), thánh Valentinô (1 vị).
Các thánh Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể thể hiện ý nghĩa cộng đoàn, hiệp nhất trong dòng máu tử đạo. Ba vị là ba nhánh một dòng sông, đổ ra biển Thái bình. Tấm thân của hai thánh Huy và Thể bị chẻ ra làm bốn, máu thịt hòa vào biển Đông. Còn di thể của thánh Đinh Đạt được an táng ở Nam Định. Hồn thiêng ba thánh ngự trị trên giải non sông gấm vóc, đất nước ta. Hạnh tử đạo của ba vị là trường ca hào hùng trong lịch sử các thánh tử đạo nước ta.
Tin mừng thánh Matthêu thuật lại thánh Phêrô chối Chúa ba lần. Trong năm Minh Mạng thứ 19 và 20 (1838-1839), ba thánh Đạt, Huy và Thể xưng đạo ba lần, một lần qua khóa. ‘‘Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.’’ (Mt 24,13)
Ba thánh đều là lính vệ. Chặng đường thánh giá của các ngài khởi đầu bằng chiếu chỉ đời Minh Mệnh 19, ra lệnh cho binh lính có đạo phải quá khóa (bước qua thánh giá). Vào thời điểm này, Nam Định có 500 binh sĩ Công Giáo. Ngay đợt đầu, 485 người, lính vệ và cơ binh, quá khóa. ‘‘Ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được" (Lc, 14,27). Qua các đợt sau, còn lại là 15, 9, rồi 5. Sau cùng chỉ còn ba, là Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể, ‘‘vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.’’ (Mt 22,14).
Thánh Phan Viết Huy là cánh chim đầu đàn. Cũng như cai tổng Phạm Viết Thìn, quan thái bộc Hồ Đình Hy, binh sĩ Phan Viết Huy rối đạo vì có vợ hai. Nhưng cả ba đã dứt bỏ tục đa thê.
II - Ý nghĩa thần học :
Trong ngôn ngữ tây phương, martyr (tử đạo) do từ hy lạp μάρτυς : người chứng, chịu chết để làm chứng cho đức tin một lòng không chối đạo (abjurer). Trong tiếng Việt, tử đạo (死 道) có nghĩa là chết vì đạo, chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô bị đóng đinh : ‘‘Ta đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Ta’’. (Ga 18,37)
Ba binh sĩ Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, Đinh Đạt làm chứng về ‘‘một Ðấng Kitô bị đóng đinh. Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.’’ (1 Cor 1,25). Các ngài đã vác thánh giá, chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô bị đóng đinh.
Tuy phải chịu nhiều cực hình, các ngài nhất quyết không quá khóa, ngược lại còn làm dấu thánh giá trên trán mỗi khi gặp thử thách, như giáo phụ Tertullien (160-220) từng nhắc nhở. Cả ba đểu khẳng khái nói rằng : ‘‘Quan lớn dạy chúng con bỏ đạo Thiên Chúa thì chúng con theo đạo nào, vì chỉ có đạo Thiên Chúa là đạo thật : ‘‘Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.’’(Ga 14,6)
‘‘Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?’’ (1 Cor 19-20). Nhờ ơn thánh Chúa, binh sĩ Phan Viết Huy giảng giải lẽ đạo cho quan nghe, có lần khẳng khái trả lời : ‘‘Các ngươi dùng sức mạnh lôi kéo thân xác ta ; các người đừng hòng dùng võ lực làm lung lạc ý chí ta.’’
Sau nhiều tháng chịu đủ mọi cực hình mà vẫn một lòng trung kiên không bỏ đạo, sau cùng cả ba không cầm lòng thấy một hương chức vì ba ông mà chịu cực khổ nên bằng lòng quá khóa. Sau đó, ông Huy hối hận, quyết định vào kinh, tâu lên nhà vua xin được chết vì đạo. Ông nói với hai bạn đồng ngũ : ‘‘Nếu các ông không đi, tôi sẽ đi một mình.’’ Ông Thể xin cùng đi. Chỉ có ông Đạt vì bận quân vụ trong tỉnh không đi được, xin hai ông ghi thêm tên mình vào tờ đơn : ‘‘Hai anh chịu khổ hình nào, tôi cũng xin chịu khổ như vậy.’’ Nhân lúc nhà vua vi hành trong thành nội, hai ông dâng lên vua Minh Mạng đơn tự nguyện tử vì đạo. Nhà vua nhận đơn rồi ra lệnh cho ba bộ hình, lễ và binh cùng xét đơn. Sau đó, quan tòa tam pháp ban hành bản án như sau :
‘‘Minh Mệnh nhị thập niên, tháng 5 ngày mồng một, nội các thần Lê Khanh Trình, thần Lâm Ruy Nghĩa vâng lời vua truyền từ tờ các quan tòa tam pháp, thì hai tên lính tỉnh Nam Ðịnh, tên là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể cùng khai rằng chúng vốn theo đạo Gia Tô chẳng bỏ, mà năm ngoái có bước qua thập tự tại bản tỉnh, bởi quan tổng đốc tỉnh ấy bức hiếp chứ trong lòng chẳng bao giờ có ý bỏ đạo, nên bây giờ xin cứ giữ đạo như khi trước. Quan tòa tam pháp đã khuyên bảo hai ba lần, song hai tên phạm này cứ một mực chỉ xin chịu chết, cùng quyết chẳng chừa cải, thật là hai tên dại dột mê hoặc. Khi trước ta đã làm án chết cho chúng nó, song ta còn thương hại chẳng muốn giết, chẳng ngờ là lũ phạm ấy đã ra mê cuồng chẳng còn biết lẽ phải, ta đã mở lối cho chúng nó ăn năn, nếu còn có trí khôn thì phải biết mình đã sai lầm mà cải ác hoàn lương, song hai tên phạm này cố chấp theo Gia Tô tà đạo, dám bỏ việc lính mà vào kinh khống đơn, chúng nó thật kiêu ngạo, đáng khinh dể, đáng ghét, không thể để cho sống được nữa. Nên hai tên phạm là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể, phải kết án tử, giao cho lính đem ra cửa biển, lấy rìu lớn chặt ngang lưng, rồi bỏ xác xuống biển để cho ai nấy biết rõ điều răn cấm. Còn một tên phạm nữa là Ðịnh Ðạt cũng can án này. Nó có bỏ đạo thật hay không thì phải tra xét kỹ càng và tâu cho minh bạch.’’
Sau khi thi thể hai ông Huy và Thể bị ném xuống Biển Đông, quan tổng đốc Nam Định nói với ông Ðạt: ‘‘Thằng Huy, thằng Thể đã phải bổ làm tư, rồi bỏ xuống bể cho tôm cá ăn, mày có quá khóa không?’’
Ông Ðạt đáp lại: ‘‘Hai anh con đã được phúc trọng, xin quan lớn bổ con làm tám. Còn sự quá khóa thì con không chịu.’’ Nghe xong, quan thượng truyền đóng gông, rồi giam ông trong ngục. Ðến ngày 18/07/1839, vua ra lệnh xử giảo ông Ðạt : quan truyền viết thẻ:
‘‘Tên Ðinh Ðạt thuộc Xuân Tràng phủ, Giao Thủy huyện, Phú Nhai xã, là tên phạm, cố chấp theo Gia Tô tả đạo, nay cũng chẳng chịu bỏ đạo ấy, bất tuân quốc pháp, lập tức đem đi xử giảo.’’
III - Ý nghĩa văn hóa dân tộc :
Cả ba thánh Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, Đinh Đạt đều là các lính vệ trấn đóng ở Nam Định:
Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cấp hỏa mai
Một tay cấp giáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.’’
Năm 1533, giáo sĩ Inikhi đã gieo hạt giống Tin Mừng tại Ninh Cường, Quần Anh va Trà Lũ là các họ đạo trước tiên trên nước Việt. Cả ba sống đạo trên quê hương Nam Định có ba trăm năm giáo sử. Binh sĩ Phan Viết Huy (17955(1839), Bùi Đức Thể (1795-1839), Đinh Đạt (1803-1838) đi lính vào lúc quan doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mộ binh, khai khẩn một vùng đất hoang rộng lớn, nay là huyện Giao Thủy (Nam Định), Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình). Năm 1809, Nguyễn Công Trứ dâng nhà vua Thái bình thập sách, chủ trương lấy nghề nông làm căn bản, khai khẩn Kim Sơn, có tỷ lệ người Công Giáo tới 46%. Năm 1828, quan điền sứ tiếp tục khai hoang Tiền Hải. Ngày nay, nhà thờ đá thuộc huyện Kim Sơn trở thành nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Là binh sĩ, như các trai tráng khác, các ông Huy, Thể, Đạt có thể đã tham gia vào công tác khẩn hoang. Vào giai đoạn này, Nguyễn Công Trứ có bài thơ ‘‘Phận sự làm trai’’ như sau :
Vũ trụ chức phận nội
Ðấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ ‘‘quân, thân’’ mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế
Người thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.
Tiểu sử của ba binh sĩ cho thấy các ngài đều có chung một tâm nguyện : ‘‘thượng vị đức, hạ vị dân, Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác.’’ Các ngài một lòng một dạ vì dân vì nước. Lúc vào kinh đô, các ngài dâng lên nhà vua thỉnh nguyện chết vì đạo, vì Thiên Chúa là thượng phụ (上父), nhà vua là trung phụ (中父), cha mẹ là hạ phụ (下父).
Kết luận :
Nếu làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định là tuyến đầu tiếp nhận hạt giống Tin Mừng, theo thống kê, tỉnh Nam Định có nhiều thánh tử đạo nhất. Giáo phụ Tertulien (150-220) cho rằng : ‘‘Máu đào tử đạo là hạt giống các tín hữu’’ (sanguis martyrum semen christianorum). Máu đào của ba thánh tử đạo quê quán Nam Định : Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể và Đinh Đạt không những có công vun trồng đồng lúa Tin mừng trên quê hương của các ngài, mà còn mở rộng khắp quê hương yêu dấu.
Trong Đại hội Hành hương của các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp từ ngày 02 đến 04/08/2013 tại Lộ Đức, các tín hữu cùng với các vị chủ chăn bầy tỏ lòng biết ơn các tiền nhân tử đạo trên đất Việt,. Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bẩu của Đức Mẹ Lộ Đức và các thánh tử đạo Việt Nam, ban nhiều ơn thiêng cho các vị chủ chăn và toàn thế các tín hữu nước Việt yêu dấu.
Chúng tôi có bài Đường thi sau đây, tỏ bầy lòng biết ơn ba thánh Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, Đinh Đạt :
Lính thú nhà vua lính nước trời
Trung thành lạy tạ Chúa Ba Ngôi
Công ơn cứu độ như trời biển
Sách thánh hồng ân khắp mọi nơi
Máu thắm hòa chung ngoài biển cả
Hình hài tấc đất đến muôn đời
Ba ngài tuẫn giáo ơn cao trọng
Đức tin ngời sáng tấm gương soi.
Lisieux, ngày 6 tháng 7 năm 2013 (Ultreya/Cursillo)
Lê Đình Thông
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét