LTCGVN (21.07.2013)
Hà Nội – Theo thư mời của Thanh tra Thành phố Hà Nội, một phái đoàn 14 người gồm 11 Tu sĩ DCCT và 3 giáo dân đã có mặt tại Trụ sở Thanh tra TP số 62 Trần Quốc Toản, Q. Hoàn Kiếm lúc 14g ngày 18.07.2013. Bên ngoài môt số giáo dân biết sự kiện này nên đã tự nguyện đến trước cổng Thanh tra TP để hiệp thông, cầu nguyện cho các Tu sĩ DCCT vào làm việc bên trong.
Trước đó vào lúc 13g30 tất cả mọi người đã vào nhà thờ cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng cho buổi làm việc này. Xe vừa ra khỏi cổng nhà thờ Thái Hà, chúng tôi nhìn thấy một số khuôn mặt an ninh chìm ngồi canh ở cổng nhà thờ. Ngang qua cổng Tu viện bị chiếm làm bệnh viện Đống Đa, chúng tôi còn thấy cả xe công an nằng chờ ở cổng. Chưa hết, khu vực xung quanh trụ sở Thanh tra TP có rất đông công an chỉm nổi, CSGT đứng chờ sẵn với máy quay phim, chụp hình lăm le trên tay. Có lẽ nhà cầm quyền sợ giáo dân Thái Hà đông đảo kéo đến nên đã trang bị hùng hậu như vậy.
Mt 19,18-20: … anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết… anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
Ban đầu 2 nhân viên Thanh tra là ông Nguyễn Thái Ngũ và ông Tùng (trẻ hơn) đưa chúng tôi vào phòng 107 ở tầng trệt. Ông Ngũ tự giới thiệu là trưởng phòng Thanh tra 1 và không đồng ý tiếp tất cả chúng tôi mà chỉ tiếp 5 người. Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng cho biết các linh mục, tu sĩ và giáo dân chúng tôi đồng trách nhiệm với nhau. Các Thanh tra viện cớ chỉ có 2 người đại diện ký Đơn khiếu nại và kiến nghị trả lại Tu viện DCCT Hà Nội là linh mục Vũ Khởi Phụng và linh mục Nguyễn Văn Phượng được gửi từ ngày 23/1/2013, để từ chối tiếp đoàn DCCT Hà Nội… Ông Ngũ liên tục có điện thoại gọi và đi ra ngoài nghe, mặc dù ngay trong phòng làm việc này có bảng nội quy “không sử dụng điện thoại di động”. Giữa lúc ấy, bỗng nhiên một an ninh mặc thường phục bước vào ngồi trong phòng họp. Các Tu sĩ DCCT đã đề nghị ông Tùng mời an ninh này ra ngoài, vì buổi họp chiều nay không ai mời họ cả. Anh công an chìm này đành phải đứng lên đi ra. Một người trong đoàn giáo xứ Thái Hà nghe mùi bia rượu bốc ra từ anh ta…
Cổng trụ sở Thanh tra TP. Hà Nội
Phòng chờ…
Giáo dân JB Nguyễn Hữu Vinh phê bình Thanh tra TP làm việc cẩu thả vì cái bảng “lễ kết nạp đảng” xong lâu rồi mà vẫn chưa tháo
Ông Nguyễn Thái Ngũ, Trưởng phòng Thanh tra 1
Tay an ninh không ai mời mà dám nhảy vào phòng ngồi
Sau một hồi tranh luận cương quyết với nhau, các Thanh tra phải chấp thuận cho cả đoàn vào hết, nhưng không họp ở phòng 107 mà phải lên lầu 1, nơi có đủ các thành phần Thanh tra liên ngành đang ngồi chờ sẵn. Hai Thanh tra viên đã đón chúng tôi ở tầng trệt chỉ ngồi nghe suốt buổi họp chứ không hề được nói lời nào…
Bắt đầu buổi họp, cha chính xứ Giuse Nguyễn Văn Phượng đã giới thiệu các linh, tu sĩ DCCT có mặt và 3 đại diện giáo dân của giáo xứ.
Về phía Thanh tra Hà Nội chủ trì là ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chánh TT TP, ông Nguyễn Thái Ngũ – Trưởng phòng TT 1, ông Phan Hữu Tùng – Phó Trưởng phòng TT 1, ông Vũ Ngọc Thành – Phó Trưởng phòng Pháp chế Sở Xây dựng, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng Đăng ký Thống kê Đất đai (Sở Tài nguyên Môi trường), ông Lê Cường – Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế, bà Phan Bảo Khánh, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế Ban Tôn giáo TP, ông Lê Hưng – Giám đốc bệnh viện Đống Đa. Về phía phái đoàn DCCT có cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, Phó Bề trên DCCT Hà Nội kiêm Chánh xứ Thái Hà, cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, Cố vấn Tỉnh Dòng, cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh Văn phòng Tỉnh Dòng, cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, cha PX Nguyễn Kim Phùng, cha Phêrô Phạm Xuân Lộc, cha Đaminh Nguyễn Văn Huyến, cha Giuse Lương Văn Long, cha Vinh sơn Vũ Văn Bằng, thầy P.X Trần Văn Bắc, và 3 giáo dân là anh GB Nguyễn Hữu Vinh, ông Trưởng và ông Lân.
Cha Nam Phong đã lên tiếng cho biết đơn đề nghị này được gửi từ tháng 1/2013, song sau rất nhiều lần trì hoãn hôm nay phía Thanh tra TP mới có được buổi gặp mặt như thế này. Như vậy có đúng luật không? Một mặt phía thanh tra trì hoãn gặp chúng tôi, một mặt phía bệnh viện cứ tiến hành đập phá như vậy.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói rằng sau khi nhận được đơn đề nghị của các linh mục, UBND TP cũng đã giao cho các cán bộ có trách nhiệm và liên quan tiến hành thu thập tài liệu và cử các cán bộ tham gia nên có thể thời gian trễ một chút. Nhưng về mặt tài liệu chúng tôi đã có đầy đủ, trước đó chúng tôi đã có mời các linh mục nhưng do có việc đột xuất nên chúng tôi hoãn buổi họp. Về phần đơn đề nghị phía Thanh tra trình bày: sau khi nhận được đơn, nhận biết rằng đây là vấn đề lịch sử cần được xem xét và cân nhắc kỹ. Thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra lại các vấn đề liên quan.
Cha Phong đã nói rằng nhà thờ đã gửi đơn rất nhiều lần nhưng không được giải quyết thỏa đáng, thậm chí là chỉ nhận được sự im lặng. Cha Phượng cũng tiếp tục yêu cầu phía thanh tra trả lời việc tại sao khi có đơn khiếu nại, đề nghị mà phía bệnh viện vẫn tiếp tục tiến hành đập phá bệnh viện và cơ quan thanh tra trì hoãn buổi tiếp dân đến tận ngày hôm nay mới gặp gỡ sau 6 tháng nhận đơn.
Ông Tuấn cho biết, sau khi Thanh tra nhận đơn chúng tôi cũng đã tiến hành thu thập tài liệu ở Sở Tài nguyên Môi trường thì toàn bộ phần đất ở Nam Đồng này đã có giấy tờ chuyển giao cho nhà nước quản lý theo các quy định hiện hành: nghị quyết 23, 755 và Luật đất đai. Nhà nước không giải quyết lại đất đã được giao trước đó.
Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh nói: nếu các anh đã thu thập tài liệu với tư cách là một nhà thanh tra, một người giám sát tất cả thì hiện nay bệnh viện và khu đất đó thuộc quyền sở hữu của ai? Thanh tra trả lời nếu theo giấy tờ từ năm 2005 khu đất đó đang được bệnh viện đa khoa Đống Đa sử dụng.
Giáo dân Nguyễn Hữu Vinh: Sau tất cả những quy định mà anh vừa đưa ra tôi xác nhận một điều: nhà nước trước đây mượn cơ sở tôn giáo giờ không trả lại nữa và cho người vào đập phá… Yêu cầu anh trả lời như thế nào là lịch sử. Lịch sử là những cái hôm qua mà hôm nay không làm lại được nữa thì người ta gọi là lịch sử. Nhưng rõ ràng ở đây ngày xưa là Việt Nam DCCH giờ là CHXHCN Việt Nam hai thể chế đó vẫn đang tồn tại thì đó không thể coi là lịch sử. Tu viện DCCT có phải là 1 cơ sở tôn giáo hợp pháp không?
Thứ 2 cơ sở tôn giáo được luật pháp bảo hộ, rõ ràng đây là cơ sở được nhà nước thừa nhận. Vậy cơ sở nào để các anh xác định rằng từ cơ sở tôn giáo lại được trao qua chuyển lại cho ông nọ ông kia? Như vậy điều mà Hiến pháp ghi đó các ông vứt đi đâu?
Phía thanh tra tỏ ra lúng túng trước tất cả những vấn đề của các linh mục và các giáo dân đưa ra, chỉ dựa dẫm vào những quy định văn bản không đầu, không cuối, không có giá trị pháp luật. Trước những chất vấn của các giáo dân và linh mục phí thanh tra hầu như không nói được gì, mọi lập luận đều yếu ớt.
Cha Phong tiếp tục lập luận này: nhà nước đã khẳng định bảo hộ tất cả các cơ sở tôn giáo, nên chúng tôi có cơ sở để bảo hộ. Tất cả những gì chúng tôi đề nghị đều dựa trên những cơ sở pháp lý. Rõ ràng những chính sách quản lý của nhà nước là không bao giờ động đến đất đai tôn giáo. Chúng tôi chưa bao giờ bị mất quyền sở hữu, ngày nay là quyền sử dụng hợp pháp. Đây không chỉ là chuyện đất mà là tiền bạc và mồ hôi của giáo dân nên không thể áp dụng Nghị quyết 23 được.
Phía thanh tra cho rằng từ năm 2004 thực hiện nghị quyết đã xác lập cho bệnh viện Đống Đa sẽ cũng cấp tài liệu cho các linh mục.
Cuộc chất vấn và đối chất diễn ra với lập luận phía nhà thờ đang bị cướp trắng trợn mảnh đất của tu viện Dòng Chúa Cứu Thế: Trước kia, các lãnh đạo bệnh viện khi muốn xây một cái đường nhỏ để đi lại trong bệnh viện cũng viết giấy đề nghị được phép xây dựng và nói khi nào nhà nước có quyết định trả lại phần đất đã mượn bệnh viện sẽ trao trả lại nguyên vẹn cho nhà Dòng. Nếu không mượn sao phải xin phép như vậy?
Cha chính xứ Nguyễn Văn Phượng nói: hôm nay lên đây chúng tôi muốn lắng nghe kết quả thanh tra của các vị chứ không phải nghe các vị trình bày điều luật để áp đặt. Bệnh viện đó là một tu viên và nhà nguyện, tất cả các dấu tích của Công giáo mọi người đều nhìn thấy. Các ông vào kiểm tra cũng thấy. Hôm nay, tôi muốn nói rằng hàng trăm hàng ngàn người sẵn sàng chết để bảo vệ nơi đó. Chúng tôi đã rất kiên nhẫn để đến đây lắng nghe các vị. Hôm nay, các vị nói sẽ thu thập cả từ phía chúng tôi, chúng tôi có thừa bằng chứng để chứng minh, vị cha già trước khi chết đã ghi lại có đoạn băng quay phim hẳn hoi về việc Cha già đã bị ép đi như thế nào. Các vị đừng áp đặt nếu cách giải quyết của chính quyền không thỏa đáng thì sẽ gây bất an trong dân, nếu đã như vậy thì sẽ chỉ làm bất lợi cho nhà nước mà thôi.
Cha Thể Hiện tiếp lời: Quyết định công sản hóa năm 2004 việc nắm tài sản đó có hợp pháp không? Trước năm 2004 các vị có tài liệu nào chứng minh được rằng có có văn bản chuyển giao giữa hai bên hay không?
Phía thanh tra trả lời đang trong thời gian thu thập tài liệu và lại tiếp tục mở luật ra đọc.
Cha Đinh Hữu Thoại cho rằng ông Phó Thanh tra đang cố tình vòng vo và không trả lời câu hỏi một cách thích đáng: “Tôi nghi ngờ khả năng hiểu biết pháp luật của ông. Các ông nên nhìn thẳng vào sự thật đừng có đưa ra luật này, luật kia để lấp liếm việc cướp nhà của các ông. Ông đang cố tình không trả lời câu hỏi của chúng tôi. Các ông không có cơ sở pháp lý của mảnh đất đó là chứng tỏ cho việc các ông cướp, còn chúng tôi có đủ cơ sở để chứng minh việc cướp nhà chúng tôi. Đừng có đưa luật này luật kia, chúng tôi có thể chỉ ra việc các ông dùng sai luật hết đó.”
Cha Thể Hiện tiếp tục chất vấn rằng khi cha già Vũ Ngọc Bích đang ở, nhà nước vào yêu cầu kê khai tài sản, sau đó Cha đã thống kê tất cả các tài sản hiện có của nhà dòng đó là tờ giấy thống kê tài sản chứ không phải giấy bàn giao.
Phía thanh tra nói đang trong quá trình điều tra, ai có thông tin gì cứ cung cấp ra để thu thập. Cha Phong yêu cầu sau buổi họp này phía thanh tra viết giấy giới thiệu để nhà Dòng có thể lên sở nhà đất để trích lục thông tin về mảnh đất của nhà Dòng và đó là việc phía thanh tra phải làm để tạo điều kiện thu thập chứng cứ.
Phía thanh tra từ chối việc cha Phong yêu cầu, cho rằng mình chỉ là cơ quan chuyên môn có tính chất tham mưu thôi chứ không nắm giữ những điều mà phía các Cha yêu cầu.
Cha Thể Hiện yêu cầu các ông thanh tra xuống gặp giáo dân một lần để thu thập thông tin, đó là việc chuyên môn của các ông. Các ông cứ xuống một lần để lắng nghe giáo dân của chúng tôi. Chúng tôi vẫn cảm giác rằng mình là dân oan, linh mục oan, và chắc chắn sẽ vẫn đi gõ cửa những cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề này.
Cha Phượng cho rằng nhà nước đang cố gắng là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính quyền từ dân mà ra vậy sao các vị không thể đến lắng nghe những chứng nhân lịch sử, những người còn đang sống ở đó. Chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh việc cơ sở mà chúng tôi đang đòi đó có giấy tờ bàn giao nào cho nhà nước, và nếu có thì là ai bàn giao và ai tiếp nhận?
Phía thanh tra tiếp tục vin vào Nghị quyết 23 và 755 cộng với luật đất đai để lấp liếm cho những câu hỏi của Cha Phượng. Lúc này anh JB Nguyễn Hữu Vinh đại diện cho giáo dân đã lên tiếng về tất cả những bằng chứng cho thấy bệnh viện Đống Đa đang chiếm dụng trái phép cơ sở tôn giáo mà cụ thể là tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Từ trong quá khứ, dưới thời vị giám đốc cũ từ việc xây cái này sửa cái kia đều có đơn sang nhà thờ cho các cha, các cha đồng ý mới làm còn hứa hẹn sẽ trả lại nguyên vẹn khi nhà nươc có quyết định mới. Vậy tại sao các vị cứ vòng vo mãi chuyện như thế này, đây là vấn đề thuộc về lương tâm.
Tiếp tục ý kiến của anh Vinh là việc yêu cầu bệnh viện Đống Đa dừng ngay việc đập phá nhằm xóa dấu tích tu viện. Phía thanh tra đang cố tình kéo dài cuộc tìm hiểu thu thập chứng cứ này.
Cha Phùng cũng đã lên tiếng yêu cầu bệnh viện Đống Đa cần chấm dứt ngay việc xây dựng và thi công của bệnh viện.
(còn tiếp…)
PV. VRNs tại Hà Nội ghi lại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét