Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Đọc nhanh hai Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc


Sài Gòn – Sự khác biệt rõ nhất trong hai bản Tuyên bố chung sau hai chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là với Trung Quốc, chú ý đến Đảng, với Hoa Kỳ, chú ý đến nhân quyền.
Trong vòng một tháng, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có hai chuyến thăm đến hai cường quốc lớn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Sang đã thăm Trung Quốc từ ngày 19-21/6/2013 và thăm Hoa Kỳ từ ngày 23-26/7/2013. Cuộc viếng thăm Hòa Kỳ và Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang diễn ra như thế nào và đạt được kết quả gì đã được các phương tiện truyền thông “lề phải” cũng như “lề trái” đăng tải qua nhiều bản tin, bài phân tích, đánh giá của những nhà chuyên môn. Tuy nhiên, một trong những văn bản quan trong nhất được đưa ra sau mỗi chuyến viếng thăm của ông Sang là bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc và Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ. Đọc hai bản Tuyên bố chung này, người đọc có thể nhận thấy những điểm khác biệt giữa hai cuộc viếng thăm ông Trương Tấn Sang đã thực hiện tại Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Hình thức, câu chữ
Người đọc có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau về hình thức, câu chữ giữa hai bản Tuyên bố chung.
Nếu so bản văn tiếng Việt, thì độ dài Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ ngắn hơn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc khoảng 500 từ. Tuy nhiên trong cách viết và việc dùng từ giữa hai bản Tuyên bố chung có sự khác nhau rõ rệt:
Cách viết bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc lòng vòng, các mỹ từ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bản văn sử dụng nhiều cụm từ như: “hai bên đánh giá tích cực”, “hai bên hài lòng”, và dùng không dưới 20 lần cụm từ “hai bên nhất trí”. 
Cách viết bản Tuyên bố Việt Nam – Hoa Kỳ đi vào nội dung cách cụ thể hơn và tần số mỹ từ cũng ít xuất hiện, ví dụ: cụm từ “hai bên nhất trí” xuất hiện khoảng 7 lần. Thay vì dùng các cụm từ “đánh giá tích cực, hài lòng” như bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, thì trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ dùng một số cụm từ “hoan nghênh, ghi nhận”.

Quá khứ và tương lai
Nếu phần đầu bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhắc nhiều tới những “gia sản” đã có trong mối quan hệ giữa hai nước, thì bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ chỉ nhắc tới việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước,”
“tiếp tục kiên trì phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’”
Trong khi đó, bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nói như sau:
“hai nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung.
“mong muốn chung cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước”

Vấn đề Biển Đông
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc cho thấy, ông Sang không hề nhắc tới những hành động vi phạm của Trung Quốc trong vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như những vi phạm của quân đội Trung Quốc trong việc rượt đuổi, cướp phá, đánh đập ngư dân Việt Nam ngay chính trong khu vực lãnh hải Việt Nam. Thay cho những lời thẳng thắn đáng lẽ phải có là thái độ nhường nhịn, cam chịu.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“Hai bên tiếp tục thực hiện tốt ‘Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”,
“nghiên cứu phương thức kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ”,
“đánh giá cao thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển”,
“trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển”, “duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển, thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển”
“nghiêm túc thực hiện ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”,
“gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”,”khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”,
“hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển”
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ cho thấy, ông Sang dường như đã chấp nhận vai trò can thiệp của Mỹ.
Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ viết:
“hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.”
“nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả”

Khác nhau giữa hai tuyến bố chung: Hợp tác giữa hai đảng và nhân quyền
Một trong những chủ đề thảo luận của ông Sang trong chuyến viếng thăm Trung Quốc là việc hợp tác giữa hai đảng cộng sản. Đã có nhiều lời lẽ “tốt đẹp” dành cho mối quan hệ giữa hai đảng và đưa ra những hoạt động cụ thể.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hai Đảng,”
“nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước”
“phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9,”
“tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng Đảng và đất nước ở mỗi nước.”
“Đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị”
Nếu như bản Tuyên bố chung Việt – Trung nói đến việc hợp tác giữa hai đảng cộng sản thì bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nói đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ viết:
“ghi nhận lợi ích của việc đối thoại thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về quyền con người.”
“nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”
“Chủ tịch Trương Tấn Sang thông báo với Tổng thống Obama những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo.”
“Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014.”
“Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.”
Vài so sánh rút ra sau khi đọc hai bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc cho thấy có những khác biệt giữa hai bản Tuyên bố chung sau hai cuộc viếng thăm của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang. Tuyên bố là một chuyện, thực hiện tuyên bố đó lại là chuyện khác. Tuy nhiên, khi nhìn vào những vấn đề hai bản Tuyên bố chung đưa ra, ngay từ bây giờ, chúng ta có thể có những kỳ vọng hay thất vọng qua hai cuộc viếng thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang.
Nguyễn Mới, VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét