Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Luật sư: Vụ án Lê Quốc Quân là vụ án chính trị


Sài Gòn – VRNs xin nói ngay, “luật sư” ở tựa đề bài viết này là một luật sư khác, không tham gia vào vai trò bào chữa cho luật sư Lê Quốc Quân. Chúng tôi đăng bài này để cung cấp thêm một góc nhìn sâu hơn về vụ án này cho quý vị độc giả.
———–

NHẬN XÉT SƠ LƯỢC VỀ VỤ ÁN “LÊ QUỐC QUÂN”


Vụ án “Lê Quốc Quân” tuy mang danh nghĩa “Trốn thuế” (theo cáo buộc của Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát căn cứ Điều 161 BLHS) nhưng trên thực tế có tính chất chính trị, bởi những lý do sau đây:

1. Khi chính quyền không thể giam cầm anh Lê Quốc Quân một cách công khai vì lý do chính trị hay “an ninh quốc gia”, thì từ một năm trước đó “vụ án trốn thuế” đã được đạo diễn nhằm mục đích tìm và tạo dựng chứng cứ cáo buộc và bắt giam anh Lê Quốc Quân. Hồ sơ thể hiện rõ vụ án này đã được CA TP Hà Nội chuẩn bị từ cuối năm 2011, lúc Phòng An ninh Kinh tế (PA 81) yêu cầu Cục thuế Hà Nội thanh tra thuế của 2 doanh nghiệp có liên quan đến anh Lê Quốc Quân là Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp và Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam (xem Công văn số 737/CV-CAHN-PA 81 ngày 26/12/2011 do Phòng An ninh Kinh tế gửi Cục thuế Hà Nội tại Bút lục số 0186). 
2. Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã hiểu vụ án này do Cơ quan an ninh, chứ không phải Cơ quan cảnh sát, chịu trách nhiệm điều tra, nên trong Quyết định số 73/QĐ-VKS(P1) ngày 25/2/2013 về việc gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã ghi “nhầm” rằng Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 38/CQCSĐT ngày 25/12/2012 là của “Cơ quan an ninh điều tra” (xem Bút lục 0008).  Đây là bằng chứng cho thấy trong suy nghĩ của nhà cầm quyền bản chất của vụ án này là chính trị, chứ không phải kinh tế thuần túy.
3. Mặt khác, các điều tra viên tham gia vụ án hầu hết từ Cơ quan an ninh điều tra, chứ không phải Cơ quan cảnh sát điều tra (xem 3 quyết định điều động cán bộ của Giám đốc CA TP Hà Nội ngày 18/10/2012 tại các Bút lục 0004, 0005 và 0006).  Tội trốn thuế theo Điều 161 BLHS thuộc nhóm “các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” quy định tại Chương XVI của BLHS, thông thường do Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành điều tra. Việc điều động nhân viên an ninh tham gia điều tra cho thấy tính chất “chính trị” rõ ràng của vụ án này.
Ở đây, có sự sai sót đến mức khôi hài trong 3 quyết định điều động cán bộ của Giám đốc CA TP Hà Nội đề ngày 18/10/2012 nêu trên, vì cơ sở của việc điều động điều tra viên lại dựa trên một quyết định khác được ban hành sau đó đến … 6 ngày (!?), đó là Quyết định số 572/QĐ-CAHN đề ngày 24/10/2012 về việc thành lập Ban chỉ đạo điều tra vụ án.
4. Vụ án này được Ban Giám đốc CA TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến mức thành lập hẳn một “Ban chỉ đạo điều tra vụ án” theo Quyết định số 572/QĐ-CAHN ngày 24/10/2012.  Đây là điều bất thường đối với bất kỳ vụ án trốn thuế mang bản chất “kinh tế” thuần túy nào.
Vào ngày 25/12/2012 Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) thuộc CA TP Hà Nội chính thức có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 38/CQCSĐT (xem Bút lục 0007), tức về mặt pháp lý kể từ ngày 25/12/2012 vụ án mới được bắt đầu. Nói cách khác, trong khi chưa có vụ án chính thức về phương diện tố tụng hình sự, CA TP Hà Nội đã chuẩn bị sẵn một “vụ án” với những “chứng cứ” được tạo dựng theo hướng cáo buộc anh Lê Quốc Quân vào tội “trốn thuế”. 
5. Mặc dù anh Lê Quốc Quân luôn yêu cầu sự tham gia của luật sư từ giai đoạn khởi tố bị can, nhưng hầu như toàn bộ quá trình điều tra xét hỏi đã diễn ra không có sự tham gia của luật sư. Theo Điều 58 của BLTTHS, chỉ trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, người bào chữa mới tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. 
Việc cản trở và gây khó khăn cho luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra xét hỏi vụ án “Lê Quốc Quân” cho thấy cơ quan điều tra luôn xem vụ án này có tính chất chính trị và liên quan đến “an ninh quốc gia”, hơn là mang bản chất kinh tế như luật định.
6. Trong Quyết định phê chuẩn lệnh khám xét số 02/QĐ-VKS(P1) ngày 26/12/2012, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội chỉ nhắc đến “Lệnh khám xét số 05 ngày 25/12/2012”, chứ không đề cập cụ thể và chính xác Lệnh khám xét số 06/CQCSĐT(PC46) ngày 25/12/2012 mà dựa vào đó cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi làm việc của anh Lê Quốc Quân trên thực tế (xem Bút lục 0021). 
Do đó, có thể nói Lệnh khám xét số 06/CQCSĐT(PC46) của Cơ quan cảnh sát điều tra không hề có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội theo yêu cầu tại Điều 141 Bộ luật TTHS. Tức là, việc khám xét mà Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành tại nơi làm việc của anh Lê Quốc Quân đã vi phạm thủ tục tố tụng. 
Đó là chưa nói đến việc anh Lê Quốc Quân liên tục phản đối và đề nghị điều tra hành vi của một số người mặc cảnh phục và thường phục đột nhập nơi làm việc của anh nhiều tháng trước đó để lấy đi một cách bất hợp pháp các tài liệu và chứng từ kế toán của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam (xem các Bút lục số 0183 và 0216), nhưng cơ quan điều tra vẫn cố tình làm ngơ, không xử lý.
7. Tại buổi khám xét nơi ở của anh Lê Quốc Quân, cơ quan điều tra đã tịch thu một số sách và tài liệu riêng của anh và gia đình. Theo Điều 145 BLTTHS, khi khám xét điều tra viên chỉ tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Trong Bảng thống kê tài liệu thu giữ (xem Bút lục số 0046), hầu hết sách và tài liệu bị tạm giữ đều có nội dung “nhạy cảm” về chính trị đối với nhà cầm quyền mặc dù không liên quan đến vụ án “trốn thuế”. Thay vì hoàn trả lại cho anh Lê Quốc Quân và gia đình, cơ quan điều tra khi mở niêm phong đồ vật vào ngày 20/3/2013 đã tiếp tục giữ lại. Trong Biên bản mở niêm phong lập cùng ngày, có đoạn ghi: “xét thấy một số đồ vật, tài liệu cần phải điều tra, xác minh làm rõ, nên CQĐT-Công an TP Hà Nội tiến hành thu giữ”. Như vậy, bên cạnh vấn đề “thuế”, dường như cơ quan điều tra rất quan tâm khía cạnh chính trị của vụ án này.
8. Quá trình điều tra xét hỏi vụ án đặt ra nhiều nghi vấn về cách thức thu thập chứng cứ. Toàn bộ cáo buộc của cơ quan điều tra đều dựa trên sự suy đoán theo hướng “có tội”, thay vì “vô tội”, và dựa trên lời khai của những người có liên quan. 
Thật vậy, đọc hồ sơ vụ án “Lê Quốc Quân”, người ta dễ dàng nhận ra rằng việc cáo buộc phạm tội của Cơ quan cảnh sát điều tra không dựa trên chứng cứ cụ thể và rõ ràng. Tất cả đều được dàn dựng một cách có chủ đích từ ban đầu như thể nhằm thực hiện một “đơn đặt hàng” buộc tội anh Quân. Bởi lẽ quá trình “phạm tội” của luật sư Lê Quốc Quân hầu như chỉ dựa vào sự suy đoán “có tội” từ các lời khai của những nhân viên Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam tại các buổi làm việc không có sự chứng kiến của luật sư, không có sự đối chất giữa họ và anh Quân, và chưa nói đến việc không loại trừ khả năng họ chịu áp lực từ chính Cơ quan cảnh sát điều tra.
Khoản 1 Điều 138 BLTTHS quy định rằng khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì điều tra viên tiến hành đối chất. Việc những người có liên quan khai nhận rằng anh Lê Quốc Quân “lập hồ sơ khống và chỉ đạo về việc dùng hoá đơn thuế GTGT khống” nhằm trốn thuế, mà dựa vào đó cơ quan điều tra đã cáo buộc anh Lê Quốc Quân phạm tội, rõ ràng mâu thuẫn với các tuyên bố của anh Quân trong quá trình xét hỏi. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không tiến hành đối chất và làm ngơ trước mọi yêu cầu của anh Quân. Việc anh Quân không nhận tội cũng đương nhiên mâu thuẫn với tất cả lời khai của những người có liên quan nêu trên. Dù vậy, hồ sơ vụ án đã không đề cập gì đến bất kỳ buổi đối chất nào trong quá trình điều tra xét hỏi. Đây rõ ràng là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Một Luật Sư
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét