Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Cái vạy



LTCGVN (01.07.2013)
Cái vạy hay cái ách hình cong vòng cung để vào cổ trâu hoặc bò kèm thêm hai sợi giây thòng ra sau giúp kéo cái cộ. Cộ là một loại xe kéo có hai bánh dùng để chuyên chở những vật nặng. Thay vì dùng sức người thì dùng sức loài vật giúp chuyên chở thay người.

Có nhiều cách khác nhau giúp di chuyển hàng hoá. Mỗi động tác vất vả, mất nhiều thời gian, công sức mà chỉ một chữ ngắn gọn, đủ diễn tả hình ảnh lao tác như các động từ đội, khuân, đeo, gánh, vác. Chỉ cần nhắc đến một chữ người nghe có thể mường tượng ra động tĩnh, nhìn ra hình ảnh người đang làm việc. Các động tác trên đều cần đến sức người. Tuỳ hoàn cảnh, nơi chốn, loại đường mà xử dụng cách nào cho thuận tiện.

Hình ảnh khá thân thương là hình ảnh người mẹ cõng hoặc đeo đứa nhỏ trên người. Đứa nhỏ ngồi trong cái túi, hai chân thòng xuống, người mẹ đeo sau lưng hay trước ngực vừa coi con an toàn vừa làm công việc cần thiết. Hình ảnh gần nhất là hình ảnh kangaroo mẹ đeo con trong túi trước ngực.


Hình ảnh phổ thông khác là cảnh các cô, các bà đội trên đầu thúng rau, trái cây, lúa gạo. Vật nặng đè trên cổ, toàn thân chịu sức nặng đè xuống. Một số địa phương thay vì đội thúng các bà, cô đội vò nước đi lại thoải mái lên đồi xuống dốc vò nước vẫn không đổ. Đội trên đầu dường như phổ thông cho nữ giới, ít khi thấy các ông đội. 

Trong khi đó gánh lại là cách chuyên chở chung cho cả hai giới. Đi từ cổ xuống vai. Đòn gánh trên vai. Đòn gánh là một khúc cây, hay tre dài độ hai thước, hai đầu có móc hai cái thúng dùng để gánh rau, lúa, gạo, vật dụng hoặc ngay cả gánh đất người miền quê gánh đổ nền nhà, đắp đập chặn nước hoặc đào mương dẫn nước. 

Khuân vác

Khi cần di chuyển một vật nặng trong một đoạn đường ngắn việc khuân vác trở thành thông dụng. Bắp thịt của hai cánh tay nâng vật nặng lên lệ khệ di chuyển đến chỗ muốn. Hình ảnh khác là vác trên vai. Miền quê có lẽ không ai là không nhìn thấy cảnh vác bao lúa xuống thuyền hay vác bao xi măng từ thuyền lên bến. Khuân và vác là các công việc phổ thông nơi các ông, có ít bà đôi khi làm công việc khuân vác nhưng đa số vẫn là các ông. 

Miền núi lại có hình ảnh người tiều phu chiều chiều vác bó củi trên đường về nhà từ nương rẫy. Hình ảnh quen thuộc gắn liền với cuộc sống miền sơn cước. Trong Cựu Ước sách Sáng Thế Kí chương 22 có kể câu chuyện thương tâm hai cha con Abraham và Isaac vác củi theo cha lên núi thánh hiến tế con mình cho Chúa. Trong Tân Ước phúc âm thánh Luca chương 15 kể câu chuyện nổi tiếng về lòng thương xót Chúa diễn tả Đức Kitô khi tìm được chiên lạc vác trên vai mang về đàn. Cõng vác có một lịch sử lâu dài trong thánh kinh và là một việc dùng sức người, dù là công việc nặng nhọc, nhưng diễn tả trọn vẹn ý nghĩa hy sinh và yêu thương. 

Khi cần mang vật nặng cổ không chịu nổi người ta nghĩ ra cách gánh trên vai. Công việc nặng nhọc hơn nữa trí khôn con người nghĩ ra cách kéo sau lưng và rồi nhờ súc vật làm thay người như kéo cầy, cộ lúa hoặc dùng xe bò kéo những khúc củi khổng lồ từ rừng về xưởng cưa xẻ. 

Vạy đôi

Trong số những cách khuân, kéo, gánh, vác thì kéo là cách mang được nhiều nhất và nhẹ nhất. Tưởng tượng chất trên lưng trâu bò mười bó lúa con vật sẽ không chịu được sức nặng trên lưng và sẽ không thể bước đi nhưng quị ngã. Tuy nhiên nếu chất lên một cộ mười bó lúa con vật vừa kéo cộ, dọc đường thấy ngọn cỏ ngon nó vẫn có thể ăn ngọn cỏ. Nhiều buổi chiều thấy con vật kéo cộ lúa đi lại trông thảnh thơi, nhẹ nhàng.

Một vài nơi còn nghĩ ra cách dùng hai con vật kéo đôi, cộ đôi, cầy đôi. Hai con vật chung một ách, một vạy. Hẳn nhiên hai con cùng kéo sẽ tăng thêm sức mạnh, sức mạnh của hai, cùng chung con đường, chung sức nặng và hỗ trợ nhau. Khi cả hai cùng kéo con vật ít mệt hơn và như thế vừa mau hoàn thành công việc cho chủ, lại bớt vất vả mệt mỏi cho vật. 

Mang chung ách

Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi thì êm ái, và gánh của tôi thì nhẹ nhàng Mt 11,30.

Lời mời gọi gợi lên hình ảnh mang chung ách, chung vạy, cùng kéo chung với nhau, cùng chia sẻ gánh nặng. Gánh nặng không còn phải một mình tự mang nữa nhưng có Chúa mang cùng. Điều rõ ràng Chúa nói là hãy mang lấy ách. Chúa không nói là sẽ cất ách đó đi nhưng mời gọi hãy mang chung một ách, hai người cùng mang chung, cùng kéo chung, sướng khổ, nặng nhẹ cùng chịu chung. Không phải một người mà cả hai cùng mang. 

Chung ách gánh nặng sẽ nhẹ đi vì gánh nặng trước đây do một người mang bây giờ chia ra mỗi người một phần nên gánh phải nhẹ hơn trước bội phần. Tất nhiên Chúa sẽ mang nhiều hơn ta nên có thể bốn sáu, có thể bảy ba, không rõ nhưng chắc chắc Chúa sẽ rộng lượng trong việc đỡ nâng.

Không những Chúa mang chung ách với ta mà còn ban thêm sức mạnh, bồi dưỡng để ta có thêm sức tiếp tục cùng với Ngài mang gánh nặng. Thánh Phao lô trong thư thứ hai gởi tín hữu Corintô cho biết ơn Chúa đủ cho ta vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối của ta. Trong Cựu Ước tiên tri Isaiah 40,29 cũng xác tín điều này.

Chúa ban sức cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực

Người làm cho nên cường tráng……

Những người cậy trông nơi Chúa thì được thêm sức mạnh

Như thể chim bằng, họ tung cánh

Chạy hoài không mệt mỏi, đi mãi chẳng chùn chân.


Được ban thêm sức mạnh, gánh nặng được chia ra và còn cho nghỉ ngơi lấy lại sức. Tất cả những điều trên đều qui vào kết quả 

ách trở nên êm ái, gánh trở nên nhẹ nhàng.

Khi chung ách như thế chắc chắn phải chung đường vì không thể cùng một ách mà mỗi người đi một hướng. Chia sẻ cùng con đường nên trong hai có một làm chỉ đạo. Công việc lại nhẹ hơn nữa vì người hướng dẫn luôn tiến bước trước, kéo trước người kia phụ hoạ theo. Như thế mang chung ách với Chúa ách sẽ trở nên nhẹ hơn, dễ dàng hơn. Mang chung ách với Chúa là sống thực thi ý Chúa. Làm chung công việc Chúa đang làm. Gánh nặng của riêng cá nhân ta biến thành gánh nặng của Chúa. Kẻ làm phụ lại thành chánh, đang là thợ vác chánh biến thành thợ vác phụ. 

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét