Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

SN CHÚA NHẬT THỨ BA MƯƠI HAI THƯỜNG NIÊN: "Tôi Tin Sự Sống Lại Của Thân Xác"

LTCGVN (10.11.2013)



CHÚA NHẬT THỨ BA MƯƠI HAI THƯỜNG NIÊN

2MA-CA-BÊ 7, 1-2.9-14 ; 2THÊ-SA-LÔ-NI-CA 2,16-3,5 ; LU-CA 20,27-38

Tôi Tin Sự Sống Lại Của Thân Xác



Qua bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy câu hỏi của những người Sa-đốc chất vấn Chúa Giê-su thật là kỳ lạ. Câu chất vấn đó tựa như lời vặn hỏi bắt bí Chúa. Câu hỏi ấy người Sa-đốc ám chỉ về sự sống lại của thân xác con người sau này. Vi chủ trương không lấy sự sống lại làm niềm tin, nên họ đã đưa ra câu hỏi về người đàn bà có bảy đời chồng ở thế gian này, để khi sống lại thì trong bảy anh chồng đó ai sẽ là người thuộc về bà ta, hoặc chẳng hạn những người đàn ông cùng đàn bà sẽ tiếp tục sinh ra những người con trai hay con gái nữa không.

Thế nhưng, như chúng thấy Chúa Giê-su không lấy thời gian để trả lời theo ý người Sa-đốc muốn. Ngài nói rằng trong Nước Trời vĩmh phúc, những người sống lại không còn sinh sản là trái hoặc gái nữa. Từ đó Chúa Giê-su cho họ thấy ở giữa họ có những mối tương quan của một loại kiểu khác. Những tương quan đó không còn lệ thuộc về xác thịt như người Sa-đốc nghĩ, mà ở đó cảm nghĩ của kẻ sống lại giống như các « thiên thần » Chúa Trời dựng nên. Và cuối cùng Chúa Giê-su kết luận sự giải thích của mình bằng cách trưng ra một lời của ông Mô-sê : « Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, chớ không phải Thiên Chúa của người chết » (Luca 20,38). Luận cứ của Chúa Giê-su thật là hệ trọng, bởi vì những người Sa-đốc cảm nghĩ ý tưởng sự sống lại của thân xác không có nền tảng vững chắc.

Quả thế không chỉ có các người Sa-đốc xưa kia không tin vào sự sống lại, mà ngay cả thời nay vẫn còn vô số người không tin sự sống lại của thân xác mình sau này. Hiện tượng này chẳng có gì là mới mẻ . Tuy nhiên những gì là mới đó, chính là chúng ta thấy được sự xuất hiện ở những người Ki-tô hữu Âu Mỹ một niềm tin mới, như họ tin vào sự đầu thai (réincarnation-reincarnation). Mới đây thôi ttheo sự thăm dò của một số báo chí tại Nước Pháp, họ thăm dò các tín hữu của một số nước Âu Mỹ, thì hiện tượng người Tây Phương tin vào thuyết luân hồi cùng sự đầu thai đạt đến con số 25o/o người tin. Bản thống kê thăm dò này cho ta rõ được vô số Ki-tô hữu nghĩ rằng họ có thể tin một lần vừa sự sống lại và vừa sự đầu thai . Qua đó. chúng ta thử tìm hiểu việc đầu thai, và khả dĩ thuyết đầu thai này có thể dung hòa được với niềm tin vào sự sống lại thân xác của chúng ta chăng?

Thuyết đầu thai đến với chúng ta hay người Âu Mỹ được xuất phát từ Ðông Phương. Nhất là từ trong triết lý Phật Giáo. Thuyết đó dạy rằng hồn người có thể đầu thai trong một thân thể khác : như con người hoặc súc vật vv.. Theo cảm nghĩ của người Á Ðông, thì kiếp đầu thai đó không phải là thực thể mong ước. Ðúng hơn, sự đầu thai này là một sự trừng phạt, một bất hạnh mà chúng ta phải chịu vì hậu quả của một kiếp sống trước đây đã sống gian ác, bất thiện. Ðể từ ý ấy, theo nhà Phật thí có một ý tưởng đưa đến trạng thái Niết Bàn (Nivrana), hầu đạt được một cảnh thái hoàn toàn hạnh phúc. Ðể có thể đạt đến trạng thái Niết Bàn, thì mỗi người phải tận diệt những thực thể dính bén vào vật chất này, phải làm chủ được mình cùng hoàn toàn thống trị được các đam mê dục vọng của mình. Và nếu người ta không sống hoàn thiện những gì trong đời sống đầu tiên này, thì họ phải đầu thai vào kiếp sống sau này để trả nợ cho những hành vi họ đã sống bất toàn ở kiếp sống trước.

Còn theo cảm tường của những người Tây Phương, thì sự đầu thai được họ mô tả như một thực tại tốt đẹp. Chẳng hạn họ nghĩ rằng thực tại cho phép một số người sống trong kiếp sống thứ hai, là những gì mà người ấy đã không có thể sống trong đời sống trước đây. Hay nữa họ nghĩ rằng đó chính là xây dựng lại sự công bằng trong thế giới này. Vi những người đã sống kiếp nghèo khổ, bất hạnh, rủi ro trong kiếp sống đầu, thì họ có thể trở nên giàu có, may mắn cùng hạnh phúc trong kiếp sống thứ hai. 

Là người Ki-tô hữu, chúng ta có được phép tin vào sự đầu thai ấy chăng? Là người Ki-tô hữu chúng ta vừa tin vào sự sống lại và vừa tin vào sự đầu thai đơực chăng? Sự trả lời cho hai câu hỏi này, là phủ định với những lý do sau đây :

Ðiều tiên khởi, quả sự đầu thai chúng ta thấy không có nền tảng trong Thánh Kinh, song sự sống lại thì có nền tảng. Sự sống lại đó được nói đến nhiều lần, nhất là câu hỏi về sự sống lại đó đế cấp đến trong Tin Mừng. Chẳng hạn như người ta bắt thấy trong đoạn Thánh Thư của thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh nhân nói rằng : « nếu không có sự sống lại, thì niềm tin của người tín hữu là bất hạnh » (1Côrintô 15,12tt). 

Ðiều thứ hai, sự hệ trọng hòa hợp của thân xác cùng linh hồn là khác biệt. Vì theo thuyết đầu thai thì thân xác chỉ có một chút quan trọng. Thân xác đó chỉ là sự bao bọc để chứa đựng linh hồn. Còn theo Ki-tô giáo chúng ta, thì sự hòa hợp của linh hồn và thân xác là một sự quan trọng lớn lao. Thân xác đó được xem như là một yếu tố cấu tạo nên bản thể của con người. Chúng ta có thân xác cùng linh hồn do Chúa Trời tạo dựng. Bởi vậy thật hệ trọng biết dường bao của của việc sống lại « với thân xác con người ». Hạnh phúc thay thân xác sẽ được biến đổi, thân xác sẽ được linh hồn hóa nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, bởi được Ngài chiếm hữu, nó sẽ trở nên tốt đẹp, rồi thân xác sẽ tuyệt với như thánh Phao-lô dạy (1Corintô 15,14).

Ðiều thứ ba, là đạt đến ơn cứu độ hay Niết Bàn theo thuyết đầu thai, là một công việc của con người, chính con người tác tạo. Trái lại, theo Ki-tô-giáo, điểm quan trọng của sự cố gắng của con người theo nhãn quan ơn cứu độ, chắc chắn người ta không phủ nhận, song không bao giờ con người có thể tự cứu lấy được mình, không bao giờ điều đó có thể. Tuy nhên, với nổ lực cố gắng cùng với các hành vi thiện hảo, con người xứng đáng nhận lãnh được sự tha thứ do các lỗi lầm của mình vấp phạm. Do thế, sự tha thứ chính là lối vào của ơn cứu độ, là một hồng ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Vả nữa, mỗi sự sống ở trên trái đất này không có gì thay đổi được điều nói này.

Ðiều sau cùng, với những ai tin vào sự đầu thai, thì trách nhiệm cá nhân của họ vào đời sống này là tương đối hóa. Nếu như họ khốn khổ trong đời sống này, thì họ có thể sẽ luôn được đầu thai lại trong một đời sống khác hạnh phúc hơn hiện nay. Còn đối với những ai tin vào sự sống lại, thì chỉ có một sự hiện hữu của sự sống. Sự sống đó đã định. Do thế, ngay từ đời sống này, mọi người chúng ta đều có một liên hệ với Chúa Ki-tô, để đón nhận ơn cứu độ hay từ khước ơn Ngài ban tặng.

Ðể kết luận, chúng ta nghĩ không thể nào tương hợp được giữa hai thuyết này. Ðể từ đó, ngay bây giờ, chúng ta cảm thức được lời tuyên xưng đức tin của mình : « chúng tôi tin vào sự tha tội, và chúng tôi tin vào sự sống lại của thân xác mai sau », hầu được hưởng hoan lạc và vinh phúc cùng Chúa Trời đời đời! 
Amen. 

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng, 
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN







0 nhận xét:

Đăng nhận xét