Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Phong trào đấu tranh - Mạng xã hội - Đời thực - Lãnh tụ


LTCGVN (18.11.2013)- Là người con của dân tộc Việt Nam có một chút tâm huyết đấu tranh cho dân chủ trên quê hương mình nên cũng có những đêm tôi nằm trằn trọc không ngủ được, theo dòng suy nghĩ miên man. Tôi tự hỏi ở nước ta cũng có nhiều những người tài giỏi, không thiếu những người có tâm, có tài đã và đang dấn thân vào công cuộc đấu tranh vì một ngày mai cho tương lai nước Việt. Có những người đã phải hi sinh cả tính mạng, hoặc là phải sống trong ngục tù, bị đày đọa, giày vò, chịu nhiều đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác. Nhưng tại sao sự nghiệp đấu tranh vẫn rơi vào vòng bế tắc, luẩn quẩn như chính cuộc sống của đại bộ phận nhân dân Việt Nam?

Thứ Nhất: Phong trào đấu tranh

Thời gian qua trên khắp mọi miền tổ quốc đã diễn ra rất nhiều các cuộc biểu tình: biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình của dân oan chống nhà cầm quyền cướp đất, biểu tình của bà con giáo dân chống chính quyền bắt người vô cớ, biểu tình phản đối bản án đối với các nhà hoạt động dân chủ, biểu tình phản đối công an đánh chết người,... Tất cả các cuộc biểu tình trên đều gắn liền với một sự kiện cụ thể nào đó và dĩ nhiên là nó mang tính tự phát nhưng suy cho cùng chúng đều có một điểm chung xuất phát từ nguyên nhân sâu xa đó là sự lãnh đạo độc đoán và bất nhân của đảng cộng sản. Và bởi vì các cuộc biểu tình nói trên đều mang tính tự phát nên chúng nhanh chóng bị nhà cầm quyền dập tắt khá dễ dàng bằng đội ngũ đông đảo công an, quân đội,... được vũ trang và có tổ chức.

Thứ hai: Mạng xã hội

Ở trên ta đã phân tích nguyên nhân thất bại của các cuộc đấu tranh, bởi vì chúng tự phát và đơn lẻ. Mặc dù có 100, 1000,... cuộc đấu tranh đơn lẻ như thế xảy ra ở nhiều nơi thì cũng lần lượt bị bẻ gãy một cách dễ dàng. Vậy làm sao để biến 100, 1000,... cuộc biểu tình đó thành một cuộc xuống đường của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đến đây tôi nghĩ mạng xã hội sẽ là một phương tiện hữu hiệu nhất để liên kết những cuộc đấu tranh đó lại. Đây là cơ sở hay nói đúng hơn là hạt nhân để có một cuộc xuống đường lớn trong đời thực.

Thứ ba: Đời thực

Nói đến các cuộc biểu tình hay xuống đường tức là nói đến những con người có chung một mục đích, ý chí tập hợp nhau lại tại một địa điểm cụ thể nào đó để phản đối hoặc biểu dương một tinh thần nào đó để thỏa mãn những mục đích chung của họ. Chúng ta không thể biểu tình bằng việc chỉ ngồi máy tính và di chuột vào trang facebook được. Vì vậy chúng ta cần phải triển khai tinh thần liên kết thông qua mạng xã hội đó vào đời thực. Và tôi nghĩ đến lúc này chúng ta phải dùng đến một phương tiện thông tin hữu ích khác nữa đó là truyền đơn. Phương tiện này cũng đã được rất nhiều người đấu tranh có tâm huyết trước đây sử dụng nhưng nói chung là đều thất bại theo tôi có 2 nguyên nhân chính sau đây:

1. Làm việc đơn độc

Việc một người hoặc một nhóm người nào đó tổ chức phát Truyền đơn trên một địa bàn nhằm mục đích tuyên truyền cho lý tưởng của họ sẽ dễ dàng bị hệ thống mật vụ dầy đặc của nhà cầm quyền phát hiện và cô lập. Nhưng nếu đây là tập hợp đông đảo của những người sử dụng mạng xã hội thì mọi chuyện coi như sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.

2. Không gắn vào truyền đơn công thức phát tán của chúng

Nếu bạn nào đã có thời gian tiếp xúc với môi trường kinh doanh hàng đa cấp thì sẽ dễ dàng hiểu ra điều tôi sắp nói đến là gì. Trước hết xin hãy bỏ qua những vụ lùm xùm, lừa đảo của những người kinh doanh theo mạng mà hãy chú ý đến ý tưởng khá độc đáo của họ.

Trong ngành kinh doanh theo mạng là một ngành bán hàng thông qua các kênh phân phối đó là các nhân viên bán hàng đa cấp. Theo lý thuyết của ngành kinh doanh này tôi lấy ví dụ đơn giản nhất: 

Nhân viên A có 2 nhân viên trực thuộc là B1, B2;
Tiếp đến B1 có 2 nhân viên dưới quyền là C1, C2. 
B2 có 2 nhân viên dưới quyền là D1, D2.
v.v...

Cứ tiếp tục như vậy tạo thành một hệ thống phân phối theo cấp số nhân 2 thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16, 16 thành 32,...

Vậy, áp dụng nguyên tắc phát triển trên vào việc phát tán truyền đơn thì tại sao chúng ta không ghi rằng “Nếu mỗi người là một công dân của dân tộc Việt Nam Thì hãy photo hoặc chép ra tối thiểu là 3 bản để phân phát cho những người xung quanh”. Tôi tin rằng với mỗi người dân khi nhắc đến nghĩa vụ đối với Tổ quốc thì họ sẽ sẵn sàng ủng hộ. Và quan trọng hơn ở đây chúng ta đã thiết lập được công thức lưu hành trên chính tờ truyền đơn đó, công thức đó chính là dòng ghi chú trong ngoặc kép. Với phương thức đó thì chẳng bao lâu truyền đơn sẽ ngập tràn trên lãnh thổ Việt Nam và sẽ quy tụ được toàn dân xuống đường trong nay mai.

Thứ tư: Lãnh tụ

Để công cuộc đấu tranh trở thành tự giác và có hệ thống thì phải có một tổ chức, một người có đủ tầm ảnh hưởng đứng ra lãnh đạo gọi là Lãnh tụ. Nói đến Lãnh tụ thì đó phải là một người có đủ tài, đủ đức và đặc biệt là phải đại diện cho quyền lợi, ý chí của số đông đại bộ phận Nhân dân. Vậy, từ các phong trào đấu tranh nhỏ, các nhóm nhỏ đấu tranh tự phát được quy tụ lại thành một tập thể đủ lớn và Lãnh tụ sẽ là người có tầm ảnh hưởng nhất trong tập thể đó đứng ra chịu trách nhiệm lãnh đạo quần chúng.

Kết luận

Trên đây chỉ là một thiển ý của cá nhân tôi, và mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ tìm ra những phương thức đấu tranh hữu hiệu cho sự nghiệp dân chủ hóa xã hội, là con đường duy nhất của Dân tộc ta trong thời đại ngày nay. Xin chân thành cảm ơn!

15/11/2013


0 nhận xét:

Đăng nhận xét