Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Các tranh chấp phe phái thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam


LTCGVN (28.11.2013) 

 Thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 28/11/2013 tại Quốc hội VN, là một hình thức khác, của trận bốc sơ giữa Sang, Trọng bốc sơ với Dũng. Tại Quốc hội, Thủ tướng có vẻ yếu thế. Ông ta tranh thủ thời gian để phong cấp 2 phó tướng cho mình và điều 1 phó thủ tướng sang Mặt Trận. Đây có phải là thỏa hiệp của ông ta với các đối thủ chính trị, đổi lấy việc thông qua Sửa đổi Hiến pháp lần này? Thủ tướng đang tính cho tương lai. Hay, hiện tại bị Thủ tướng bỏ quên, để Trọng, Sang chiếm thượng phong tại Quốc hội?

Ông ta đã tính đúng, hay ông ta tính sai, tương lai sẽ trả lời...

*

Việt Nam đã có 4 Hiến pháp: năm 1946, năm 1959, năm 1980, và năm 1992.

Riêng bản Hiến pháp 1992 đã trải qua một lần sửa đổi năm 2001.

Từ đầu năm 2013, Quốc hội cộng sản VN đã công khai một "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992" mới, và họ dự định vào ngày 28/11/2013 sẽ thông qua bản sửa đổi Hiến pháp này.

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này bị trí thức Việt Nam cực lực phản đối bởi tính lỗi thời, cổ hủ của nó. Hàng trăm bài viết, với các góc độ phân tích khác nhau trên các trang mạng "lề dân" thể hiện tâm huyết người trí thức Việt Nam, muốn góp ý cho Dự thảo Hiến pháp trước hiểm họa xâm lăng Trung Quốc và trước những cơ hội mới cho sự phát triển của Việt Nam.

Tất cả đều bị Bộ chính trị ĐCS VN vứt vào sọt rác. Họ khăng khăng sẽ thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do chính ĐCS VN đề nghị.

Thực ra, tâm huyết của trí thức Việt Nam là muốn có một Hiến pháp mới cho giai đoạn mới đầy thử thách sống còn của dân tộc Việt Nam, trong quá trình xây dựng và pháp triển một nhà nước của các dân tộc Việt trên bán đảo Đông Dương. Hiến pháp này sẽ đoàn kết toàn dân tộc, mở ra một giai đoạn mới, hòng xây dựng một nước Việt Nam công bằng hơn, hùng cường hơn, có nội lực cường tráng nhằm chống lại những mưu đồ xâm lược vô cùng nham hiểm của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Tâm huyết của trí thức Việt Nam hoàn toàn trái ngược với những ý đồ của ĐCS VN khi họ muốn bản sửa đổi Hiến pháp lần này được thông qua tại Quốc hội.

Trước hết, ĐCS VN không quan tâm đến lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia Việt Nam. Đối với ĐCS VN, sự tồn tại của chính đảng này quan trọng hơn nhiều so với sự tồn tại của dân tộc Việt Nam. Bằng chứng là họ đã liên tục bán nước cho Trung Quốc để gìn giữ sự tồn tại của mình.

Đầu tiên, để có một quốc gia hòng thiết lập nhà nước cộng sản chuyên chính, họ đã vi hiến (Hiến pháp 1946 qui định Việt Nam là 1 quốc gia thống nhất từ Móng Cái đến Cà Mau). Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 chia cắt Việt Nam thành 2 Miền. Sau nữa, ngày 14/9/1958, công hàm bán nước Phạm Văn Đồng đã trao cho Trung Quốc cái cớ để Trung Quốc xâm lược biển, đảo của Việt Nam (lại vi hiến lần nữa). Trước những xâm lược của Trung Quốc tại 2 quần đảo Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988, 1990), phản ứng của Cộng sản VN là mờ nhạt. Sự việc Nhà nước cộng sản Việt Nam đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới và vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, cắt cho Trung Quốc Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, các cao điểm quanh cao điểm 1590 Hà Giang... đã chứng tỏ: ĐCS VN đặt quan hệ thần phục Trung Quốc lên trên lợi ích quốc gia tối thượng của Quốc gia Việt Nam...

Trước thềm sự kiện đáng ra rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam: sự ra đời của một bản Hiến pháp mới, thì sự kiện này lại trở thành một trò hề dân chủ rẻ tiền do ĐCS VN đạo diễn, tôi muốn truyền tải đến bạn đọc một khía cạnh phê bình những Hiến pháp VN: Quốc hội Việt Nam đã thông qua những Hiến pháp chủ yếu nhằm phục vụ quyền lực của một phe phái trong ĐCS VN, mà không phục vụ lợi ích của dân tộc Việt Nam.

1. Hiến pháp 1946

Hồ Chí Minh về Việt Nam năm 1941. Dĩ nhiên, một người bôn ba hải ngoại, không trực tiếp gây dựng cơ sở chi bộ, không trực tiếp tuyên truyền cộng sản, không trực tiếp đấu tranh với mật vụ Pháp... thì làm sao có thể dễ dàng nắm quyền lãnh đạo, đứng trên các đồng chí trong nước của mình được. Tuy gặp khó khăn, nhưng do những lão luyện chính trị đã thu thập được, Hồ Chí Minh chủ yếu dựa vào các cán bộ cộng sản thuộc Liên khu Cao Bắc Lạng như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... để thành lập quyền lãnh đạo của mình trên cả nước. Những hoạt động của Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Hiến pháp 1946 tại các Điều:

Điều thứ 49
Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

a) Thay mặt cho nước.

b) Giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân.

c) Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ.

d) Chủ tọa Hội đồng Chính phủ.

đ) Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị.

e) Thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự.

g) Đặc xá.

h) Ký hiệp ước với các nước.

i) Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước.

k) Tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định.

Điều thứ 50
Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.

Điều thứ 51
Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Tòa án đặc biệt để xét xử.

Việc bắt bớ và truy tố trước Tòa án một nhân viên Nội các về thường tội phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ.”

Như vậy trong Hiến pháp 1946, quyền lực của Hồ Chí Minh rất mạnh. Hiến pháp 1946 chưa có bóng dáng của ĐCS VN, của các đồng chí ăn ngủ dưới hầm đất tại Miền Trung hay trong các chiến khu bưng biền Đồng tháp Miền Nam...

Nhưng lực lượng này không khoanh tay nhìn các đồng chí Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh... chia nhau miếng bánh quyền lực trên dân tộc Việt Nam.

Những sai phạm tày trời như ký hiệp định Gơ-Ne-Vơ 1954 chia cắt Việt Nam, cải cách ruộng đất 1950-1953 giết hại hàng trăm nghìn nông dân Việt Nam... của ban lãnh đạo do Hồ Chí Minh đứng đầu đã tạo ra các cớ để Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... phản công. Vụ án xét lại năm 1967, 1968 đã chứng tỏ vị thế của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... Họ đã có thể bắt các tướng lĩnh thân cận của nhóm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... mà cả Hồ và Võ chỉ có thể đứng nhìn, mà không bảo vệ được ai cả.

Thực ra thì sự đắc thắng của phe Duẩn, Thọ... đã hình thành từ trước các năm 1967-1968.

Tước bớt quyền lực của Hồ Chí Minh, hay là Hồ Chí Minh phải xuống thang chịu lép, đã thể hiện ở Hiến pháp 1959, mặc dù hiến pháp này cũng do chính Hồ Chí Minh lãnh đạo để soạn thảo.

2. Hiến pháp 1959

Hiến pháp 1959 có 1 chương riêng về Chủ tịch nước. Dĩ nhiên chức này dành cho Hồ Chí Minh.

"Điều 63
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội mà công bố pháp luật, pháp lệnh; bổ nhiệm, bãi miễn Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bổ nhiệm, bãi miễn Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng; công bố lệnh đại xá và lệnh đặc xá; tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước; tuyên bố tình trạng chiến tranh; công bố lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố lệnh giới nghiêm.

Điều 64
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp nhận đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài cử đến; căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội mà phê chuẩn hiệp ước ký với nước ngoài, cử và triệu hồi đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở nước ngoài.

Điều 65
Chủ tịch nước việt Nam dân chủ cộng hòa thống lĩnh các lực lượng vũ tranh toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng.

Điều 66
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Điều 67
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ tọa Hội nghị chính trị đặc biệt.

Hội nghị chính trị đặc biệt gồm có Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những người hữu quan khác.

Hội nghị chính trị đặc biệt xét những vấn đề lớn của nước nhà. Những ý kiến của Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chuyển đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ hoặc các cơ quan hữu quan khác để thảo luận và ra quyết định."

Như vậy, so sánh với những qui định của Hiến Pháp 1946, quyền lực của Chủ tịch nước đã co hẹp lại ở những điểm sau:

1. Tuy vẫn là "thống lĩnh các lực lượng vũ tranh toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng."/ điều 65/ nhưng bây giờ chỉ còn là chức vụ tượng trưng.

Muốn lãnh đạo quân đội, phải chỉ huy được tướng lĩnh cao cấp.

Việc phong quân hàm tướng lĩnh của Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946 đã bị tước bỏ trong Hiến pháp 1959.

2. Trước đây Chủ tịch nước "d) Chủ tọa Hội đồng Chính phủ."/xem Hiến pháp 1946 trên/, nay tại điều 66 của Hiến pháp 1959:

"Điều 66
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ."

Trước đây Chủ tịch nước lãnh đạo Chính phủ, Hiến pháp 1959 tước đi quyền lãnh đạo thường xuyên này, mà chỉ cho phép "khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

3. Tuy Hiến pháp 1959 còn cho Chủ tịch nước quyền bổ nhiệm bãi miễn Thủ tướng, phó thủ tướng... nhưng phải có quyết định của Quốc hội hay Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mà Quốc hội do Đảng CS VN lãnh đạo.

....

Quyền hạn của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã bị thu hẹp lại.

Ban tổ chức TW đảng đã có thể quyết định ai lên tướng, ai mất quân hàm.

Hệ lụy của sự mất đi quyền lực của Chủ tịch nước là việc Tướng Giáp đã phải khoanh tay nhìn các chiến hữu của mình bị bắt và bức cung năm 67-68.

3. Hiến pháp 1980

Đây là Hiến pháp toàn thắng của Lê Duẩn.

Lê Duẩn dựa trên xương máu của hơn 5 triệu người Việt Nam đắc thắng, thể hiện trong Hiến pháp 1980. Ông ta công nhiên bắt toàn dân tộc Việt Nam phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, bắt toàn dân tộc Việt Nam phải sống trong "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Tuy vậy, trớ trêu của lịch sử là bằng văn bản giấy trắng, mực đen Điều 2 của Hiến pháp này viết: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động".

Năm 1990, nhà nước thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động đầu tiên trên thế giới bị sụp đổ ở Liên Bang Xô Viết.

Hiến pháp 1980 là Hiến pháp cộng sản, thể hiện ham muốn quyền lực to lớn của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Hiến pháp này đã gây ra kiệt quệ tinh lực Việt Nam và sự cô lập của Việt Nam trước thế giới trong thập kỷ 80.

Duy nhất còn có ý nghĩa là đoạn văn sau đây của nó:

"Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình."

4. Hiến pháp 1992

Đây là Hiến pháp của Nguyễn Văn Linh Đỗ Mười, Lê Đức Anh... và đồng bọn. Hiến pháp này loại bỏ đoạn văn tôi vừa trích trên về Trung Quốc, mở đường cho sự thần phục Trung Quốc của Đảng CS VN. Nói theo cố Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: mở đường cho"Một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu".

Tôi sẽ bỏ qua Sửa Đổi Hiến pháp 1992 năm 2001, mà phân tích ngay Sửa đổi chuẩn bị thông qua tại Quốc hội VN ngày 28/11 sắp tới.

5. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013

Nội dung của Bản sửa đổi này cũng như các bản trước, thể hiện tranh chấp trong nội bộ ĐCS VN. Bản sửa đổi năm nay, có 3 nội dung chính:

1. Trong kinh tế thị trường, Thủ tướng nắm, giải ngân cả chi tiêu của Nhà nước Việt Nam. Cho tới hôm nay, Thủ tướng còn bổ nhiệm các tướng lính cao cấp...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang muốn có thêm quyền lực, ông ta muốn có quyền phong quân hàm cho các tướng lĩnh cao cấp.

Đây là một nội dung của Dự thảo sửa đổi lần này.

2. Lần đầu tiên trong Hiến pháp xuất hiện đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải trung thành với ĐCS VN.

3. Tái lặp lại khẳng định Điều 4 của Hiến pháp 1992 về quyền đứng trên Hiến pháp, pháp luật của ĐCS VN.

Nội dung 2 và 3 vừa nêu là thể hiện mong muốn được trở lại vị trí của một Tổng Bí Thư đầy uy quyền thời Lê Duẩn của Nguyễn Phú Trọng.

Cũng có một ít son tô như vài dòng về Nhân Quyền.

Đây chỉ là thủ thuật chính trị của ĐCS VN. Cho dù họ có ký 1000 điều ước về Nhân Quyền với thế giới, cũng không bao giờ họ thực hiện.

Ta đã thấy điều này với quyền tự do hội họp, tự do phát biểu chính kiến... tự do biểu tình... được thực hiện như thế nào tại Việt Nam.

Kết Luận

Thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 28/11/2013 tại Quốc hội VN, là một hình thức khác, của trận bốc sơ giữa Sang, Trọng bốc sơ với Dũng.

Tại Quốc hội, Thủ tướng có vẻ yếu thế. Ông ta tranh thủ thời gian để phong cấp 2 phó tướng cho mình và điều 1 phó thủ tướng sang Mặt Trận.

Đây có phải là thỏa hiệp của ông ta với các đối thủ chính trị, đổi lấy việc thông qua Sửa đổi Hiến pháp lần này?

Thủ tướng đang tính cho tương lai.

Hay, hiện tại bị Thủ tướng bỏ quên, để Trọng, Sang chiếm thượng phong tại Quốc hội?

Ông ta đã tính đúng, hay ông ta tính sai, tương lai sẽ trả lời.

Tuy vậy quá khứ đã có bài học của Tướng Giáp thua trận năm 67-68, do hệ lụy thua trận tại Hiến pháp 1959.

Thủ tướng Dũng tuy thoát cảnh bị Tổng Trọng cùm tay ở Hội nghị 6, nhưng đấy chỉ là một trận chiến, một hiệp bốc sơ.

Chỉ khi tiếng cồng dài và trọng tài tuyên bố thắng trận thì mới là kết quả thực sự.

Đây là kết cục trận bốc sơ thể dục.

Trận bốc sơ của Thủ tướng đấu với Chủ tịch nước và Tổng Bí Thư đang được các đấu thủ giở hết tài năng, thủ đoạn... khẩn trương tiến hành.

Chỉ một tính toán sai, là có thể thành kẻ bại trận.

Trong trận bốc sơ này, người dân Việt Nam luôn chịu thiệt thòi với một bản Hiến pháp lạc hậu lỗi thời, không nói lên được ước muốn trường tồn, hùng cường của một dân tộc xứng đáng với ước mơ này.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét