Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Giã từ ma qủy

LTCGVN (07.11.2013)


Cả hai vị giáo hoàng hiện tại thế đều nhiều lần nhắc tới sự hiện hữu của ma qủy và tác hại của nó đối với các Kitô hữu. 


“Giã Từ Ma Qủy” là tên một cuốn sách của một học giả Cựu Ước. Tác giả này nói lên quan điểm của nhiều người hiện nay cho rằng “đến nay, ta hiểu hạn từ ‘qủy’ trong Tân Ước chỉ để thay thế cho hạn từ ‘tội lỗi’ mà thôi”. Họ muốn nói: quỷ chỉ là hình ảnh của tội lỗi, là điều Chúa Giêsu nói để gây chút sợ hãi cho ta, chứ không phải là một ai đó mà ta phải sợ, một ai đó mà ta có thể chứng minh được sự hiện hữu và là một tên đê tiện mà ta khó có thể giải thích bằng khoa tâm lý học hiện đại.

Qủy thích ẩn danh

Đức Bênêđíctô XVI từng viết cho tác giả trên để đối chất quan điểm của ông. Trước khi lược qua quan điểm của Đức Bênêđíctô về vấn đề này, tưởng nên vắn tắt nói ít điều về diễn trình của ý niệm ‘qủy’ trong Cựu Ước. Theo tiến sĩ Matthew Ramage, tác giả cuốn Dark Passages of the Bible: Engaging Scripture with Benedict XVI and Thomas Aquinas (2013, CUA Press), ý niệm qủy là điều người Do Thái khai triển rất từ từ trong lịch sử cứu rỗi của họ. Các lớp lang đầu tiên của Cựu Ước không đề cập tới quyền lực ma qủy. Thay vào đó, ý niệm sự ác được gán cho chính Thiên Chúa. Chỉ cần đơn cử một thí dụ: Sách Samuen quyển một, chẳng hạn, đã coi Thiên Chúa là người gây nên việc “qủy ám” nơi Vua Saun: “Thần khí Đức Chúa rời khỏi Vua Saun và một thần khí xấu từ Đức Chúa đến ám Vua” (1Sm 16:14; xem thêm 18:10; 19:9). 

Sau này, khi thấy ý niệm ác không thể đi đôi với bản tính Thiên Chúa, quan điểm trên đã được thay thế bằng quan điểm cho rằng sự ác không trực tiếp do Thiên Chúa, mà là do ý chí của con người và ma qủy gây ra, những ý chí vốn được Thiên Chúa ban tự do để làm điều thiện và làm điều ác. Nhưng cả ở đây nữa, người hiện đại cũng vẫn tự hỏi liệu khai triển trên có thực sự hợp pháp không và dựa vào khoa học hiện nay, ta có thể khai triển thêm không. Họ bảo Kitô Giáo ngày xưa vốn theo chủ nghĩa coi trái đất là trung tâm của vũ trụ, và sau đó, các lý thuyết của Copernicus và Galileo buộc ta phải thay đổi quan điểm ấy. Phải chăng nay cũng nên dựa vào khoa học hiện đại để duyệt lại học lý của ta về ma qủy?

Để trả lời cho những thắc mắc ấy, Đức Bênêđíctô XVI bảo ta phải phân biệt một bên là “sứ điệp tín lý của Thánh Kinh” và một bên là “những gì chỉ như cỗ xe tạm thời và tùy thể chuyên chở chủ đề thực sự của nó”. Nghĩa là: ta phải phân biệt “nội dung” Sách Thánh với “hình thức” của nó. Điều chủ yếu ở đây là biện phân “điều gì cần thiết điều gì không cần thiết cho việc tuyên xưng đức tin” và phải minh xác “chỗ nào đức tin kết thúc và chỗ nào thế giới quan bắt đầu”. Dùng một hình ảnh khá gợi hình, ngài bảo: với thời đại đổi thay, ta phải học hỏi không ngừng để phân biệt “các định tinh” (fixed stars) khỏi “các hành tinh”, phân biệt “việc định hướng vĩnh viễn” khỏi ‘các chuyển vần thoáng qua”. Về thế giới quan khoa học của Sách Sáng Thế, ta không thể chối cãi được sự kiện này: soạn giả của nó thiếu hẳn kiến thức ta có hiện nay nhờ khoa vật lý học hiện đại. 

Theo Đức Bênêđíctô XVI, khi mô tả thế giới như được dựng nên trong bẩy ngày, “điều này không đúng một cách trực tiếp, theo nghĩa chiểu tự hoàn toàn”, nhưng đúng hơn, những phát biểu như thế “chỉ có giá trị bao lâu chúng là thành phần của lịch sử dẫn tới Chúa Kitô”.

Giáo Hội vẫn không ngừng nhấn mạnh rằng Sách Thánh chỉ vô ngộ trong những điều được đức tin xác quyết. Hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vatican II dạy rằng “mọi sự được các tác giả linh hứng hay tác giả thánh quả quyết phải được coi như được Chúa Thánh Thần quả quyết”. Điều quan trọng không kém là Sách Thánh không có ý định đưa ra các chủ trương về khoa học. Chính vì thế, Đức Bênêđíctô XVI mới có thể phát biểu như trên. 

Như thế, phải xử lý ra sao các lời quả quyết của Sách Thánh liên quan tới vấn đề sự ác và tên quái ác là ma qủy? Trước nhất, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng có một lý do khiến các bản văn đầu tiên của Cựu Ước muốn gán sự ác cho chính Thiên Chúa: “Trong lịch sử đầu tiên của đức tin Cựu Ước, những bàn luận về quyền lực ma qủy phải bị gạt qua một bên, bởi vì đầu hết, bất cứ sự hàm hồ nào trong đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất cũng cần được chống lại một cách cương quyết. Trong một môi trường đầy ứ ngẫu thần, nơi mà các biên giới giữa thần tốt và thần xấu khá mờ nhạt, thì bất cứ việc nhắc tới Satan nào cũng khiến người ta sao lãng đối với tính minh bạch rõ ràng trong việc dứt khoát tuyên xứng đức tin. Chỉ sau khi đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, với mọi hậu quả có thể có của nó, đã trở nên vững vàng đến không thể lay động nơi Israel, thì thế giới quan của họ mới có thể được mở rộng để bao gồm các quyền lực đang lấn lướt thế giới con người, mà không để chúng thách thức bất cứ cách nào tính duy nhất của Thiên Chúa”. 

Nói theo C.S. Lewis, Thiên Chúa phải cẩn trọng trong việc không mạc khải quá sớm một số chân lý nào đó cho dân tộc Do Thái. Giống bất cứ thầy cô tốt lành nào, Thiên Chúa xử trí trước nhất với những điều cần phải xử trí trước nhất, và điều này bắt đầu với việc sử dụng các dân tộc đa thần ngoại giáo và dạy họ học lý độc thần. Các chân lý khác của đức tin, như sự hiện hữu của ma qủy, phải chờ một thời gian sau.

Trong các trước tác Giáo Phụ, phương pháp dạy dỗ kiểu tiệm tiến trên đây của Thiên Chúa có tên đặc biệt là khoa sư phạm thần linh. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo giải thích khoa này như sau: “Ý định mặc khải được thể hiện cùng một trật qua ‘hành động và lời nói, cả hai liên kết chặt chẽ và soi sáng cho nhau’(DV 2). Ý định đó hàm chứa ‘một đường lối sư phạm thần linh’ đặc biệt của Thiên Chúa : Thiên Chúa thông ban chính mình cho con người một cách tiệm tiến, chuẩn bị từng giai đoạn để con người đón nhận mặc khải siêu nhiên về chính bản thân Người. Mặc khải này sẽ đạt tới tột đỉnh nơi con người và sứ mạng của Lời nhập thể là Ðức Giê-su Ki-tô” (Số 53). Ở tột đỉnh khoa sư phạm thần linh này, ta gặp Chúa Giêsu với một giáo huấn minh nhiên quả quyết sự hiện hữu của ma qủy; và sứ vụ của Người thường bao gồm việc loại trừ các sức mạnh ma quái này khỏi người bị ám. Liệu có đúng chăng khi coi những gì Chúa Giêsu nói và làm liên quan tới ma qủy là dị đoan mê tín? Đức Bênêđíctô không nghĩ như thế: “Cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại các quyền lực nô dịch, tức việc trừ qủy công bố trên một thế giới bị nó làm cho mù lòa, là một phần gắn liền không thể tách biệt khỏi con đường thiêng liêng của Chúa Giêsu, một con đường nằm ngay trong tâm điểm sứ vụ của Người… Nhân vật Giêsu, diện mạo thiêng liêng của Người, không thay đổi bất chấp mặt trời chạy quanh trái đất hay trái đất chạy quanh mặt trời, bất chấp thế giới này xuất hiện qua diễn trình biến hóa hay không; nhưng sẽ có thay đổi quan yếu nếu bạn dẹp bỏ cuộc chiến đấu sinh tử với sức mạnh của vương quốc qủy ma”. 

Tất cả những điều trên là để nói rằng sự hiện hữu của ma qủy là một phần trong kho tàng đức tin, một điều được Chúa Kitô mạc khải cho ta và là điều ta có thể biết chắc chắn. Điều quan trọng cần phải biết là ma qủy không phải chỉ là một hình ảnh, vì nếu ta muốn đánh trận đánh Kitô Giáo kiên cường, ta cần biết mình đánh cái gì hay đánh ai.

Thánh Phaolô vốn dạy ta: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Eph 6:12). Đối với Đức GH Hưu Trí Bênêđíctô và Đức GH Hiển Trị Phanxicô, điều chủ yếu là “nhiệm vụ trừ qủy” của Kitô hữu phải trở nên khẩn trương như buổi đầu Kitô Giáo. Qủy thích dấu mặt, thích ẩn danh. Kitô hữu ngày nay “sẽ thu nhỏ nhiệm vụ của mình khi giúp qủy ngụy trang trong cái vô danh kia, một yếu tố hắn rất thích. 

Linh đạo Inhã

Đức Phanxicô có cái nhìn thực tiễn hơn về ma qủy. Ngài không những hay nói về ma qủy mà còn nói một cách cho thấy ngài thực sự tin qủy có thật và có liên hệ tới đời sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Điều này dễ hiểu nếu ta nhớ ngài là một tu sĩ Dòng Tên, những tu sĩ mà việc đào tạo linh đạo tủy thuộc phương pháp Linh Thao của Thánh Inhã. Trong phương pháp này, các suy niệm về thực tại Satan và việc cần biện phân và chống lại việc làm của hắn giữ một vai tuồng quan trọng. Bởi trong linh đạo Inhã, biện phân việc làm của tên quái ác, việc làm của tinh thần con người, và việc làm của Chúa Thánh Thần là ba điều nền tảng. 

Có người còn nêu thêm lý do nữa là Đức Phanxicô vốn nhận ra việc làm của ma qủy trong thế giới ngày nay và trong đời sống các cá nhân và theo ngài, không lưu ý tới thực tại này, ta không tài nào vận dụng được các phương tiện cần thiết để đánh bại hắn. 

Hồi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, ngài nhận ra bàn tay Satan phía sau cuộc tấn công hôn nhân, một cuộc tấn công hiện vẫn đang tiếp diễn một cách hằn học và vũ bão tại nhiều quốc gia ngày nay. Khi luật cho phép “hôn nhân” đồng tính được đề xuất tại Á Căn Đình năm 2010 (và sau đó, thông qua), ngài tuyên bố: “Đang có nguy cơ hoàn toàn bác bỏ luật Thiên Chúa từng được khắc ghi trong tâm hồn con người. Ta chớ nên ngây thơ: đây không phải chỉ là một tranh đấu chính trị, nhưng là một mưu toan phá hoại kế hoạch của Thiên Chúa. Nó không phải là một dự luật... nhưng là một động thái của Cha Sự Dối Trá; hắn tìm đủ cách gây bối rối và lừa đảo con cái Thiên Chúa”.

Đức Phanxicô cũng nhận diện ra việc làm của ma qủy trong sự nản chí, trong sự thất vọng, trong sự lầm lẫn sâu xa coi bóng tối như ánh sáng, trong dèm pha phá hoại người khác và thanh danh họ, và trong việc thù nghịch đối với Kitô hữu, một thù nghịch đang tạo nên nhiều tử đạo hơn bất cứ thời nào khác trong lịch sử Kitô Giáo.

Ngài đưa ra nhiều phương thế thực tiễn để chống lại các quyền lực ma vương. Mùa hè vừa qua, ngài đã cùng Đức Bênêđíctô dâng hiến Tòa Thánh cho Thánh Giuse và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Ngài xin Thánh Giuse lấy tình cha con che chở mỗi người chúng ta và toàn thể Giáo Hội; đồng thời khẩn cầu Tổng Lãnh Thiên Thần chống lại “kẻ thù số một, là ma qủy”... “bênh vực chúng ta khỏi tên quái ác và loại trừ hắn”. 

Một khí giới thiêng liêng khác được Đức Phanxicô khuyên ta sử dụng trong cuộc chiến chống ma qủy là việc bầu cử của Đức Mẹ qua Kinh Mân Côi: “Mẹ Chúa Kitô và mẹ Giáo Hội luôn ở với ta... Đức Mẹ chiến đấu với ta, nâng đỡ Kitô hữu trong cuộc chiến chống sự ác của họ. Lời cầu nguyện với Đức Mẹ, nhất là kinh mân côi, có ‘chiều kích thống khổ’ nghĩa là chiều kích chiến đấu, lời cầu nâng đỡ trong trận chiến chống tên quái ác và bè lũ”.


Vũ Văn An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét