LTCGVN (07.11.2013)
Đứa con “trời đánh” trong dụ ngôn “Người Cha Nhân
Hậu” (Lc 15:11-32) là đứa con “hoang đàng” chứ không hề “hoang đường”, vì rất
thực tế trong cuộc sống đời thường – dù đó là dụ ngôn của hơn hai ngàn năm
trước.
Chẳng ai xa lạ gì với dụ ngôn này,
vì đây là dụ ngôn “nổi tiếng” về sự tương phản giữa người-cha-nhân-hậu-tới-mức-có-vẻ-nhu-nhược
và đứa-con-bất-hiếu-ngỗ-nghịch. Và đó chính là Lòng Chúa Thương Xót. Đứa con
ích kỷ nên đòi chia phần riêng, để rồi mặc sức ăn chơi trác táng với bọn “hoang
đàng chi địa”, bỏ mặc cha già ốm yếu lủi thủi một mình ở nhà. Khi cùng đường,
nó đành muối mặt trở về xin cha tha thứ, chỉ còn dám hy vọng mong manh là được
cha già cho tá túc và nhận mình làm thuê mà thôi. Nhưng thật bất ngờ, người cha
vẫn vui vẻ đón nhận nó làm con cái như xưa, và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của
nó. Dụ ngôn này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
Thần học gia Matt Williams cho
biết: “Trong thế kỷ I, người đàn ông Trung
Đông không bao giờ chạy. Nếu có chạy, anh ta phải buộc đai áo chẽn kéo lên để
không chạy nữa. Khi làm vậy, anh ta sẽ để lộ đôi chân trần. Theo văn hóa, đó là
điều nhục nhã và xấu hổ đối với người đàn ông để lộ đôi chân. Nếu người con
trai Do Thái mất phần hồi môn giữa dân ngoại thì họ trở về nhà, cộng đồng sẽ làm
một nghi thức, gọi là Kezazah. Họ đập bể một chiếc bình lớn trước mặt
người con trai đó và la lên: ‘Anh đã tách khỏi mọi người. Cộng đồng hoàn toàn
từ chối anh’.
Nếu như vậy, tại sao người cha lại
chạy ra đón đứa con trai hoang đàng khi ông mới chợt thấy bóng nó từ xa (Lc
15:20)?
1. Thiên Chúa không quản ngại gì. Dù chạy là động tác xấu hổ, nhưng người cha
vẫn chạy để cố gắng đón con trai trước khi cộng đồng phát hiện nó, ông muốn con
trai mình không phải xấu hổ vì bị mọi người ruồng bỏ.
Chắc hẳn dân làng đã theo hút người-cha-chạy
để xem chuyện gì xảy ra giữa cha con ông ở lũy tre cuối làng kia. Sau cuộc hội
ngộ của tình phụ tử, rõ ràng không có nghi thức Kezazah, con trai ông cũng
chẳng bị đuổi. Dân làng cũng phải ngạc nhiên khi thấy đứa con trai hối hận trở
về trong vòng tay yêu thương của người cha già.
2. Thiên Chúa không so đo, tính toán. Đứa con quyết định những điều sẽ nói với cha khi
về gặp cha. Nó biết mình không xứng được gọi là con nữa, và xin làm thuê cho
cha. Nó muốn được ở trong nhà cha, nhưng không dám mơ được bù đắp những gì nó
đã phung phí. Nó cân nhắc trước dự định và quyết định dứt khoát.
Tuy nhiên, người cha không cần biết
gì khác ngoài đứa con trở về, đã mất mà lại tìm thấy, đã chết mà nay sống lại. Người
cha không phiền lòng mà còn rất vui mừng, ông bảo gia nhân lấy những đồ mới và
tốt nhất (quần áo, giầy dép, nhẫn,…) để cho con trai sử dụng ngay. Đó là những
hồng ân mà Thiên Chúa không ngừng trao ban cho chúng ta hằng ngày, chỉ mong
chúng ta được “sống sung sướng” là được ơn cứu độ. Thiên Chúa không muốn biết
dự định của chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta chấp nhận mình không thể làm gì
được, mà phải hoàn toàn cậy nhờ hồng ân và lòng thương xót của Ngài.
3. Thiên Chúa không câu nệ. Điều gì về Thiên Chúa khiến chúng ta khó chấp nhận? Là
sự hiện hữu của Ngài ư? Hoặc vì Ngài trừng phạt những kẻ bất tuân? Đối với đa
số, có thể là vì Ngài yêu thương chúng ta và Ngài quan tâm hạnh phúc của chúng
ta. Hệ quả của điều này là nhiều người thất vọng, đầy sợ hãi và phạm tội. Cuối
cùng, điều này làm lệch lạc cách nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, và đó là gốc
rễ của chủ nghĩa hợp pháp.
Hãy nhìn vào những cách mà chúng ta
nhìn Thiên Chúa. Chúng ta coi Ngài là người-giữ-hồ-sơ-trên-trời, mặc dù sự thật
là Thánh Phaolô đã nói rằng đức mến không câu nệ hoặc nề hà chi cả: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:7-8).
Chúa Giêsu đã chứng minh với tông đồ Phêrô về “lòng tha thứ vô hạn” – túc là
lòng thương xót.
4. Hãy nghĩ lại về sự nghèo khó. Có những người từ giàu sang hóa nghèo khổ. Có bao
nhiêu người liên quan câu chuyện này? Ít nhất chúng ta cũng cảm thấy lực kéo
của sự độc lập. Chúng ta biết mình cảm thấy thế nào khi nghĩ mình có thể làm
cho nó thành của mình, rằng không còn nhớ chuyện gì hồi còn trẻ.
Đa số chúng ta đều cảm thấy hổ thẹn
khi nhìn lại những chuyện quá khứ. Chúng ta nghĩ về thời gian lãng phí, dùng
thời gian theo đuổi những thứ vô ích, những động thái sai trái, những ước muốn
thái quá, những khao khát tội lỗi,... Và còn biết bao những chuyện tương tự như
vậy! Chúng ta lo sợ cái nghèo về vật chất, nhưng có mấy ai lo sợ về sự nghèo
nàn tâm linh?
5. Đừng làm cho Ơn Chúa vô tác dụng. Lý do con người mất ơn cứu độ không phải vì không giữ
luật, mà vì không nhận Thiên Chúa là Đấng xót thương và hay tha thứ, dù Ngài đã
bày tỏ “tình yêu Ngài dành cho chúng ta” (2 Tx 1:5-9; Rm 5:6-8). Chúng ta làm
cho ơn Chúa trở nên vô tác dụng. Chúng ta hư mất vì không thấy sự-nghèo-nàn-tâm-linh
của chính mình, thế nên không muốn trở về với Thiên Chúa chan chứa yêu thương
và giàu lòng thương xót.
6. Thiên Chúa muốn chúng ta tỉnh ngộ. Đứa con hoang đàng đã trải nghiệm sự tỉnh ngộ tâm
linh, đó là lúc bắt đầu được cứu độ. Nó nhận biết tình trạng khốn nạn của mình,
từ đỉnh cao hạnh phúc rớt xuống đáy xã hội và chịu nhục nhã ê chề, nó chợt tỉnh
ngộ và bắt đầu khiêm hạ trước tình cha cao cả, nó không dám đòi hỏi gì khác ở
cha nó. Không có sự thương lượng về vị trí hoặc sự hợp lý. Người cha muốn nó
nhận thức. Thiên Chúa muốn chúng ta tỉnh ngộ!
7. Con vẫn xứng đáng. Đứa con hư hỏng biết nó chẳng có gì trao cho cha để cầu xin
ơn tha thứ. Nó chỉ còn biết thật lòng thú nhận mọi điều bất xứng của mình cho
cha biết. Nó cảm thấy hoàn toàn không xứng đáng nhưng nó lại quên một điều rất
quan trọng: Người cha vẫn thấy nó là đứa con yêu dấu, vẫn xứng đáng làm con. Thiên
Chúa cũng nhận thấy các tội nhân chúng ta như vậy!
8. Sự ghen tỵ tâm linh. Những người theo chủ nghĩa hợp pháp có thói quan liêu và
cầu toàn, họ luôn tức giận khi ân sủng được mở rộng cho người khác. Lý do là vì
họ thích nghĩ rằng có giá trị nào đó trong những việc họ làm. Những người theo
chủ nghĩa hợp pháp luôn làm ngơ sự nghèo nàn của họ. Trong con mắt thế gian, những
người theo chủ nghĩa hợp pháp thường thể hiện tốt và nghiêm túc. Thật vậy, họ là
những người đặt ra luật lệ (những luật dễ giữ cho họ nhưng khó giữ cho người
khác). Họ thích xoi mói tội của người khác rồi tặc lưỡi chê bai.
9. Đừng tưởng tượng Chúa theo ý mình. Quá trình trưởng thành đức tin của chúng
ta không thể đạt được trong một khoảng thời gian nào đó, mà phải mất cả đời. Người
ta tưởng mình hiểu mọi điều trong Kinh Thánh, nhưng thục ra không phải vậy. Kinh
Thánh là cách Thiên Chúa muốn mặc khải cho chúng ta, nhưng trí óc chúng ta
không thể hiểu cách suy nghĩ của Thiên Chúa.
10. Hãy ngoan ngoãn. Đừng bao giờ kiêu căng, vì kiêu sa dẫn tới cố chấp. Khi
bạn cố chấp thì bạn hóa mất dạy, chẳng ai có thể dạy nổi bạn, chính lời dạy của
Chúa Giêsu cũng trở thành vô ích đối với bạn. Thời Chúa Giêsu, người Pharisêu đã
mù quáng, nên họ không thể nhận biết Thiên Chúa đang đứng ngay trước mặt họ.
11. Có thể chúng ta là đứa con lớn. Đứa con này là hiện thân của dân mà Thiên Chúa
đã tuyển chọn. Ở thời đại chúng ta, đó có thể là “những người ghen tỵ với người
khác về ơn tha thứ”. Bạn đã bao giờ ghen tức với người khác khi họ được tha thứ
sau khi phạm tội tày trời? Người ta có thể kiêu ngạo vì nghĩ mình luôn đi lễ,
tham gia các giờ kinh, sinh hoạt hội đoàn, làm việc từ thiện, không phạm tội
trọng,… thế thì mình chắc chắn “ngon” hơn những người khô khan, nguội lạnh, ít
đi nhà thờ, ít đọc kinh,… Nếu vậy thì chúng ta là người con lớn, đang phạm tội
mà tưởng mình đạo đức hơn người!
12. Thiên Chúa xóa bỏ sự xấu hổ. Cuộc đời chúng ta thực sự vô cùng may mắn. Chúa Cha đã
cất đi hết mọi nỗi xấu hổ qua Con Một Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã vác Thập giá
và chịu mọi đau khổ thay chúng ta. Ngài chịu chết để chúng ta được sống viên
mãn.
Câu chuyện về đứa con hoang đàng cho
chúng ta thấy rằng chúng ta có thể được tha thứ, được chấp nhận, được phục hồi.
Chúng ta đừng ngại trở về Nhà Cha và đừng ngại thú nhận tội lỗi, dù chúng ta đã
phạm tội nặng tới mức nào, hoặc nhiều vô kể. Hãy tin vào tình yêu vô biên của
Thiên Chúa. Và chúng ta cũng phải chân thành tha thứ lẫn nhau, vì Chúa Giêsu đã
dạy phải tha thứ bảy mươi lần bảy.
Chỉ có người cha mới có thể phục
hồi cương vị làm con trong gia đình. Chúng ta đều là tội nhân, chúng ta không
thể làm gì để được tái nhận là con cái của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta, và
chúng ta chờ đợi Ngài. Hối nhân bước đi theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì sẽ
sớm về tới Nhà Cha.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét