Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Chữ Phúc


LTCGVN (04.11.2013)

Chữ PHÚC (Phước) là biểu tượng của sự may mắn, niềm sung sướng, thường dùng là Hạnh Phúc. Từ lâu, người Á Đông đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ Phúc, như ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, kiến trúc, và cả trên y phục.
Theo phong tục văn hóa Trung quốc, người ta thường treo hoặc dán chữ “Phúc” để cầu “Phúc” cho gia đình trong năm mới. Nhưng chữ Phúc lại được treo ngược, nghĩa là nó bị “đảo”, mà âm “phúc” và âm “đảo” đọc liền nhau sẽ trở thành “phúc đáo” (“đáo” là “đến”), tức là “phúc đến nhà”. Nghịch mà hóa thuận, ngược mà lại tốt.
Chữ Phúc bao gồm những điều tốt lành. Kinh Thi nói về “ngũ phúc” (năm điều phúc) là: (1) 富 [giàu], (2) 安 寧 [yên lành], (3) 壽 [thọ] (4) 攸 好 德 [có đức tốt], (5) 考 終 命 [vui hết tuổi trời]. Có nhiều sách nói “ngũ phúc” là: 富 (phú), 貴 (quý), 壽 (thọ), 康 (khang), 寧 (ninh).
Kính mừng chư vị hiển thánh và tưởng niệm các linh hồn là dịp xem lại các mối phúc thật của Đức Giêsu Kitô. Các thánh đã sống trọn các mối phúc nên đang được hưởng phúc trường sinh, điển hình là 117 vị thánh tử đạo Việt Nam – với chân phúc Anrê Phú Yên và hàng trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam khác. Việc tôn phong một Kitô hữu nào đó là “bậc đáng kính”, là “tôi tớ Chúa”, là “chân phước” (á thánh, thánh nhỏ), hoặc “thánh” (hiển thánh, thánh lớn) chỉ là kiểu “thủ tục hành chính” cho hợp lệ để công khai hóa đối với Giáo hội hữu hình, chứ các vị đó đã là thánh từ trước khi “được” chúng ta “công nhận” rồi.
Còn các linh hồn là các vị thánh tương lai, chắc chắn các ngài cũng sẽ hưởng phúc trường sinh nay mai, trong đó có thân bằng quyến thuộc của chính mỗi chúng ta. Các thánh và các linh hồn nơi luyện hình đều đã là những phúc nhân – người có phúc. Mỗi dịp lễ cầu hồn, rất nhiều linh hồn được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa, và trên trời lại hân hoan tiếp nhận vô vàn các Tân Thánh Nhân. Tạ ơn Thiên Chúa yêu thương vô vàn!
Theo nghĩa đó của Công giáo, chúng ta có hai dạng phúc: Phúc-hiện-tạiPhúc-tương-lai. Phúc-hiện-tại là tình trạng của các thánh đang ở Thiên đàng, Phúc-tương-lai là tình trạng của các linh hồn đang được thanh tẩy nơi luyện hình.
PHÚC HIỆN TẠI
Trình thuật Mt 5:1-12 là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do chính Chúa Giêsu soạn thảo, và là Đệ Nhất Tuyên Ngôn so với bất kỳ Bản Tuyên Ngôn nào của các quốc gia trên thế giới. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, mỗi điều khoản cũng ngắn gọn, nhưng lại chính xác nhất và độc nhất vô nhị. Bản Tuyên Ngôn này còn được gọi là Bát Phúc, Tám Mối Phúc Thật, hoặc Bài Giảng Trên Núi.
Bản Tuyên Ngôn Thiên Quốc này chỉ bao gồm 8 điều khoản:
1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu có thêm “mối phúc thứ chín” vì thấy Tông đồ Thomas không tin lời kể của các bạn, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Mối phúc này như “mối tổng hợp” tám mối phúc kia. Vì khi đã thật lòng tin thì người ta không ngại gì với tám thứ kia.
Những người chưa hoặc không có đức tin đích thực thì chẳng thể nào tin nổi, vì những gì Chúa Giêsu cho là Phúc thì toàn là những thứ “không bình thường”, không giống ai, hoàn toàn ngược đời, hết sức kỳ quặc, và chắc hẳn họ sẽ cho là khùng, là điên, là ngu xuẩn, là dại dột,… Chúa Giêsu biết vậy nên Ngài thường có kiểu nói nghe chừng “tưng tửng” thế này: “Ai có tai thì nghe!” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43). Đại Sư Giêsu độc chiêu thật đấy! Ai mà không có tai chứ? Ấy thế mà nào có nghe, cũng như có mắt mà không thấy: “Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13:13; Lc 8:10).
Chúa Giêsu rất giản dị, có kiểu nói ai cũng hiểu, ngay cả người mù chữ cũng hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Ngài còn nói thêm như phần mở rộng: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).
Thánh Gioan cho biết thị kiến về “một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (Kh 7:2-4). Các thánh mà chỉ bi nhiêu ư? Không phải vậy. Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người. Vả lại, theo ngôn ngữ Kinh Thánh khải huyền, 144 là con số hoàn hảo, vì 12 x 12 = 144.
Họ là ai? Sách Khải Huyền cho biết: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạchtẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14). Đó chính là các thánh mà Giáo hội Lữ hành chúng ta vẫn mừng kính vào ngày 1 tháng 11 hằng năm!
PHÚC TƯƠNG LAI
Phúc-tương-lai là Phúc mà các linh hồn nơi luyện hình sẽ có lúc được hưởng khi nào “mãn hạn tù giam”. Phúc-tương-lai cũng là Phúc dành cho chúng ta, những người đang trên đường lữ hành, cố gắng chiến đấu ngoan cường để có ngày chiến thắng vẻ vang như các thánh.
Thánh Gioan Tông đồ cho biết một thị kiến khác: “Tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:12-15).
Các linh hồn nơi luyện hình là những người đã được cấp Visa-Trường-Sinh chính thức, chắc ăn 100%, chỉ còn chờ “chuyến-bay-đại-xá” trực chỉ Thiên Quốc mà thôi. Có một phần an tâm. Chưa an tâm trọn vẹn vì “chưa được diện kiến Tôn Nhan Chúa”, đó là điều ray rứt và khắc khoải nhất của các linh hồn còn phải sống xa cách Thiên Chúa. Khi sinh thời, Thánh Tiến sĩ Giám mục Augustinô đã cảm nghiệm: “Hồn con chỉ được nghỉ ngơi khi nào được an nghỉ trong Chúa”. Và ngài cũng đã tiếc rằng: “Con yêu Chúa quá muộn màng!”.
Các linh hồn nơi luyện hình, và tất cả chúng ta, chỉ là những người vô danh tiểu tốt, thiểu năng và bất tài, chẳng làm được việc gì cho ra hồn, thế nên chẳng hề có “tiếng” mà cũng chẳng hề có “miếng”. Nhưng taht65 phúc cho chúng ta vì Thiên Chúa không xét chi đến “tiếng” hoặc “miếng”, mà chỉ tính công-trạng-âm-thầm: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Và thị kiến của Thánh Gioan Tông đồ cũng minh định: “Một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là Trung Thành và Chân Thật, Người theo công lý mà xét xử giao chiến” (Kh 19:11).
Cứ an tâm và cố gắng sống, đừng lo không ai biết đến mình. Người Việt vẫn thường có cách ví von: “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Câu này “thâm” lắm, làm “đau” lắm, nhưng cũng thực tế lắm. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22). Giỏi mà kiêu căng thì có gì giỏi? Giỏi mà phải mất Chúa thì ích chi? Thế thì thà dốt nát mà được Chúa còn hơn! Chức quyền có ích gì nếu không nhằm mục đích yêu thương và phục vụ? Có chức quyền mà không hành động theo Ý Chúa, chỉ theo ý mình, làm vinh danh mình, thì thật là bất hạnh!
Ai cũng phải quyết tâm nên thánh, vì không nên thánh là phụ tình Chúa, là lãng phí Giá Máu Cứu Độ của Đức Kitô. Cứ quẳng gánh lo đi mà vui sống, vô tư thì sẽ thoải mái, và an tâm với điều này: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8).
Được “sống với Đức Kitô” là làm thánh đấy. Đơn giản thôi! Nhưng chắc chắn rằng, dù các thánh, dù các linh hồn nơi luyện ngục, và cả chúng ta, không ai không có “dấu đau khổ” khắc trên trán đâu!
TRẦM THIÊN THU


0 nhận xét:

Đăng nhận xét