Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Luyện ngục trên thế gian


LTCGVN (04.10.2013)

Theo các thần học gia, các giáo phụ và các vị tiến sĩ giáo hội, đau khổ nơi luyện ngục là việc trì hoãn hưởng hạnh phúc thiên đàng. Các linh hồn chịu đau khổ vô cùng vì khao khát hưởng Tôn nhan Chúa. Họ yêu mến Chúa mãnh liệt và muốn được ở bên Ngài. Họ được xác nhận là tốt lành và chắc chắn được hưởng hạnh phúc thiên đàng, nhưng họ cũng biết rằng đáng lẽ họ đang được hưởng sự sống vĩnh hằng nếu họ đã chuẩn bị từ khi còn sống trên thế gian. Như vậy, đau khổ đầu tiên nơi luyện ngục là sự chờ đợi – chính sự chờ đợi này thanh luyện họ.
Giáo huấn của các thần học gia là đau khổ nơi luyện hình thường nhiều hơn đau khổ trên thế gian. Như vậy, chịu một ít đau khổ trên thế gian với tinh thần sám hối và yêu mến, cùng với ý hướng chịu đau khổ để thanh luyện tâm hồn mình, thì có nhiều ích lợi hơn – một ít đau khổ trên thế gian có thể tránh được nhiều đau khổ nơi luyện hình. Do đó, chúng ta nên muốn sống tinh thần luyện hình trên thế gian càng nhiều càng tốt. Cách đầu tiên chúng ta có thể thực hiện là CẦU NGUYỆN.

Cầu nguyện và đau khổ
Thánh Gioan Thánh giá có một bài thơ về sự đau khổ mà linh hồn trải nghiệm khi khao khát Thiên Chúa. Trong bài thơ này, ngài thường xuyên dùng cách nói: “Tôi chết mà tôi không chết”. Ngài có ý nói là ngài chết (nghĩa là chịu đau khổ dữ dội) vì ngài chưa có thể vào thiên đàng (vì thế, ngài chờ cái chết về thể lý). Thánh Gioan Thánh Giá đã nếm thử điều gì đó ngọt ngào về Thiên Chúa trong những kinh nghiệm thần bí của việc cầu nguyện, nhưng ngài rất đau khổ vì ngài chưa thể đạt được đỉnh điểm của sự cầu nguyện là hạnh phúc thiên đàng.
Sự cầu nguyện phát triển sự trải nghiệm về những điều nơi thiên đàng trong linh hồn. Trải nghiệm thực tế này (dù chỉ mơ hồ), linh hồn đó càng khao khát được kết hiệp với Thiên Chúa trong vinh quang. Tuy nhiên, linh hồn đó biết mình vẫn phải ở trên thế gian cho đến lúc chết, chính sự tách rời này gây đau khổ dữ dội. Trải nghiệm về điều tốt lành của Thiên Chúa thì không có gì trên thế gian có thể an ủi linh hồn và ngay cả Thánh Thể cũng chỉ làm cho linh hồn cảm thấy đau khổ; vì càng gần Đức Kitô, linh hồn càng khao khát Nước Trời và càng nhận thấy mình phải chờ cái chết. Tuy nhiên, linh hồn yêu mến Chúa được đầy niềm vui đổ tràn vào những việc lành – có bình an tâm hồn, nhưng cũng quá đau khổ.
Sự khao khát từ việc cầu nguyện chân thành này là “gần như luyện ngục” (quasi-purgatory) trên thế gian – nỗi đau khổ mạnh mẽ do lòng khao khát được lấp đầy. Cũng như luyện ngục, nỗi đau khổ của lời cầu nguyện đang thanh luyện: Linh hồn càng khao khát Chúa càng xa tránh tội lỗi và dịp tội. Ước muốn kết hợp với Đức Kitô, linh hồn trở nên giống Ngài hơn. Đau khổ này, dù có thể không dữ dội như đau khổ nơi luyện hình, đáng giá hơn và hiệu quả hơn đau khổ nơi luyện hình – bởi vì, nếu chỉ những hy sinh nhỏ trên thế gian cũng cứu chúng ta thoát nhiều đau khổ nơi luyện hình. Khao khát đau khổ từ lời cầu nguyện mau đưa chúng ta lên thiên đàng biết bao!
Chúng ta có thể tiến xa hơn và nói rằng đau khổ nơi luyện hình vượt trên đau khổ ở trần gian, cho nên quá nhiều đau khổ gây ra cho linh hồn khao khát nhìn thấy Chúa cũng vượt trên mọi đau khổ ở trần gian. Niềm vui sướng của việc cầu nguyện đều là niềm vui nhục thể, cho nên đau khổ từ lời cầu nguyện vượt trên mọi đau khổ thể lý! Tuy nhiên, đừng sợ cầu nguyện về điều này. Dù có đau khổ và đau khổ thật, nhưng vẫn ngọt ngào! Đó là loại đau khổ mà chúng ta không muốn chấm dứt, ngoại trừ việc hoàn thành lời cầu nguyện trong niềm vui của Nước Trời.
Bài thơ của thánh Gioan Thánh giá về linh hồn chịu đau khổ vì khao khát Thiên Chúa
Con đang sống, nhưng không phải con sống trong con, và con hy vọng rằng con chết mà con không chết.
1. Con không sống trong con nữa và con không thể sống thiếu Chúa, vì không có Ngài hoặc không có con thì sự sống sẽ là gì? Đó sẽ là một ngàn lần chết, là khao khát sự sống thật và con đang chết mà con không chết.
2. Sự sống mà con đang sống không hề là sự sống, và như thế con tiếp tục chết cho đến khi con sống bên Ngài; lạy Chúa, xin lắng nghe con: Con không muốn sự sống này, con đang chết mà con không chết.
3. Khi con ở xa Ngài, sự sống nào con có thể sống ngoại trừ phải chịu đựng cái chết cay đắng nhất? Con tự tội nghiệp con, vì con tiếp tục sống, con đang chết mà con không chết.
4. Con cá ra khỏi nước sẽ có sự an ủi này: Chịu đựng cơn hấp hối cho đến lúc chết. Cái chết nào có thể tương đương sự sống đáng thương của con? Vì con càng muốn sống thì càng rút cạn cơn hấp hối của con.
5. Khi con cố tìm sự an ủi trong lúc con thấy Chúa trong Bí tích Thánh Thể, con thấy đó là nỗi buồn quá đỗi: Con không thể nào vui mừng. Mọi sự là đau khổ vì con không thấy Ngài khi con khao khát, và con chết mà con không chết.
6. Lạy Chúa, nếu con vui mừng hy vọng thấy Chúa, nhưng con biết con có thể mất Chúa, gấp đôi nỗi sầu khổ của con. Sống trong nỗi sợ hãi như vậy và hy vọng như con hy vọng, con chết mà con không chết.
7. Lạy Chúa, xin nâng con lên khỏi sự chết này và ban cho con sự sống, đừng giữ con nối kết với hệ lụy này quá mạnh; xin biết con khao khát gặp Ngài biết bao; tình trạng khốn khổ của con quá đầy đủ đến nỗi con chết mà con không chết.
8. Con sẽ kêu gọi Tử thần và than khóc đời con khi con bị giam giữ tại đây vì tội con. Lạy Chúa, khi điều đó xảy ra con có thể thật lòng thân thưa: “Hiện nay con đang sống chứ con không chết”.


TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét