Xây dựng hòa bình và lòng tin kiểu Cộng sản !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 173 (15-06-2013)
· Trong lịch sử nhân loại, có thể nói cái chế độ đề cập đến hòa bình nhiều nhất và tự cho mình cổ vũ hòa bình hăng nhất là chế độ Cộng sản. Chẳng hạn Stalin, nhân dịp kỷ niệm 70 tuổi (1949), đã đặt ra “Giải thưởng Quốc tế Stalin vì sự củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Tố Hữu, trong thi phẩm "Bài Ca Tháng Mười" sau đó, cũng xưng tụng ông ta như sau: “Hoan hô Stalin. Đời đời cây đại thụ. Rợp bóng mát hòa bình…”. Lãnh tụ Liên xô Krutchev, kế vị Stalin, là người đã đưa ra quan niệm “Sống chung hòa bình” thời Chiến tranh lạnh. Cũng lãnh tụ này, sau diễn văn đọc tại Đại hội đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 nhằm tố cáo tội ác kẻ tiền nhiệm ngày 6-9-1956, đã đổi giải thưởng Quốc tế Stalin thành “Giải thưởng Quốc tế Lenin vì sự củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Mao Trạch Đông thì từ tháng 11-1968, đã cùng ký với Mỹ một thỏa thuận cùng tồn tại hòa bình. Ông ta còn cho thành lập tại Việt Nam các tổ chức gọi là “Hoa kiều hòa bình liên hiệp hội”. Cộng sản Hà Nội cũng không thua kém. Ông Hồ Chí Minh, trong lời phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa I (1958) có khoe rằng: “Trên thế giới, lực lượng của phe hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa đã mạnh hơn hẳn lực lượng phe đế quốc gây chiến… Hiện nay trên thế giới đang sôi nổi phong trào đấu tranh để củng cố hòa bình, đòi đình chỉ thử vũ khí nguyên tử… Lực lượng hòa bình và cách mạng thế giới đang tiến lên mạnh mẽ…”.
Thế nhưng ai cũng thấy chính các chế độ CS là những kẻ gây hận thù và gieo máu lửa khắp nơi, trước hết trên lý thuyết bằng cách cổ vũ cuộc “đấu tranh giai cấp” trong xã hội, cuộc đối đầu sống mái giữa Tư bản và Cộng sản trên toàn cầu. Trong thực tế, Stalin chính là kẻ đã lợi dụng Thế chiến thứ 2 để xâm lăng các nước Đông Âu. Về tên đồ tể khét tiếng này, người ta còn truyền tụng một câu chuyện. Sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, hôm nọ Lênin cùng các đồng chí thân cận như Trotsky, Zinoviev, Kamenev và Stalin làm một cuộc dã ngoại. Lênin hỏi từng đồng chí về niềm vui lớn nhất trong đời mình. Trotsky thì nói đó là làm nổ tung nhiều cuộc cách mạng khắp thế giới, Zinoviev nói đó là mê hoặc được quần chúng bằng tài hùng biện, Kamenev cho rằng đấy là hưởng thụ khoái lạc. Riêng Stalin trả lời: “Niềm vui lớn nhất của tôi là có ai đó mình rất thù ghét, nhưng lại làm cho hắn tưởng được yêu thương trân trọng. Đến một hôm hắn âu yếm ôm chầm lấy mình, chính lúc đó mình cầm con dao đâm chết hắn từ sau lưng. Đối với tôi, đó mới thật là niềm vui khôn tả”! Krutchev thì đem tên lửa đến Cuba để nhắm vào nước Mỹ năm 1962 và được Castro đề nghị tấn công phủ đầu Hoa Kỳ bằng bom nguyên tử. Lãnh tụ Cuba này lại đem quân chiếm Angola từ năm 1975 đến 1989. Brejnev thì ra lệnh cho quân đội Liên Xô xâm lược Afganistan từ 1978 đến 1992. Mao Trạch Đông, sau khi chiến thắng Tưởng Giới Thạch năm 1949, đã lập tức thôn tính Mông Cổ, Mãn Châu, Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Trung Cộng tiếp đó chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đánh phá 6 tỉnh biên giới năm 1979 rồi 1984… Hồ Chí Minh, đang khi phát biểu những lời nói trên từ “thủ đô vì hòa bình”, đã chuẩn bị gieo khủng bố máu lửa lên Việt Nam Cộng hòa và quyết tâm chiếm miền Nam, thống nhất đất nước bằng bạo lực. Người ta còn nhớ Tố Hữu, trong thi phẩm “Bài ca xuân 68”, đã viết những vần thơ “Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo của Anh đó! Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ. Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành…” để xưng tụng những kẻ gieo kinh hoàng giữa ngày xuân và chôn sống hàng ngàn nạn nhân vô tội. Sau sự kiện Mậu Thân này, Hà Nội lập ra “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam” để quấy rối chế độ Sài Gòn và tiếp tay cho Cộng sản. Năm 1979, Hà Nội cất quân xâm chiếm Camphuchia và ở lại đó đến 10 năm. Từ 1975 tới nay, Cộng sản không ngớt kêu gọi hòa hợp hòa giải nhưng chẳng ngừng đàn áp nhân dân trong nước, lừa gạt người Việt hải ngoại, thậm chí treo cờ vàng cũng bị án 14 năm tù (hai em Uyên-Kha)…
· Hiện nay, những cuộc chiến tranh lớn như thế kỷ trước xem ra vắng bóng, chiến trường hình như được thị trường thế chỗ, thời đại đối đầu có vẻ nhường bước thời đại đối thoại. Nhân loại đề cao sự hợp tác trong niềm tin cậy lẫn nhau. Và một lần nữa, Cộng sản cũng tỏ ra là nhà vô địch cổ vũ chuyện này qua mỹ từ “xây dựng lòng tin chiến lược”. Tháng 8-2009, trong cuộc họp tại New Dehli, Bộ Ngoại giao Bắc Kinh nhấn mạnh công việc cần thiết nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ là xây dựng lòng tin chiến lược. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 2-2012, Tập Cận Bình, lúc ấy còn là Phó chủ tịch nước, cũng đề cao tầm quan trọng của lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế: “Với chúng tôi, lòng tin chiến lược là nền tảng của sự hợp tác để hai bên cùng có lợi, và lòng tin càng lớn, sự hợp tác càng rộng rãi”, rằng “TQ và HK nên tăng cường lòng tin chiến lược, tôn trọng những quyền lợi cốt lõi và những mối quan tâm của nhau”, rằng “Không có niềm tin thì người ta chẳng đạt được gì cả”. Sau khi được bầu vào chức vụ thủ tướng ngày 17-3-2013, Lý Khắc Cường tuyên bố: “Bắc Kinh cam kết không theo đuổi chính sách bá quyền”. Ngày 27-3-2013, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Ấn Manmohan Singh, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh khái niệm này. Hai tháng sau, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ, Lý Khắc Cường lại nhấn mạnh lần nữa việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. Mới đây, tháng 4-2013, tiếp một phái đoàn quân sự cao cấp của Mỹ tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng lại lên giọng hùng hồn về “lòng tin chiến lược”.
Thế nhưng, ai cũng thấy rõ ràng Trung Cộng đang trở thành đối tượng nghi kỵ số một trên toàn thế giới. Tác phẩm thời sự “Chết bởi Trung Quốc” của Peter Navarro và Greg Autry đang cảnh báo thế giới về mối hiểm họa Tàu cộng vốn ngày càng lộ diện qua thuốc độc, hàng tồi, rác thải, điệp viên, tin tặc, ô nhiễm môi trường, lũng đoạn kinh tế, chiếm cứ xâm lược từ Âu sang Á, từ Úc sang Mỹ. Các nước nghèo ở châu Phi, châu Mỹ cho đến các nước giàu ở châu Âu, châu Úc đang ngày càng thấy rõ ý đồ đen tối, đê tiện và thâm hiểm của Trung Nam Hải, kế hoạch đầu độc thế giới và chiếm cứ địa cầu của nòi Đại Hán, của Con Rồng Đỏ. Tập Cận Bình đang lợi dụng và khai thác tối đa tinh thần thượng tôn dân tộc cố hữu của các triều đại vua chúa Tàu, khích động hết mức tinh thần quốc gia cực đoan với khẩu hiệu “phục hưng đại dân tộc Trung Hoa”, biến Trung Quốc thời Cộng sản thành bá chủ khu vực như thuở nào. Chính vì thế, Bắc Kinh tiếp tục đàn áp dã man các thuộc quốc và thuộc dân Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đang vùng lên đòi độc lập.
Đối với Việt Nam, ngay sau khi nhận chức Tổng Bí thư đảng tháng 11-2012 và Chủ tịch Nhà nước tháng 3-2013, Tập Cận Bình đã chấp thuận chính sách “bảo vệ an ninh và chủ quyền biển” của Trung Cộng ở Đông Hải vốn đã khởi sự từ hơn thập niên nay. Ông ta cũng đồng ý kế họach tập trận và tấn công ở Biển Đông của Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến như đã diễn ra ở vùng Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam từ nhiều năm rồi. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiếp tục ra lệnh cấm đánh cá hàng năm từ tháng 5 đến cuối tháng 8 trên Biển Đông, nói là để bảo vệ nguồn hải sản, nhưng thật ra là để dùng lực lượng Hải quân hộ tống hàng trăm tầu đánh cá tối tân của mình đến đánh bắt tự do ở vùng biển rộng lớn này, đồng thời ngăn chận, cướp bóc, tông vỡ, bắn cháy thuyền bè của ngư dân Việt lẫn Phi… Đấy là chưa kể Trung Cộng tiếp tục xâm lăng nội địa Việt Nam trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại…
Đứa học trò của Tàu Cộng là Việt Cộng cũng tiếp tục bài học của thầy qua lối cổ vũ việc xây dựng “lòng tin chiến lược”. Bài diễn văn của Nguyễn Tấn Dũng đọc tại Đối thoại Shangri-La hôm 31-05-2013-mà theo các chuyên gia, chắn hẳn không do người đọc tự viết hay do bộ hạ của người đọc viết dùm, mà có thể do một tác giả đang sống đâu đó tại Trung Nam Hải- rõ ràng cùng giọng điệu như các lãnh đạo Trung Quốc: “Nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. VN chúng tôi có câu thành ngữ "mất lòng tin là mất tất cả". Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành. Trong thế kỷ 20, Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ. Có thể nói cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”.
Nói thế, nhưng trong chính trị đối ngoại, Hà Nội từ bao nhiêu năm vẫn chỉ có lòng tin chiến lược đối với Bắc Kinh, hay đúng hơn chiến lược lấy lòng tin của Tàu cộng. Trên lý thuyết thì qua niềm tin tưởng vào tình “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, nên năm 1974 đã từng cảm ơn Tàu cộng chiếm giùm để sẽ trao lại Hoàng Sa lấy được từ Việt Nam Cộng Hòa; qua việc mù quáng ôm chặt “16 chữ vàng”, “4 chữ tương”, “4 chữ tốt” đã được Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Đào dạy dỗ; qua việc liên tục triều kiến, bái yết, khấu đầu Bắc Kinh của hàng lãnh đạo, gần đây là của tân thành viên bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân và tới đây là của Trương Tấn Sang chủ tịch nước. Trên thực tế thì liên tục nhường đất đai Tổ tiên từ lãnh thổ đến lãnh hải, từ biên giới đến nội địa, từ rừng đến phố, từ mỏ đến cảng… Trong chính trị đối nội, chiến lược tạo lòng tin với Bắc Kinh của Hà Nội liên tục thể hiện qua việc đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình của nhân dân phản đối xâm lược, việc kết án nặng nề các công dân yêu nước cảnh báo hiểm họa Trung Quốc, việc hành hạ tàn nhẫn những tù nhân lương tâm chống báng Tàu cộng, việc đem hình ảnh cờ Trung Quốc lẫn bản đồ đường lưỡi bò vào sách giáo khoa, cẩm nang du lịch, chương trình truyền hình thời sự, các cuộc đón tiếp lãnh đạo nước đàn anh, việc thường xuyên nhồi sọ nhân dân là hãy để đảng và nhà nước lo chuyện đối ngoại.
Thử hỏi một chiến lược xây hòa bình và lấy lòng tin với địch thù truyền kiếp qua việc biến nhân dân yêu nước thành thù địch nội địa để gây bất an khốn khổ cho cuộc sống họ như vậy, đồng bào nghĩ sao và phải hành động như thế nào?
Ban Biên Tập
Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét