Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Cha Giám Tỉnh DCCT: Hồng ân Chúa dành cho ai chạy đến với Mẹ Hằng Cứu Giúp



LTCGVN (28.06.2013)– Sài Gòn – Hôm qua, ngày 27.06.2013, kết thúc Tam nhật mừng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bổn mạng Tỉnh DCCT VN và giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã quy tụ hơn 5000 giáo dân tham dự các nghi lễ và hội vui “Chợ Quê/Hội Chợ Ẩm Thực” ngay sau đó.
Thánh lễ đại trào do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum, cùng với gần 50 linh mục DCCT và triều đồng tế. Về phía cộng đoàn dân Chúa, có 200 anh chị em Bahnar từ giáo hạt Mang Yang xuống tham dự, và gần 200 anh chị em người Kinh thuộc Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hạt Tây Ninh cũng đến tham dự chung với anh chị em trong và ngoài giáo xứ.
VRNs sẽ tường thuật chi tiết sau.
Đặc biệt trong thánh lễ này, Đức cha chủ tế trao trách nhiệm giảng thuyết cho cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT, trong tư cách chủ nhà.
VRNs xin giới thiệu bài giảng này với quý vị.
——
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Hôm nay chúng ta cử hành lễ tạ ơn và mừng kính Đức Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Từ khi 3 thừa sai Dòng Chứa Cứu Thế người Canada đầu tiên đặt chân đến Việt Nam (1925), trong hành trang của các ngài mang theo phiên bản bức linh ảnh nổi tiếng: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, không chỉ trong hành trang theo nghĩa vật chất, trong con tim và tâm trí của các ngài cũng mang theo bức linh ảnh nổi tiếng này.
Kể từ năm 1866, Đức Chân phúc Giáo hoàng Pio IX đã trao bức linh ảnh này cho Dòng Chúa Cứu Thế để tôn kính và quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ, từ đó, bức linh ảnh được rước về đến thờ thánh An Phong ở Roma bên cạnh trụ sở trung ương của Nhà Dòng, cũng từ đó các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã không ngừng nỗ lực tôn kính danh thánh Mẹ và chia sẻ cho nhiều người phương thế tuyệt hảo để được đến với Chúa, đó là tin tưởng và đặt niềm cậy trông nơi Mẹ.
Cùng với hành trình tôn kính bức linh ảnh này, bao nhiêu ơn lành mà những ai chạy đến với Mẹ qua bức linh ảnh được nhận lãnh, đã làm nên sự linh thiêng của bức linh ảnh. Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã đặt các công việc tông đồ của mình dưới sự bảo trợ của Mẹ, và đã đón nhận biết bao hồng ân từ việc kêu cầu Mẹ qua bức linh ảnh này. Sự thành công này chính là nhờ khi tôn kính bức linh ảnh, chúng ta đã được dẫn vào mầu nhiệm chính yếu của Ơn Cứu Chuộc, chìm đắm trong trung tâm của mầu nhiệm và mở toang lòng mình ra để đón nhận mầu nhiệm.
Trung tâm của hình ảnh mà bức linh ảnh muốn diễn tả là mầu nhiệm Cứu Chuộc, chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ, gắn bó với Chúa Giêsu, nên một với Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu của Ơn Cứu Chuộc với hình thập giá mà Tổng lãnh Thiên thần tôn kính, với hàng chữ Giêsu, Đấng Cứu Chuộc ( IC – XC), như Thánh Phaolô nói “tôi không biết điều gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô và là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2, 2.).
Hai mẹ con chìm trong bối cảnh mầu vàng, mầu diễn tả thế giới của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, trong thế giới ấy, thế giới của sự cứu độ, màu áo xanh của Chúa Giêsu và nền vải xanh bên trong áo choàng của Mẹ, mầu xanh tự nhiên là thân phận con người, thân phận con người được chính Chúa Giêsu khoác vào cuộc đời của Ngài, rồi cùng với Mẹ mang vào thế giới của Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố bằng âm thanh, được diễn tả bằng ngôn ngữ nghệ thuật mà chúng ta vừa chiêm ngắm qua bức linh ảnh. Ở bên thập giá Chúa Giêsu, một Thiên Chúa mang thân phận con người bước vào tuyệt đỉnh của công trình cứu chuộc, có Đức Maria hiệp thông chặt chẽ và ôm gọn mầu nhiệm ấy. Chiếc khăn choàng đầu và choàng cả con người của Mẹ mầu xanh biển, mầu của sự trung trinh của sự hiền hòa khiêm nhượng. Mẹ vẫn đứng dưới thập gía bằng một tình yêu trung trinh, một sự khiêm nhượng thẳm sâu, một sự hiền hòa rộng tỏa, để toàn bộ suối nguồn Cứu Độ chảy ra từ thập giá với Mẹ và cùng với Mẹ đến với cả nhân loại này.
Chúa đã muốn Mẹ hòa quyện trong suối hồng ân cứu độ khi nói với Mẹ “này là con Bà” và muốn chúng ta chạy đến Mẹ để được chuyển ban ân phúc khi nói “này là mẹ của anh” (Ga 19, 25 – 27).
Khi đứng dưới thập giá Mẹ đã khổ đau biết chừng nào, Mẹ đã cùng với Chúa Giêsu trên từng hành trình thập giá, Mẹ đã thông phần đau khổ của Chúa Giêsu cho đến cùng tận của sự khổ đau đó. Màu đỏ chiếc áo trong của Mẹ là màu của thập giá, màu của đau khổ màu của lửa, màu của máu, màu của sự Cứu Chuộc.
Kính thưa anh chị em.
Tin Mừng được công bố và truyền rao bằng âm thanh và chữ viết, sẽ chỉ là âm thanh và chữ viết nếu Tin Mừng không cắm rễ trong lòng chúng ta, sẽ “trơ trọi một mình” nếu Tin mừng không làn tỏa để sinh hoa kết trái cho mọi người. Đã có biết bao nhiêu người sống và sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng của Chúa.
Bức linh ảnh trước mắt chúng ta sẽ chỉ là một tác phẩm nghệ thuật diễn tả Tin Mừng của Thiên Chúa nếu chúng ta không sống và loan truyền sứ điệp mà bức linh ảnh này đã gởi đến chúng ta. Biết bao người đã có kinh nghiệm sống và nhận lãnh những ân huệ lớn lao khi suy ngắm và tôn kính bức linh ảnh này. Tiếp nối dòng chảy ân huệ trong nhân loại, nhiều thế hệ tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã chứng kiến và chìm đắm trong ân huệ của Thiên Chúa khi tôn kính bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Từ năm 1925 đến này, dân tộc và đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đã có được ân huệ này, đi đâu chúng ta cũng gặp được lòng tin yêu tôn kính bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp, đi đâu chúng ta cũng nghe được những lời cao rao ngợi khen Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ cứu giúp là Mẹ mang ơn Cứu Độ đến cho chúng ta, cứu giúp chùng ta thoát khỏi sự đeo bám của sự dữ, mở ra và dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.
Chúng ta cùng hiệp thông tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân lớn lao Chúa đã đặc biệt dành cho chúng ta, cho những ai chạy đến với Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR

0 nhận xét:

Đăng nhận xét