Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Giá như có một điều ước

LTCGVN (26.06.2013) 

GIÁ NHƯ CÓ MỘT ĐIỀU ƯỚC

                                                                        “Ăn miếng bo bo nhớ một thời
Cơm còn chửa chín nuốt sao trôi
Bo, khoai độn sắn cho qua bữa
Bụng đói, đầu đau vỡ mộng đời”.
Khuyết danh
Cổ nhân có câu “bần cùng sinh đạo tặc”. Cái đói, cái khổ gieo mãi vào cuộc đời con người khiến cho những điều “nhân chi sơ, tính bản thiện” bị mất đi. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi thường kể cho chúng tôi nghe một chuyện thế này…
Khoảng năm 1978, lúc ấy cả nước cùng đói, nhà nào tương đối có của dành dụm thì cơm độn khoai, bắp; nhà nào nghèo hơn thì ăn bo bo, một loại hạt giống như hạt café bây giờ, Việt Nam được viện trợ nhân đạo từ khối Đông Âu thì phải, thực ra nó thường được dùng là thức ăn cho gia súc, đói quá nên cũng phải ăn dù rất khó tiêu, đầy bụng.
Mẹ tôi thường đi buôn vịt tại chợ Xóm Củi, khi ấy, ở khu chợ này có một cậu bé chừng 10 tuổi. Cậu chuyện ăn cắp của các bà buôn bán tại đây, cứ thấy cậu ấy là mọi người phải để ý từng chút, nếu không mất đồ như chơi. Rất nhiều lần cậu bị bắt quả tang, thường thì cậu cũng ăn no đòn, người này đánh cho vài bạt tai, kẻ thì mắng nhiếc xối xả, xỉ vả cả tổ tông thằng bé…
Một thời gian sau, khu chợ trời ấy xuất hiện một bà cũng buôn thúng bán bưng, nghe đồn rằng bà là vợ của một sỹ quan cao cấp chế độ Cộng Hòa, Chồng vẫn còn nằm trong trại cải tạo. Lập tức bà trở thành mục tiêu của cậu bé. Sau nhiều lần là nạn nhân của cậu, cuối cùng thì bà cũng bắt được quả tang cậu bé đang thò tay vào cái bị cói đựng tiền. Ai cũng nghĩ rằng thằng bé chắc lại nhận một trận đòn tơi tả. Nhưng không, tất cả đều ngạc nhiên khi thấy bà cầm tay thằng bé, bảo nó ngồi xuống, hỏi nó có đói không, rồi bà nhường luôn nắm cơm độn của mình cho nó, Nhìn thằng bé ăn ngấu nghiến, bà nhẹ nhàng bảo nó: “Từ nay, nếu con có đói thì ra đây dì cho ăn, đừng đi ăn cắp của người ta nữa, người ta đánh cho thì khổ…” Từ đó, Mỗi khi đói thằng bé lại đến với bà và khu chợ ấy không còn ai thấy nó ăn cắp nữa.
35 năm năm sau. Cũng hình ảnh của tên trộm, nhưng nghĩa cử đầy tình thương như của bà bán hàng nọ đã không còn, mà thay vào đó là hình ảnh của cả làng đánh hội đồng những tên trộm chó cho đến chết. Câu chuyện đánh chết những tên trộm chó không còn là câu chuyện mới, nó đã cũ nhưng lập đi lập lại nhiều lần với mức độ ngày càng nhiều hơn và nặng hơn. Đáng tiếc một điều. Phần lớn là đồng tình ủng hộ hành vi đánh chết những tên trộm này. Có thể, sự căm phẫn đã lên đến tột đỉnh của người dân đối với bọn trộm chó, mỗi người chỉ xả giận bằng một quả đấm thôi cũng đủ toi một mạng người.

Nói gì đi nữa, đối với một tên giết người, trước khi kết án tử hình, người ta vẫn phải ra tòa và xem đi xét lại có tình tiết nào có thể giảm nhẹ cho tội nhân không. Nhưng trên hết, sự bất lực của luật pháp và cái nghèo đói chính là nguồn gốc của vấn đề. Trong đó, cốt lõi cuối cùng là người ta chả còn tôn trọng mạng sống của đồng loại. Bạo lực, chém giết, suy cho cùng chẳng phải là công cụ hữu ích để ngăn ngừa tệ nạn, mà chỉ có Văn Hóa Tình Thương được nhân rộng trong một nền giáo dục đích thực mới có thể thay đổi được những mảng đen u buồn trong xã hội.
Những thông tin hiện nay cho chúng ta thấy một điều đáng buồn, không những việc phá thai đã quá bừa bãi mất hết cả nhân tính, mà hiện nay, những vụ án rất đau lòng mà nạn nhân là những em nhỏ, kẻ thủ ác cũng chẳng ai xa lạ gì, toàn người thân quen làng xóm, người có quan hệ huyết thống trong gia đình, mà ngay cả cha mẹ ruột cũng đang tâm tước đoạt mạng sống của trẻ em vì những lý do xem ra rất ngớ ngẩn. Ví như giận vợ thì chồng sát hại con, giận chồng đem con cùng tự vẫn, tức cha mẹ đứa bé thì hàng xóm ra tay cho bõ tức… Những vụ án hiếp dâm trẻ vị thành niên ngày càng có dấu hiệu phát triển, để lại cho con người và xã hội biết bao hậu quả đau lòng.
Chúng ta cứ nói mãi, cứ lên án mãi nhưng kết quả thì trái ngược. Khi mà một nền giáo dục còn quá nặng về thành tích, quá nặng về đồng tiền thì những biểu ngữ giăng mắc ngập đường phỏng có ích gì. Giờ thấy sinh mạng và phẩm giá con người bị coi rẻ rúng quá, Muốn sinh ra cũng chẳng được sinh ra, người sinh ra rồi có đau ốm bệnh tật thì cứ phải thật nhiều tiền mới mong được đối xử tử tế, làm cái gì cũng phải xin xỏ đủ thứ với thật nhiều phong bì, đến quyền nói, quyền được tự do suy nghĩ cũng bị áp chế đủ đường… Không thấy con số thống kê chính thức nhưng thử nhìn vào tất cả các số báo hiện nay, người ta chẳng khó khăn gì để biết mỗi năm có cả ngàn nạn nhân bị giết hại. Điều này cho thấy, phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo việc con người quá xem thường mạng sống và phẩm giá của nhau đã đến hồi nguy cập, đã khẩn thiết lắm rồi.
Nếu như có được một điều ước thôi thì tôi xin được ước rằng: Xin cho mọi người biết tôn trọng và yêu quý mạng sống của mình và của người khác.
Vì nếu có tôn trọng và yêu quý mạng sống của người khác. Xã hội này sẽ không còn phải có những quan tòa, không còn phạm nhân, không còn cảnh đánh hội đồng đến chết kẻ trộm chó, không còn cảnh phá thai bừa bãi, không còn những thực phẩm độc hại, những lô thuốc quá hạn sẽ biến mất, tham nhũng, độc quyền sẽ không còn đất sống, Những công trình xây dựng sẽ đạt phẩm chất an toàn, hết cảnh lo cầu sập, nhà đổ. Độc đảng hay đa đảng, tự do, chủ quyền không còn là điều phải tranh đấu bằng cả sinh mạng…
Tiếc rằng, điều ước ấy tôi và bạn sẽ không bao giờ có, mà muốn có nó chúng ta sẽ phải đấu tranh, đấu tranh với sự dữ và đấu tranh với chính bản thân mình.
                                                                                                 
Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Theo EPHATA số 567
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét