Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

[Video VietCatholic] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/06 - 26/06/2013 - Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro giữa làn sóng bạo động tại Brazil


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây





1. Buổi Triều Yết Chung hôm thứ Tư 26 tháng Sáu

Trong buổi Triều Yết Chung hôm thứ Tư 26 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục giải thích về Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô. Giáo Hội là đền thờ Thiên Chúa và mỗi người chúng ta là một phần của đền thờ ấy. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng, mọi người phải là "một viên đá sống động" toát lên vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo.

Trước khi bắt đầu, Đức Thánh Cha đã đi một vòng thăm các tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã dừng lại một hồi để chào thăm một nhóm các linh mục Mễ Tây Cơ. Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho các ngài. Các linh mục Mễ Tây Cơ đã tặng Đức Thánh Cha một bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe. 

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta xem xét Giáo Hội như là đền thờ của Thiên Chúa. Đền thờ của Solomon ở Jerusalem, là nơi cầu nguyện và gặp gỡ với Chúa, chính là hình bóng của Giáo Hội. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai nhập thể làm người ở giữa chúng ta chính là đền thờ tuyệt vời và sống động nhất nơi đó chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Chúa Kitô làm cho chúng ta trở nên các phần của nhiệm thể Ngài, trở thành các "viên đá sống động" để xây dựng một "ngôi đền linh thánh trong Chúa" (Eph 2:21), trong ngôi đền đó chúng ta thực hiện chức tư tế đã được nhận lãnh trong bí tích rửa tội khi dâng tiến những hy lễ. Chúa Thánh Thần, trong sự đa dạng của những ân sủng, liên kết chúng ta và cho phép chúng ta đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội thông qua sự thánh thiện của mình. Trong kỳ công này, mỗi chúng ta có một vai trò, mỗi người chúng ta, như một "viên đá sống động", là cần thiết cho sự tăng trưởng và cho vẻ đẹp của đền thánh Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tham gia tích cực hơn bao giờ hết trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và với Chúa Giêsu như là đá tảng của chúng ta. "

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ một số các nhà sư Phật Giáo tham dự buổi triều yết chung. Các nhà sư đã nhờ ông Domenico Giani, chỉ huy đội bảo vệ Đức Thánh Cha chụp cho họ những hình lưu niệm với Đức Thánh Cha.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng Sáu: Chúng ta đang được bao quanh bởi các vị tử đạo thời hiện đại

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các vị tử đạo ngày nay. Ngài giải thích rằng cũng như Gioan Tẩy Giả, người đã bảo vệ sự thật trước cường quyền, các Kitô hữu cũng cần phải nói và làm như vậy. Ngài đặc biệt kêu gọi những người trẻ đừng ngại đi ngược lại các trào lưu xã hội.

Đức Thánh Cha nói:

"Đừng sợ đi ngược dòng. Khi họ cố gắng đánh tan niềm hy vọng của chúng ta, khi họ đề cao những giá trị phù phiếm. Nó giống như để cho thực phẩm hư thối đi. Nếu chúng ta ăn thực phẩm hư hỏng, nó làm hại chúng ta. Cũng thế, những giá trị này làm tổn thương chúng ta. Chúng ta phải đứng lên chống lại chúng! Thanh niên nên là người đi đầu tiên trong việc này. Đi ngược lại trào lưu này. Hãy mạnh mẽ. Đứng lên! Hãy dũng cảm và chiến đấu chống lại điều này. Hãy tự hào khi làm như thế. " 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay vang vọng một lời rất sâu sắc của Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” 

“Đánh mất mạng sống vì Đức Kitô” nghĩa là gì? Điều này có thể xảy ra trong hai cách: bằng cách tuyên xưng đức tin một cách minh nhiên, hay ngang qua việc bảo vệ chân lý một cách mặc nhiên. 

Bên cạnh đó cũng có nhiều vị tử đạo trong đời sống thường ngày. Họ không chết nhưng đã “liều mất mạng sống” vì Đức Kitô ngang qua việc vuông tròn những trách vụ với tình yêu, theo luận lý của Đức Giêsu, luận lý của ân sủng và của sự thánh hiến. Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao nhiêu người cha người mẹ đã thực hành đức tin của mình bằng cách dâng hiến đời sống mình một cách cụ thể vì lợi ích của gia đình trong đời sống thường ngày! Có biết bao nhiêu linh mục, nam nữ tu sĩ đã quảng đại dấn thân cho nước Thiên Chúa trong công việc phục vụ của mình! Có biết bao nhiêu người trẻ dám từ bỏ niềm vui riêng để dâng hiến cho trẻ em, người tàn tật và già cả… Đây cũng là những vị tử đạo, tử đạo trong đời sống thường ngày, tử đạo mỗi ngày. 

3. Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro lại thêm một lần lo lắng vì bạo động dữ dội, cướp bóc và hôi của tràn lan.

Sau việc Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị hôm 11 tháng Hai vừa qua, giờ đây những xáo trộn sâu sắc đang diễn ra trên hơn 100 thành phố lớn tại Brazil đang tạo ra những quan ngại sâu xa của ban tổ chức WYD và các bạn trẻ tham dự đại hội. Đặc biệt là khi chỉ còn không đầy một tháng nữa, chính xác là vào ngày 23 tháng 7, ngày hội lớn của thanh niên thế giới sẽ được khai mạc.

Hôm thứ Năm 20 tháng 6 vừa qua, khoảng 1 triệu người đã xuống đường trên 100 thành phố lớn nhỏ ở Brazil để phản đối chính phủ về đủ mọi chuyện, từ việc thi hành công ích cho đến tình trạng cách biệt lương bổng. Bạo động dữ dội đã xảy ra và đài truyền hình Brazil ghi nhận những cảnh cướp bóc các cửa hàng và ngân hàng tại các thành phố lớn. Ít nhất một thanh niên đã bị bắn chết khi lái xe vượt rào cản của cảnh sát để về nhà.

Đây là cuộc bất ổn lớn nhất cuả Brazil từ trước đến nay, khởi đầu với sự bất mãn về vé xe buýt bị tăng thêm 20 xu vào ngày 4 tháng Sáu vừa qua để giúp chi phí cho việc tổ chức giải Túc Cầu Thế Giới vào năm tới 2014. Người dân đã đặt câu hỏi về việc sử dụng tiền thuế, về tỉnh trạng tham nhũng và về những biện pháp mạnh tay cuả chính phủ trong việc giải toả nhà.

Tại Rio de Janeiro, nơi sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới thứ 14 từ 23 cho đến 28 tháng 7 tới, 300 ngàn người đã biểu tình ôn hoà trước nhà thờ Candelaria.

Chính quyền thành phố đã phân phát 30 ngàn truyền đơn kêu gọi bất bạo động tới những người biểu tình.

Dân chúng đã vây quanh tòa thị chính và ông thị trưởng Eduarto Paes cứng rắn tuyên bố rằng: "Chúng ta là một nước dân chủ nhưng chúng ta không chấp nhận những hành động đâp phá hỗn loạn, sự an toàn cuả Rio phải được bảo vệ bằng mọi giá".

Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. 5 người lớn và 3 trẻ vị thành niên bị bắt về tội đập phá. Nhưng ngay sau đó, để xoa dịu dân chúng, ông Jose Maria Beltrame, giám đốc An Ninh cuả Rio tuyên bố là những nhân viên công lập lạm quyền sẽ bị điều tra và trừng trị.

Rõ ràng chính quyền đang lúng túng không biết phải làm gì để ổn định tình hình vì thế tình hình có nhiều biến động bất thường khác trong những ngày tới.

Tồng thống Brazil, bà Rouseff đã phải hủy bỏ hai chuyến công du qua Salvador và Nhật để đương đầu với những biến chuyển trong nước.

Tuy những cuộc phản đối là nhắm vào những bê bối cuả việc tổ chức bóng đá World Cup, Ngày Giới Trẻ Thế Giới với dự phóng có 4 triệu khách tham dự sẽ làm cho vấn đề an ninh trở thành trầm trọng hơn và đặt câu hỏi về cuộc tông du đầu tiên cuả Đức Giáo Hoàng.

Ông Gilberto Carvalho, tổng thư ký phủ tổng thống, đã họp một phiên họp bất thường ngày thứ Sáu để bàn về khả năng có xáo trộn trong cuộc tông du cuả Đức Giáo Hoàng, nhưng sau đó cũng không đưa ra một chỉ đạo nào rõ ràng. Ông tuyên bố:

"Chúng tôi không đoán trước được tương lai, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể mọi chuyện sẽ không gay cấn lắm, nhưng chúng tôi muốn chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra".

Một vị điều phối viên ngày Quốc Tế Giới Trẻ phân bộ tiếng Anh tại Brazil, là cha Michael Rogers, một linh mục Dòng Tên nói WYD không bị đe dọa bởi tình trạng bất ổn.

Phát biểu với Đài phát thanh Vatican, cha. Rogers nói rằng “các bạn trẻ và gia đình có quyền được thông tin về những vụ bạo động đang diễn ra.” Tuy nhiên, ngài tin rằng mọi chuyện sẽ được nhanh chóng giải quyết tốt đẹp.

4. Bộ Phụng Tự qui định thêm tên Thánh Giuse vào Kinh Nguyện Thánh Thể

Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích đã công bố sắc lệnh qui định từ nay tên thánh Giuse được ghi thêm vào kinh nguyện Thánh Thể thứ II, thứ III và thứ IV.

Trong sắc lệnh ký ngày 1 tháng 5, Đức Hồng Y Antonio Canizares Lloreva Tổng trưởng, và Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, Tổng thư ký, thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố quyết định đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đề ra trước đó về việc ghi thêm tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong hầu hết các thánh lễ bằng tiếng latinh. Sắc lệnh cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nhận được những lời thỉnh cầu của nhiều tín hữu Công Giáo ở các nơi trên thế giới và đã phê chuẩn việc ghi thêm sau tên của Đức Maria câu ”cùng với Thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ”.

Một chức sắc của Bộ Phụng Tự nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ hôm 18 tháng 6 rằng các Hội Đồng Giám Mục có thể xác định ngày bắt đầu thi hành việc thay đổi trên đây nếu thấy việc xác định này là cần, nhưng vì đây chỉ là thêm vài chữ, nên các linh mục có thể bắt đầu áp dụng ngay.

Trong phần đầu, Sắc Lệnh nhắc đến vai trò của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ và mô tả thánh nhân là “mẫu gương về lòng khiêm tốn quảng đại mà Kitô giáo đề cao đến độ cao cả, và một chứng nhân về những nhân đức thông thường, nhân bản và đơn sơ, cần thiết để con người trở nên môn đệ nhân đức và chân chính của Chúa Kitô”.

Kèm theo sắc lệnh, Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích cũng cung cấp cho các Giám Mục trên thế giới những từ chính xác được thêm vào trong các kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV bằng tiếng la tinh, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ đào nha, Pháp, Đức và Ba Lan.

Sắc lệnh cũng nhắc lại rằng “Trong Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu vẫn luôn biểu lộ một cách liên tục lòng sùng mộ nhiệt thành đối với Thánh Giuse, tôn kính một cách trọng thể và liên tục việc tưởng niệm Hôn Phu rất thanh khiết của Mẹ Thiên Chúa và thánh nhân là Bổn Mạng của toàn thể Giáo Hội, đến độ trong Công đồng chung Vatican 2, Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã quyết định ghi thêm tên Thánh Nhân trong Lễ Quy Roma rất cổ kính”.

Hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ nhận xét rằng Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 có tên thánh là Giuse. Đức Đương kim Giáo Hoàng Phanxicô cũng có lòng sùng mộ đặc biệt đối với thánh nhân. Trong huy hiệu Giáo Hoàng của ngài, có bông hoa biểu tượng thánh Giuse, và ngài đã chọn lễ thánh Giuse 19-3 làm lễ khai mạc sứ vụ của ngài.

“Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ và can đảm, một người cần cù làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài chúng ta thấy sự dịu dàng, đây không phải là nhân đức của người yếu, nhưng đúng hơn là dấu hiệu sức mạnh tinh thần và khả năng quan tâm, cảm thương, chân thành cởi mở đối với tha nhân và yêu thương”

5. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà lãnh đạo thổ dân để thảo luận về quyền của các cộng đồng bản địa

Hôm thứ Hai 24 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp ông Adolfo Perez Esquivel, người Á Căn Đình đã đoạt giải Nobel về hòa bình. Đây là lần thứ hai, Đức Thánh Cha tiếp ông Esquivel từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng .

Lần này, cùng đi với ông Esquivel còn có các nhà lãnh đạo người Qom tại Á Căn Đình.

Nhà lãnh đạo người dân tộc Qom, là ông Felix Diaz, đã cùng đi với phu nhân trong buổi triều yết Đức Thánh Cha. Mục đích chính của cuộc tiếp kiến là để trình bày về những vi phạm quyền con người đối với các cộng đồng bản địa ở Á Căn Đình và các nước Mỹ Châu Latinh khác.

Ông Esquivel, người đã đoạt giải Noble Hòa Bình năm 1980, đã quan tâm đặc biệt đến quyền lợi của cộng đồng bản địa, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai và bản sắc văn hóa.

Trong cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, ông Perez Esquivel nói:

"Chúng ta sẽ tiếp tục. Từ bây giờ, chúng ta sẽ làm việc và hợp tác trong bất cứ phạm vi có thể. "

Sau khi được Đức Giáo Hoàng ban phép lành, bà Amanda Asijak phu nhân nhà lãnh đạo thổ dân Felix Diaz, đã trình bày với Đức Thánh Cha các sinh hoạt sắp tới của người Qom.

Bà nói:

"Chúng con sẽ tổ chức một cuộc diễu hành vào tháng Chín."

Các nhà lãnh đạo thổ dân không xa lạ gì với Đức Giáo Hoàng. Trong tư cách là tổng giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã gặp các đại diện của người Qom. 

Trước khi từ biệt, Đức Thánh Cha đã ôm chầm lấy cha Francisco Nazar, người phụ trách chăm sóc mục vụ cho người thổ dân tại giáo phận Formosa của Á Căn Đình.

6. Con Tàu trẻ em: Vượt qua cái nóng mùa hè để gặp Đức Giáo Hoàng

Ngay trước khi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 23 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón một số khách rất đặc biệt. Nhà ga xe lửa Vatican là điểm đến cuối cùng cho hơn 300 trẻ em trên con tàu mệnh danh "Tàu của trẻ em." Đoàn tàu đặc biệt này đã đưa những trẻ em từ Milan, Florence và Bologna đến trung tâm của khu vườn Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các em rất nồng nhiệt.

-Xin chào tất cả mọi người, hoan nghênh! Các con khởi hành lúc mấy giờ?

-Lúc 5.30! lúc 4.30!

-Đó có phải là một chuyến đi dài không? Có nhàm chán không?

-Không!

-Không chán à? Cảm ơn các con đã ghé thăm cha. Cha rất hạnh phúc có các con đang ở đây. Các con có hạnh phúc không?

-Có ạ!

'Tàu trẻ em "được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 12 đang gặp các vấn đề xã hội hoặc gia đình đã có một cơ hội độc đáo để chia sẻ kinh nghiệm của mình, trên một cuộc hành trình thú vị và cuối cùng có một cuộc gặp gỡ đặc biệt với Đức Giáo Hoàng. Một số em chỉ mới đến Rôma lần đầu tiên.

- Các con sẽ làm gì tiếp theo? Kế hoạch của các con trong ngày hôm nay là gì?

- Chúng con đang đến thăm nơi tuyệt vời này. Chúng con sẽ được ôm lấy bởi các hàng cột trong Quảng trường Thánh Phêrô, mỗi cột sẽ giống như một đứa trẻ ôm lấy chúng con. Và chúng con sẽ bám vào chúng. Sau đó chúng con sẽ thăm đền thờ Thánh Phêrô, trong đó chứa đựng tất cả lịch sử của chúng con. Sẽ có âm nhạc. Đức Thánh Cha đang ở trong trái tim của chúng con. Và trái tim của chúng con tháp tùng Đức Thánh Cha. Chúng con sẽ lên đường lúc 16:00. Đức Thánh Cha có muốn đi trên tàu với chúng con không? Có những trẻ em từ bệnh viện Bambin Gesù đã thực hiện những tấm màn màu để hiệp thông với chuyến tàu tình yêu của chúng con.

-Rất tốt. Chúc các con một ngày tốt lành. Nhưng hôm nay sẽ khá nóng? Cái nóng không làm phiền các con chứ?

-Không, nếu chúng con được gặp Đức Thánh Cha!

-Cảm ơn các con. Chúc một ngày tuyệt vời.

Sự kiện này là một phần của chương trình "Khu vườn của trẻ em”, với mục đích giúp đỡ trẻ em đang gặp các vấn đề xã hội, gia đình, bằng cách tổ chức những kinh nghiệm thú vị và giáo dục.

7. Các nhà phò sinh Ái Nhĩ Lan kêu gọi lương tâm của các dân biểu khi bỏ phiếu về luật cho phép phá thai

Các nhà phò sự sống tại Ái Nhĩ Lan đang kêu gọi lãnh tụ các đảng phái nước này phải để cho đảng viên của họ được tự do trong việc bỏ phiếu hợp pháp hóa hay bác bỏ đạo luật cho phép phá thai.

Sau khi lãnh đạo Đảng Fine Gael nói rằng tất cả các đảng viên phải tuân thủ kỷ luật đảng và phải hỗ trợ cho việc thông qua đạo luật này, các nhà lập pháp là đảng viên của đảng này tuyên bố họ phải được phép bỏ phiếu theo lương tâm của họ

Các nhà lập pháp ủng hộ cuộc sống đã chỉ ra một tiền lệ là vào năm 1993, Alan Shatter hiện là Bộ trưởng Tư Pháp đã từng bỏ phiếu chống lại đảng của ông, nhưng không hề bị hình thức kỷ luật nào.

Trong một diễn biến liên quan, Đức Hồng Y Raymond Burke, người đứng đầu Tòa Ân Giải Tối Cao, nói rằng Thủ tướng Enda Kenny đã nhầm lẫn khi ông tuyên bố rằng mặc dù ông là một người Công Giáo, ông không thể cho phép đức tin của mình hướng dẫn lập trường của ông về vấn đề phá thai. 

Đức Hồng Y người Mỹ nói với người Công Giáo Ái Nhĩ Lan rằng:

"Phá thai chống lại luật luân lý tự nhiên, là luật đã được ghi khắc trong con tim con người. Người ta không thể thoái thác rằng vì mình là một chính trị gia thì mình có quyền thoái thác những vấn nạn về phá thai bằng cách tuyên bố rằng người ta không nên mang đạo Công Giáo của một người vào các lĩnh vực chính trị."

8. Đức Thánh Cha Phanxicô: Kitô hữu không thể là những người bài Do Thái vì chúng ta chia sẻ nguồn gốc chung!

Trong khi tiếp một phái đoàn của Ủy ban Do thái quốc tế về tham vấn Liên tôn hôm thứ hai 24 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các mối giây hiệp nhất Kitô giáo và Do Thái Giáo. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Công Đồng Vatican II và tuyên bố "Nostra Aetate" đã đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai tôn giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Trong văn bản của Công Đồng, Giáo Hội nhìn nhận ‘sự khởi đầu của đức tin và việc Chúa đã chọn các tổ phụ, Môi-se và các tiên tri’. Và, đối với người Do Thái, Công Đồng nhắc lại giáo huấn của Thánh Phaolô, người đã viết ‘khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì người không hề đổi ý’ (Rm. 11:29)”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói với các cử toạ rằng chính ngài đã quen biết với nhiều nhân vật lãnh đạo của người Do Thái. Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã rất thích trao đổi quan điểm với những người Do Thái từ những ngày ngài còn là Tổng giám mục của Buenos Aires. Vào thời điểm đó, ngài còn tổ chức một chương trình truyền hình và viết một cuốn sách chung với giáo sĩ Do Thái tại Á Căn Đình là Abraham Skorka. Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài phát biểu của mình với một lời chào bình an quen thuộc của người Do Thái: "shalom".

9. Đức Hồng Y George Pell nói về việc cải tổ Giáo triều Rôma

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới chỉ lãnh đạo Giáo Hội hơn ba tháng nhưng sự mến mộ dành cho ngài đã khá rõ ràng. Những buổi triều chung mỗi thứ Tư hàng tuần và các buổi đọc kinh Truyền Tin lôi cuốn hàng trăm ngàn người tuôn về Vatican mỗi tuần. Đây là điều Đức Hồng Y George Pell của Úc Đại Lợi đã trực tiếp chứng kiến trong chuyến thăm gần đây của ngài tại Rôma.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney nói:

"Xe taxi không làm sao được vào Via della Conciliazione đơn giản vì có quá đông người. Các buổi triều yết chung có đôi khi hơn 85,000 người tập trung về đây. "

Nhưng có lẽ những thay đổi bên trong Vatican thu hút sự chú ý của Đức Hồng Y nhiều hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y George Pell là một trong tám vị Hồng Y tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc cải cách Giáo triều Rôma.

Mặc dù vai trò chính xác của hội đồng vẫn chưa được xác định, Đức Hồng Y Pell nói, có hai khả năng chính, sẽ được thảo luận khi nhóm tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng Mười.

Ngài nói:

"Một phương pháp tái cấu trúc Giáo triều bao gồm những thay đổi lớn một cách toàn bộ và triệt để. Một cách khác là xem xét các vấn đề, trước mắt là những vấn đề gì và bắt đầu với từng vấn đề một. "

Việc tiến hành cải cách Giáo triều Rôma đã được thảo luận bởi các vị Hồng Y vào thời điểm Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Pell cho biết ủy ban sẽ không né tránh các vấn đề gây nhiều tranh cãi như cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Ngân hàng của Vatican, việc phát triển sự giao tiếp hiệu quả hơn giữa Đức Giáo Hoàng, với các Giám Mục và các giáo phận.

Đức Hồng Y nhận định:

"Chắc chắn ưu tiên đối với Đức Thánh Cha là làm thế nào ngài, như người Kế Vị Thánh Phêrô, liên hệ với các giám mục là những người kế vị các tông đồ và cũng là những người cùng với ngài tạo thành tông đồ đoàn."

Tám vị Hồng Y sẽ phản ánh về Giáo Hội hoàn vũ, vì các ngài đến từ các miền khác nhau trên thế giới. Đức Hồng Y Pell nghĩ rằng cơ cấu cố vấn có thể có thêm các thành viên khác trong tương lai.

Ngài nói:

"Chúng tôi gồm có tám người từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng có thể là chín người với một vị nào đó từ Giáo Hội Công Giáo Đông phương. "

Theo Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng đã tham khảo ý kiến với nhiều vị trong và ngoài Giáo triều Rôma, để xem những gì có thể được thực hiện nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh của Giáo Hội. 

10. Đức Giáo Hoàng gặp Thủ tướng Malta và những cô con gái song sinh 

Hôm thứ Hai 24 tháng 6, Đức Thánh Cha đã tiếp Thủ tướng Malta tại điện Tông Toà của Vatican. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước. 

Thủ tướng Joseph Muscat đã tặng Đức Giáo Hoàng hình ảnh của bốn vị Thánh Sử được chạm trổ trên đá bởi một nghệ nhân Malta. Hiện diện trong buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha còn có 5 cô con gái của Thủ tướng gồm một cặp sinh đôi và một cặp sinh ba.

11. Quan ngại về tình trạng an ninh tại Bức Tường Than Khóc khiến cảnh sát Do Thái bắn chết cả người Do Thái

Một người đàn ông Do Thái đã bị cảnh sát Do Thái bắn chết ngay tại Bức tường Than Khóc ở phía Tây Jerusalem hôm thứ Sáu 21 tháng 6.

Việc cảnh sát Do Thái bắn chết một người Do Thái là chuyện rất hi hữu và biến cố bi đát này có thể là do tâm lý căng thẳng của các lực lượng Do Thái đang tuần tra nghiêm ngặt trong khu vực tiếp theo những tin tình báo về khả năng di tích lịch sử này bị người Hồi Giáo đánh bom.

Người đàn ông Do Thái bị bắn chết đã lao vào cảnh sát trong khi hô lớn "Allahu akbar!" “Thiên Chúa thật cao cả”. “Allahu akbar” không phải là tiếng Do Thái nhưng là tiếng Ả rập và đã từng là tựa đề bài quốc ca của Libya từ năm 1969 cho đến ngày 20 tháng 10 năm 2011 khi tổng thống Muammar Muhammad Abu Minyar al-Gaddafi, người thường được gọi là Đại Tá Gaddafi bị lật đổ và bắn chết.

“Allahu akbar” cũng là khẩu hiệu thường được người Palestine hô to trong các cuộc biểu tình chống Do Thái.

Cảnh sát nghĩ ông này đeo bom tự sát nên đã nổ súng. Cảnh sát tỏ ra rất nhạy cảm với các mối đe dọa khủng bố đặc biệt là vào thứ Sáu khi người Hồi giáo Palestine tụ tập để cầu nguyện.

12. Các Đức Giám Mục Miến Điện xác định những thách thức quốc gia phải đối mặt

Sau cuộc họp thường niên các giám mục Miến Điện đã đưa ra một thư chung bày tỏ niềm vui trước những thay đổi chính trị lớn lao của đất nước gần đây và phác thảo ra những gì các vị cho là thách thức lớn nhất mà quốc gia họ giờ đây phải đối mặt.

Theo các giám mục nước này cần thiết phải tái lập việc giáo dục bắt buộc ở bậc phổ thông, tôn trọng "các quyền và phẩm giá của các nhóm bản địa," và phải chấm dứt ngay tình trạng xung đột sắc tộc và tôn giáo.

"Chúa đã ban cho đất nước chúng ta những tài nguyên thiên nhiên cần phải được bảo vệ và không thể để cho nước ngoài khai thác". Các Giám Mục cũng kêu gọi viện trợ cho người tị nạn Miến Điện. "Sự im lặng và nước mắt của họ đang kêu gào công lý." 

Miến Điện hiện có 54,600,000 dân trong đó 89% theo Phật Giáo, 4% theo Hồi Giáo, 4% theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chỉ có 1%. Theo Niên Giám của Giáo Hội Công Giáo năm 2011, Miến Điện có 16 giáo phận trong đó có 3 tổng giáo phận trong đó lớn nhất là tổng giáo phận thủ đô Yangon.

13. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổ chức Lương nông Thế giới: Chúng ta phải ngăn chặn nạn đói ngay

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi chấm dứt nạn đói trên thế giới trong cuộc gặp gỡ với hơn 400 thành viên tham dự hội nghị của Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc. Phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng lên án rằng ngày nay nạn đói không được xem là vấn đề cấp bách hay 'gây xôn xao dư luận'. Ngài cũng chỉ ra rằng thay vì giúp đỡ người nghèo, nhiều tổ chức và nhiều vị lãnh đạo chính trị thường sử dụng cuộc khủng hoảng kinh tế như một cách để trút trách nhiệm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi tin đây là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của chúng ta hôm nay để cùng chia sẻ ý tưởng rằng cần phải thực hiện điều gì đó nhiều hơn nữa nhằm đưa ra một động lực mới trong các hoạt động quốc tế vì người nghèo. Chúng ta được linh hứng là phải thật sự làm cái gì đó chứ không phải chỉ có thiện chí suông, hay tệ hơn, chỉ là những lời hứa thường là hão huyền. Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay cũng không thể tiếp tục được xem như một cái cớ để thoái thác trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng sẽ không hoàn toàn chấm dứt cho đến khi nào hoàn cảnh và điều kiện sống của anh chị em chúng ta được xem xét trên phương diện nhân bản và phẩm giá con người".

Đức Thánh Cha cũng cho hay mọi người phải cảm thấy một ý thức gia tăng trách nhiệm. Về phần Giáo Hội, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội có thể đưa ra trợ giúp nền tảng cho Tổ chức Lương nông Thế giới và các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Con người và phẩm giá con người có nguy cơ bị biến thành trừu tượng và mơ hồ trước các vấn đề như việc sử dụng vũ lực, chiến tranh, suy dinh dưỡng, bị gạt ra bên lề xã hội, tình trạng vi phạm các quyền tự do cơ bản, và đầu cơ tài chính. Tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến giá cả lương thực, khi con người được xem như là một thứ hàng hóa, trong khi chức năng chính của họ không được tính đến. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục nhấn mạnh đến con người và phẩm giá con người, không đơn giản chỉ là khẩu hiệu, nhưng là những trụ cột để tạo ra các nguyên tắc và cấu trúc chung vốn có thể đi xa hơn những phương pháp tiếp cận duy thực tế hoặc kỹ thuật. Bằng cách đó, chúng ta có thể loại trừ những chia rẽ và khác biệt".

Hội nghị thường niên của Tổ chức Lương nông Thế giới bắt đầu vào ngày 15 tháng Sáu, kéo dài đến 22 tháng Sáu. Hội nghị có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo chính trị, như Tổng thống Ghana, Panama và Venezuela.

14. Việc phong thánh cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thêm triển vọng

Thông tấn xã ANSA và nhiều tờ báo khác phát hành tại Ý loan tin rằng đã có thêm những bằng chứng thuận lợi cho việc phong thánh cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Theo báo cáo của hội đồng y khoa của Toà Thánh được công bố vào tháng 4 vừa qua, một phụ nữ ở Mỹ Châu Latin đã được chữa lành một cách tự nhiên vào ngày 1 tháng 5 năm 2011, nhờ sự cầu bầu của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Sự kiện này xảy ra chỉ vài giờ sau khi đức cố Giáo Hoàng được phong chân phước 

Dù phép lạ này có được hội đồng y khoa và các chuyên gia tư vấn về thần học xác nhận là thật, thì các vị Hồng Y thành viên của ủy ban phong thánh vẫn phải bỏ phiếu chấp thuận, trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô châu phê việc phong thánh này.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz của Kraków Ba Lan, nguyên là bí thư của Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị, và nhiều người khác đang hy vọng việc phong thánh có thể được diễn ra vào tháng Mười năm nay nhân ngày kỷ niệm 35 năm đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła được bầu làm Giáo Hoàng Gioan Phao-lô Đệ Nhị vào ngày 16 tháng 10 năm 1978.

15. Đảng đối lập Venezuela gặp gỡ Đức Thánh Cha

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các thành viên của đảng đối lập sau buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần. Các vị trong đảng Đối Lập Venezuela đã tặng cho Đức Thánh Cha một bức tranh Đức Mẹ, được bao quanh với màu sắc của lá cờ Venezuela.

Họ cám ơn Đức Thánh Cha đã đóng vai trò hòa giải mà Giáo Hội đã thực hiện ở Venezuela, đặc biệt là khi đất nước phải đối mặt với sự phân hóa chính trị sâu sắc. Trước đó, các vị trong đảng đối lập đã gặp gỡ với Bộ Ngoại giao của Vatican.

16. Anh quốc bác bỏ đề nghị để Đức Giáo Hoàng đứng làm trung gian hòa giải về cuộc tranh chấp quần đảo Falklands

Các quan chức chính phủ Anh đã bác bỏ một đề nghị của Tổng thống Á Căn Đình là bà Cristina Kirchner theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền của quần đảo Falkland.

Sau trận chiến diễn ra năm 1982, cho đến nay Á Căn Đình vẫn tiếp tục thách thức tuyên bố của Anh về chủ quyền trên quần đảo Falklands - được người dân Á Căn Đình gọi là Malvinas nằm ngoài khơi Đại Tây Dương. 

Năm ngoái, trong chuyến thăm Vatican, bà Kirchner đã từng thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đứng ra giải quyết các tranh chấp giữa hai bên.

Các quan chức ở London đã bác bỏ thẳng thừng triển vọng về sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng. 

Mark Lyall Grant, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc nói:

"Tôi chắc chắn chia sẻ quan điểm cho rằng tôn giáo không thể giúp giải quyết vấn đề này"

Các quan chức Anh có thể có những lý do để từ chối lời kêu gọi sự can thiệp của Vatican, vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người Á Căn Đình.

Trong các thời điểm khác nhau, quần đảo Falklands đã từng có người Pháp, người Anh, Tây Ban Nha và Á Căn Đình sinh sống.

Anh đã thiết lập chủ quyền trên quần đảo này từ năm 1833 bất chấp việc Á Căn Đình luôn coi đây là hòn đảo của họ. Năm 1982, Á Căn Đình đổ quân chiếm đóng và cuộc chiến không tuyên bố giữa hai nước đã diễn ra trong 2 tháng, kết thúc với việc quân trú đóng của Á Căn Đình đầu hàng quân Anh.

Quần đảo hiện có dân số là 2932 người. Phần lớn là người địa phương sinh sống lâu đời ở đây.

17. Ngày Tị nạn Thế giới: 'Khi đã được ban cấp quy chế tị nạn chính trị, thách đố của họ vẫn chưa hết'

Ngày 20 tháng Sáu hằng năm là Ngày Tị nạn Thế giới, mục đích của ngày này là nhằm nâng cao nhận thức về tất cả những thách đố mà người tị nạn phải đối mặt khi họ rời khỏi quê hương đất nước của mình. Người ta ước tính khoảng 100 triệu người trên khắp thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Cha Giovanni La Manna, Giám đốc Astalli (Ý) cho biết: "Từ việc tìm kiếm một chỗ để nghỉ ngơi, một nơi để ăn uống và một chốn để sống cho ra con người, và cả trong tiến trình thanh lọc, những thách đố vẫn chưa hết, nhưng vẫn tiếp diễn sau đó".

Cha Giovanni La Manna là Giám đốc trung tâm Astalli tại Ý, là một trong những trung tâm tị nạn quan trọng nhất của nước này. Cha cho hay vấn đề di dân và tị nạn là vấn đề phổ quát, nhưng nó thường bị các chính trị gia bóp méo. Tuy nó đang là một vấn đề nóng bỏng, nhưng cũng cần phải làm một điều gì đó.

Cha Giovanni La Manna nói thêm: "Ở đảo Lampedusa của Ý, ngư dân được chuyển đến một khu vực có lẽ là một nghĩa trang. Khi họ thả lưới trên biển, có lúc họ phát hiện hài cốt của con người".

Trong một cuộc hội thảo, cha nói rằng thật mỉa mai là một cặp kính hoặc hàng hóa có thể dễ dàng được vận chuyển từ nước này sang nước khác. Nhưng đối với con người thì nó trở nên điều gì đó vô cùng phức tạp.

Cha Giovanni La Manna cho biết: "Mọi người cần hiểu những người tị nạn là ai. Những người di dân là ai? Trên bình diện chính trị, chúng ta cần phải có những người chịu trách nhiệm. Phẩm giá và quyền của người tị nạn phải được tôn trọng".

Để nâng cao nhận thức về di dân và tị nạn, Phân Vụ Trợ Giúp Di Dân của Dòng Tên đã tổ chức một cuộc trưng bày ở Giáo xứ Thánh Danh Chúa Giêsu tại Rôma. Trên mặt tiền của giáo xứ, một màn ảnh kỹ thuật số trình chiếu những kinh nghiệm tị nạn vào mỗi đêm cho đến hết ngày 21 tháng Sáu.

18. Đức Giáo Hoàng thành lập ủy ban cải cách Ngân hàng Vatican

Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn hài hòa tốt hơn Ngân hàng Vatican với sứ mệnh của Giáo Hội hoàn vũ. Để đạt được mục tiêu này, Đức Giáo Hoàng đã thành lập một ủy ban năm người. Nhiệm vụ của nhóm là phân tích các hoạt động của Ngân hàng Vatican và đề nghị cải cách.

Ủy ban này được điều hành bởi Đức Hồng Y Raffaele Farina người Ý. Các thành viên khác bao gồm Đức Hồng Y người Pháp Jean-Louis Tauran, là một trong năm vị Hồng Y trong ban điều hành của Ngân hàng; giáo sư Mary Ann Glendon, cựu đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, người cũng là chủ tịch của Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội; thẩm phán giáo luật Juan Ignacio Arrieta người Tây Ban Nha, là người phụ trách phối hợp các hoạt động của ủy ban; và Đức Ông Peter Wells, người Mỹ, thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ đóng vai trò thư ký.

Đức Giáo Hoàng đã cho phép ủy ban được truy cập vào tất cả các hồ sơ có liên quan đến Ngân hàng Vatican. Ủy ban sẽ tường trình kết quả lên Đức Giáo Hoàng càng sớm càng tốt.

Ngân hàng Vatican, thường được gọi là Viện Giáo Vụ, hoặc IOR, gồm 112 nhân viên và 19,000 tài khoản ngân hàng quản lý số tiền lên đến khoảng 6 tỷ euro.

19. Đức Giáo Hoàng nói trong cuộc họp với các sứ thần Tòa Thánh: "Anh em đừng bao giờ quên anh em là các mục tử '

Vị đại diện của Đức Giáo Hoàng được gọi là Sứ Thần Tòa Thánh tại các quốc gia có quan hệ chính thức với Tòa Thánh, hay là Khâm Sứ Tòa Thánh tại các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao. Sáng 21 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 148 vị Sứ Thần và Khâm Sứ Tòa Thánh tại Vatican với một bài phát biểu dài. 

Đức Thánh Cha nói:

"Công việc của anh em rất quan trọng trong ý hướng 'tạo ra' và 'xây dựng' Giáo Hội. Giữa các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát, giữa các Giám Mục và Giám Mục Rôma. Anh em không phải là những người trung gian, nhưng là những cầu nối. Qua sứ vụ này, anh em tạo ra tình hiệp thông. Và nhiệm vụ quan trọng nhất của anh em là liên lạc. Để là người liên lạc, anh em cần phải nhận thức được nhiều điều. Không chỉ là thủ tục giấy tờ, điều đó cũng là quan trọng, nhưng hơn thế nữa anh em phải biết về con người. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mối quan hệ cá vị giữa Giám Mục Roma và anh em là điều cần thiết."

Đức Thánh Cha chân thành cám ơn sự phục vụ của các vị Sứ Thần Tòa Thánh, nhiều khi trong những hoàn cảnh khó khăn, sống trong tình trạng như những người du mục, thường phải thay đổi nhiệm sở, phải hy sinh, từ bỏ nhiều liên hệ bạn hữu, luôn bắt đầu lại, luôn phải thích ứng với những hoàn cảnh của Giáo Hội và đất nước mình được gửi gửi tới.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng của các vị Sứ Thần Tòa Thánh là điều tra để làm danh sách các ứng viên Giám Mục. Ngài nói: “Trong công tác tế nhị này, anh em hãy chú ý làm sao để chọn các ứng viên là những vị mục tử gần gũi dân chúng, là những người cha và người anh, hiền từ, kiên nhẫn và từ bi; yêu mến thanh bần, thanh bần nội tâm như một sự tự do vì Chúa và thanh bần bên ngoài như sự đơn sơ và khổ hạnh; các ứng viên ấy không phải là người có tâm lý như những “ông hoàng”.


VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét