Sài Gòn – Ngày 15.06 vừa qua, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, trưởng văn phòng CL & HB thuộc DCCT Sài Gòn đã tiếp tục gởi đến ông Thủ tướng Việt Nam ba trường hợp Người Dân bị oan, sai bởi những Quyết định, hành vi không phù hợp pháp luật của các cấp Cán bộ thuộc quyền quản lý của Thủ Tướng.
Đó là trường hợp Ông Lại Văn Trinh ở ấp Nam Đô, xã Tân Phước, huyện Đông Phú, tỉnh Bình Phước, trường hợp Bà Nguyễn Ngọc Hoa ở 96 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu và trường hợp Bà Huỳnh Thị Ngọc Thiên ngụ tại ấp 5, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Văn thư này đã được chuyển đến Văn phòng thủ tướng bằng đường bưu điện bảo đàm. VRNs phổ biến để các công dân thì hành quyền giám sát hoạt động của nhà cầm quyền theo quy định của Hiến Pháp hiện hành.
———-
Văn Phòng Công Lý và Hòa Bình
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
38, Kỳ Đồng, Quận 3
——–
Ngày 15/6/2013
Kính gửi : Ông NGUYỄN TẤN DŨNG
Thủ Tướng Chính Phủ
Tôi là : Linh Mục Đinh Hữu Thoại- Trưởng VP Công Lý & Hòa Bình- Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, gửi đến Ông, ba trường hợp Người Dân bị oan, sai bởi những Quyết định, hành vi không phù hợp pháp luật của các cấp Cán bộ thuộc quyền quản lý của Thủ Tướng.
Cụ thể:
1. Trường hợp Ông Lại Văn Trinh ở ấp Nam Đô, xã Tân Phước, huyện Đông Phú, tỉnh Bình Phước: khiếu nại UBND huyện Đồng Phú ra Quyết định về cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi 4,5 ha đất lấn chiếm của gia đình Ông tại khoảnh 6, tiểu khu 341, ban QLR Đồng Xoài (nay là Công ty TNHH Một thành viên Cao Su Bình Phước). UBND huyện Đồng Phú đã có Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 3419/QĐ-UBND ngày 3/1/2008 và UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 402/QĐ-UBND ngày 24/2/2009. Ông Lại Văn Trinh vẫn tiếp tục khiếu nại. Sau nhiều lần đi khiếu nại tại Hà Nội, được vận động về địa phương giải quyết và được UBND tỉnh hứa hẹn, nhưng vẫn không được giải quyết. Đến ngày 13/11/2012, UBND tỉnh Bình Phước (Ông Trương Tấn Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh) và Đại diện các lãnh đạo Sở, Ngành, các Chủ tịch UBND huyện… đã cùng lãnh đạo các cơ quan trung ương “thống nhất phương án giải quyết vụ việc khiếu nại của Ông Lại Văn Trinh…” tại Biên Bản số 22/BB-KNTC (“Biên Bản”). Theo nguyên văn Biên Bản này:
“2. Ý kiến của Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước:
Giao UBND huyện Bù Đăng giao đất ở, đất sản xuất cho hộ Ông Lại Văn Trinh.
3. Ý kiến của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ:
Thống nhất với ý kiến của UBND tỉnh Bình Phước là giao đất ở và đất sản xuất cho hộ Ông Trinh.
4. Phương án thống nhất giữa Trung ương và địa phương:
Giao đất ở và đất sản xuất cho hộ Ông Trinh.
5. Kế hoạch thực hiện:
5.1. Trách nhiệm thực hiện: UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.
5.2. Tiến độ thực hiện: tháng 12 năm 2012.
5.3. Theo dõi, đôn đốc, báo cáo: UBND tỉnh Bình Phước.”
Thống nhất cụ thể như vậy, nhưng sau đó UBND tỉnh Bình Phước lại ban hành Thông báo chấm dứt giải quyết đơn khiếu nại của Ông Lại Văn Trinh, dựa vào “Công văn số 8061/VPCP-KNTN ngày 10/10/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt khiếu nại và chấm dứt các loại đơn đã giải quyết hết thẩm quyền; Công văn số 2695/TTCP-VP ngày 19/10/2012 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo sau rà soát theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ”. Với nội dung “UBND tỉnh thông báo kể từ ngày …, các cơ quan hành chính Nhà Nước không thụ lý giải quyết đối với đơn khiếu nại của Ông Lại Văn Trinh. Yêu cầu Ông Trinh thực hiện Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 24/2/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh”.
Như vậy, từ chỗ Ông Trinh lặn lội khiếu nại Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 24/2/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh, để hơn 3 năm sau, vì gia đình Ông khó khăn “là hộ nghèo có sổ, hiện nay không có đất, nhà ở…” nên được UBND tỉnh thống nhất với Trung ương “giao đất ở và đất sản xuất cho hộ Ông Trinh… thực hiện tháng 12/2012”. Đất ở và đất sản xuất đâu chẳng thấy được giao vào tháng 12/2012 như đã thống nhất, mà ba tháng sau, được Chủ tịch UBND tỉnh thông báo “phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 24/2/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước”.
Đáng lưu ý là UBND tỉnh Bình Phước ra liền hai Thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của Ông Lại Văn Trinh. Một là Thông báo số 97/TB-UBND đề ngày 22/3/2013 và hai là Thông báo số 122/TB-UBND đề ngày 01/4/2013. Hai Thông báo này có nội dung giống nhau, chỉ có một điểm khác là tại Thông báo số 97/TB-UBND có câu “Ông Lại Văn Trinh có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật”, trong khi Thông báo số 122/TB-UBND thì không có nội dung này. Hai Thông báo cùng có hiệu lực song song vì không có nội dung nào khẳng định Thông báo sau… hủy Thông Báo trước. Văn bản hành chính gì lạ đời vậy?
Kết luận, nếu hồ sơ Ông Lại Văn Trinh cung cấp là đúng, thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã dối trên (thỏa thuận với Trung ương “giao đất ở và đất sản xuất cho hộ Ông Trinh”), lừa dưới (buộc Ông Trinh phải chấp hành Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 24/2/2009 mà Ông Trinh đi khiếu nại). Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước dối trên, lừa dưới được như vậy là nhờ vào “…ý kiến của Thủ tướng Chính phủ…” tại các công văn “…chấm dứt giải quyết khiếu nại”
2. Trường hợp Bà Nguyễn Ngọc Hoa ở 96 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu: Bà Hoa là con của Bà Lê Phước Huệ, nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn và Ông Nguyễn Văn Tăng- Đại tá, hai lần Anh hùng Quân đội.
Bà kể “mẹ tôi, Lê Phước Huệ là cựu biệt động Sài Gòn, đã đi khiếu kiện từ năm 1990 cho đến năm 2005 thì sức khỏe suy yếu phải nằm một chỗ, ba tôi là Đại tá (anh hùng quân đội hai lần) Nguyễn Văn Tăng (đã chết). Tôi, Nguyễn Ngọc Hoa, phải thay bà tiếp tục khiếu kiện cho đến nay”.
Vụ việc khiếu nại của bà, để khách quan, tôi trích đăng lại nguyên văn các nội dung được Ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội – kể lại trên Báo Lao động cuối tuần, trang 11 số 23 ra ngày mùng 7/6/2009 như sau: “…Ngôi nhà và đất mà bà được hưởng thừa kế hợp pháp từ người anh ruột qua đời, có di chúc, bỗng dưng bị chính quyền địa phương sung công, mà chẳng đưa ra được một lý do nào xác đáng… Trong tập hồ sơ còn lưu được một bức thư của Thủ tướng lúc đó là Ông Võ Văn Kiệt, đề ngày 12/1/1994. Trong đó ông đã nhắc nhở Chủ tịch UBND Bà Rịa – Vũng Tàu vào thời điểm đó là: đã có văn bản của Văn phòng Quốc hội và 3 văn bản của Văn phòng Chính phủ yêu cầu trả lại toàn bộ ngôi nhà và quyền sử dụng đất cho người nữ chiến sĩ biệt động này. Bức thư phê phán: “Thế nhưng đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không chấp hành ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu tại các Công văn nói trên: không những thế, lại thực hiện cưỡng chế, và bắt tù con bà vì tội đánh người (thực tế là ngăn người đến phá nhà…)”. Văn bản còn chỉ đạo quyết liệt: “Trên cơ sở xem xét thực tế, tôi yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trả lại ngay nhà và đất nói trên cho gia đình Bà Lê Phước Huệ, đồng thời chấm dứt ngay mọi hành động hù dọa, chèn ép, gây khó khăn cho sinh hoạt của gia đình bà Huệ. Nếu có khó khăn gì, đồng chí Chủ tịch báo cáo tôi biết để giải quyết sau. Trước mắt phải thi hành ngay lệnh này. Văn phòng Chính phủ sẽ có văn thư chính thức gởi đồng chí” (ký tên Võ Văn Kiệt và đóng dấu của Chính phủ). Sau đó không lâu, Văn phòng Chính phủ chính thức có văn bản và Chủ tịch tỉnh cũng ra văn bản thực thi lệnh của Thủ tướng. Nhưng tất cả mới chỉ trên giấy. Cái không may cho người nữ chiến sĩ biệt động là tỉnh ký nhưng không làm, lần lữa đến lúc ông Sáu Dân không còn ở cương vị Thủ tướng nữa, để rồi 7 năm sau (2001), ông Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lại ký một văn bản ngược lại hoàn toàn, yêu cầu thu hồi quyết định của tỉnh đã ban hành theo chỉ đạo của Chính phủ thời ông Kiệt… Và ra một văn bản lấy lí do thời điểm mở di chúc (1991), Luật Đất đai 1988 vẫn có hiệu lực, nên không “thừa nhận quyền thừa kế đất nông nghiệp” để khước từ thực hiện điều mà Ông Thủ tướng đã ra lệnh trả lại từ 14 năm trước…”.
Để rồi, Ông Dương Trung Quốc chua chát nhận định “thật khó bàn về việc vận dụng luật pháp ở nước mình, nhưng chỉ bàn đến kỷ cương và đạo nghĩa cũng thấy buồn. Đọc lại bức thư của Ông Sáu Dân, và hành xử của một số người trong bộ máy hành pháp của chúng ta, mới thấy được cái khổ của người dân”.
Đến nay thì Bà Hoa, như Bà kể: “…đã phải tìm đến cái chết (ngày 27/4/2013), tôi đã gọi cho Giám đốc Công an tỉnh nói rõ tôi không thể chịu đựng thêm, tôi sẽ tự thiêu vì những bất công do Công an các ông gây ra cho tôi. Ngày 5/5/2013, tôi đã tự thiêu tại Nhà Thờ Đức Bà nhưng không thành (việc này được đài BBC ghi nhận)”, chỉ vì “vẫn phải đi khiếu nại suốt 32 năm nay”, và đi khiếu tố “Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Công an thành phố Vũng Tàu, Giám đốc Công an Đỗ Minh Dân đã bao che, tiếp tay cho vợ Công an là Phạm Thị Liêm đến cướp, phá nhà và đất, khủng bố tinh thần gia đình tôi tại số 96 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu”…
Kết luận: Trước sự việc như vậy, Thủ tướng giải quyết ra sao cho Bà Hoa?
3. Bà Huỳnh Thị Ngọc Thiên ngụ tại ấp 5, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An: Bà là con của Bà Ngô Thị My và Ông Huỳnh Văn Muôn. Gia đình Bà My cho Ông Nguyễn Văn Hay mượn đất thời hạn 4 năm, từ 1976. Đến 1989, Ông Hay trình bày: “Gia đình Bà My đòi lại thì gia đình tôi trả lại diện tích mượn, nhưng giữ lại diện tích 684m2 để ở”. Bà My đi khiếu nại.
Năm 1992, Gia đình Bà My được cấp QSD đối với diện tích đất này.
Trường hợp này là điển hình của việc tùy tiện trong quản lý đất đai của các cấp. Trước hết, UBND Xã Lương Bìnhcông nhận QSD đất của Gia đình Bà My, buộc Ông Hay trả đất chậm nhất là 20/4/1993, theo Giấy CN QSD đất của Gia đình Bà My và Tờ cam kết mượn đất mà Ông Hay lập trước mặt UB Hành chính Xã.
Ngày 19/12/1995, UBND Huyện Bến Lức lại “công nhận QSD đất cho Ông Hay”, không vì bất kỳ căn cứ pháp lý nào, mà chỉ ghi nhận: “Phần đất….Ông Nguyễn Văn Hay đang sử dụng và cất nhà ở từ 1976 đến nay…”.
Ngày 13/5/1996, UBND Tỉnh có Quyết Định số 731/QĐ-UB: “chuẩn y Quyết định của UBND Huyện,… Buộc Gia đình Bà My chấp hành Quyết định của UBND Huyện… Lý do: Đất cho mượn cất nhà ở từ năm 1976 đến nay…”.
Ngày 12/11/1996, Thanh Tra Tỉnh Long An có báo cáo đề nghị: UBND Tỉnh xem xét lại Quyết định 731/QĐ-UB và “thống nhất đề nghị UBND Tỉnh… công nhận QSD đất cho Gia đình Bà My”. Vì Ông Hay mượn đất, sau đó lại cất nhà…
Năm 2007, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó TT Trương Vĩnh Trọng “giao Bộ TN&MT kiểm tra…báo cáo Thủ Tướng”. Sau đó, ngày 27/6/2007, Đoàn Công tác Bộ TN&MT đã về Bến Lức làm việc… Đợi mãi hơn bốn năm- kể từ ngày Đoàn Công tác Bộ TN&MT lập Biên Bản làm việc vẫn chưa thấy giải quyết. Bà My khiếu nại. Lúc này, ngày 22/9/2011, Thanh Tra Bộ TN&MT mới có văn bản trả lời Bà My: “…Bộ TN&MT đã thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại của Bà và ngày 2/1/2008 Bộ đã có Văn bản số 01 báo cáo và đề xuất biện pháp giải quyết đến Thủ Tướng CP”. Và đến nay, Gia đình Bà My vẫn còn đến Văn phòng Công lý & Hòa bình của chúng tôi nhờ giúp đỡ.
Kết luận: Chưa bàn đến đúng sai, Thủ Tướng nghĩ sao về cách giải quyết khiếu nại của các cấp UBND trong trường hợp cụ thể này? Thủ Tướng đã có nhận được “báo cáo và đề xuất biện pháp giải quyết đến Thủ Tướng Chính Phủ” của Bộ TN&MT từ năm 2008 chưa? Biện pháp giải quyết như thế nào? Thủ Tướng đã có giải quyết cho Gia đình bà My chưa? Và theo Thủ Tướng, trong trường hợp cụ thể này, sau 24 (hai mươi bốn) năm đi khiếu nại, Gia đình Bà My có nên tiếp tục đi khiếu nại để chờ Thủ Tướng giải quyết theo “báo cáo và đề xuất biện pháp giải quyết…” của Bộ TN&MT từ ngày 2/1/2008 nữa không? Đề nghị Ông Thủ Tướng vui lòng dành chút thời gian trả lời cho Gia đình Bà My.
Kính chào,
Linh Mục Đinh Hữu Thoại
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét