Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

LS Trần Vũ Hải : Báo chí chính thức phải thông tin đầy đủ về Cù Huy Hà Vũ



Luật sư Cù Hà Huy Vũ (DR)
Luật sư Cù Hà Huy Vũ (DR)

LTCGVN (19.06.2013)
Sự việc ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù từ hơn ba tuần nay trở thành mối quan tâm đặc biệt của công luận. Tình trạng sức khỏe hiện nay của Cù Huy Hà Vũ ra sao ? Các đòi hỏi của ông Vũ dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam được các cơ quan công quyền xử lý như thế nào ?

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, một số phương tiện truyền thông chính thống Việt Nam đã dồn dập đưa tin và phóng sự về trường hợp tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ, với thông điệp chủ yếu là ông Vũ thực ra không tuyệt thực, mà chỉ từ chối thức ăn của trại giam và sức khỏe của ông không hề đáng ngại như ghi nhận của gia đình.
Về tình trạng của người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ, sau đây mời quý vị theo dõi phỏng vấn của RFI với luật sư Trần Vũ Hải, một trong các luật sư đã tham gia bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong cả hai lần sơ thẩm và phúc thẩm, và mới đây được gia đình ủy nhiệm đại diện nghiên cứu các thông tin liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ. 

Luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội)
 
18/06/2013
 
 

RFI Xin chào luật sư Trần Vũ Hải. Thưa luật sư, hiện nay có sự việc ông Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực trong tù khiến dư luận rất quan tâm, và có nhiều thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược. Được biết luật sư được gia đình ủy nhiệm thông tin về tình hình ông Cù Huy Hà Vũ, vậy xin luật sư cho biết về hiện trạng sức khỏe của ông Vũ.
Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi là luật sư cho ông Cù Huy Hà Vũ và gia đình ông ấy. Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ đề nghị là trong vấn đề khiếu nại giám đốc thẩm và bà Dương Hà cũng đề nghị là giúp cho bà ấy, giúp cho gia đình bà trong các vấn đề thông tin liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ, mặc dù là bà ấy là luật sư nhưng bà ấy quá là mệt mỏi.
Thế thì, tôi đã đề nghị Tổng cục 8 cấp giấy cho chúng tôi để vào thăm và làm việc với ông Cù Huy Hà Vũ, liên quan đến việc khiếu nại giám đốc thẩm. Theo luật, với tư cách luật sư, tôi có quyền làm việc với thân chủ của mình, và theo quy định của Luật thi hành án, thì cơ quan quản lý trại giam phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ họ, nhất là vì quyền lợi của họ. Thế thì, 14/06, tôi đã làm thủ tục, tôi đã gặp cán bộ tiếp dân Tổng cục 8. Họ đã nhận đơn, cả đơn của tôi lẫn của chị Dương Hà, nhưng họ chỉ giải quyết cho chị Dương Hà, còn tôi thì không nhận được.
Tôi có nói với cán bộ tiếp dân rằng, các anh làm như thế là sai lầm, bởi vì tôi là luật sư, dù sao cũng không có họ hàng, quan hệ gì đặc biệt với anh Vũ, tôi chỉ là luật sư thôi. Cho nên, nếu có những thông tin gì, sẽ là những thông tin khách quan. Đấy là thứ nhất. Thứ hai là chúng tôi không có điều kiện gặp trực tiếp ông Cù Huy Hà Vũ, nên chúng tôi cũng không thể nào bình luận về vấn đề sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ, bởi vì chúng tôi không gặp trực tiếp. Tất cả câu chuyện là do chị Dương Hà. Chị Dương Hà là người vợ, thì cũng có thể chị lo lắng đối với sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ, đó là một chuyện đương nhiên. Chị tin rằng, sau khi việc tuyệt thực đã diễn ra nhiều tuần, thì sức khỏe của ông chắc chắn nó có giảm sút. Và cho dù ông Cù Huy Hà Vũ cố gắng có là khỏe hay không nữa, thì bản thân ông cũng có nhiều căn bệnh, và nếu ông tuyệt thực như vậy, thì sức khỏe sẽ sa sút. Đấy là quan điểm của chị Hà, mà chúng tôi chỉ có thể nói lại như vậy thôi.
RFI : Vừa rồi, có một biến cố là sau khi ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực hai tuần, thì cơ quan Tổng cục 8 có đưa ra một giấy tờ đề nghị trại giam tạo điều kiện cho làm bước tiếp theo, tức là giám đốc thẩm, vậy chuyện này cụ thể như thế nào ?
LS Trần Vũ Hải : Hiện nay, ông Vũ đang khiếu nại giám đốc thẩm. Bà Dương Hà được chính thức mời, và ông Vũ cũng mời thêm các luật sư gặp và tham dự. Nhưng đáng tiếc là chúng tôi đã nói, các luật sư, ngoài bà Dương Hà, chưa được tiếp xúc với ông Vũ. Tuy nhiên, theo chúng tôi hiểu, thì ông Vũ đang muốn khiếu nại bản án này. Ông có quan điểm rằng, có nhiều vấn đề của ông ấy thực ra là những vấn đề cốt lõi của cuộc bàn luận hiện nay về Hiến pháp Việt Nam. Và ông cho rằng, trước đây ông cũng bàn luận về những vấn đề đó, nay người ta cũng bàn luận về những vấn đề đó, thì tại sao lại phải quy tội ông đối với những hành vi mà bây giờ thực tế người ta đang bàn luận. Đấy là cái quan điểm của ông.
Do ông ở trong tù, và ông là tác giả của 10 tài liệu đó, nhưng ông Vũ không thể nhớ hết 10 tài liệu đó là tài liệu nào, và ông có đề nghị tạo điều kiện để tiếp cận. Mà muốn tiếp cận được, thì phải cơ quan quản lý trại giam cho phép. Trong trường hợp được phép, thì tòa án có thể cung cấp cho ông tài liệu hoặc đề nghị qua luật sư, luật sư sẽ cung cấp tài liệu. Vì theo luật, các tài liệu cung cấp cho người tù phải được cơ quan quản lý trại giam đồng ý.
Hiện nay, ông đang có yêu cầu cung cấp các tài liệu đó. Và chúng tôi đang đề nghị là được cung cấp. Đấy là về vấn đề khiếu nại giám đốc thẩm. Chúng tôi cũng nói rằng ông Vũ là một nhà nghiên cứu luật, tiến sĩ luật, nên là sau khi xem xét lại 10 cái bản ấy, thì ông sẽ có luận điểm về 10 cái bản này để so sánh thêm rằng là so với tình hình hiện nay, thì những cái đấy được bàn thảo như thế nào, và nó cũng không phải đến nỗi là phạm húy, hoặc là ghê gớm, như tại thời điểm ông xét xử, và ông cho rằng là cần có một quan điểm mới về vấn đề này. Đấy là theo tôi hiểu, tinh thần của ông là như vậy.
Ông cần bản chi tiết 10 tài liệu mà tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm dùng để xét xử ông, tuy nhiên, bản thân ông và chúng tôi, khi yêu cầu (Tòa án) công bố 10 tài liệu đó hoặc yêu cầu cung cấp cho ông, thì đều không công bố và không cung cấp. Cho nên, đây là vấn đề khó đối với ông, vì không có được 10 tài liệu ấy để tham gia vào việc xây dựng luận điểm. Tất nhiên, các luật sư chúng tôi có thể trợ giúp ông, nhưng bản thân ông là tiến sĩ luật, nên sự trợ giúp của chúng tôi với ông cần có sự bàn thảo giữa hai bên.
RFI : Thế thì, việc cho hay không phụ thuộc rất nhiều vào trại giam, chứ không có một quy định nào cụ thể trong luật pháp Việt Nam trong chuyện này ?
LS Trần Vũ Hải : Vâng, quy định này cũng tùy hứng thôi. Quy định là tài liệu đưa cho phạm nhân phải được trại giam đồng ý và không thuộc tài liệu cấm nào đó. Ít ra họ cũng phải nói rằng là tôi đồng ý là các ông đem tài liệu vào, nhưng các tài liệu ấy chúng tôi phải kiểm tra nội dung… Ít nhất họ phải nói với chúng tôi những điều đó, thì chúng tôi mới có thể làm việc được. Nhưng mà họ không trả lời, họ cũng không bác bỏ, nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào.
RFI : Ngoài vấn đề các giấy tờ này ra, thì việc hôm 14/06 vừa qua, Tổng cục 8 họ cấp cho luật sư Dương Hà giấy để mà bên trại giam cho đương sự làm thủ tục giám đốc thẩm, thì phải chăng là cơ quan công an họ đã thực hiện một việc mà đáng lẽ họ phải làm từ sớm hơn ?
LS Trần Vũ Hải : Trước đây ngày 05/06 chị Hà cũng đã vào rồi, cũng với tư cách luật sư chứ không phải tư cách người thân. Thực ra để làm thủ tục giám đốc thẩm, thì cũng không dễ. Phải đọc lại các tài liệu, các quan điểm, phải trao đổi với nhau. Vì ông Vũ, thì tuy là có nhờ luật sư, nhưng những vấn đề đem ra, gửi cho Tòa… thì ông cũng muốn được trao đổi. Nên chúng tôi phải tôn trọng ý kiến ấy của ông ấy và bà Dương Hà cũng phải tôn trọng.
RFI Có lẽ bây giờ là thiện chí của bên cơ quan công an và quản lý trại giam đúng không ạ ?
LS Trần Vũ Hải : Hiện nay, ít nhất họ cho rằng, họ đã tạo điều kiện cho bà Dương Hà gặp ông Vũ đã. Nhưng mà chúng tôi nói rằng là, hiện nay còn có luật sư Trần Đình Triển và luật sư Trần Vũ Hải, thì chưa thấy tạo điều kiện, thì tôi nghĩ họ sẽ phải tìm cách trả lời câu hỏi ấy.
RFI : Vừa rồi, luật sư rất biết là ở Việt Nam có những thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống về việc tù nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực. Đứng từ góc độ của mình, luật sư nhìn nhận như thế nào về các truyền thông này ?
Chúng tôi cho rằng, các phóng viên vào đấy, chắc là được phép của trại giam và họ đã tiếp cận anh Vũ. Nhưng mà chúng tôi cũng lưu ý rằng, thực ra, theo luật về quản lý trại giam, thì khi gặp phạm nhân, muốn vào đó, phải có đơn đề nghị của cơ quan đó là một. Thứ hai là, trại giam chỉ có thể chấp nhận trên cơ sở là vì lợi ích của phạm nhân đó. Thế thì chúng tôi sẽ đặt câu hỏi rằng là chúng tôi là luật sư, cũng vì lợi ích, mà cũng đặt vấn đề gặp mà chưa được, thế tại sao các nhà báo ấy lại được ? Mặc dù ông Vũ cũng chấp nhận nói chuyện với nhà báo, nhưng mà chúng tôi cho rằng (để bảo vệ) cái lợi ích của ông Vũ lẽ ra là (báo chí) phải nói đầy đủ sự thật. Tức là những gì ông ấy nói cũng phải được truyền tải một cách đấy đủ, nếu người ta muốn tìm hiểu sự thật.
Việc tìm hiểu sự thật cũng vì lợi ích của ông Vũ. Thế thì, nếu vì lợi ích của ông Vũ, thì cũng phải thông tin một cách đầy đủ toàn diện, và đặc biệt là toàn bộ cái lời văn của ông Vũ ông ấy trả lời như thế nào. Chúng tôi lấy ví dụ như là báo Tuổi trẻ nói thẳng là : Ông có tuyệt thực không ? Thế thì, phải nhận được câu trả lời thẳng từ ông Vũ chứ ?! Bởi vi ông Vũ sẽ (có thể) trả lời rằng : Tôi có tuyệt thực, hay tôi không tuyệt thực. Tôi từ chối thức ăn, nhưng tôi có ăn đồ ăn của gia đình, hoặc tôi không ăn của gia đình. Nhưng thực tế ta thấy, báo Tuổi trẻ chỉ đăng một đoạn là : Tôi không ăn suất ăn của trại giam, vì phản đối việc giải quyết đơn tố cáo của trại giam. Sau đó, không có đoạn tiếp theo, và chỉ có nói rằng, ông Vũ có khoe rằng, vợ ông có cung cấp đầy đủ đồ ăn, và cho chụp ảnh đồ ăn ấy. Nhưng mà chụp ảnh đồ ăn ấy, nhìn thấy thì lại chỉ là những hộp sữa, sữa vẫn còn nguyên, và những đồ ăn khác vẫn còn nguyên. Điều đó chứng tỏ là nó cũng chưa được sử dụng.
Tôi tin rằng là phóng viên đã nhận được câu trả lời của ông ta. Vì câu này là câu hỏi rất là dễ : Ông có tuyệt thực không ? Bản thân ông Vũ cũng nói với vợ ông là ông đang tuyệt thực. Và bản thân ông, như bà Dương Hà nói rằng là ông ấy từ chối việc ăn theo đề nghị của bà Hà. Và bản thân báo Tuổi trẻ cũng nói rằng bà Hà cũng khuyên nhủ ông ấy ăn cái đồ của trại giam, nhưng không thấy nói rằng bà Hà khuyên nhủ ông ăn cái đồ của gia đình. Tức là chúng tôi thấy rằng, cái báo Tuổi trẻ này cũng đưa một phần sự thật, nhưng đưa không hết. Cái mà người ta đang đặt vấn đề ở đây là ông có tuyệt thực hay không, tất nhiên còn có nhiều vấn đề khác. Theo thông tin của truyền thông, thì họ cho rằng là ông không tuyệt thực, mà ông chỉ không ăn của trại giam thôi, nhưng ông ăn đồ của bà. Câu trả lời thì ông Vũ chắc chắn ông trả lời được.
Tôi tin rằng các phóng viên cũng đã tìm hiểu sự thật một cách đầy đủ, nhưng chắc vì lý do nào đó người ta biên tập chăng ? Thế nên tôi nghĩ rằng bà Dương Hà cũng sẽ tìm hiểu sự thật từ báo Tuổi trẻ, xem là có cắt xén biên tập lại hay không. Còn nếu không, thì đề nghị điều tra lại, đúng không ? Đề nghị báo, phóng viên cùng người quan sát đến gặp ông Vũ, để xem rằng đúng là ông Vũ có tuyệt thực hay không. Tất nhiên, nếu như người ta cho rằng tuyệt thực là một việc quan trọng, là một việc ảnh hưởng lớn. Bởi vì, kể cả ông Bộ trưởng Thông tin cũng nói rằng không có chuyện tuyệt thực, trong khi người vợ của ông thì vẫn nói là người tuyệt thực. Còn câu nói của chính ông có tuyệt thực hay không, thì lại không có. Và bản thân ông cũng ký vào những văn bản cho vợ là ông tuyệt thực.
Việc này nó không phải là lớn lắm, nhưng người ta biến nó thành quá lớn. Vì tuyệt thực, thì có vấn đề gì ? Tuyệt thực cũng là một phương thức phản đối. Thay vì trả lời (về vấn đề) … tuyệt thực, thì người ta lại suy diễn, người ta lại đưa hình ảnh ông ấy béo, đi lại bệ vệ. Thì những hình ảnh ấy từ thời gian nào ? Cũng là một câu hỏi. Còn báo Tuổi trẻ thì cho rằng họ chụp ảnh trực tiếp, thì chúng tôi nhìn thấy sắc mặt của ông ấy cũng không được khỏe lắm, như so với hình ảnh trên truyền hình đưa.
Tất nhiên tôi cũng muốn nói rằng, ông Vũ là một con người có ý chí, có thể ông không muốn thể hiện mình yếu. Ông vẫn muốn thể hiện mình là minh mẫn, có sức khỏe. Đấy là cái quyền của ông. Thế nhưng mà, chúng tôi cũng muốn nói rằng ông Vũ thực sự là một người béo 94 kg, ông thì bệnh… Và có thể ông giảm cản, nhưng mà có giảm 5 hay 10 kg, thì cũng hơn 80 kg, thì cũng là một người béo so với người 1 mét 64. Nhưng người béo không có nghĩa là người khỏe mạnh. Hai cái đấy khác nhau ! Cái biểu hiện của người ta (ra ngoài) là người khỏe mạnh, nhưng chưa chắc đã là người khỏe mạnh, chúng ta đều biết.
Và chúng tôi cũng có nói rằng khoa học có thể cho phép người ta nhịn ăn từ 4 đến 10 tuần, nếu đúng cách, đúng khoa học, và kiên trì và có bản lĩnh. Tuy nhiên là, tác động đến sức khỏe thì sẽ có, và đặc biệt là càng kéo dài, thì tác động đến sức khỏe càng lớn. Và điều đó là chúng tôi không muốn, bà Dương Hà không muốn. Chúng tôi, là luật sư, không muốn, chúng tôi muốn vào trong đấy để thuyết phục ông ấy rằng, ông chấm dứt tuyệt thực đi ! Và tất nhiên là, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan công an là : Những đơn tố cáo của ông ấy cũng cần phải giải quyết một cách dứt điểm, kể cả bác bỏ thì cũng nói rõ. Hiện nay, thì ông cũng đã nhận được (giấy) giải quyết đơn tố cáo, nhưng mà ông có nói một số nội dung là chưa đề cập đến trong giải quyết đơn. Ông đề nghị là phải bổ sung những nội dung đó. Kể cả không chấp nhận cũng ghi rõ, thì ông sẽ dừng tuyệt thực.
Thế thì tôi nghĩ rằng, thực ra cái hồi kết cũng sắp. Nếu mà có một sự gọi là giải quyết thỏa đáng nào đó, cũng có thể không hoàn toàn theo ý muốn của các bên, nhưng mà có thể có một giải quyết nào đó đúng luật thôi. Chỉ cần như thế thôi, thì ông cũng chấp nhận. Bởi vì sau khi nhận được cái (giải quyết) đơn tố cáo này, (nếu) ông không đồng ý, theo quy định, ông có quyền khiếu nại lên cấp trên. Bởi vì có một số việc chúng tôi nghĩ rằng phải có bác sĩ chuyên môn, ví dụ như vấn đề gió lạnh ảnh hưởng đến người bị bệnh hay không, nếu mở ra, mở vào. Đấy là việc cần những người có chuyên môn thực sự. Nó cũng không phải là một vấn đề ghê gớm, mà là một vấn đề nếu các bên có thiện chí, thì giải quyết một cách êm đẹp.
Tất nhiên, tôi cũng muốn nói rằng là, người ta cũng sẽ ngạc nhiên, bởi vì trong tù, tại sao ông Vũ lại có quyền đòi hỏi ấy. Nhưng mà chúng tôi nói rằng là, ông Vũ không đòi hỏi điều gì ngoài những quy định của luật pháp. Việc giải quyết đơn tố cáo cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý trại giam. Việc bảo vệ tính mạng của mình cũng là quyền con người. Chúng tôi cũng muốn nói rằng là như vậy ông Vũ đang sử dụng cái quyền của mình, mà luật thi hành án quy định, và luật pháp Việt Nam quy định, chứ không ngoài những phạm vi đấy.
RFI : Nhân được nói chuyện với luật sư, xin hỏi luật sư thêm một câu cuối, về việc quyền của các tù nhân ở Việt Nam, trong phạm vi biết của luật sư, thì được bảo đảm như thế nào ? Vì cái văn bản cuối cùng của luật sư thì có nhắc đến trường hợp của một tù nhân khác tuyệt thực.
LS Trần Vũ Hải : Vâng, cái này anh có thể tra trên mạng. Trên báo Công an có kể lại một vụ tuyệt thực kéo dài 31 ngày. Và tôi chỉ muốn nhắc lại là việc tuyệt thực 22 ngày không phải là kỷ lục ở Việt Nam. Tất nhiên, có thể nó chưa chắc có hiệu quả gì. Đề nghị anh cứ tham khảo. Chúng tôi chỉ muốn nói là có việc đó chứ không phải là không. Tuyệt thực có thể có thật, và đã có thật rồi.
Tù nhân họ có thể phản đối với nhiều hình thức, và khi không còn hình thức nào khác, thì họ áp dụng cái tuyệt thực. Chúng tôi là các luật sư không khuyên điều đó. Nhưng mà bởi vì họ là con người, họ bức xúc, họ làm cái hành vi đó. Giống như trong trường hợp ông Vũ, yêu cầu giải quyết đơn tố cáo, 6 tháng rồi mà vẫn chưa giải quyết, thì ông thấy rằng trong tù tôi chẳng còn con đường nào khác, tôi cũng chẳng biết…, tôi cũng không đi được đâu cả, tôi cũng chỉ có cách là tôi tuyệt thực. Đấy là suy nghĩ của ông Vũ. Đấy là một cách phản đối của ông Vũ.
RFI : Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Vũ Hải.
Các tin bài liên quan
Một tổ chức nhân quyền mở chiến dịch tẩy chay hạt điều từ Việt Nam (Pv ông Vũ Quốc Dụng về tình trạng tù nhân, trong đó nhiều tù chính trị, tôn giáo, ở Việt Nam bị cưỡng bách lao động trong những điều kiện nguy hiểm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét