Bài này sao y lại lại trên một blog cá nhân đã sao y đúng và đầy đủ bài viết chiều qua của tôi. Cho tôi xin lỗi những bạn đã bàn luận, nhưng đã mất.
Ý tưởng đẻ ra từ thực tiễn cuộc sống sinh động, và nó được áp dụng vào thực tế đó là cách kiểm nghiệm lại tư tưởng một cách khách quan nhất. Đó cũng là phương pháp luận cho mọi khoa học từ tự nhiên đến xã hội.
Đối với khoa học tự nhiên ý tưởng đẻ ra phát minh khoa học. Hầu hết những phát minh khoa học tự nhiên được ứng dụng vào thực tế là có lợi hoặc có hại do mục đích sử dụng nó của con người. Ví dụ, Alfred Nobel phát minh ra thuốc nổ là để phục vụ cho việc ông khai thác đá, hầm mỏ và mở đường. Nhưng sau đó, con người lại dùng nó vào mục đích chế tạo vũ khí để giết hại nhau.
Còn với khoa học xã hội, ý tưởng đẻ ra phát kiến về mặt tư tưởng. Nó có thể có những phát kiến xã hội học mang lại sự tốt đẹp cho loài người như, quy luật mâu thuẫn và thống nhất các mặt đối lập trong triết học. Nhưng cũng có thế có phát kiến kéo lùi nhân loại, như những phát kiến của Mao Trạch Đông.
Tình hình thế giới hiện nay chỉ còn lại 4 nước – Trung Hoa, Việt Nam, Cuba và Triều Tiên – theo con đường của đảng cộng sản cầm quyền trong hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới, làm tôi ngẫm nghĩ mãi, tại sao? Và do ai dẫn dắt để 4 nước này vẫn còn theo? Dù có nước muốn thoát ra, nhưng vẫn không thể thoát ra cái vòng kim cô đã tự họ tạo ra và cùm vào đầu mình?
Nghĩ mãi rồi cũng ra chủ nhân ông của cái tư tưởng này mà nó đã giúp 4 nước này vẫn trụ vững sau biến cố anh cả đỏ, cái nôi sinh ra hình thái chính trị và kinh tế do đảng cộng sản cầm quyền đã sụp đổ – Liên Xô. Người ấy chính là cụ Mao Trạch Đông.
Các tài liệu về Mao Trạch Đông viết về ông, cặn kẽ nhất chỉ có cuốn: Mao, câu chuyện chưa biết, trong đó ghi nhận ông học xong chương trình sư phạm và làm thầy giáo cho sư phụ của ông là Trần Độc Tú – người khai sinh ra đảng cộng sản Trung Hoa vào năm 1920 – đã đào tạo ông ở trường sư phạm. Sau đó, từ ông sư phụ này, Mao tạo dựng uy tín và lật đổ luôn thầy mình, tạo dựng sự nghiệp đời đời.
Dù chỉ là một thầy giáo, nhưng Mao là một nhà tư tưởng lớn mọi thời đại. Trong tác phẩm: Mao Trạch Đông, cuộc đời chính trị và tình dục do bác sỹ riêng của Mao là Lý Chí Thỏa viết lại. Trong đó, ông mô tả Mao chỉ có 3 công việc là duyệt biên bản của hội nghị, quan hệ tình dục với gái trẻ, và đọc sách để nghĩ ra mưu chước trị dân và cả các quan trong triều – kể cả người vợ từng đi theo Vạn Lý Trường Chinh đến ngày thắng cuộc ông cũng nhốt trong một lãnh cung cho đến này qua đời, bà Hạ Tử Trân. Cái ngược đời của Mao so với thiên hạ là ông ngủ ngày và làm việc ban đêm. Vì thói quen và vì chỉ như thế ông mới đưa ra những quyết định sớm cho ngày hôm sau, cứ thế mà các quan quân trong triều của ông thực hiện.
Trong số các tư tưởng vĩ đại của Mao, ngoài hai cái phàm là của Mao mà tôi đã viết trong bài ngây thơ và không tưởng. Nó giúp các thành viên trong đảng cộng sản luôn biết đoàn kết gắn bó, keo sơn, như lời cụ Hồ đã nói: “Hãy giữ gìn đoàn kết của đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Mao còn có một tư tưởng vượt thời đại là: “Súng đẻ ra chính quyền. Phải giữ lấy súng”. Quả là đại tài.
Hãy thử nghĩ mà xem, hai cái phàm là của Mao nó làm cho tất cả các đảng viên cộng sản quanh Mao được ăn trên ngồi trốc, trong khi kinh tế của Trung Hoa sụp đổ sau Đại Nhảy Vọt do Mao đề ra và thực thi. Lòng dân mất sạch, ngay cả đồng chí của Mao cũng mưu đồ lật đổ Mao. Nhưng cuối cùng, chỉ có việc giữ lấy súng – chủ tịch quân ủy trung ương – Mao đã lật ngược thế cờ, thanh trừng từng đồng chí của ông đến chết. Và ông ngồi trên ngai vàng đến lúc đã tắt thở, nhưng việc điều hành đất nước Trung Hoa cả hơn 600 triệu dân và mấy chục triệu đảng viên lúc ấy, vẫn còn từ miệng cô y tá riêng của ông – tài liệu này cho rằng cô là người vợ hờ thứ năm của ông – mà không ai dám bén mảng đến giường ông để xem ông đã chết hay chưa. Quả là đại tài.
Sau khi Mao chết 10 năm, hai tư tưởng lớn này là, hai cái phàm là và súng đẻ ra chính quyền đã được các đảng cộng sản anh em còn sót lại bám víu vào để tồn tại, và giữ vững chính quyền, dù các chính quyền ấy đều làm mất lòng dân, và có nguy cơ dẫn đến bạo loạn.
Không nghi ngờ gì nữa, chính Mao Trạch Đông – chứ không ai khác – là người đẻ ra những phát kiến xã hội học để cai trị dân ở những nước chậm tiến. Ông đã ra đi 37 năm qua, nhưng tư tưởng của ông vẫn còn các đảng cộng sản anh em sử dụng cho đến hôm nay.
Asia Clinic, 16h58' ngày thứ Ba, 28/5/2013
BS. Hồ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét