LTCGVN (09.11.2013)
Nhận thức có nhiều dạng. Có thể là
nhận thức cảm tính (trực quan), nhận thức lý tính (tư duy), nhận thức kinh
nghiệm, nhận thức lý luận,... Đức tin cũng cần lý trí, do đó mà nhận thức cũng
cần thiết dọc hành trình đức tin. Dưới đây là hướng dẫn của Thánh Alphonsus de
Liguori, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội Công giáo.
Nếu chúng ta thực sự nhận thức bằng
cách tập trung vào Chúa, chúng ta sẽ có vài cách thực hành khả dĩ áp dụng để Ý
Chúa sáng tỏ. Thế kỷ XVIII, thần học gia luân lý là Thánh Alphonsus de Liguori đã
có vài cách giúp chúng ta về tâm linh.
1. Hãy duy trì sự thuần khiết của tâm hồn. Hãy xưng tội thường xuyên và xét
mình hằng ngày. Thánh Alphonsus nhắc nhở chúng ta rằng đó là “tâm hồn thuần
khiết thấy Thiên Chúa”. Theo tự nhiên, chỉ có tâm hồn thuần khiết mới có thể
thấy Thiên Chúa. Xưng tội và xét mình là điều quan trọng để ơn Chúa làm cho
trái tim chúng ta thuần khiết. Càng biết cách thức của Thiên Chúa thì chúng ta
càng nhận biết điều Ngài muốn nơi chúng ta.
2. Hãy trưởng thành về nhân đức. Hãy đọc sách thiêng liêng, tìm người linh hướng, thường
xuyên thảo luận về Chúa với người khác, ấn định thời gian cầu nguyện và cố gắng
trung thành với điều đã quyết định. Nếu có thể, hãy tham gia hội đoàn để cùng
nhau củng cố đức tin và cầu nguyện lẫn nhau. Cộng đoàn này như gia đình thứ nhì
để bạn gắn bó. Đó cũng là nơi giúp bạn dễ tiến bộ trên đường nhân đức.
3. Hãy xin Chúa kêu gọi bạn tới tình trạng sống đặc biệt. Hãy bắt chước Thánh Phêrô xin Chúa
mời gọi bước đi trên nước, hãy khiêm ngường cầu xin Chúa mời gọi bạn tới gần
Ngài. Khi bạn đã yêu mến thực sự, hãy để Ngài lấp đầy tâm trí bạn và ước
muốn sống đặc biệt cho Ngài. Đừng kỳ vọng hành trình ơn gọi của bạn cũng như
người khác. Thiên Chúa biết rõ bạn hơn chính bạn biết bạn, Ngài sẽ kêu gọi bạn
theo cách của Ngài. Đừng bỏ tập trung vào độ cao của ngọn núi hoặc độ sâu
của biển. Bạn có thể nghe tiếng Chúa từ bụi gai cháy.
4. Đừng đặt chướng ngại vật trên đường ân sủng. Hãy cởi mở và sẵn sàng làm theo Ý
Chúa trong mọi sự – hằng ngày xin Chúa giúp chúng ta vượt qua tính ích kỷ và
nhục dục. Tội lỗi, nhất là những tội đã thành “thói quen”, là chướng ngại vật
đối với ân sủng. Thánh Phaolô nói: “Đừng
bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại
trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4:31), còn Thánh Phêrô nói: “Hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo
trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2:1). Tóm
lại, hãy sống khiêm hạ. Một chiếc bình đầy rồi thì không thể làm đầy mà không làm
cạn trước. Do đó, chúng ta hãy là “chiếc bình trống rỗng” để Thiên Chúa có thể đổ
đầy hồng ân vào.
5. Tránh bê tha. Trong văn hóa của chúng ta, hãy cảnh giác tính bê tha. Nó ở khắp nơi. Hãy
giữ mọi thứ ở mức vừa phải. Hãy nhận biết những giới hạn của mình. Sự bê tha có
thể làm cho mọi thứ có vẻ tốt hơn và làm cho những thứ không cần thiết trở nên cần
thiết. Nhưng đó là ảo giác. Nó sẽ tước khỏi bạn sự tự do mà bạn cần để theo
Chúa. Hãy ghi nhớ: In medio stat virtus – nhân đức đứng ở giữa. Nhờ kiềm
chế, và nhớ tự biết mình, bạn có thể nhận thức đúng đắn, nhận biết ơn gọi của
mình.
6. Hãy tĩnh tâm. Tĩnh tâm trước đây quen gọi là “cấm phòng”. Tĩnh tâm không chỉ lợi ích
cho giáo sĩ và tu sĩ (vì giáo luật buộc làm vậy) mà còn lợi ích cho giáo dân. Nếu
không thể tham dự buổi tĩnh tâm, hãy tìm một thời gian tĩnh lặng riêng để sống
mật thiết với Chúa. Hãy suy niệm và chiêm niệm. Hãy sống chậm hơn một chút. Hãy
học cách thấy Chúa trong mọi sự và thấy mọi sự trong Chúa. Hãy tạo “khoảng sa
mạc” riêng trong tâm hồn, đó là tu viện riêng, là cung thánh riêng của bạn đối
với Chúa, nơi mà bạn có thể tĩnh tâm bất cứ lúc nào – thậm chí có thể tĩnh tâm
ngay khi bạn đang ở giữa đám đông.
Sự thánh thiện là lời mời gọi tối
hậu đối với mọi người, chắc chắn như vậy, vì Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên
trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Nhưng cách thực hành cần kiên trì để
khả dĩ đạt mục đích. Mỗi mặt của viên kim cương đều khác nhau, và phản chiếu
ánh sáng khác nhau. Sự thánh thiện kết hợp chúng ta với Thiên Chúa mà chúng ta
không bị mất chính mình. Khác với tư tưởng của Đức Phật về sự kết hợp ở cõi Niết
Bàn (nirvana), chúng ta không “biến mất” trong Thiên Chúa, mà chúng ta trở nên
một trong các mặt của viên kim cương và lấp lánh ánh sáng.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét