Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Năm mươi năm nhớ về Ngô Tổng Thống



LTCGVN (02.11.2013)

Đúng nữa thế kỷ trôi qua! Sự thật về hai cái chết thảm thương của một vị Nguyên thủ Quốc gia cùng ông cố vấn thân cận vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Biến cố vô nhân xảy ra lúc 13h00 trưa ngày 01/11/1963, vẫn mãi là niềm đau xót âm ỉ đồng thời khắc ghi một ngày định mệnh, tang tóc đổ ập xuống cả gia tộc họ Ngô. Nỗi tai ương khuất tất đó kéo theo sự sụp đổ của một Nhà nước kỷ trị đang hướng đến nền nếp, trật tự, kỷ cương trong tương lai. Cuộc chính biến năm xưa chính là tội ác của những thế lực chính trị gian trá cùng bầy tôi tớ bất nhân, phản phúc, đáng nguyền rủa: Chúng đã dùng búa rìu của dư luận, mượn đinh sắt của miệng lưỡi thế gian giáng bổ vào nền móng của một chế độ vốn dĩ còn non yếu chưa đủ sức đương đầu trước phong ba, bảo táp. Chúng là những ai? Chúng là “Hội đồng tướng lĩnh” do người Mỹ hậu thuẫn cùng tên sát nhân Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân những kẻ đã ra lệnh sát hại Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu, cùng với tên ngụy quân tử Đỗ Mậu và những phe đảng chính trị cơ hội tự khoác lên mình chiếc áo quốc gia, là những phần tử đối nghịch đội lốt tôn giáo lừa mị thiên hạ bằng những chiêu bài yêu nước, là những hạng trí thức nữa vời đã mắc bẩy tuyên truyền bị lợi dụng, lôi kéo kêu gào cho những kiểu tự do, vô chính phủ. Tất cả những thành phần nêu trên chính là những kẻ tội đồ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đưa đẩy cả miền Nam đối đầu với sự kiện lịch sử của ngày 30/4/75, họ chính là những kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước vận mệnh nước nhà.

Trước hết bàn về một nhân vật gây tranh cãi đã dùng cái chết đền đáp nghĩa ân:

Phạm Ngọc Thảo là một trong những sĩ quan dưới thời Đệ nhất Cộng hòa! Cho đến ngày nay, nhân vật này vẫn còn nhiều tranh cãi từ cả hai phía đối nghịch. Tác giả xin phép trích dẫn một số thông tin từ những bài viết, bài báo trên các trang mạng lề trái, lẫn lề phải.

Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu luôn ước mơ xây dựng một quân đội quốc gia vững mạnh để cạnh tranh với những người cộng sản. Hai ông ngầm chủ trương kêu gọi, khuyến khích những người kháng chiến cũ trở về với chính nghĩa quốc gia và rất cần sự hậu thuẫn của những gia đình có truyền thống yêu nước để làm nền móng cho chế độ! Với một lý lịch dòng tộc, gia phả và thành tích như Phạm Ngọc Thảo là những người mà Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu cần tìm? Dù biết rõ Phạm Ngọc Thảo là một sĩ quan Việt Minh nhưng hai ông vẫn tuyệt đối tin dùng và đối đãi như người thân tín trong gia đình. Hai ông thừa hiểu do hoàn cảnh của thời cuộc mới có những người phía bên này, phía bên kia và cho dù là quốc gia hay cộng sản hoặc bất kỳ một phe phái chính trị nào khác thì tất cả cũng đều là những người Việt Nam vì lòng yêu nước, cùng chung mục tiêu đánh đuổi thực dân giành độc lập cho quốc gia, dân tộc. Những kẻ ngầm chống đối hai ông đồn thổi sự việc rằng: hai ông dùng Phạm Ngọc Thảo như một mắt xích trung gian nhằm chấp nhận giải pháp tổng tuyển cử nếu bị người Mỹ dồn ép vào thế mất tự chủ. Và người Mỹ tin đó là sự thật nên họ đã quyết định loại bỏ hai ông ra khỏi chính trường miền Nam Việt Nam.

Phạm Ngọc Thảo tuy có nhúng tay vào cuộc chính biến ngày 01/11/1963, nhưng chỉ với một tinh thần thỏa hiệp nhằm tạo lòng tin trong “hội đồng tướng lĩnh” rằng ông không phải là người của phía bên kia và nhân cuộc binh biến để phản tỉnh chế độ phải thay đổi một số chủ trương có thể gây bất lợi và nguy hiểm cho chế độ mà ông đang phục vụ. Sau cuộc đảo chính vô nhân do nhóm tướng lĩnh gây ra, ông Phạm Ngọc Thảo đã cảm thấy hối tiếc khi nền tảng chính trị của một Nhà nước Quốc gia vừa mới phôi thai trên đất nước Việt Nam đã phải sụp đổ. Để chứng minh cho những điều nói trên chính là những việc làm của ông sau hai cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu! Ông nhận ra tư cách của những tướng lĩnh trong cái gọi là hội đồng quân cách mạng không một kẻ nào chứng tỏ đủ bản lĩnh để ông thực sự nể phục và có đủ khả năng để chèo lái con tàu Quốc gia khi phơi bày trước sự thật chỉ toàn một lũ chính trị xôi thịt, hám danh, háo gái. Cho dù ông là một gián điệp của phía bên kia cài cắm vào guồng máy của chế độ! Nhưng có thể sau những năm làm việc bên cạnh Ngô tổng thống và Cố vấn Nhu: tính cách, lối sống lẫn cách cư xử của vị nguyên thủ quốc gia đã thuyết phục và cảm hóa một sĩ quan khí khái như ông? Ông đã trở nên nổi tiếng với biệt danh: chuyên gia đảo chánh? Mặc dù đang sống lưu vong ở nước ngoài, khi bị triệu hồi về nước để quản thúc, nhưng ông vẫn cùng với tướng Lâm Văn Phát làm nỗi một cuộc binh biến gần như hoàn hảo nếu như có sự chuẩn bị chu đáo.

Ông Thảo xuất thân từ một gia đình trí thức Công giáo, đi theo kháng chiến lập nhiều công trạng trở thành cán bộ Việt Minh, chắc chắn ông hiểu biết rất rõ những đường lối, chính sách của người cộng sản: chủ trương đấu tranh giai cấp và triệt tiêu đảng phái. Không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đã bị loại bỏ vì chính sách cải cách ruộng đất, bao nhiêu người bị giết, bị cầm tù với phong trào Nhân văn giai phẩm và có bao nhiêu người gốc tích công giáo đi theo Việt minh kháng chiến đã bị bỏ rơi hoặc không được tin dùng? Ông thừa hiểu Phong kiến hay Cộng sản cũng đều giống như nhau họ chỉ đứng chung với nhau khi đất nước bị giày xéo, bị ngoại bang đè đầu cưỡi cổ! Nhưng một khi giành thắng lợi, những kẻ thống trị bắt đầu củng cố quyền lực loại trừ dần những tập thể hay cá nhân nào làm ảnh hưởng đến quyền lực thống trị của họ….Về cái chết của ông Phạm Ngọc Thảo cơ sở nội tuyến tỉnh Biên Hòa báo cáo như sau: khi nhận được tin ông Thảo bị một nhóm người mưu sát tại rừng cao su trên địa bàn của tỉnh, an ninh và mật vụ của nha cảnh sát Biên Hòa được lệnh vào cuộc xác minh, bố ráp đi truy tìm xác của Phạm Ngọc Thảo? Ông Thảo với nhiều vết thâm tím trên mặt đã được áp giải đến dinh tỉnh trưởng tỉnh Biên Hòa và đích thân Trung tá tỉnh trưởng Mã Sinh Nhơn một người thượng gốc Hoa thẩm vấn? Do bị ông Thảo nhục mạ: “mày là đồ ngựa sinh người” ông Mã nỗi cơn điên dùng hai tay bóp nát bộ phận sinh dục của ông Thảo, ông Thảo chết trong đau đớn giữa gọng kìm của hai viên an ninh?

Ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt lúc sinh thời có khẳng định với tổ nghiên cứu về lịch sử Đảng do ông Trần Bạch Đằng phụ trách rằng: khi được các cơ sở nội tuyến báo cáo ông Thảo đang bị Nguyễn Văn Thiệu Tổng thống chính quyền Sài Gòn ra lệnh truy bắt có nhiều khả năng bị thủ tiêu, ông Sáu Dân đã cho người tiếp cận gọi ông Phạm Ngọc Thảo tức tốc vào chiến khu. Nhưng ông Thảo từ chối với lý do còn nhiều việc cần phải làm để rồi chấp nhận và chờ đợi cái chết thảm sẽ tìm đến với mình? Phải chăng ông Thảo tự chờ đợi cái chết để nhằm gột rửa gánh nặng của lịch sử và bày tỏ tấm lòng chính nghĩa đối với hai vị ân nhân đã gạt bỏ mọi dư luận, bất chấp hiểm nguy, cùng mối ngờ vực của bọn gian thần dưới quyền khi tin tưởng sử dụng cán bộ Việt Minh, cán bộ Việt cộng nằm vùng ngay trong cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa? Ông Thảo đã tham gia ít nhất hai cuộc chỉnh lý và binh biến để nhằm mong trả lại sự thật, trả lại lẽ công bằng cho cuộc đảo chính đẫm máu vào ngày 01/11/1963? Rất có thể nếu vào đêm 01/11/1963 ông Thảo liên lạc được với Cụ Diệm, Cụ Nhu chắc chắn hai ông đã được đưa đến nơi an toàn để có thể thương lượng bằng một giải pháp chính trị nhằm bảo đảm, an toàn sinh mệnh của hai ông bằng một cuộc sống lưu vong chứ không phải bằng hai cái chết thảm thương, vô nhân dưới bàn tay của bọn tướng lĩnh phản phúc, “ăn cháo đái bát” khi đối xử với một vị Nguyên thủ quốc gia mà họ đã từng thề thốt nguyện chí cốt trung thành.

Lủ nghịch thần tay sai vong ân bội nghĩa lấy oán báo ân:

Sau khi lên nắm giữ vận mệnh Quốc gia ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện khẩu hiệu “bài phong, phản đế” mong muốn xây dựng một quân đội thực sự là “quân đội quốc gia” vững mạnh nhằm cạnh tranh với những người cộng sản! Nhưng thật trớ trêu khi ông phải tiếp nhận cả bộ máy chính quyền mà hầu hết những tướng lãnh, quan chức cao cấp chính quyền đều là sản phẩm do người Pháp để lại. Dưới mắt Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu: thực dân Pháp là kẻ thù xâm lược của toàn dân tộc Việt Nam! Cụ Diệm đã từng bất hợp tác với người Pháp khi ông đang là một vị quan đầu triều thời vua Bảo Đại và ông đã từ quan dấn thân vào con đường chống thực dân để cứu dân, cứu nước theo cách riêng của mình. Nhưng tư tưởng nhằm gầy dựng một hệ thống chính quyền Cộng hòa Quốc gia, hoàn toàn không dựa dẫm vào người pháp của Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu đã vĩnh viễn không thành công bởi cái ung nhọt ấy đã sớm vỡ ra trong bối cảnh chính trị miền Nam còn nhiều xáo trộn. Cho dù vô tình hay hữu ý thì lủ nghịch thần, tặc tử vong ân bội nghĩa trong cái gọi là: “Hội đồng tướng lĩnh” đã làm đảo ngược thế cờ chính trị trên chính trường miền Nam, tạo ra cơ hội có một không hai cho đối phương từ thế bị bao vây, cô lập trong: “ấp chiến lược” có thời gian xây dựng, củng cố lực lượng.

1- Đỗ Mậu, thật ra cũng thuộc loại công thần giả nhân, giả nghĩa, bán rẽ huynh đệ! Xem qua mấy dòng hồi ký dối trá: “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” nó chẳng khác chi lối hành văn của Đông Châu Liệt Quốc hay Tam Quốc Diễn Nghĩa, là hai tác phẩm lồng ghép tính chất sử trải qua các triều đại ở bên Tàu? Nhưng hai tác phẩm kể trên còn được đánh giá ba hư, bảy thực; trong khi đó Việt Nam máu lửa quê hương tôi của ông ta có đến năm thực, năm hư nghĩa là hư hư, thực thực, thực giả lẫn lộn. Trong quyển hồi ký người ta dễ dàng nhìn thấy: Đỗ Mậu chẳng qua cũng thuộc loại công thần, cậy công cho rằng mình có công phò tá cụ Diệm từ lúc còn lận đận, bôn ba cho đến khi trở về nước chấp chánh với chức vụ Thủ Tướng rồi trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của một nước Việt Nam dân cử. Ông Cố vấn Nhu vốn chán ghét những kẻ bất tài, cậy công nên chẳng mấy thiện cảm để giao phó chuyện đại sự. Cụ Diệm vì đặt nặng ân tình cũ, nghĩa xưa không đành lòng dứt bỏ nhưng cũng không đề bạt những chức vụ cao trọng nên ông ta sinh lòng oán hận và trở thành mối đại họa về sau? Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu khi ra đi không thể nào hiểu nỗi tại sao lại phải chết dưới tay của những kẻ mà mình tưởng chừng tâm phúc, trung thành? Và khi trở thành người thiên cổ, các Cụ không bao giờ còn cơ hội để vạch trần những điều dối trá, vu khống của những kẻ tội đồ đơm đặt, phịa ra hàng trăm câu chuyện bốc phét và hàng ngàn chứng cứ gian dối để hòng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm trước những gì đã xảy ra sau cuộc chính biến và trước sự thực của lịch sử?

Trong toàn bộ quyển hồi ký, ông ta luôn lên án chế độ và tự đề cao cá nhân như một nhân vật lịch sử vì nước, vì dân; là một chính khách yêu nước, thương dân. Ông ta đã ca ngợi lũ sâu dân, mọt nước trong cái gọi là hội đồng quân nhân cách mạng ngày ấy như những nhân vật trời ban xuống để cứu người dân miền Nam thoát khỏi chế độ gia đình trị, độc tài và có tài phép giữ vững miền Nam trước mối họa xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản? Nhưng sự thật lại trái ngược, những kẻ trong nhóm hội đồng tướng lĩnh đã biến cuộc binh biến thành một cuộc mưu sát, giải quyết ân oán hèn hạ đối với gia tộc họ Ngô. Sau cuộc binh biến là một tình hình rối ren, vô chủ; tình trạng “cá mè một lứa” đã đẩy những kẻ phản phúc trở mặt đối đầu với nhau trong việc tranh quyền, đoạt lợi với hàng loạt cuộc chỉnh lý, đảo chính. Cho dù nền Đệ nhị cộng hòa có được thiết lập nhưng hoàn toàn là một quốc gia mất tự chủ, hoàn toàn lệ thuộc vào người Mỹ trên tất cả mọi lĩnh vực: kinh tế - chính trị - quân sự? Tướng lĩnh, chính khách không có quan điểm lập trường chính trị quang minh, chính đại, binh sĩ không có lý tưởng chiến đấu rỏ ràng, minh bạch luôn mang nặng nỗi hoài nghi. “Hội đồng quân nhân cách mạng” tự biến mình thành những con rối múa may trên chính trường miền Nam, biến cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa cộng sản thành cuộc chiến chống Mỹ xâm lược và biến đối phương thành những đội quân đấu tranh vì chính nghĩa: “giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam bị áp bức…”

2- Dương Văn Minh, một tên gián điệp đầu sỏ chính hiệu! Những người làm việc dưới quyền của ông sáu Dân nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường dặn dò bộ phận nội chính: “ông Dương văn Minh là người của ta? Tuyệt đối giữ bí mật vì sự an nguy cho ông Minh và gia đình của ổng, việc này không được tiết lộ”. Ông ta là một gián điệp hai mang leo cao, nằm sâu và nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền Sài Gòn suốt cả hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa cho đến ngày tàn cuộc chiến 30/4/1975. Chưa xác định được thời gian ông ta liên lạc hoặc “giác ngộ”cho phía bên kia từ lúc nào? Ông ta đã nhân cơ hội việc người Mỹ “thay ngựa giữa đường” đã tương kế, tựu kế ra lệnh sát hại hai anh em TT Diệm và cố vấn Nhu nhằm đề phòng việc quay trở lại nắm quyền, thay vì giải pháp để hai anh em ông Diệm, Nhu được sống lưu vong theo yêu cầu của các vị tướng lĩnh bàn luận trước khi cuộc chính biến nổ ra? Đây là một cuộc thảm sát vô nhân, bạo ác khi đối xử với một vị nguyên thủ quốc gia của những kẻ phản dân, hại nước, tham vọng quyền lực và ham mê danh vọng nhưng lại nhân danh một cuộc cách mạng vì nước, vì dân? Sau ngày 30/4/75 khi trả lời báo chí, các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, ông ta tự nhận mình giống một nhân vật lịch sử thức thời trước thời cuộc: “tôi không muốn Sàigòn đỗ nát và chứng kiến một cuộc tắm máu…”

- Thủ đô Sài Gòn vẫn nguyên vẹn trên danh nghĩa lúc Dương Văn Minh cùng nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện? Cứ để mặc nhiên cho chiến tranh tàn phá đổ nát, hoang tàn ngày sau sẽ xây dựng, tái thiết đàng hoàng, văn minh như Đức Quốc, Nhật Bản sau chiến tranh thế giới? Giả sử bọn hội đồng tướng lĩnh đồng tâm, hiệp lực củng cố chính quyền, bảo vệ chế độ không để xảy ra chuyện lật đổ ngày 01/11/63, thì chắc chắn đã không có sự kiện lịch sử của ngày 30/4/75? Và miền Nam không bao giờ để mất hết quần đảo Hoàng Sa, cùng một số đảo ở Trường Sa vào tay Trung quốc (lợi dụng cuộc nội chiến Bắc - Nam, bọn Trung quốc xua quân tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa vào tháng 01/1974)? Một miền Nam thanh bình, thịnh vượng và văn minh, tiến bộ hơn hẳn Hàn Quốc, Đài Loan ngày nay không phải là chuyện hoang đường? Thủ đô Sài Gòn trên thực tế hầu như nguyên vẹn, nhưng chỉ trong mười năm (1975 – 1985) nó lại trở nên trống rổng, hoang tàn. Trống rổng, hoang tàn vì toàn bộ máy móc thiết bị, hàng hóa trong những nhà máy, kho xưởng đã được dồn ép lên những đoàn xe chuyển quân, vận tải hậu cần trước kia được tận dụng để chuyển tải tất cả mọi thứ đi về miền Bắc xã hội chủ nghĩa! Tuyến đường hỏa xa Bắc-Nam nhanh chóng nối liền trong hai năm (1976–1977) để vận chuyển dòng người ồ ạt di dân vào Nam khai phá, nhiều nhất là ở các tỉnh bị tàn phá nặng nề trong các cuộc giao tranh trước kia: Bình Long, Phước long, Lộc Ninh, Đắc lak, Gia Lai, Kontum và Đồng Nai, Lâm Đồng, Cà Mau…., đồng thời vơ vét toàn bộ thực phẩm, thuốc men cùng những gì còn sót lại vận chuyển hết ra Bắc.

- Miền Nam không phải tắm máu nhưng máu vẫn đổ, dù không khốc liệt như trong chiến tranh nhưng vô cùng ray rứt, đau thương đó là những cái chết của những vị Tướng, Tá, Chiến sỹ Việt nam Cộng Hòa bị xử bắn vì “ngoan cố” không đầu hàng, bởi giải quyết chuyện tư thù cá nhân, bởi những phiên tòa trá hình xử tử những người phản kháng lại sự hà khắc của chế độ bằng những tội danh: “ác ôn, phản động, chống phá nhà nước…”. Hòa bình rồi nhưng vẫn không có cảnh thái bình, an lạc! Gần 220.000 sĩ quan Tướng, Tá quân đội và chức sắc hành chánh trong bộ máy chính quyền Sài gòn hàng đêm họ gát tay lên trán chung dòng suy nghỉ: “Nếu biết trước tình cảnh này thà tử thủ chết trên chiến trận, để cho máu đổ, thây phơi ngoài chiến trận còn vinh quang gấp bội phần hơn kiếp sống của những thân phận tù đày….Chế độ lao tù khổ nhọc, khắc nghiệt đã giết họ lần mòn: một số người vùi thây trên đất bắc, một số đông được trả tự do những cũng chết sau đó vài năm, một số dù được đi đến bến bờ tự do nhưng phải sống trong cảnh đau yếu, tật bệnh. Trong tâm tư họ vẫn mãi ám ảnh những cảnh tượng khủng hoảng lúc còn bị đọa đày nơi địa ngục trần gian. Ở vào lứa tuổi 30 – 50 họ phải gánh chịu một đời tàn phế cả về thể chất lẫn tinh thần: Vì ở những trại tù cải tạo đã giam hãm nhiều nhân tài, trí thức là những Tướng tá quân đội, chức sắc hành chánh trong bộ máy chính quyền Sài gòn, một thế hệ được đào tạo có căn cơ và quy củ, nhưng họ đã không thể phát huy được khả năng, sở trường vốn có? Họ phải đương đầu với một cuộc sống thiếu thốn trăm bề, phải sống xa vợ, xa con, xa người thân hơn cả thập kỷ? Tri thức đã phải sớm lụi tàn, mai một khi họ đang ở lứa tuổi chín chắn để có thể đem công sức lao động, sáng tạo làm ra của cải, vật chất cống hiến cho đất nước, cho xã hội. 

- Thủ đô Sài gòn không đổ nát, hoang tàn vì chiến tranh nhưng nó thực sự hoang tàn, đổ nát trong lòng người vì những chủ trương, chính sách khi biến tất cả người dân miền Nam thành nô dịch không công ngay trên chính quê hương xứ sở của mình! Khi tài sản, dinh thự, đất đai, công xưởng của hàng triệu gia đình bị tịch thu dưới danh nghĩa đánh tư sản, quốc hữu hóa. Hoang tàn, đổ nát ngay trong thời bình khi của cải, tài sản quốc gia lần hồi biến mất bởi vấn nạn hôi của tập thể hoặc bỏ cho hư hỏng hoang phế, bởi cảnh cha chung chẳng ai khóc? Nước mắt vẫn tuôn rơi từ hàng triệu gia đình với bao trái tim tan nát, khổ đau khi vợ chồng phải xa lìa nhau, khi con cái khóc thương nhớ cha mẹ, cha mẹ thương nhớ con đang chịu cảnh lưu đày trong các trại tù cải tạo hoặc bỏ mình trong rừng sâu hay chìm sâu dưới đáy đại dương khi phải trốn chạy “thiên đường xã hội chủ nghĩa”. Tấn thảm kịch đó còn kéo dài cho đến tận ngày nay đó là mỗi khi công dân “được mời” đến làm việc với bọn du côn an ninh, phải đối diện với những phiên tòa rừng rú, bất nhân, phải đối mặt với bọn cai tù lưu manh trong những trại tù bất lương, vô đạo? Nhân loại đã bước sang thế kỷ thứ hai mươi mốt của thiên niên kỷ mới, một thiên niên kỷ của công nghệ hiện đại; của văn minh, tiến bộ, với yếu tố con người quyết định mọi sự vật và nhân phầm, nhân quyền được đặt lên hàng đầu, thế nhưng các quốc gia cộng sản chủ nghĩa như: Trung quốc, Việt nam, Bắc hàn lại đem tính mệnh con người ra làm những trò đùa giởn ác ôn, xem mạng sống con người như cỏ rác. Chứng tỏ rằng cái hệ tư tưởng xhcn này là tầm vóc tư tưởng của cái thuở nhân loại còn ở vào thời tiền sử, sơ khai khi con người còn là súc vật chưa có bộ óc người để biết nghỉ suy những điều hay, lẽ phải.

3- Hệ quả của việc phá bỏ, đạp đổ một chính thể: Khi gầy dựng lên một công trình kiến trúc phải tốn kém nhiều tiền của, công sức, lẫn thời gian nhưng khi đập đổ, phá bỏ thường dễ dàng, nhanh chóng! Những kẻ nhân danh “hội đồng quân nhân cách mạng” ngày đó đã đập đổ, phá bỏ một chính thể Cộng hòa mà Tổng Thống Diệm và cố vấn Nhu gắng công, gắng sức gầy dựng trong chín năm? Họ đã có công đập đổ, phá bỏ chỉ trong vài giờ nhưng họ không thể xây dựng nổi một chính thể cộng hòa vững mạnh, một chế độ quốc gia ổn định, và phồn vinh chỉ có hệ lụy của nó mang lại là thảm cảnh của sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975. Quân đội là trụ cột quốc gia nhưng tập thể hội đồng tướng lãnh bao gồm là Bộ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh quân binh chủng, Giám đốc nha an ninh quân đội lại hùa nhau làm binh biến. Sinh viên, học sinh là rường mối nước nhà, là thế hệ trẻ của tương lai nhưng bị giật dây cùng kéo nhau xuống đường chống chế độ? Họ chính là những kẻ phá bỉnh, tự biến mình trở thành những con rối trên chính trường miền Nam. Việc làm sụp đổ một chế độ mà họ đã từng phục vụ và chủ mưu giết chết một Tổng Thống là một điềm tối kỵ. Tương lai đen tối của dân tộc đã được dự báo trước. 

Những kẻ trực tiếp gây nên cuộc chính biến cách đây năm mươi năm đã không dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa lâm vào cảnh năm phe, bảy phái và xáo trộn, bất ổn. Những cuộc chỉnh lý, đảo chính đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đối phương có nhiều cơ hội và thời gian để củng cố lực lượng. Việc chia rẻ, mất đoàn kết là nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả của sự suy yếu, tan rả và tháo chạy vào ngày 30/4/75, chấm dứt hai mươi mốt năm cầm quyền của cả hai nền Đệ nhất, đệ nhị Cộng hòa. Trong lúc quân, cán, chính miền Nam phải bị tra tấn, giam cầm trong những trại tù cải tạo, thân nhân của họ bị dồn ép phân tán đi vùng kinh tế mới, thương nhân bị tước đoạt nhà máy, công xưởng, nông dân bị tước đọat đất đai. Công cuộc phát triển đất nước gần bốn mươi năm qua chỉ loay hoay trong cải cách và dựa vào việc thu hồi đất vay nợ nước ngoài, đẩy nhân dân miền nam rơi vào vòng kiềm tỏa của gông cùm, xiềng xích vô hình trói buộc đó là: “sở hữu toàn dân trong hiến pháp”, đã xô đẩy người nông dân lương thiện trở thành kẻ chống đối, tội đồ và làm cho nhiều gia đình mất nhà, mất đất rơi vào cảnh khốn khổ, bần hàn và những điều: “79, 88, 258” của bộ hình luật, đưa đẩy nhiều số phận người yêu nước, chuộng dân chủ rơi vào vòng lao lý. Những kẻ vong quốc trong cái gọi là: “Hội đồng quân nhân cách mạng” và những kẻ có liên quan trong ngày đảo chánh 01/11/1963 họ có nhìn nhận ra sự sai lầm và tác hại khi làm sụp đổ một chính thể và giết chết một Tổng thống? 

Người xưa có câu: “Thời thế tạo anh hùng” vẫn nguyên giá trị

Gần tháng nay, trên các phương tiện truyền thông trong nước lẫn quốc tế đã đưa tin ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi ở độ tuổi xưa nay hiếm, thọ đến 103 tuổi. Nhiều bài viết ca ngợi công đức to lớn của một nhà quân sự thiên phú, một vị tướng tài ba đã đi vào lịch sử sánh ngang: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ cùng những vị danh tướng trên thế giới. Trong khi đó Tổng Thống Diệm một người cùng thời, cùng quê hương Lệ Thủy - Quảng Bình, cùng ở vào hoàn cảnh một dân tộc bị mất nước, cùng đứng trước vận nước ngả nghiêng, mang cùng một hoài bảo giành lấy độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã sớm nằm dưới mộ sâu cùng hai người em trong một cuộc chính biến cách đây đúng nữa thế kỷ với nhiều điều tiếng: thiên vị công giáo, đàn áp phật giáo, độc tài, gia đình trị? Các ông ra đi cùng với những hoài bảo chưa thành: đó là một quốc gia giang sơn gấm vóc, một miền Nam ấm no, thịnh trị và cái chết của các ông lại vắng lặng không kèn, không trống; không được mồ yên, mả đẹp vì mộ phần của các ông phải cải táng, dời chuyển tới lui đôi ba lần. Thế thái nhân tình, lòng dạ con người càng võ đoán, ngay từ thời đệ nhị cộng hòa chẳng có mấy ai để tâm thăm viếng vì sợ liên lụy đến con đường công danh, phú quý và sau ngày 30/4/75 cũng chẳng mấy người dám đến công khai thắp hương bái viếng vì sợ quy chụp, theo dõi.

Giả sử sau thế chiến thứ hai người Pháp không quay trở lại Đông dương, hoặc tướng Henri Navarre không thụ động tập trung quân trong lòng chảo Điện Biên Phủ thì đã không có một chiến thắng Điện Biên Phủ? Nếu việc thay đổi chiến lược vào giờ chót dẫn đến thất bại chắc chắn tướng Giáp đã trở thành kẻ tội đồ? Vì vậy mới có câu: “Thời thế tạo anh hùng”. Thời thế Tướng Giáp có được là nhờ đi trên con đường mà nền tảng đã có từ trước năm 1930 và ngày 3/2/1930 là cột mốc đánh dấu cho một nền móng vững chắc để có thể xây dựng trên đó những công trình, kiến trúc cho dù công trình, kiến trúc đó lạc hậu, lỗi thời thì nó vẫn đứng vững không một thế lực nào có thể đẩy lùi, xô ngã. Ngược lại Tổng thống Diệm đã không thể gặp vận may, hoặc những thời cơ thuận lợi để trở thành người hùng của Chế độ Cộng hòa khi hai ông phải vun đắp, xây dựng một nền tảng quốc gia bằng sự nhặt nhạnh, gom góp những thứ nguyên vật liệu tạp nham từ tay người Pháp? Vì kết cấu nền móng của một chính thể không gắn kết nên đã hình thành một hệ thống chính quyền không kiên vững. Tổng thống Diệm đã chọn lựa cho mình một con đường quốc gia đầy gian nan, thác ghềnh; do đó dù Tổng thống Diệm có mơ ước xây dựng trên đó một công trình, kiến trúc kỳ vỹ là không thể thành công vì công trình, kiến trúc đó thật sự ngã đổ trước phong ba, bảo táp của thời cuộc.

Thế sự nhiễu nhương, đầy rẩy những man trá, bản chất “thực bụng Nam bộ” của người miền Nam quả thật ngô nghê dễ dàng xuôi tai nghe theo lời ngon, tiếng ngọt, nên dễ bị lôi kéo, lợi dụng vào những mưu đồ chính trị đen tối. Thời cuộc, chính trường của những năm 1954 – 1957 – 1963, ở miền Nam là một tình trạng rối ren, hỗn loạn! Mọi giáo phái, phe đảng chính trị đều tranh thủ, tận dụng cơ hội để tranh giành ảnh hưởng, quyền lực. Nhiều thủ đoạn chính trị gian trá, được đem ra sử dụng nhằm triệt hạ uy tín lẫn nhau không từ cả việc sát hại, thủ tiêu rồi gán ghép cho đối thủ? Thật khó hình dung để xác định đâu là sự thật, đâu là gian tà; đâu là lý tưởng mục tiêu vì nước, vì dân và đâu là tham vọng quyền lực chính trị? Thật đáng thương thay cho những hy sinh, mất mát đặc biệt là hai cái chết của cụ Diệm, cụ Nhu; hai ông đã ngã xuống vì một đại cuộc chưa thành, kéo theo thân phận của cả dân tộc phải đương đầu với vận nước đảo điên. Thời cuộc vật đổi sao dời nhưng hoàn cảnh sống của người Việt Nam vẫn mong manh, không thể thoát khỏi tiền kiếp nô lệ: ngàn năm nô lệ giặc tàu, tám mươi năm nô dịch thực dân, hai mươi năm nội chiến Bắc-Nam phải lệ thuộc đế quốc (Nga xô, Tàu cộng, Hoa Kỳ), bốn mươi năm bị tròng vào cổ cái ách định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiền kiếp ngàn năm Bắc thuộc trong quá khứ lại đang trở về?

Tổng Thống Diệm không phải là thần, thánh nên ông không tránh khỏi mắc sai lầm, thậm chí mắc rất nhiều sai lầm? Sai lầm vì tính nghiêm khắc mong cho một xã hội trật tự, kỷ cương nhưng không được xã hội chấp nhận để khi ông bị sát hại nó đã lan tràn để trở thành quốc nạn: tham nhũng, mua quan bán tước, băng đảng, trộm cướp, đĩ điếm, ma túy. Trong đó có những sai lầm về sự cả tin khi tiếp nhận một triệu dân di cư nhưng không có biện pháp thanh lọc người tốt, kẻ xấu, để họ xếp đặt, trà trộn cả mạng lưới tình báo, gián điệp thâm nhập vào Nam, leo cao vào chế độ. Và phạm phải một sai lầm không còn cơ hội để sửa chữa đó là đã giao phó nhầm sinh mệnh của ông, của dòng tộc và của cả chính thể Cộng hòa vào tay lủ tướng lĩnh côn đồ, sát nhân và phản phúc, lủ chính khách cơ hội bất tài. Xã hội Việt Nam phải mất đi vài thế kỷ nữa mới có thể văn minh, tiến bộ bởi chưa thoát ra khỏi những tư duy ấu trĩ, tầm thường? Dưới nhãn quan tôn giáo cũng vậy, người ta chỉ nghe thấy tiếng kêu gào, khích bác cho những việc chia rẽ, hận thù không đúng tâm, đúng tầm với tinh thần tôn giáo là từ bi, hỷ xả và công bằng, bác ái. Một ngày nào đó sự thật sẽ được tỏ tường trước bàn dân thiên hạ? Xin thắp lên bàn thờ bát hương tưởng nhớ đến những Anh linh trung hiếu, đạo nghĩa đã ngã xuống trong cuộc chính biến vô nhân ngày 01/11/1963. 

(Chính Biến Lịch Sử ngày 01/11/1963 – 01/11/2013)

Quốc Anh
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét