LTCGVN (15.06.2014)
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa
Con, và Chúa Thánh Thần”. Mỗi ngày chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi nhiều lần,
vì mỗi khi “làm dấu Thánh Giá” là chúng ta chúc tụng và tuyên xưng Chúa Ba
Ngôi. Chúng ta quen gọi tắt là “làm dấu”, nhưng hãy lưu ý: Làm DẤU chứ không
làm GIẤU. Thế mà có người lại thích “làm giấu” (không làm hoặc làm chiếu lệ) vì
họ “ngại” khi có mặt người lạ, người ngoại hoặc ở nơi công cộng (ăn tiệc, ăn
quán,...).
Hằng ngày,
ngoài việc làm dấu Thánh Giá, chúng ta còn nhiều lần chúc tụng Thiên Chúa Ba
Ngôi khi chúng ta cầu nguyện – chung hoặc riêng: “Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần, như
đã có trước vô cùng, và hằng có, và đời đời chẳng cùng” (Kh 1:8). Chúa
Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).
Lễ trọng này công bố Mầu nhiệm Trung tâm của Đức Tin: Thiên
Chúa Ba Ngôi.
Một hôm, từ
sáng sớm, ông Môsê lên núi Sinai như Chúa đã truyền dạy, ông mang theo hai bia
đá. Chính hai bia đá này sẽ được ghi Thánh Luật (Thập Giới, Mười Điều Răn). Khi
Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.
Ngài đi qua trước mặt ông và hô: “Đức
Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu
và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa
và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa
với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi
lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ
qua điều gì, và trừng phạt con
cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34:6-7). Thiên Chúa giàu
lòng thương xót nhưng rất công bình, Ngài “không bỏ qua điều gì” và “trừng phạt
tam tộc”. Người Việt chúng ta cũng nói: “Đời
cha ăn mặn, đời con khát nước”. Điều đó cho thấy tội lỗi có tính liên đới
chứ không đơn giản như chúng ta tưởng.
Khi nghe
tiếng Chúa, ông Môsê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thân thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với
Chúa thì xin Chúa cùng đi với chúng con.
Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và
tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 34:9).
Thiên Chúa
đã tạo dựng nên chúng ta, nhưng vì thích ăn “trái cấm” và kiêu căng, vì thế mà
mất ơn nghĩa với Ngài và bị “con rắn” quấn chặt. Tuy nhiên, Ngài vẫn yêu thương
chúng ta nên Ngài lại “tháo gỡ” cho chúng ta bằng Bí tích Thánh tẩy và Bí tích
Hòa giải, đặc biệt là cho Ngôi Hai nhập thể làm người và chịu chết để cứu độ
chúng ta, khôi phục nguyên trạng cho chúng ta là lại được quyền làm con như
xưa. Ngài đã sinh chúng ta hai lần – và nhiều lần khác, mỗi khi chúng ta xưng
tội. Đó là đại đặc ân của lòng thương xót mà chúng ta không thể hiểu hết. Vả
lại, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Lòng
thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại” (Nhật Ký Thánh Faustina, số
1485). Do đó, chúng ta phải biết chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Việc chúng
ta chúc tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Ngài nhưng sinh ích lợi cho phần rỗi
của chúng ta (Kinh Nguyện Thánh Thể).
Ngay lúc ở
trong lò lửa, A-da-ri-a vẫn hát vang bài thánh ca: “Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời
khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời
khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin
dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời. Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin
dâng lời ca tụng suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ
giá mà thấu nhìn vực thẳm, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng
Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời”
(Ðn 3:52-56).
Chúc tụng
Thiên Chúa khi chúng ta êm ả như dòng sông hiền hòa thì không là điều khó,
nhưng thật là khó nếu cuộc đời chúng ta gặp điều bất trắc mà vẫn ca tụng Chúa.
Vì thế, chúng ta phải cố gắng không ngừng. Dù bị trắng tay và khốn khổ cùng
cực, nhưng Thánh Gióp vẫn chấp nhận và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ
trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc
tụng danh Đức Chúa” (G 1:21). Gương Thánh Gióp thật sáng ngời, chúng ta phải
cố gắng noi theo.
Chúc tụng
Chúa Ba Ngôi là thể hiện niềm tín thác vào Ngài, niềm tin đó còn phải được thể
hiện với nhau trong cuộc sống đời thường. Đó không chỉ là điều cần thiết mà còn
là bổn phận với nhau, vì mọi người đều có mối liên đới với nhau. Thánh Phaolô
nói: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và
gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận
hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em. Anh
em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện” (2 Cr 13:11-12). Đó là ước muốn
thánh thiện, phù hợp với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”
(Mt 5:48). Và Thánh Phaolô cầu chúc mọi người: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô,
đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr
13:11-13). Thật hạnh phúc khi chúng ta đang được sống trong lời cầu chúc
đó, vì cuộc sống chúng ta luôn đầy ơn Chúa, tình Chúa và ơn hiệp thông của Chúa
Thánh Thần.
Bằng chứng
minh nhiên của Tình Chúa là chính “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”
(Ga 3:16). Quả thật như vậy, và còn hơn thế nữa: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế
gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con
của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã
không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18).
Thiên Chúa là
Đấng toàn năng, hằng hữu và hằng sinh, chúng ta luôn phải tạ ơn Ngài mọi nơi và
mọi lúc. Chúng ta vui mừng tuyên xưng Đức Tin về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thiên
Chúa mặc khải vinh quang của Ngài như vinh quang của Chúa Con và Chúa Thánh
Thần: Ba Ngôi bằng nhau về uy quyền, không phân chia sự huy hoàng, nhưng
chỉ là Một Thiên Chúa, được phụng thờ trong vinh quang muôn đời. Sống yêu
thương nhau là giữ Thánh Luật và thực hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu đã truyền
(Ga 13:34-35), đồng thời cũng là sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy: “Chính bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Bằng
cách sai Con Một và Chúa Thánh Thần Yêu thương một cách trọn vẹn, Thiên Chúa đã
mạc khải bí mật tận cùng của Ngài: Chính Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần – trao đổi tình yêu hằng hữu, và Ngài tiền định chúng ta cùng
chia sẻ sự trao đổi đó” (số 221). Ba Ngôi trong Tam Vị Nhất Thể đã
khai mở tính hợp lý mà Giáo lý Công giáo gọi là “bí mật tận cùng” về Thiên Chúa
Ba Ngôi.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn biết
chúc tụng và tôn vinh, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của thụ tạo chúng con. Xin
luôn ban Thần Khí Chúa để chúng con can đảm sống Đức Tin trong mọi hoàn cảnh
trên suốt chặng đường lữ hành trần gian. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét