Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Xấu và Đẹp


LTCGVN (03.11.2013)

Xấu và Đẹp
Khi nói đến từ “xấu”, người ta có thể hiểu là “xấu bụng”, xấu về tính nết, xấu vì thói hư, nhưng khi nói đến “xấu xí” thì chỉ mang nghĩa “xấu” về ngoại hình, bề ngoài; còn từ “xấu xa” để chỉ cái xấu tâm tính. Việt ngữ “độc đáo” thật, đúng là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Xấu trái ngược với đẹp – nói chung. Đẹp chưa chắc hơn xấu, như người Việt thường nói: “Xấu đều hơn tốt lỏi” hoặc “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

TỪ NGỤ NGÔN…
Bộ phim hoạt hình “Vịt Con Xấu Xí” (*) do hãng phim Walt Disney sản xuất. Phim chuyển thể từ truyện ngụ ngôn “Vịt Con Xấu Xí” (nguyên ngữ Đan Mạch: Den grimme ælling, tiếng Anh: The Ugly Duckling) của văn thi sĩ Hans Christian Andersen (1805–1875), xuất bản lần đầu vào ngày 11-11-1843 ở Copenhagen, Đan Mạch.
Tại một trang trại, có một gia đình vịt sinh sống và Vịt Mẹ đang ngồi ấp một ổ trứng mới đẻ. Vào một buổi sáng đẹp trời, những cái trứng nở ra bốn chú vịt con màu vàng và nhanh nhảu. Vịt Chồng “cưng” Vịt Vợ lắm, thể hiện qua những nụ hôn. Vịt Vợ nổi nóng, nhảy cẫng lên, thế là còn một quả trứng lớn hơn, rồi nó chợt động đậy. Và một đứa con khác chào đời. Vịt Mẹ không nhớ mình đã đẻ quả trứng này lúc nào. Làm sao nhớ được chứ?
Lạ thay là quả trứng lớn kia lại nở ra đứa con màu trắng và to con hơn bốn Vịt Con xám. Vịt Mẹ thắc mắc, hết nhìn đứa trắng lại nhìn mấy đứa vàng. Và cợ chồng Vịt cãi nhau, Vịt Chồng nghi ngờ Vịt Vợ. Vịt Vợ phân trần nhưng Vịt Chồng không nghe. Vịt Con màu trằng đứng giữa “chịu trận”. Vịt Vợ điên tiết “choảng” cho Vịt Chồng một cú, rồi bực tức dẫn bốn Vịt Con màu vàng đi xuống ao. Vịt Con màu trắng lẽo đẽo theo sau. Vịt mẹ và lũ Vịt Con màu vàng chơi đùa vui vẻ. Vịt Con màu trắng cũng đùa theo, nào ngờ Vịt Mẹ nổi nóng xua nó đi. Vịt  Mẹ và lũ Vịt  Con màu vàng bỏ đi chỗ khác. Vịt Con màu trắng lại chạy theo, nhưng nó bị Vịt Mẹ hất ra xa, và cả mấy đứa vàng cũng mỉa mai nó.
Còn lại một mình, Vịt Con màu trắng suy nghĩ và nhìn lại mình. Nó thấy bóng mình dưới nước rồi hoảng hốt. Nó lại soi bóng lần nữa. Và nó biết mình “khác loài”. Nó khóc khi nhìn thấy Vịt Mẹ thương lũ Vịt Con màu vàng. Nó tủi thân và bỏ đi.
Đang đi thì nó nghe tiếng Chim Non “léo nhéo” trên cây gần đó. Nó leo lên với chúng. Khi đó Chim Mẹ đem mồi về. Vịt trắng há miệng đón mồi. Chim mẹ chợt nhận ra không phải con mình nên giằng mồi lại, rồi tức giận đánh và đuổi Vịt trắng một phen hú vía. Nó chạy như bay thì đụng phải con Vịt Gỗ rất to nổi lềnh bềnh trên nước ao. Mới đầu nó sợ cũng bị xua đuổi, nhưng nó thấy Vịt Gỗ hiền quá, nó lại gần và leo lên Vịt Gỗ. Vịt trắng càng nhảy thì Vịt Gỗ càng bập bênh, nó khoái lắm. Nhưng rồi Vịt Gỗ bập bênh mạnh quá khiến nó rớt xuống ao, nó lại leo lên Vịt  Gỗ. Nó bập bênh tiếp, rồi Vịt Gỗ theo quán tính lại hất nó xuống nước và mổ vào nó. Nó kinh hoàng rồi bỏ đi. Nó lại khóc vì tủi thân. Không hiểu sao ai cũng ghét mình.
Nó ra bờ hồ khóc tức tưởi. Nó soi lại bóng mình lần nữa, và òa khóc. Chợt có Thiên Nga mẹ dẫn theo bốn Thiên Nga Con ngang qua đó. Bốn Thiên Nga Con tới rủ Vịt trắng. Nó thấy lạ, nhưng nó nhận ra hình như nó là Thiên Nga. Nó hòa nhập với đàn Thiên Nga. Khi bốn Thiên Nga Con đến chỗ Thiên Nga Mẹ, Vịt trắng buồn bỏ đi. Nhưng lũ Thiên Nga Con giữ nó lại. Thiên Nga mẹ vui mừng âu yếm đứa con mới.
Gia đình Thiên Nga đang đi thì gặp gia đình Vịt. Vịt Mẹ hối hận gọi con nhưng Vịt trắng, bây giờ là Thiên Nga, không quay lại mà chạy theo mẹ con Thiên Nga... Vịt Con xấu xí vì bị người khác không hiểu và không nhận biết, chứ thực ra Vịt Con không hề xấu xí, mà đẹp lắm, vì Vịt Con xấu xí lại chính là Thiên Nga đáng yêu!
…TỚI ĐỜI THƯỜNG
Câu chuyện về Vị Con xấu xí gợi nhớ tới ông Dakêu trong trình thuật Lc 19:1-10. Ông là người có chức quyền, có địa vị, có của cải, nhưng lại thiếu “ngoại hình”, vóc dáng thấp bé, lùn tịt.
Biết tin Đức Giêsu đi ngang qua thành phố Giê-ri-khô, ông Dakêu – đứng đầu những người thu thuế và giàu có – tìm cách được tận mắt thấy con-người-khác-lạ ấy để có thể có cơ hội tiếp cận. Ông Dakêu muốn thấy Đức Giêsu, nhưng không được, một phần vì người ta đông như kiến, mà ông ta lại lùn tịt. Ông nhanh trí chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để ngó Đức Giêsu, vì Ngài sắp đi qua đó.
Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, Ngài biết có người muốn gặp mình nên Ngài nhìn lên và nói: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Chỉ đợi có thế, ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Độc mồm độc miệng hết sức! Đã xấu thì xấu đủ thứ. Thấy người khác được Chúa Giêsu quan tâm mà cũng ghen bóng ghen gió. Họ không chỉ ghen tức với ông Dakêu mà còn chê Chúa Giêsu là người đàng hoàng mà lại thân thiện với phường tội lỗi. Ác quá!
Mặc kệ! Ông Dakêu phấn khởi thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu chưa đòi hỏi gì mà ông đã nhận biết mình có tội. Đó là khiêm nhường và sám hối. Chúa Giêsu thích lắm!
Rồi Ngài nói với mọi người về ông Dakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham”. Ai TIN TƯỞNG thì SÁM HỐI, khi SÁM HỐI rồi thì sẵn sàng ĐỀN TỘI. Chúa Giêsu thích 1 người-xấu-biết-hoán-cải hơn là 99 người tốt lành, vì Ngài có mục đích: “Con Người đến để tìmcứu những gì đã mất”. Rất đơn giản!
Lạy Thiên Chúa, xin mở lòng trí chúng con để chúng con biết tìm kiếm Chúa như ông Dakêu, và biết dâng tất cả những gì mình có, vì những thứ đó cũng là do Chúa ban chứ chúng con chẳng làm nên tích sự gì. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét