Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Nhà Máy Điện Hạt Nhân Việt Nam: “Bom nguyên tử hẹn giờ”




LTCGVN (12.11.2013)

Nhìn hình ảnh các khu vực bị tàn phá tại Philppines do Siêu bão “Haiyan” gây nên vừa qua mà lạnh người, đau buồn cho nước bạn một lẽ nhưng lẽ khác sởn gai ốc lớn hơn nhiều khi nghĩ đến quê nhà: Nếu đó là một viễn cảnh đối mặt với 2 nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận của Việt Nam trong tương lai, sau khi hoàn thành, khởi động.

Điều gì xảy ra nếu NMĐHN Ninh Thuận sẽ như thế này (khu vực bị tàn phá tại Philppines do Siêu bão “Haiyan” vừa qua)

Không biết “nhà nước, đảng ta” và các chuyên gia Nga có đoan chắc và khẳng định được với toàn dân Việt Nam rằng cơ sở vật chất NMĐHN ấy sẽ chịu được một cơn bão như “Haiyan” mang theo sức gió vào khoảng 320 km/h, giật mạnh lên tới 380km/h, sóng cao tới 15m và tạo ra lượng mưa 600 đến 400mm từ trung tâm lan rộng ra nhiều nơi?.

Mô hình NMĐHN tại xã Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận

Có thể khi siêu bão “Haiyan” tan rồi thì cơ quan hữu quan nhà nước “đảng ta” sẽ trấn an dư luận cho rằng vùng đất Ninh Thuận dù địa lý thuộc miền Trung nhưng ở cuối rìa giáp miền Nam nên hiếm khi nào bị bão đe dọa!

Nếu có quan niệm này thì xin quí vị lục lại trí nhớ, thời gian không xa lắm:

Ngày 5/12/2006 Sau khi gây thiệt hại nghiêm trọng ở philippines với hơn 1, 200 người chết, cơn Bão số 9 có tên quốc tế là Durian (Sầu Riêng) tiến qua Việt Nam càn quét tàn phá một loạt các tỉnh miền Nam, gây nên 50 người chết, 55 người mất tích, 409 người bị thương. 119. 314 nhà bị sập đổ, tốc mái, 888 tàu thuyền bị chìm - 9 trong số 13 tỉnh ở miền Nam Việt Nam đã bị bão tàn phá đó là Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. [1]

Điều này có nghĩa, “bão tố hay sóng thần” không hề chọn lựa điểm dừng, duyên hải Ninh Thuận là một trong những vị trí “sống lưng” Việt Nam hướng ra biển Đông, hàng năm cũng luôn trong tư thế hứng những cơn bão từ Thái Bình Dương đi qua Philippines mà điểm tập kết cuối cùng phần lớn là duyên hải VN – Rõ ràng thật là khủng khiếp tới độ kinh hoàng nếu bão tố gây nên thiệt hại hại NMĐHN/VN diễn ra như nhà_máy điện_Fukushima I; Nhật Bản bị sóng thần hai năm trước, là cường quốc nguyên tử, từ vị trí tự thiết kế chế tạo sở hữu 55 NMĐHN đến nay Nhật Bản không còn nhà máy ĐHN nào. Ngày 15/9/2013, Nhật Bản đã cho đóng cửa ngừng lò phản ứng điện hạt nhân cuối cùng. (Dân trí)

Và dù đứng hàng thứ 3 cường quốc nguyên tử đầy kinh nghiệm nhưng ngày 07-10-2013 Sau 2 năm “vật lộn” với phóng xạ - Nhật Bản đành phải kêu gọi thế giới trợ giúp xử lý rò rỉ phóng xạ ở Fukushima - Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo, cơ quan này đang cử một nhóm thanh sát viên tới thị sát. Nhật Bản quyết định chi 500 triệu USD cho công việc làm sạch nhà máy Fukushima… (www.baomoi.com)

Liên quan sự kiện NMĐHN của Việt Nam chúng ta được biết:

Nga đã nhất trí cho Việt Nam vay 8 - 9 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đặt tại Ninh Thuận - Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến khẳng định, tại thời điểm này Việt Nam có 4 lý do để xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm: 1) các nguồn năng lượng hóa thạch cũng như thủy điện trong nước cũng như trên thế giới đang cạn kiệt; 2) nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tại và tương lai ở tình trạng thiếu; 3) năng lượng hạt nhân hiện nay đã đảm bảo tính an toàn cao và hiệu quả kinh tế cũng cao; 4) điện hạt nhân giảm được khí thải nhà kính. [2]

Tuy nhiên ngoài năng lượng “gió và mặt trời” có thể phản biện với 4 lý do nêu trên của ông thứ trưởng, còn có 3 lý do rất quan trọng khác “thiên tai, nhân tai và địch họa” cho NMĐHN Việt Nam thì không thấy ông Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến đề cập đến – Ngoài thiên tai bão tố sóng thần ngẫu nhiên “hứa hẹn” như nói trên còn một thứ “tai” khác cực kỳ nguy hiểm mà không thể không đề cập do con người gây nên như tai nạn nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Dù nước Nga đã cố tình che đậy thông tin nhưng các chuyên gia nguyên tử đều xác định tai nạn thảm khốc Chernoby là do con người vận hành bảo trì nhà máy sai sót gây nên. Về vần đề này (Vận hành bảo trì lẫn kinh nghiệm nguyên tử) đối với CHXHCN/VN là con số không tròn trịa! Nhưng còn cái “tai” thứ 3 khác nữa nhưng do con người chủ tâm tạo ra mới to lớn kinh khủng khó lường hơn đó là “địch họa”.

Thế giới và chúng ta ai cũng biết, Trung Quốc đang mưu đồ độc chiếm biển Đông và toàn bộ các nhóm đảo trong đó, sự ngang ngược thô bạo lì lợm như không dám có mặt tại tòa án quốc tế về luật biển mà Philippines thách thức dù TQ là một trong 5 thành viên thường trực của hội đồng bảo an LHQ.

Tư tưởng bành trướng liều lĩnh sống sượng tới mức, đầu năm nay ngày 26. 03. 2013, ngay tại một rạn san hô ở vùng cực nam Biển Đông mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. 4 chiến hạm TQ do chiếc tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) dẫn đầu tham gia một cuộc đổ bộ tập trận đã được báo chí Trung Quốc quảng bá rầm rộ. Nơi tập trận chính là khu vực bãi ngầm san hô James Shoal này, chỉ cách Malaysia có 80 km, nhưng cách bờ biển Trung Quốc đến 1. 800 km, và nằm gần sát điểm cực nam đường 9 đoạn gần với quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền.

Viện dẫn như thế để thấy rằng sau khi cướp đoạt được Hoàng Sa thì quần đảo Trường Sa của Việt nam là khát vọng mưu toan tiếp theo của TQ để làm tiền đồn khống chế toàn biển Đông, khi mà còn nghèo đói TQ còn ngang nhiên “dạy” cho CSVN một bài học thì bây giờ “giàu có” hơn, dạy thêm một “bài học” nữa cho VN để thâu tóm Trường Sa là chuyện rất cần và không khó chút nào với TQ, có điều là khi nào hoặc bao giờ mà thôi.

Khi TQ và CSVN đụng độ trên biển Đông thì liệu những cơ sở quan trọng nằm ven duyên hải của VN như 2 NMĐHN ở Ninh Thuận – Thật lòng mà nói – Chắc không thua gì 2 cái bia cố định cho đủ loại tàu chiến, tàu ngầm TQ từ biển Đông tác xạ như thực tập bằng các loại tên lửa, nhất là 2 loại tên lửa phổ biến “TRI-60” và “C-602” mà TQ đang sản xuất hàng loạt như “bánh mì” bán ra cho nhiều nước khắp thế giới

Tên lửa TRI-60, trọng lượng đầu đạn khoảng 150 ký sử dụng động cơ đẩy tuabin phản lực tầm bắn hiệu quả đạt trên 120 km. Tính năng này đạt được là nhờ lắp thêm động cơ tua bin siêu nhỏ TRI-60-2 Microturbo do Pháp chế tạo, (sau này, động cơ TRI-60-2 đã được chế tạo tại Trung Quốc).

Tên lửa TRI-60 của TQ được phóng đi từ các tiểu đỉnh hạng nhẹ 

Tên lửa xuất khẩu đại trà C- 602 dựa trên mẫu tên lửa SS-N-2 Styx của Liên Xô. Tuy nhiên, C- 602 lắp động cơ tuabin phản lực lại là một thiết kế hoàn toàn mới, rất hiện đại với tầm bắn tới 280 km, vận tốc bay khoảng 0, 8 Mach. Đầu đạn nổ xuyên giáp thép nặng 300 kg sử dụng ngòi nổ chậm điện tử... tên lửa này hiện nay được trang bị cho các tàu khu trục lớp Lan Châu Type 052C và nhiều loại tàu khu trục hạng nhẹ cơ động của hải quân Trung Quốc từ năm 2004. Khi triển khai trên biển, hệ thống tên lửa sử dụng các bệ phóng từng cụm 4 tên lửa được bố trí thành từng cặp.

Tên lửa C- 602 của Trung Quốc

Với lực lượng không và hải quân áp đảo khi cần thiết TQ không khó lắm để dội một trận mưa phi đạn lên 2 NMĐHN của Việt Nam và dù CSVN có đủ 6 tàu ngầm Kilo cũng chẳng thể nào che chắn được cho 2 “quả bom nguyên tử” hẹn giờ đang đặt cách mép nước biển chỉ vài trăm mét.

Không như NMĐHN Fukushima I; bị sóng thần gây hại thất thoát phóng xạ, chủ yếu qua đường thoát ra biển (giải nhiệt) – NMĐHN khi bị bom nổ sự thất thoát phóng xạ kinh hoàng hơn gấp nhiều lần (như vụ nổ Chernobyl) với bán kính hằng trăm km trên đất liền và nước biển, kèm cộng hưởng theo gió mang đi – 2 nhà máy điên hạt nhân Ninh Thuận nằm ở duyên hải bình nguyên tương đối hẹp miền trung, từ chân núi dãy Trường sơn ra đến biển khoảng dưới 50km khi vụ nổ xảy ra đồng nghĩa với phóng xạ chia cắt cô lập 2 miền Nam Bắc mà sự thiệt hại không thể tính hết bằng tiền.

Toàn cảnh khái quát u ám là như vậy, các chuyên gia nguyên tử quốc tế và công luận trong, ngoài nước thi nhau cảnh báo – Nhưng không rõ vì sao Quốc Hội vẫn bật đèn xanh cho nhà nước triển khai khi nền kinh tế lạm phát triền miên, ngân sách thâm thủng thu không đủ bù chi mà lại đi vay hàng chục tỷ USD để rước 2 quả “bom nguyên tử” về cài trên đất nước mình chờ Trung Quốc khai hỏa?? Mà nghiệm suy từ quá khứ lẫn hiện tại: “Bắt thang lên hỏi ông trời – Chơi với Tàu Cộng lãi, lời ra sao?”


____________________________

Chú thích:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét