Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

SN CHÚA NHẬT THỨ BA MƯƠI MỐT THƯỜNG NIÊN: "Những Ai Gặp Chúa Trời Sẽ Biến Ðổi Ðời Người"

LTCGVN (03.10.2013)



CHÚA NHẬT THỨ BA MƯƠI MỐT THƯỜNG NIÊN

KHÔN NGOAN 11,22-12,2 ; 2THÊ-SA-LÔ-NI-CA 1,11-2,2 ; LU-CA 19, 1-10

Những Ai Gặp Chúa Trời Sẽ Biến Ðổi Ðời Người



Nguời ta không thể nào nói cho đủ hoặc nói quá nhiều rằng Thiên Chúa hằng muốn sống với con người, với chúng ta. Qủa thế, Chúa Trời ngày đêm đi tìm chúng ta, rồi Ngài yêu thương, vỗ về, âu yếm, Ngài hằng muốn là Người luôn chăm sóc, nuôi dưỡng chúng ta, và muốn đời chúng ta được hạnh phúc. Do đó, lý nào con người lại vô cảm, dửng dưng với Chúa Trời ? Thiên Chúa không bao giờ khinh thị ta là kẻ tầm thường khố rách áo ôm, Ngài cũng chẳng kết án ta là tội nhân không xứng với Ngài. Ðúng hơn, những tội nhân, đó không chính là nỗi bất hạnh của họ mà Thiên Chúa muốn, song Chúa Trời muốn sự hoán cải của họ hơn ngững gì tội nhân xem thường. Ðó cũng không phải là sự mất mát của họ mà Ngài muốn, nhưng là sự thay đổi cái nhìn của tội nhân cùng thay đổi con tim của họ.

Còn lời nào đẹp hơn, êm ái hơn, yêu thương hơn tâm tình của Chúa Trời cho con người, và đây là những lời tuyệt hảo được trích ra từ sách Khôn Ngoan, chúng ta vừa nghe qua : « Chúa Trời thương xót hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải » (Khôn Ngoan 11,23).

Từ ý đẹp này, làm sao người ta có thể tự nghĩ đến việc tạo nên hình ảnh một Thiên Chúa nghiêm khắc, hở một tí là quát mắng, nạt nộ, và báo thù cho bằng được? Ðây có thể chỉ là một đọan trích từ các sách Cựu Ước, mà Thiên Chúa nhắm mắt cái tội của loài người về những điều các Tiên Tri nói đến một Thiên Chúa là tình yêu cùng giàu lòng thương xót, Ngài là Người chậm giận giư và ân cần khi tha thứ (Xuất Hành 34,6). Phải chăng chúng ta cho Chúa Trời dùng phương pháp hành xử không hay? Không có gì đẹp hơn khi chúng ta luôn biết đọc Cựu Ước và giải thích Cựu Ước theo ánh sáng của Tân Ước. 

Bởi chính xác hơn cả, và hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, đó chính là Chúa Ki-tô mà Thiên Chúa ban tặng cho con người cùng chúng ta. Quả không có một tinh thần báo thù nào ở trong Ngài, không có một hành vi độc ác nào lúc Ngài hành sự. Trái lại, chúng ta thấy Chúa Giê-su là Người đi tìm gặp các tội nhân, những người nghèo khổ, những người bệnh tật cùng các người bất hạnh bị xã hội xua đuổi hay quên lãng. Ðẹp thay! Chúa Giê-su là Ðấng bỏ lại 99 con chiên, để đi tìm một con chiên lạc đàn (Luca 15,4). 

Như Tin Mừng hôm nay nhắc nhở lại cho chúng ta sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với ông Da-kêu. Quả chỉ cần hội đủ một việc là leo lên cây sung cao, để mong nhìn thấy được Chúa Giê-su của người đàn ông giàu có này, rồi từ đó tất cả đã khởi động cho một cuộc đời mới của Da-kêu. Quả chúng ta thấy ông Da-kêu quả hoàn toàn chửng hửng, như bị ngã ngựa, ông hoàn toàn bị biến đổi do cái nhìn kỳ lạ và trìu mến cùng lời đề nghị của Chúa Giê-su : « Da-kêu, xuống ngay đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông » (Luca 19,5). Da-kêu nghĩ mình là người tội lỗi, thấp hèn dưới mắt người đời, nên không thể tưởng tượng nỗi tất cả việc này chỉ xảy ra trong cái nhày mắt. Vả nữa, vì việc Thầy Giê-su, đại Ngôn Sứ tiếng tăm lửng lẫy lại đến ngụ nhà ông, vượt lên trên tất cả hy vọng cùng mong đợi của ông. Thế nhưng vượt ngoài tầm suy tưởng của ông Da-kêu, đó là lý do và đường lối của Thiên Chúa! Ðó chính là lý do hành động và phương pháp hành xử của Con Chúa Trời. 

Hạnh phúc thay! Thiên Chúa đi tìm chúng ta. Chúa trời lặn lội đi tìm gặp chúng ta bởi Ngài nồng nàn yêu thương chúng ta. Tuy nhiên Thiên Chúa không bắt ép chúng ta. Chúa Trời không bao giờ muốn cưỡng ép chúng ta. Thiên Chúa không muốn và chẳng muốn điều như thế và Ngài không thể làm vậy. Vì việc như thế không có ý nghĩa gì cả. Lý thực tình yêu không thể cưỡng cầu. Khi Chúa Trời đến với chúng ta, Ngài không dùng sức mạnh để đẩy cánh cửa lòng ta. Thiên Chúa đến bên cạnh nhà chúng ta, và chờ đợi ta mở cửa cho Ngài vào thăm. 

Thế đó là cách xử thế của Thiên Chúa đối với con người, với chúng ta. Ông Da-kêu đi tìm mong thấy được Chúa Giê-su, thì Ngài tức thì muốn gập ông. Trong lúc tiến lại gần Chúa Giê-su, ông Da-kêu cảm nhận được chính bằng tình yêu của Ngài đã chữa lành sự tổn thương của ông. Còn sau đó, tất cả bởi sự tự nhiên đưa đến. Ðể từ đó ông Da-kêu đáp lại tình yêu vì tình yêu. Ông hiến tặng một cách vui vẻ tài sản mình có để đền đáp cho người nghèo khó. Ông trả lại một cách rộng rải cho những việc làm sai trái của mình trước đây.

Thế đó nếu tình yêu không thay đổi được tình yêu, tình yêu không tẩy luyện tình yêu, tình yêu không dấn thân hướng về chân thiện và chân mỹ, thì chắc chắn không phải một tình yêu chân chính. 

Quả đẹp bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay kể lại câu chuyện gặp gỡ của Chúa Giê-su với ông Da-kêu, trong khi kết thúc câu sau thật có hậu : « Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất » (Luca 19,10). Nhất là trước đó, cũng Tin Mừng của thánh nhân, thánh Lu-ca phát ngôn lại trên môi miệng của Chúa Giê-su những lời nói như thế : « không phải những người mạnh khỏe cần đến thầy thuốc, nhưng là những người bệnh tật. Ta đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi, để họ được hoán cải » (Luca 5,32).

Quả có một số bệnh nhân bệnh tình tương đối nhẹ, một số khác thì bệnh tình trầm trọng hơn. Lại nữa, có một số tội nhân thì sống rất xa cách Thiên Chúa, và một số khác thì ít xa cách hơn. Như lời của thánh sử Gio-an nói rằng, ai tự phụ nghĩ mình là người không có tội, thì là người nói dối (1Gioan 1,10). Bởi thế, mỗi lần ngay từ đầu cử hành Thánh Lễ, chúng ta được Giáo Hội mời gọi tuyên xưng cùng thú nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của chúng ta, để cầu xin lòng thương xót của Chúa Trời tha tội cho chúng ta. Thực vậy chúng ta là những tội nhân được tha thứ, được yêu thương và hằng luôn được Thiên Chúa đi tìm gặp ở trong Con Ngài, chính là Chúa Giê-su, muốn là Nguười thân thiết với chúng ta.

Do đó câu chuyện lịch sử của ông Da-kêu cũng có thể là câu chuyện lịch sử của chúng ta. Chuyện lịch sử có thể tài diễn 10 lần, 20 lần hay 100 lần…, bởi người ta không bao giờ chấm dứt sự gặp gỡ với Chúa Giê-su. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, năm qua năm, Chua Giê-su đến với chúng ta và chúng ta đến với Ngài. Chúa Giê-su đi tìm gặp chúng ta và chúng ta cũng có thể đi tìm gặp Ngài. Chúa Giê-su muốn chúng ta mời Ngài đến nhà ta, và Ngài sẽ thuộc về chúng ta. Ðể tiếp rước Chúa Giê-su một cách trang trọng, đòi hỏi chúng ta mỗi người, là càng ngày càng trở nên những con người có trái tim luôn biết hoán cải.

Chúng ta cũng thế, từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác, cảm nhận được cử chỉ đẹp này khi ra khỏi Nhà Thờ, sẽ làm chứng rằng Chúa Ki-tô đã đến viếng thăm nhà chúng ta, và rằng chúng ta đã tiếp rước Ngài một cách trang trọng cúng vô vàn kính yêu Amen!

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng, 
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét